backup og meta

"Giật mình" với các biến chứng thủy đậu ở trẻ em

"Giật mình" với các biến chứng thủy đậu ở trẻ em

Thủy đậu là bệnh rất phổ biến ở trẻ, đặc biệt là vào tháng 3 và 4. Đây là bệnh lý nguy hiểm, nếu không trang bị kiến thức cần thiết trong việc chăm sóc, bạn có thể vô tình khiến trẻ gặp phải những biến chứng thủy đậu nguy hiểm. 

Thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Varicella zoster gây ra. Tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu ở trẻ em cao nhất thường là ở các khu đô thị, nơi tập trung đông dân. Độ tuổi dễ mắc bệnh là 2-7 tuổi và phần lớn là ở trẻ chưa được tiêm phòng thủy đậu. Bệnh ít khi gặp ở trẻ dưới 6 tháng. Người lớn cũng có nguy cơ mắc phải.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ em

Thủy đậu khởi phát từ 10 đến 21 ngày sau khi trẻ tiếp xúc với virus và thường kéo dài khoảng từ 5 đến 10 ngày. Phát ban là dấu hiệu cho thấy bệnh đã khởi phát. Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể xuất hiện 1-2 ngày trước phát ban như sốt, chán ăn, đau đầu, mệt mỏi.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em sẽ diễn biến qua 3 giai đoạn:

  • Xuất hiện các nốt mẩn đỏ với kích cỡ khác nhau sau đó lan ra toàn thân
  • Xuất hiện bóng nước
  • Bóng nước khô đi và đóng vảy, nhiều ngày sau thì lớp vảy bong ra.

Khi trẻ bị bệnh thủy đậu, bố mẹ tuyệt đối không để con gãi vì nếu bóng nước vỡ chúng sẽ lan rộng và để lại sẹo sâu cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Biến chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ em

biến chứng thủy đậu

Bệnh thủy đậu có nguy hiểm không? Trẻ sơ sinh bị thủy đậu có nguy hiểm không? Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng nó vẫn có thể dẫn các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp:

  • Nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương, khớp hoặc máu (huyết tương)
  • Mất nước
  • Viêm phổi
  • Viêm não (viêm màng não) hoặc nhiễm trùng não
  • Viêm gan
  • Viêm thận, viêm cầu thận cấp, suy thận
  • Nhiễm trùng máu
  • Hội chứng sốc nhiễm độc
  • Hội chứng Reye nếu dùng aspirin trong thời gian bị thủy đậu.

Trên thực tế, mặc dù đã giảm đáng kể số ca nhập viện và tử vong liên quan đến bệnh thủy đậu kể từ khi việc tiêm vắc xin được áp dụng rộng rãi nhưng số ca trẻ tử vong do thủy đậu vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Trong đó:

  • Biến chứng viêm phổi thường xảy ra với tỷ lệ khoảng 1/400. Biến chứng này thường gặp ở những trẻ có hệ miễn dịch yếu với những triệu chứng đặc trưng là ho, sốt và khó thở.
  • Nhiễm trùng não hoặc viêm não xảy ra với khoảng 1 – 2 trường hợp trong số 1.000 trường hợp mắc bệnh. Các triệu chứng thường gặp là đau đầu, chóng mặt, lú lẫn và thậm chí co giật. Đây là biến chứng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
  • Hội chứng Reye là biến chứng thủy đậu hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm liên quan đến viêm não và gan. Nó thường xảy khi trẻ bị nhiễm trùng được cho dùng aspirin.

Các dấu hiệu biến chứng của bệnh thủy đậu mà mẹ cần cẩn thận

Khi thấy trẻ có triệu chứng nhiễm thủy đậu, bạn nên đưa trẻ đi khám để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc trẻ, bạn cũng nên chú ý đến một số dấu hiệu cảnh báo biến chứng như:

  • Sốt kéo dài hơn bốn ngày hoặc cao hơn 38,8 độ C
  • Ho dữ dội hoặc khó thở
  • Vết loét do thủy đậu chảy ra mủ (chất dịch đặc, màu vàng) hoặc trở nên rất đỏ hoặc mềm
  • Phát ban lan sang một hoặc cả hai mắt
  • Chóng mặt
  • Tim đập loạn nhịp
  • Mất phối hợp cơ, đi lại khó khăn
  • Nôn mửa
  • Cổ cứng
  • Đau đầu dữ dội
  • Buồn ngủ bất thường hoặc khó đánh thức
  • Khó nhìn vào đèn sáng.

Biến chứng thủy đậu: Ai có nguy cơ cao?

biến chứng thủy đậu

Trẻ sẽ có nguy cơ gặp biến chứng cao nếu:

  • Hệ miễn dịch yếu: Trẻ có hệ miễn dịch yếu sẽ có nhiều vết loét thủy đậu hơn và thời gian bị bệnh cũng lâu hơn. Các vết loét mới có thể phát triển trong hơn một tuần và có thể xuất hiện trên lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Trẻ có hệ miễn dịch yếu sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng liên quan đến nội tạng.
  • HIV hoặc AIDS: Các vết loét thủy đậu ở trẻ nhiễm HIV sẽ lâu lành và gây khó chịu nghiêm trọng. Ngoài ra, trẻ nhiễm HIV cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng viêm võng mạc.
  • Phụ nữ mang thai nhiễm thủy đậu trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai có thể dẫn đến một số biến chứng ở trẻ sơ sinh như thai nhẹ cân hoặc trẻ gặp bất thường về chi. Còn nếu nhiễm ngay trước khi sinh thì có thể dẫn đến nhiễm trùng đe dọa đến tính mạng của bé. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ cao gặp phải biến chứng viêm phổi.

Mối liên hệ giữa bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona

Nếu trước đây trẻ từng bị bệnh thủy đậu thì bé sẽ có nguy cơ mắc phải một bệnh lý khác do virus varicella-zoster tái hoạt gây ra gọi là bệnh zona. Sau khi mắc thủy đậu, một số virus varicella-zoster có thể vẫn còn sống sót trong tế bào thần kinh. Nhiều năm sau, virus có thể tái hoạt và phát bệnh zona. Loại virus này thường xuất hiện trở lại ở những người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm.

Bệnh zona có những biến chứng riêng của nó mà điển hình là tình trạng đau đớn sau khi ban zona đã khỏi. Biến chứng này được gọi là chứng đau dây thần kinh sau nhiễm herpes vô cùng nguy hiểm.

Bênh thủy đậu với rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác kéo theo luôn là nỗi ám ánh với tất cả mọi người. Việc phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ là yếu tố tiên quyết trong việc giảm thiểu những rủi ro gặp phải.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Complicatitons of chickenpox http://www.nhs.uk/Conditions/Chickenpox/Pages/Complications.aspx Ngày truy cập 11/01/2021

Chickenpox (Varicella) https://www.cdc.gov/chickenpox/about/complications.html Ngày truy cập 11/01/2021

Chickenpox http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chickenpox/symptoms-causes/dxc-20191277 Ngày truy cập 11/01/2021

Chickenpox Complications: Who’s at Risk, and Why? https://www.everydayhealth.com/chickenpox/complications/ Ngày truy cập 11/01/2021

Complications https://www.cdc.gov/chickenpox/about/complications.html Ngày truy cập 11/01/2021

Phiên bản hiện tại

18/03/2021

Tác giả: Bích Hà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Bích Hà · Ngày cập nhật: 18/03/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo