Tìm hiểu chung
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là gì?
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là một rối loạn mắt có thể gây mù, xuất hiện chủ yếu ở trẻ sơ sinh có cân nặng khoảng 1250 gram hoặc ít hơn được sinh ra trước tuần 31 của thai kỳ (thai kỳ đầy đủ là 38-42 tuần). Em bé mới sinh ra càng nhỏ thì càng có nhiều khả năng bị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non. Rối loạn này thường xuất hiện ở cả hai mắt, là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng mất thị giác trong thời thơ ấu và có thể dẫn đến suy giảm thị lực lâu dài và mù
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh võng mạc trẻ sinh non là gì?
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có 5 giai đoạn:
- Giai đoạn I: có sự tăng trưởng nhẹ các mạch máu bất thường;
- Giai đoạn II: có sự tăng trưởng trung bình các mạch máu bất thường;
- Giai đoạn III: có sự tăng trưởng nặng các mạch máu bất thường;
- Giai đoạn IV: có sự tăng trưởng nặng các mạch máu bất thường và bong một phần võng mạc;
- Giai đoạn V: bong toàn bộ võng mạc.
Những thay đổi mạch máu không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trẻ cần được khám mắt để phát hiện các bất thường này. Các triệu chứng của bệnh võng mạc ở trẻ sinh non nghiêm trọng bao gồm:
- Chuyển động mắt bất thường;
- Mắt lác;
- Cận thị nặng;
- Đồng tử màu trắng.
Trẻ có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh võng mạc ở trẻ sinh non?
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non xảy ra khi mạch máu bất thường phát triển và lan rộng trong võng mạc, mô lót phía sau mắt. Các mạch máu bất thường này dễ vỡ và có thể bị rò rỉ, tạo sẹo võng mạc và bong ra khỏi vị trí của nó, dẫn đến bong võng mạc. Bong võng mạc là nguyên nhân chính gây mất thị lực và mù ở trẻ bị bệnh võng mạc.
Một số các yếu tố phức tạp có thể gây ra bệnh võng mạc trẻ sinh non. Mắt bắt đầu phát triển vào khoảng tuần thai kỳ thứ 16, khi các mạch máu của võng mạc bắt đầu hình thành ở dây thần kinh thị giác nằm ở mặt sau của mắt. Các mạch máu phát triển dần dần về phía các cạnh của võng mạc đang phát triển, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng. Trong 12 tuần thai kỳ cuối, mắt phát triển nhanh chóng. Nếu em bé sinh đủ tháng thì mạch máu võng mạc gần như phát triển hoàn chỉnh (võng mạc thường ngưng phát triển một vài tuần tới một tháng sau khi sinh). Nếu em bé sinh non thì trước khi các mạch máu đến các cạnh của võng mạc, mạch máu có thể ngừng phát triển. Các cạnh của võng mạc ngoại vi có thể không nhận được đủ oxy và chất dinh dưỡng.
Các nhà khoa học tin rằng vùng ngoại vi của võng mạc gửi tín hiệu cho các khu vực khác của võng mạc để nhận chất dinh dưỡng. Kết quả là, các mạch máu mới bất thường bắt đầu phát triển. Các mạch máu mới mong manh và yếu, có thể chảy máu, dẫn đến sẹo võng mạc. Khi những vết sẹo này co lại, chúng sẽ kéo võng mạc lên, khiến cho võng mạc phía sau của mắt bị bong.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh võng mạc ở trẻ sinh non?
Ngày nay, với những tiến bộ trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh, nhiều trẻ sơ sinh nhẹ cân được cứu sống. Những trẻ sơ sinh này có nguy cơ cao bị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non nhưng không phải tất cả trẻ sinh non đều mắc bệnh. Có khoảng 3,9 triệu trẻ sơ sinh ra đời mỗi năm, trong đó khoảng 28.000 trẻ cân nặng khoảng 1250 gram hoặc ít hơn. Khoảng 14.000-16.000 những trẻ sơ sinh này bị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non với các mức độ khác nhau. Bệnh cải thiện và không để lại thiệt hại lâu dài trong các trường hợp bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thể nhẹ. Khoảng 90% bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thuộc thể nhẹ và không cần điều trị. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh bị thể nặng có thể suy giảm thị lực hoặc thậm chí mù. Khoảng 1.100-1.500 trẻ sơ sinh hàng năm bị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thể nghiêm trọng cần phải điều trị.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non?
Ngoài trọng lượng sinh và tuổi thai lúc sinh, các yếu tố khác góp phần vào nguy cơ mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non bao gồm thiếu máu, truyền máu, suy hô hấp, thở khó khăn và sức khỏe tổng thể của trẻ sơ sinh.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh võng mạc ở trẻ sinh non?
Tất cả trẻ sinh non có trọng lượng sinh ít hơn 1500 g và tuổi thai dưới 30 tuần được kiểm tra thường xuyên để phát hiện bệnh võng mạc trẻ sinh non. Những trẻ sinh non sẽ được khám lần đầu lúc 4-6 tuần sau khi sinh. Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ nhỏ mắt để làm giãn đồng tử, giúp nhìn rõ hơn bên trong mắt.
Tùy thuộc vào số lượng mạch máu phát triển bất thường, tình trạng của bé sẽ được xác định và khám bổ sung sẽ được tiến hành mỗi một đến hai tuần, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Những yếu tố này bao gồm độ nặng và vị trí bị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, tốc độ hình thành mạch máu, gọi là sự tạo mạch. Trong đa số trường hợp, ngay cả khi bị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non hình thành, nó sẽ biến mất dần và chỉ ảnh hưởng rất ít đến thị lực. Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ trẻ em mắc bệnh võng mạc, xấp xỉ 10%, sẽ tiến triển đến mức mà bác sĩ không thể chờ cho bệnh tự khỏi mà phải điều trị để đảo ngược tiến trình bệnh.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non?
Phương pháp điều trị đã được chứng minh hiệu quả nhất cho bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là điều trị bằng laser hoặc phẫu đông lạnh. Laser trị liệu “phá hủy’ ngoại vi của võng mạc, nơi không có mạch máu bình thường. Với phẫu đông lạnh, các bác sĩ sử dụng một công cụ làm đóng băng các điểm trên bề mặt của mắt nằm ở vùng ngoại vi võng mạc. Cả điều trị bằng laser và phẫu đông lạnh đều phá hủy các khu vực ngoại vi của võng mạc, làm chậm hoặc đảo ngược sự tăng trưởng bất thường của mạch máu. Thật không may, các phương pháp điều trị cũng tiêu diệt một số vùng thị lực bên cạnh. Điều này được thực hiện để cứu lấy phần quan trọng nhất của thị lực là thị lực trung tâm sắc nét mà chúng ta cần để nhìn tập trung như đọc sách, khâu vá và lái xe.
Cả điều trị laser và phẫu đông lạnh đều chỉ được thực hiện trên trẻ sơ sinh bị bệnh võng mạc tiến triển, đặc biệt là giai đoạn III. Cả hai phương pháp điều trị đều là phẫu thuật xâm lấn vào mắt và các bác sĩ không biết các tác dụng phụ lâu dài của mỗi phương pháp.
Trong bệnh võng mạc ở trẻ sinh non gia đoạn sau, phương pháp điều trị khác bao gồm:
Khóa củng mạc
Bác sĩ sẽ đặt một miếng silicone quanh mắt và dán chặt nó, điều này giữ cho dịch thủy tinh không làm bong các mô sẹo và cho phép võng mạc bằng phẳng lại lên thành sau của mắt. Trẻ sơ sinh áp dụng phương pháp này cần phải thay bỏ miếng silicone sau nhiều tháng hoặc nhiều năm vì mắt tiếp tục phát triển, nếu không trẻ sẽ bị cận thị. Khóa củng mạc thường được thực hiện ở trẻ sơ sinh giai đoạn IV hoặc V.
Loại bỏ thủy dịch trong mắt
Bác sĩ sẽ loại bỏ thủy dịch trong mắt và thay thế nó bằng dung dịch muối đẳng trương. Sau khi loại bỏ thủy dịch, bác sĩ có thể lột hoặc cắt bỏ sẹo trên võng mạc để võng mạc giãn ra và nằm sát thành sau mắt. Thủ thuật này chỉ được thực hiện ở giai đoạn V.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh võng mạc ở trẻ sinh non?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là tránh sinh non. Tư vấn và chăm sóc trước sinh có thể giúp ngăn chặn sinh non và thông báo cho bà mẹ biết về các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa con trong tử cung.
Các can thiệp dự phòng khác bao gồm giám sát chặt chẽ nhu cầu oxy ở trẻ sinh non. Bạn đưa trẻ đi kiểm tra mắt thường xuyên để bác sĩ theo dõi tình hình của trẻ, bất kể bệnh võng mạc ở trẻ đang trong giai đoạn nào.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-vaccination-tool]