backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Sơn móng tay cho bé: Nên hay không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 26/01/2021

    Sơn móng tay cho bé: Nên hay không?

    Sơn móng tay cho bé không phải là thói quen xấu, tuy nhiên, mẹ đừng nên quá lạm dụng bởi trong nước sơn thường chứa nhiều hóa chất không tốt cho sức khỏe của trẻ.

    Làm đẹp cho bé là chủ đề được rất nhiều bà mẹ quan tâm, đặc biệt là nếu bạn có một công chúa nhỏ đáng yêu. Ngoài việc lựa chọn trang phục, làm tóc, rất nhiều mẹ có sở thích sơn móng tay cho các bé gái. Bên cạnh đó, hiện các sản phẩm sơn móng tay dành cho trẻ em cũng được quảng cáo rầm rộ, khiến trẻ mê tít và luôn “vòi vĩnh’ cha mẹ mua cho bằng được. Liệu có nên nuông chiều theo sở thích của trẻ? Sơn móng tay cho bé liệu có an toàn? Xem ngay những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để có thêm một số thông tin hữu ích trước khi quyết định có sơn móng tay cho bé không nhé.

    Có nên sơn móng tay cho bé?

    Rất nhiều cha mẹ nghĩ rằng sơn móng tay cho bé không phải là vấn đề đáng quan tâm bởi nếu mua các sản phẩm sơn móng tay an toàn cho trẻ em thì sẽ không gây hại.

    Thực tế, các chuyên gia da liễu cũng khẳng định việc làm móng, sơn móng tay cho trẻ không gây hại gì, miễn là cha mẹ đừng quá lạm dụng và đảm bảo các dụng cụ làm móng sạch sẽ. Nếu đưa bé ra tiệm, bạn nên mang theo dụng cụ cắt móng riêng cho bé. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cẩn thận trong việc lựa chọn loại sơn bởi một số loại có thể chứa các hóa chất độc hại, gây hại cho sức khỏe của bé.

    Dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyên bạn hạn chế việc sơn móng tay cho bé bởi:

    • Trẻ nhỏ thường thích mút ngón tay, nếu vô tình nuốt phải sơn móng tay sẽ không tốt cho sức khỏe. Trong khi, đa phần các sản phẩm sơn móng đều chứa rất nhiều hóa chất không tốt
    • Làm đẹp quá sớm có thể khiến trẻ “học đòi’ làm người lớn, từ đó dễ tạo thành tính cách trưng diện, lòe loẹt khi trưởng thành
    • Sơn móng tay còn có thể khiến trẻ nghĩ bàn tay trắng hồng tự nhiên là không đẹp. Hoặc trẻ có thể cảm thấy tự ti về vẻ ngoài của bản thân, cho rằng mình sinh ra không đủ đẹp hay đủ tốt.

    Do đó, nếu thi thoảng mẹ cho bé nghịch, làm dáng một chút thì cũng không sao. Nhưng đừng sơn móng tay cho bé quá thường xuyên và tránh để bé tiếp xúc với sơn móng tay quá sớm.

    Sơn móng tay cho trẻ em – Cẩn thận với các hóa chất độc hại!

    Nên hay không nên sơn móng tay cho bé?

    Không ai cấm việc mẹ  làm điệu cho bé nhưng bạn đừng quá lạm dụng bởi theo các chuyên gia, đa số các sản phẩm sơn móng tay cho trẻ em thường có chứa các hóa chất độc hại như:

    1. Sơn móng tay cho bé có thể chứa dung môi toluene

    Toluene là loại dung môi thường được sử dụng trong các sản phẩm dung dịch tẩy rửa, sản phẩm gia dụng, một số loại nước hoa và đặc biệt là trong các loại sơn móng tay. Hóa chất này có thể gây kích ứng da, chóng mặt, đau đầu, ảnh hưởng đến hệ hô hấp và hệ thần kinh. Không những vậy, bà bầu tiếp xúc với hóa chất này trong thời gian mang thai cũng có thể gây hại cho thai nhi, làm tăng nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh.

    2. Chất hóa dẻo dibutyl phthalate

    Dibutyl phthalate là một chất lỏng trong suốt, gần như không mùi, được thêm vào các loại sơn móng tay để đảm bảo sơn móng tay có độ sệt mịn và không vón cục. Hóa chất này có thể làm tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Hiện tại, dibutyl phthalate đang bị cấm ở châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới bởi nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, một số sản phẩm sơn móng tay cho bé giá rẻ vẫn có thể chứa hóa chất này.

    3. Nhựa, chất kết dính formaldehyde

    Formaldehyde là loại hóa chất thường được sử dụng nhiều trong công nghiệp. Trong sơn móng tay, hóa chất này có tác dụng kết dính, giúp lớp sơn không bị bong tróc. Theo nghiên cứu, chất formaldehyde có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư nếu sử dụng trong thời gian dài. Nếu hít phải, hóa chất này có thể gây kích ứng mắt và ảnh hưởng đến đường hô hấp.

    4. Long não 

    Long não là một hóa chất được sử dụng để giúp sơn móng tay không bị bong tróc. Nếu sử dụng trong thời gian dài, hóa chất này có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây mất phương hướng và co giật.

    Ngoài ra, trong quá trình sơn móng tay cho bé, nếu không cẩn thận, một vết xước nhỏ cũng có thể khiến hóa chất truyền vào máu, dẫn đến nhiễm trùng, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

    Sơn móng tay an toàn cho bé như thế nào?

    sơn móng tay cho bé

    Nếu bạn có ý định sơn móng tay cho bé, bạn cần lưu ý một số điều sau:

    • Bạn chỉ nên sơn khi bé được khoảng 5 tuổi hoặc khi bé đã không còn tật xấu cắn, mút ngón tay
    • Sử dụng các loại sơn móng cho bé có nguồn gốc rõ ràng. Bạn có thể chọn các loại sơn hữu cơ, có thành phần từ thiên nhiên
    • Bạn nên chọn những màu không quá sặc sỡ như trắng, hồng nhạt… và nên sơn móng cho bé ở nơi thoáng mát để mùi sơn bay bớt.
    • Bạn có thể sơn móng chân thay vì sơn móng tay vì như vậy bé sẽ có ít có cơ hội cắn, mút hơn.
    • Bạn nên tìm cách cho bé ngồi yên và che chắn quần áo của trẻ nếu bạn không muốn sơn móng bị vấy bẩn khắp nơi.
    • Sau khi sơn xong, phải giữ cho tay bé khô, không cho bé cầm, bốc thức ăn để tránh ăn phải sơn móng tay. Khi tẩy móng tay cho bé, nên dùng chanh thay vì sử dụng acetone.
    • Không nên để các lọ sơn trong tầm với của bé.
    • Tránh sơn toàn bộ móng, vì như vậy sơn sẽ tiếp xúc với da.
    • Tốt nhất, bạn nên tự cắt móng tay và sơn cho con. Nếu đưa bé đến các tiệm nail, spa, hãy chọn nơi uy tín hoặc tốt hơn bạn nên mang theo dụng cụ làm móng của riêng mình.

    Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã có lời giải đáp cho việc có nên sơn móng tay cho trẻ hay không. Sơn móng không phải là là cách làm đẹp xấu nhưng bạn nên tránh lạm dụng để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 26/01/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo