backup og meta

Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón: Tất cả những điều cha mẹ cần biết!

Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón: Tất cả những điều cha mẹ cần biết!

Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón là một tình trạng khá phổ biến, hầu như đứa trẻ nào cũng từng gặp phải và khiến ba mẹ cảm thấy lo lắng.

Táo bón là một trong những vấn đề tiêu hóa thường được các phụ huynh nhận thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu sớm xác định được nguyên nhân gây táo bón sẽ giúp việc điều trị dễ dàng hơn. Bài viết sau đây Hello Bacsi sẽ cung cấp tất tần tật thông tin xoay quanh tình trạng trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón và giải đáp những thắc mắc liên quan để ba mẹ biết cách quản lý thói quen đại tiện của trẻ tốt hơn.

Táo bón ở trẻ em là gì?

Táo bón ở trẻ em là tình trạng phân khô cứng hoặc gặp vấn đề khó khăn khi đại tiện. Trẻ có thể cảm thấy đau khi đi ngoài hoặc không thể đi được sau khi đã rặn hết sức. Định nghĩa chung về táo bón là khi tần suất đi đại tiện dưới 2 lần/ tuần và phân có tính chất cứng, khô, hình dạng như viên bi hoặc có vết nứt trên bề mặt phân.

Tuy nhiên, tần suất đi đại tiện ở mỗi trẻ có thể khác nhau. Trẻ sơ sinh trong tháng đầu tiên thường có xu hướng đi ngoài khoảng 1 lần/ ngày. Sau đó, trẻ có thể đi đại tiện vài ngày 1 lần, thậm chí là 1 tuần đi 1 lần. Trẻ có khả năng gặp khó khăn khi tống xuất phân ra ngoài do các cơ bụng còn yếu nên thường gồng lên rặn, khóc hoặc đỏ mặt mỗi lần đại tiện. Điều này không có nghĩa là trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón nếu như phân vẫn mềm bình thường.

Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón: Nguyên nhân do đâu?

Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón có thể do rất nhiều nguyên nhân, có thể là táo bón chức năng hoặc thực thể.

1. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý khiến trẻ bị táo bón

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón là có vấn đề trong chế độ dinh dưỡng. Những ảnh hưởng từ chế độ ăn uống bao gồm:

Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn thường ít có nguy cơ bị táo bón hơn so với trẻ bú sữa công thức nhưng vẫn có thể xảy ra. Nguyên nhân được cho là liên quan đến chế độ ăn của mẹ chưa đủ hàm lượng chất xơ cần thiết khiến sữa mẹ cũng không có đủ nhóm chất này để cung cấp cho trẻ qua nguồn sữa. Tình trạng thiếu chất xơ khiến hệ tiêu hóa của trẻ gặp nhiều khó khăn và dễ dẫn đến táo bón.

Tình trạng trẻ uống sữa công thức bị táo bón xảy ra nhiều hơn. Lý do có thể là:

  • Pha sữa không đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất: Sai lầm thường gặp nhất là pha sữa quá đặc, không đủ lượng nước cần thiết khiến cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh dễ bị táo bón. Ngược lại, việc pha sữa quá loãng cũng không tốt vì sẽ khiến trẻ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Do đó, cha mẹ cần pha sữa đúng cách, với lượng sữa và lượng nước phù hợp theo hướng dẫn.
  • Bảo quản sữa chưa đúng: Khi trẻ bú sữa công thức còn dư, cha mẹ cần đậy kín nắp bình (kể cả núm bình) rồi bảo quản sữa trong ngăn mát tủ lạnh thì có thể sử dụng trong vòng 1 giờ. Trong khoảng thời gian này, nếu trẻ có nhu cầu bú tiếp thì bạn cần hâm sữa lại cho ấm ở nhiệt độ khoảng 70ºC trước khi cho bé bú. Không để sữa sau khi pha ở nhiệt độ thường sau 15 phút vì vi khuẩn có thể xâm nhập và gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa cho trẻ sau khi bú.
  • Không để ý đến thành phần khi chọn sữa cho trẻ: Dầu cọ trong một số loại sữa công thức có thể là “thủ phạm” khiến trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị táo bón. Trong dầu cọ có chứa hàm lượng lớn axit palmitic – một chất béo bão hòa có khả năng kết hợp với canxi tạo thành hợp chất khó tan. Đó chính là nguyên do khiến trẻ bị táo bón.
  • Đổi sữa liên tục trong thời gian ngắn: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi đều có giai đoạn thích nghi tự nhiên khi phải tập làm quen với nhiều yếu tố bên ngoài bụng mẹ như sữa, không khí, ánh nắng mặt trời… Thế nhưng, nhiều cha mẹ lại vội vàng đổi sữa công thức mới cho con sau khi thấy trẻ có biểu hiện chậm đi ngoài hơn bình thường. Điều này vô tình khiến cho trẻ bị táo bón lâu ngày mà không được cải thiện.

Trường hợp trẻ ăn dặm bị táo bón cũng thường xuyên xảy ra do hệ tiêu hóa đôi khi chưa kịp thích ứng với chế độ ăn mới. Ba mẹ cần chú ý cải thiện dần chế độ ăn uống cho phù hợp sẽ giúp trẻ hết bị táo bón. Trong chế độ ăn dặm cần chú ý bổ sung đủ lượng chất xơ và nước cần thiết cho trẻ mỗi ngày, tránh để trẻ bị táo bón lâu ngày.

2. Trẻ sơ sinh bị táo bón do di truyền 

trẻ bị táo bón do di truyền

Những trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón có thể liên quan các yếu tố di truyền. Nếu người nhà từng mắc triệu chứng trên thì nguy cơ cao trẻ dễ bị táo bón hơn.

3. Chế độ ăn uống mất cân bằng 

Việc không nhận đủ chất dinh dưỡng từ trái cây, rau củ giàu chất xơ hoặc ít có món nước trong chế độ ăn có thể khiến trẻ bị táo bón. Một trong những nguyên nhân phổ biến hơn khiến trẻ táo bón là khi bé chuyển từ chế độ ăn dạng lỏng sang chế độ ăn thức ăn dạng rắn.

Đối với những trường hợp mẹ không thể cho bú và trẻ cần dùng sữa công thức thì nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị táo bón có thể đến từ công thức sữa. Đạm sữa thường rất nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ và dễ biến đổi cấu trúc thành đạm biến tính khó tiêu, gây ra các tình trạng rối loạn tiêu hóa, như táo bón ở trẻ.

Một điều ít người biết đó là ăn ít hay quá nhiều chất xơ đều có thể gây ra táo bón. Trẻ ăn quá ít chất xơ thì hệ tiêu hóa sẽ không có đủ điều kiện thuận lợi để làm việc. Thế nhưng, trẻ được cho ăn quá nhiều chất xơ sẽ thường xuyên bị đầy hơi, co thắt bụng, chất gel trong dạ dày làm cản trở quá trình tổng hợp phân và hấp thụ các dưỡng chất khác cũng khiến táo bón xảy ra.

4. Thói quen nhịn đi tiêu, đi vệ sinh sai cách 

Trẻ bị táo bón có thể do có thói quen nhịn đi đại tiện khi đang mải mê chơi mà không muốn ngừng giữa chừng. Một số trẻ còn không chịu đi tiêu ở những nơi công cộng vì không cảm thấy thoải mái như khi ở nhà. Bên cạnh đó, trẻ bị táo bón thường có có cảm giác đau khi rặn do cần phải đào thải phân cứng và lớn. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy sợ hãi khi đại tiện, khiến con cố gắng nhịn đi để không phải chịu cảm giác đau đớn này.

Tập thói quen đi vệ sinh sai cách cũng có thể làm cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón. Nếu cha mẹ bắt đầu tập đi vệ sinh cho con quá sớm, trẻ có thể trở nên nổi loạn, không chịu vâng lời và nhịn đi. Nếu việc tập đi vệ sinh trở thành “cuộc chiến” giữa cha mẹ và con cái thì có khả năng gây ra cảm giác không muốn đi đại tiện ở trẻ, từ đó hình thành một thói quen vô tình khó thay đổi, tăng nguy cơ trẻ bị táo bón nặng sau này.

5. Tác dụng phụ của thuốc 

trẻ bị táo bón do tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc chống trầm cảm và nhiều loại thuốc khác có thể góp phần gây ra tình trạng trẻ em bị táo bón nặng.

6. Tác động của một số yếu tố bên ngoài

Các yếu tố bên ngoài cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và khiến trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón, chẳng hạn như:

7. Trẻ bị táo bón do thiếu vận động 

Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khái niệm vận động cần được hiểu bao gồm các hoạt động tay chân trong nhà và cả các hình thức vận động ngoài trời. Trẻ được vận động thường xuyên sẽ kích thích nhu động ruột làm việc tích cực hơn. Đây là điều kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế tình trạng táo bón ở trẻ.

8. Các vấn đề về sức khỏe 

Một số vấn đề sức khỏe hoặc nguyên nhân thực thể dẫn đến táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gồm:

Trẻ bị táo bón có những triệu chứng gì?

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn có thể nghi ngờ bé bị táo bón khi thấy con có các biểu hiện như quấy khóc, khó chịu mỗi khi đi vệ sinh. Ngoài ra, bạn cũng có thể quan sát thấy trẻ có các dấu hiệu sau:

  • Đầy hơi
  • Đau dạ dày
  • Phân to, khối lớn
  • Phân cứng, khô
  • Phân có thể có máu hoặc thấy máu trên giấy vệ sinh khi lau hậu môn
  • Có vết phân dính trong tã hoặc quần lót của trẻ (dấu hiệu phân bị tắc nghẽn)
  • Bụng căng cứng
  • Thay đổi nhiều tư thế khác nhau hoặc gồng thắt chặt mông.

Đôi khi, táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lại có thể đi kèm cùng tiêu chảy và khiến nhiều cha mẹ nhầm lẫn. Điều này xảy ra do phân cứng bị mắc kẹt trong trực tràng và phân lỏng dễ dàng trượt qua, đào thải ra ngoài trước.

Lưu ý

Một số trường hợp trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón sẽ có các triệu chứng sau:
  • Bụng phình, cương cứng
  • Phân đặc như đất sét
  • Bé khóc khi đi ngoài
  • Không muốn bú mẹ
  • Phân cứng, có thể dính máu do phân cứng đến mức làm rách mô hậu môn khi trẻ rặn.

Cách trị táo bón cho trẻ 

cách trị táo bón cho trẻ

Khi bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu táo bón, cha mẹ nên chủ động áp dụng các mẹo chữa trẻ bị táo bón từ sớm để không tạo thành cảm giác sợ đại tiện ở con. Cách trị táo bón cho trẻ thường sẽ bắt đầu từ việc điều chỉnh lại chế độ ăn uống, tập thói quen đi đại tiện tốt, nếu trẻ bị táo bón thực thể thì có thể cần dùng đến thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

1. Đảm bảo trẻ nhận đủ lượng chất lỏng cần thiết

Mất nước có thể gây ra tình trạng táo bón ở trẻ nhỏ. Khi trẻ không đi ngoài được, bạn cần đảm bảo bổ sung lượng chất lỏng cần thiết cho trẻ (bú sữa hoặc uống nước) cũng như giữ nước cho cơ thể.

  • Trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón thì mẹ cần xem lượng sữa con bú mỗi ngày đã đủ chưa, đảm bảo số cữ bú cần thiết. Đồng thời, mẹ cũng nên điều chỉnh chế độ ăn của bản thân, bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ để tăng hàm lượng chất xơ trong sữa mẹ cho trẻ bú.
  • Khi trẻ bú sữa công thức bị táo bón, cha mẹ cần xem lại cách pha sữa đã đúng lượng nước như hướng dẫn chưa. Mặt khác, bạn cần kiểm tra thành phần của sữa công thức, một số loại sữa có chứa dầu cọ sẽ làm tăng nguy cơ táo bón ở trẻ, khiến trẻ bị táo bón lâu ngày. Lúc này, cha mẹ hãy lựa chọn đổi loại sữa công thức mới phù hợp hơn với hệ tiêu hóa của trẻ.
  • Với trẻ ăn dặm, cha mẹ cần đảm bảo lượng nước uống và lượng nước có trong thức ăn cần đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết cho cơ thể trẻ. Trẻ nhỏ cần uống ít nhất 3 – 4 ly nước một ngày (trung bình khoảng 1 lít). Mẹ có thể cho con uống kết hợp nước lọc và nước ép rau củ quả để bổ sung thêm cả chất xơ cho trẻ.

2. Bổ sung đầy đủ lượng chất xơ vào chế độ ăn của trẻ 

Bổ sung đầy đủ lượng chất xơ vào chế độ ăn của trẻ bị táo bón

Chất xơ trong thực phẩm, đặc biệt là chất xơ hòa tan (FOS) giúp làm mềm phân và đẩy chất thải ra ngoài nhanh hơn. Do đó, việc bổ sung đủ lượng chất xơ cần thiết rất quan trọng để phòng tránh táo bón hoặc điều trị ở những trẻ bị táo bón lâu ngày. Cha mẹ có thể giúp trẻ có thêm chất xơ trong chế độ ăn như sau:

  • Trẻ sơ sinh bị táo bón: Nếu trẻ bú sữa mẹ thì mẹ nên ăn thêm các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ. Nếu trẻ bú sữa công thức, bạn cần lựa chọn các loại sữa có thành phần chất xơ đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ và pha sữa đúng theo hướng dẫn sử dụng.
  • Trẻ ăn dặm bị táo bón: Mẹ có thể bổ sung chất xơ cho trẻ bằng cách cho bé ăn táo, lê, cam, chuối, yến mạch, bánh mì nguyên cám, các loại rau xanh… Một số món mẹ có thể làm để “dụ” bé ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ hơn là sinh tố chuối và rau cải bó xôi nấu canh, bánh mì nguyên cám phết mứt trái cây, sữa chua trộn hoa quả và yến mạch…

3. Trẻ cần vận động thể chất đầy đủ và thường xuyên

Vận động đều đặn có thể giúp hỗ trợ trị táo bón ở trẻ, cũng như làm giảm các triệu chứng liên quan khác. Do trong lúc này, ruột của trẻ có cơ hội được chuyển động, giúp kích thích nhu động ruột nhiều hơn. Với trẻ nhỏ, bạn có thể cho con nằm ngửa và di chuyển chân theo động tác đạp xe để hỗ trợ trẻ vận động.

Ở những trẻ lớn hơn, chẳng hạn như trẻ 4 tuổi bị táo bón hãy cho con có thời gian vui chơi ngoài trời, chạy nhạy vận động thể chất nhiều hơn. Tốt nhất, bạn hãy khuyến khích con vui đùa từ 30 – 60 phút mỗi ngày, nhất là ở những trẻ bị táo bón lâu ngày.

4. Massage bụng cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón

Massage bụng cho trẻ cũng là một mẹo chữa trẻ bị táo bón khá hiệu quả, đơn giản mà mẹ nào cũng nên áp dụng. Nếu bạn đang thắc mắc trẻ sơ sinh bị táo bón phải làm sao, trẻ 6 tháng bị táo bón phải làm sao? Hãy thử massage bụng cho trẻ theo các bước sau:

  • Bước 1: Làm ấm bàn tay của bạn bằng cách chà xát vào nhau, sau đó dùng dầu massage an toàn cho trẻ nhỏ và nhỏ vài giọt vào lòng bàn tay
  • Bước 2: Đặt bé nằm ngửa, sử dụng đầu ngón tay, từ từ ấn nhẹ lên bụng bé tạo thành hình chữ U ngược, bắt đầu từ phía dưới bên trái di chuyển lên trên, kéo ngang qua trên rốn, sau đó di chuyển xuống dưới.
  • Bước 3: Lặp lại thao tác này từ 10 – 15 lần, 2 – 3 lần/ ngày.

Việc massage bụng này sẽ giúp kích thích nhu động ruột ở trẻ.

5. Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng giờ và đều đặn 

Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng giờ và đều đặn 

Hãy tập cho trẻ đi vệ sinh vào những thời điểm cố định, đều đặn mỗi ngày, đặc biệt là sau bữa ăn và bất cứ khi nào con cảm thấy muốn đi đại tiện. Bạn nên cho trẻ tập ngồi ít nhất 10 phút/ lần. Đặt một chiếc ghế đẩu nhỏ dưới chân con bởi tư thế này sẽ hỗ trợ phân đi ra dễ dàng hơn, có thể là cách giúp trẻ đi ngoài khi bị táo bón.

Riêng đối với trẻ nhỏ, bạn có thể tạo cho bé thói quen đi vệ sinh bằng cách nói: “Đến giờ đi vệ sinh rồi” thay vì hỏi bé có muốn đi vệ sinh hay không.

6. Bổ sung lợi khuẩn vào chế độ ăn của trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón

Việc bổ sung lợi khuẩn có thể hỗ trợ điều trị táo bón hiệu quả mặc dù cơ chế tác động vẫn chưa được biết rõ ràng. Nếu các cách điều trị khác chưa cải thiện được tình trạng táo bón, bạn hãy thử cho trẻ dùng thêm men vi sinh để bổ sung lợi khuẩn đường ruột, việc này tương đối an toàn và gần như không gây ra tác dụng phụ nào.

Tuy nhiên, không phải men vi sinh nào cũng giúp điều trị táo bón, thường là những loại có bổ sung các chủng lợi khuẩn như Lactobacillus, Bifidobacteria. Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về loại men vi sinh phù hợp để dùng cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón.

7. Hạn chế các món làm từ sữa khi trẻ bị táo bón 

Sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò như kem, phô mai có thể là những thực phẩm gây ra táo bón ở một số trẻ. Lý do có thể là vì cơ thể mẫn cảm với protein có trong sữa hoặc khi tiêu thụ với lượng lớn sẽ gây đầy hơi, khó tiêu và gây cản trở quá trình đại tiện.

Do đó, cha mẹ nên hạn chế các chế phẩm sữa bò trong thời gian trẻ đang bị táo bón để tránh gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn. 

8. Cân nhắc về việc sử dụng thuốc làm mềm phân cho trẻ 

Thuốc làm mềm phân được nhận định là an toàn cho trẻ nhưng bạn nên sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, nhất là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hai sai lầm phổ biến mà các bậc cha mẹ mắc phải khi cho con uống thuốc làm mềm phân để trị táo bón ở trẻ là dùng không đủ liều hoặc dừng thuốc quá sớm.

Một số trẻ có thể cần dùng đến thuốc thụt tháo hoặc thuốc nhuận tràng theo chỉ định của bác sĩ. Việc dùng những thuốc này chỉ nên áp dụng nếu như những mẹo trị táo bón ở trẻ không có hiệu quả, không giúp giảm đau khi đại tiện.

9. Cho trẻ dùng nước ép mận, mận khô 

Cho trẻ bị táo bón dùng nước ép mận, mận khô 

Trong quả mận có chứa một lượng lớn sorbitol (gồm chất xơ hòa tan và không hòa tan) cùng polyphenol. Những chất này đều có đặc tính nhuận tràng. Nhờ thế, nước ép mận hoặc ăn mận khô được xem như phương thuốc chữa táo bón rất hiệu quả cho trẻ nhỏ.

Tùy thuộc vào độ tuổi, bạn hãy xem xét nên để con dùng với liều lượng như thế nào. Nếu trẻ 1 – 2 tuổi hoặc nhỏ hơn, bạn hãy pha loãng nước mận trước khi đút con uống bởi hương vị của loại nước này đôi khi khiến trẻ không thích. Ngoài ra, bạn có thể thêm một số loại nước ép khác như táo, lê… để làm tăng hương vị cho loại nước ép này.

Khi điều trị táo bón bằng nước ép mận cần chú ý không cho con uống quá nhiều vì sẽ dễ bị tiêu chảy hoặc một vài vấn đề tiêu hóa khác. Do đó, bạn chỉ cho con dùng khoảng 100ml nước ép mận mỗi ngày và hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

10. Cho bé ngâm mình trong nước ấm 

Mẹ có thể cho trẻ tắm hoặc ngâm mình trong nước ấm, nhẹ nhàng massage bụng cho để giúp con thư giãn và làm mềm phân.

Trường hợp đã thử đủ cách mà trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh vẫn bị táo bón, kéo dài 2 – 3 tuần hay vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn, ví dụ như bé đi ngoài có nhầy máu thì mẹ hãy đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám càng sớm càng tốt.

Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón và những thắc mắc thường gặp

1. Trẻ bị táo bón nặng cho uống thuốc gì để dễ đi ngoài? 

Trẻ bị táo bón nặng cho uống thuốc gì để dễ đi ngoài? 

“Trẻ bị táo bón uống thuốc gì?” là vấn đề nhiều mẹ tìm hiểu khi thấy con có dấu hiệu đang bị táo bón. Các loại thuốc được sử dụng để giúp trẻ đi đại tiện dễ dàng hơn thường có 5 nhóm sau:

  • Thuốc làm mềm phân như natri docusate. Loại thuốc này giúp bổ sung nước cho phân, làm mềm phân để trẻ dễ đi ngoài hơn. Thuốc làm mềm phân thường dùng cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón nhẹ.
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu gồm các loại muối magie. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm hấp thu nước ở thành ruột, thúc đẩy giữ nước trong lòng ruột giúp phân không bị khô và di chuyển qua trực tràng dễ dàng.
  • Thuốc nhuận tràng tạo khối như citrucel. Cơ chế hoạt động của nhóm thuốc nhuận tràng tạo khối là hút nước từ ruột để tạo thành hỗn hợp gel làm cho phân mềm hơn, tạo hình khối phân để trẻ dễ đi ngoài.
  • Thuốc nhuận tràng kích thích gồm dẫn xuất của lá senna (senokot), bisacodyl. Nhóm thuốc này sẽ truyền tín hiệu cho các cơ và dây thần ở ruột để tăng hoạt động co bóp, tống xuất phân ra khỏi cơ thể. Thuốc nhuận tràng kích thích thường mang lại hiệu quả nhanh hơn thuốc làm mềm phân nhưng có khả năng gây ra tác dụng phụ là chuột rút ở trẻ.
  • Thuốc nhuận tràng bôi trơn. Bản chất của các thuốc nhuận tràng bôi trơn là dầu khoáng, giúp tạo ra 1 lớp bôi trơn thành ruột, bao xung quanh khối phân để giữ độ ẩm cho phân từ đó giúp trẻ dễ đi ngoài. Tuy nhiên, nhóm thuốc này không còn được dùng phổ biến.

Trẻ bị táo bón nặng thường dùng thuốc nhuận tràng kích thích khi tình trạng táo bón không thuyên giảm sau khi đã thay đổi chế độ ăn nhiều chất xơ và dùng thuốc nhuận tràng thẩm thấu không có tác dụng. Lưu ý, bạn không dùng nhiều hơn 1 loại thuốc nhuận tràng cùng lúc trừ khi có chỉ định từ bác sĩ và không được quá lạm dụng thuốc nhuận tràng ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

2. Trẻ bị táo bón lâu ngày có sao không? Trẻ bị táo bón nên ăn gì? 

Trẻ bị táo bón lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ gặp phải những hậu quả nghiêm trọng khác như:

Vậy trẻ bị táo bón nên ăn gì? Điều này còn tùy theo từng giai đoạn của trẻ như sau:

  • Trẻ bú mẹ hoàn toàn: nên được bú nhiều cữ hơn để cơ thể không bị thiếu nước, hạn chế tình trạng táo bón xảy ra. Đồng thời, mẹ cũng cần uống đủ nước, bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn, không ăn đồ nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng để nâng cao chất lượng sữa mẹ.
  • Trẻ bú sữa công thức: cần lựa chọn sữa cho trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi không bị táo bón với hàm lượng chất xơ đáp ứng nhu cầu và chứa các thành phần “thân thiện” với hệ tiêu hóa của trẻ. Tránh chọn sữa công thức có chứa dầu cọ. Song song đó, bạn cũng phải pha sữa đúng theo hướng dẫn từ nhà sản xuất.
  • Trẻ ăn dặm: bổ sung đa dạng các loại rau củ, trái cây chứa nhiều chất xơ vào thực đơn ăn dặm của trẻ. Chú ý, hãy cho trẻ thời gian thích nghi dần với chế độ ăn mới, không ép trẻ ăn quá nhiều có thể khiến táo bón nặng thêm.

3. Trẻ sơ sinh bị táo bón phải làm thế nào? Trẻ sơ sinh bị táo bón có bơm được không?

Trẻ sơ sinh bị táo bón phải làm thế nào?

Nếu các mẹ bối rối không biết khi trẻ sơ sinh bị táo bón phải làm thế nào thì hãy bắt đầu từ việc điều chỉnh lại chế độ ăn uống và thói quen đi đại tiện ở trẻ. Cùng với đó, hãy áp dụng các mẹo chữa táo bón khác được đề cập ở trên như massage bụng, tăng cường vận động ở trẻ, bổ sung lợi khuẩn

Ban đầu, trẻ sơ sinh bị táo bón không nên bơm thụt hậu môn ngay mà cần thử các cách trị tại nhà như trên. Nếu không thấy hiệu quả tích cực, bạn mới nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc bơm thụt hậu môn cho trẻ bị táo bón. Khi dùng, ba mẹ cần chú ý tuân thủ tần suất sử dụng, cách sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc bơm thụt hậu môn cũng có khả năng gây ra những tác dụng phụ như tổn thương thành hậu môn, mất phản xạ đi đại tiện tự nhiên, gây phụ thuộc thuốc.

4. Trẻ 8 tháng bị táo bón nên ăn gì?

Trẻ 7 tháng, 8 tháng bị táo bón nên ăn gì thì chế độ ăn cần bổ sung:

  • Chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan thường có trong cám yến mạch, lúa mạch, các loại hạt, đậu lăng, đậu Hà Lan, trái cây, rau quả.
  • Lợi khuẩn qua các thực phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chua để cân bằng lại hệ vi khuẩn đường ruột.
  • Nước ép trái cây như nước ép mận, táo,

5. Sữa cho trẻ bị táo bón, những loại sữa tốt cho trẻ bị táo bón là gì?

Khi tìm kiếm sữa công thức dùng cho trẻ bị táo bón, ba mẹ nên chú ý về thành phần của sữa, bao gồm:

  • Đạm sữa, ưu tiên sữa chứa đạm A2 β-casein giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn
  • Probiotic và prebiotic để tăng cường lợi khuẩn đường ruột
  • Chất xơ hòa tan (FOS) giúp làm mềm phân, dễ dàng đi đại tiện hơn

Tránh chọn các sữa công thức có chứa dầu cọ – một thủ phạm được cho là góp phần gây ra tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi chọn mua sữa cho trẻ bị táo bón, ba mẹ cần đọc kỹ nhãn thành phần của sữa. Thông thường, nếu trong thành phần chỉ ghi chung chung là dầu thực vật thì khả năng cao là có chứa dầu cọ sẽ không tốt cho trẻ. Nếu thành phần ghi chi tiết các loại dầu và không có dầu cọ thì đây là những sản phẩm sữa chất lượng, tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.

6. Trẻ sơ sinh bị táo bón có uống được enterogermina không? 

Trẻ sơ sinh bị táo bón có uống được Enterogermina không? 

Câu trả lời là trẻ sơ sinh bị táo bón có thể uống được enterogermina theo liều lượng chỉ định từ bác sĩ. Men vi sinh enterogermina sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ phục hồi chức năng hệ tiêu hóa, cải thiện tình trạng táo bón. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh nên dùng thuốc này ở dạng hỗn dịch uống với mỗi ống có dung tích 5ml, có thể uống trực tiếp hoặc pha loãng cùng với sữa, nước.

Liều dùng tham khảo của enterogermina cho trẻ sơ sinh như sau:

  • Trẻ sinh non (dưới 34 tuần tuổi): uống liều 2ml mỗi 8 giờ, duy trì đến khi trẻ đủ 6 tuần tuổi.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi: uống 1 – 2 ống 5ml/ ngày hoặc theo chỉ định từ bác sĩ.

