Nhiều trẻ có thể khiến bố mẹ chúng hốt hoảng cực độ vì chứng nín thở tạm thời, một tình trạng rất thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Vậy nguyên nhân của chứng nín thở tạm thời là gì và làm thế nào để giải quyết tình trạng này?
Triệu chứng của chứng nín thở tạm thời ở trẻ
Các đặc điểm và triệu chứng của chứng nín thở tạm thời bao gồm:
- Bé cảm thấy khó chịu bởi một sự việc nào đó, chẳng hạn như thất vọng, tức giận, bị thương, hoặc sợ hãi;
- Bé phát ra 1 hoặc 2 tiếng khóc dài;
- Bé nín thở cho đến khi đôi môi trở nên tái xanh;
- Bé thở ra sau đó nhưng hầu hết cứng lại, một số có thể bị co giật hoặc giật cơ;
- Sau đó bé lại tiếp tục thở bình thường và trở nên hoàn toàn tỉnh táo trong ít hơn một phút;
- Khởi phát trong khoảng thời gian bé được 6 tháng đến 2 năm tuổi;
- Chỉ xảy ra khi bé đang thức.
Nếu con bạn có những triệu chứng khác, hãy gọi cho bác sĩ để được giúp đỡ.
Nguyên nhân
Việc bé nín thở khi giận dữ là một phản ứng khá thông thường và hiếm khi được coi là bất thường. Chứng nín thở tạm thời của bé xảy ra từ 1 hoặc 2 lần một ngày hoặc từ 1 đến 2 lần trong một tháng và thường khỏi khi trẻ được 4 hoặc 5 tuổi. Chúng không nguy hiểm và thường không dẫn đến bệnh động kinh hoặc tổn thương não.
Khi nào bé cần đến bác sĩ?
Hãy đưa bé đến bác sĩ ngay nếu bé:
- Không thở trong hơn 1 phút (gọi 115);
- Con bạn bị bất tỉnh trong hơn 1 phút;
- Bé nhỏ hơn 6 tháng tuổi và đang dần tái xanh;
- Bé chuyển sang trạng thái trắng nhợt hơn là tái xanh.
Nên gọi cho bác sĩ nếu bé:
- Có bất kỳ cơn co giật xảy ra trong lúc mắc phải chứng này;
- Việc bé nín thở diễn ra hầu như mỗi tuần;
- Bạn có những thắc mắc khác liên quan tới tình trạng của bé.
Chăm sóc tại nhà khi bé nín thở
Chứng nín thở tạm thời thường vô hại, vì vậy bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Hãy đặt trẻ nằm xuống để tăng lượng máu lên não. Vị trí này có thể ngăn chặn hiện tượng co giật ở một số cơ bắp. Dùng một chiếc khăn ướt và lạnh đặt lên trán của bé cho đến khi bé bắt đầu thở trở lại. Hãy tính thời gian của vài lần lên cơn bằng cách sử dụng đồng hồ tính giây.
Không đặt bất cứ thứ gì vào miệng bé bởi những vật này có thể gây nghẹn hoặc nôn mửa. Đặc biệt, đừng rung lắc bé bởi điều này có thể dẫn đến chảy máu não.
Điều trị sau khi bé trải qua chứng nín thở tạm thời
Hãy ôm nhẹ bé và trở về với công việc của bạn và giữ thái độ thoải mái nhất có thể. Nếu bạn đang sợ hãi, đừng cho bạn con biết điều đó. Nếu bé nóng giận và dẫn đến việc nín thở tạm thời khi muốn một việc theo ý mình, đừng nên cho bé thỏa mãn ý muốn sau khi cơn nín thở tạm thời qua đi. Hãy để bé biết rằng những cơn nín thở tạm thời sẽ không mang lại kết quả nào cả.
Phòng ngừa những cơn nín thở tạm thời
Hầu hết các cơn nín thở xảy ra khi bé té hoặc sợ hãi đột ngột hoặc do cảm giác tức giận. Tuy nhiên, một số bé có thể bị phân tâm khỏi việc nín thở tạm thời nếu bạn khiến bé phân tâm. Hãy gọi con bạn đến gần và ôm bé hay chỉ bé nhìn vào một cái gì đó thú vị. Hãy hỏi bé có muốn uống một ly nước trái cây hay không. Nếu con bạn lên cơn hàng ngày, có lẽ bé đã học được cách kích hoạt cơn nín thở của mình. Khi bé nín thở, bé biết rằng bạn sẽ lo lắng, chạy đến ôm bế bé và chiều theo ý muốn của bé. Điều này khiến bé trở nên ỷ lại và tiếp tục lặp lại việc nín thở mỗi khi muốn vòi vĩnh hoặc nóng giận điều gì đó. Vì vậy, hãy nghiêm khắc với bé để hạn chế những hành động tiêu cực này của bé trong tương lai. Rủi ro lớn nhất của việc nín thở tạm thời là tổn thương não. Nếu con bạn bắt đầu nín thở khi đang đứng gần một bề mặt cứng, hãy nhanh chóng đến gần và đỡ bé xuống thấp thật nhẹ nhàng.
[embed-health-tool-vaccination-tool]