7. Trẻ uống sữa công thức bị táo bón phải làm sao? 

Trẻ uống sữa công thức bị táo bón thì ba mẹ cần xem lại các yếu tố sau:

  • Cách pha sữa đã đúng theo hướng dẫn từ nhà sản xuất chưa. Việc pha sữa quá đặc hay quá loãng đều sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ. Trong đó, nếu pha sữa quá đặc sẽ khiến trẻ bị thiếu nước, tăng nguy cơ bị táo bón khi bú sữa.
  • Cách bảo quản sữa sau khi pha. Không nên để sữa ở nhiệt độ thường quá 15 phút. Nếu bảo quản trong tủ lạnh thì chỉ dùng trong vòng 1 giờ.
  • Thành phần của sữa công thức. Các loại sữa chứa dầu cọ có khả năng khiến trẻ bị táo bón cao hơn.
  • Thay đổi sữa quá nhiều. Điều này có thể làm cho hệ tiêu hóa của trẻ chưa có thời gian thích nghi khiến việc đi tiêu gặp vấn đề.

Bình thường, trẻ sơ sinh bú sữa công thức có xu hướng đi ngoài ít hơn nên cha mẹ cần theo dõi thêm tình trạng phân của trẻ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu táo bón, hãy thử các biện pháp điều trị tại nhà như bổ sung thêm chất lỏng cho cơ thể trẻ, massage bụng cho trẻ, bổ sung thêm lợi khuẩn, tắm nước ấm, tập thói quen đi đại tiện cho trẻ.

8. Các loại sữa cho trẻ sơ sinh không bị táo bón là sữa nào? 

Các loại sữa cho trẻ sơ sinh không bị táo bón

Nếu bạn đang băn khoăn sữa cho trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi không bị táo bón hay trẻ sơ sinh bị táo bón nên uống sữa gì thì hãy tìm hiểu về khái niệm sữa mát dành cho trẻ. Sữa mát dùng để chỉ các loại sữa công thức có thành phần dinh dưỡng gần giống với sữa mẹ nhất có thể và không gây ra các vấn đề tiêu hóa ở trẻ. Sữa mát thường có vị nhạt, ngọt dịu như sữa mẹ nên trẻ sẽ dễ thích ứng khi chuyển từ bú sữa mẹ sang loại sữa này.

Thành phần của sữa mát thường có:

  • Các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ như inulin, HMO, chất béo, chất xơ…
  • Chất xơ hòa tan FOS và chất béo không phải dầu cọ sẽ giúp ngăn ngừa táo bón ở trẻ
  • Prebiotic và probiotic để tăng cường lợi khuẩn đường ruột.

Một số loại sữa phổ biến ở Việt Nam bạn có thể tham khảo là:

  • Sữa NAN
  • Sữa Aptamil
  • Sữa Friso Gold Pro
  • Sữa Meji
  • Sữa Physiolac
  • Sữa Similac Neosure
  • Sữa Morinaga số 9

Hy vọng bạn đã biết đầy đủ thông tin về tình trạng trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón và nhớ những cách điều trị táo bón hợp lý cho trẻ.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Constipation in infants and children https://medlineplus.gov/ency/article/003125.htm Ngày truy cập 29/12/2024

Chronic constipation in infants and children https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC7052003/ Ngày truy cập 29/12/2024

What Is Constipation in Infants? https://www.nationwidechildrens.org/conditions/constipation-infant Ngày truy cập 29/12/2024

Evaluation and Treatment of Constipation in Infants and Children https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2006/0201/p469.html Ngày truy cập 29/12/2024

Understanding Constipation in Infants and Toddlers https://www.bbuk.org.uk/wp-content/uploads/2017/12/Understanding-childhood-constipation-in-Infants-and-Toddlers.pdf Ngày truy cập 29/12/2024

Constipation in babies (0 to 1 years) https://www.pregnancybirthbaby.org.au/constipation-in-babies Ngày truy cập 29/12/2024

Phiên bản hiện tại

30/12/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 6 ngày trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo