Với các bé nhỏ, nhất là các bé sơ sinh, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất, không chỉ dễ tiêu, hợp với “bụng non nhỏ xinh” mà còn có thành phần tốt cho hệ miễn dịch lẫn sự phát triển trí não của bé. Thế nhưng, dù biết sữa mẹ là tốt nhất nhưng nhiều mẹ gen Z lần đầu “lên chức phụ huynh” cũng khó tránh khỏi bỡ ngỡ, lo lắng không biết liệu sau sinh mình có đủ sữa cho bé bú không? Nếu không đủ sữa phải làm sao? Đâu là thực phẩm giúp lợi sữa sau sinh mà mẹ nên biết ngay từ giai đoạn “bầu bí” để hành trình chăm con sau sinh đỡ “vất vả”?
Nuôi con bằng sữa mẹ – Lợi cho cả bé và mẹ
Chắc hẳn mẹ gen Z đã không còn quá xa lạ với khuyến cáo về việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho tới khi bé 2 tuổi hoặc lâu hơn của nhiều tổ chức, hiệp hội y tế lớn trên thế giới như Tổ chức Y tế thế giới WHO hay Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) [1]. Thế nhưng, có bao giờ bạn tự hỏi tại sao nuôi con bằng sữa mẹ lại được khuyến khích nhiều đến như vậy?
Thực tế, dù nuôi con truyền thống hay hiện đại, là mẹ “thời trước”, mẹ gen Y hay mẹ gen Z thì nuôi con bằng sữa mẹ luôn là một trong những điều tuyệt vời nhất mà bạn nên dành cho con nếu có đủ điều kiện bởi:
- Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, giúp cung cấp cho bé tất cả mọi thứ bé cần để tăng trưởng và phát triển. Đặc biệt, cùng với sự lớn lên của bé thì sữa mẹ cũng sẽ tự điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của con. [2], [3]
- Nuôi con bằng sữa mẹ là cách bảo vệ bé yêu khỏi nhiều bệnh tật. Những bé “ti” mẹ sẽ có nguy cơ bị hen suyễn, béo phì, đái tháo đường tuýp 1 và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) thấp hơn. Ngoài ra, bé bú mẹ cũng ít bị nhiễm trùng tai, viêm dạ dày ruột. [2]
- Sữa mẹ cung cấp cho bé kháng thể để phát triển hệ miễn dịch, bảo vệ bé cưng khỏi bệnh tật [2]. Không những vậy, sữa mẹ còn có các dưỡng chất hỗ trợ phát triển trí não như gangliosides, DHA, vitamin E, lutein… [4], [5], [6]
Không chỉ tốt cho bé mà việc nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp bạn nhanh hồi phục sau sinh, giảm nguy cơ trầm cảm và mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư buồng trứng, đái tháo đường tuýp 2 và cao huyết áp. Đặc biệt, cho con ti mẹ còn vừa nhàn vừa tiết kiệm bởi bạn có thể cho bé bú ngay mà không cần loay hoay chuẩn bị sữa cho bé [2], [3].
Thế nhưng, dù hiểu nuôi con bằng sữa mẹ tốt cho mẹ, khỏe cho con và nơi nơi đều khuyên nên cho con bú nhưng thực tế việc này vẫn gây khá nhiều áp lực với những mẹ trẻ gen Z, những người chưa hề có kinh nghiệm mà chỉ đọc xem lý thuyết từ sách vở, internet.
Nuôi con bằng sữa mẹ: Tưởng không dễ mà dễ không tưởng
Nuôi con bằng sữa mẹ mang đến cho cả mẹ và bé rất nhiều lợi ích và đây cũng là điều được khuyến khích bởi nhiều tổ chức y tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều mẹ gen Z lại khá áp lực và nghĩ rằng việc này không hề đơn giản. Thực tế, nuôi con bằng sữa mẹ không dễ… nhưng cũng không quá khó nếu biết cách. Hãy “bỏ túi” vài bí kíp khoa học dưới đây để hành trình nuôi con bằng sữa mẹ sẽ “nhàn” hơn bạn nhé!
Chuẩn bị ngay từ trong giai đoạn mang thai!
Dù chưa cần nguồn sữa mẹ trong giai đoạn mang thai nhưng đây vẫn là giai đoạn quan trọng bạn cần “bắt tay” vào chuẩn bị cho hành trình nuôi con bằng sữa mẹ của mình.
Một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh trong thời gian bầu bí không chỉ giúp mẹ có đủ sức khỏe, bé phát triển tốt mà còn tạo tiền đề cho việc sản xuất sữa mẹ sau sinh [7], [8]. Do đó, khi mang thai, bạn cần ăn uống khoa học với đa dạng các món từ 4 nhóm thực phẩm gồm nhóm chất bột đường (gạo, mì, khoai, ngô…); nhóm chất đạm ( thịt, cá, trứng, tôm…); nhóm chất béo (dầu, mỡ, vừng…) và nhóm vitamin, khoáng chất (rau có màu xanh, các loại quả chín) [9].
Cùng với đó, bạn cũng nên hạn chế bớt các món yêu thích nhưng lại không tốt, dễ nhiễm khuẩn như món lề đường không đảm bảo vệ sinh, các món nhiều đường như bánh ngọt, trà sữa…; các món nhiều chất béo chuyển hóa như gà rán, khoai tây chiên… Ngoài ra, việc uống đủ nước cũng rất quan trọng, do đó, đừng vì mải làm mà quên mất điều này nhé! [7].
Để chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng như giúp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tăng lên trong giai đoạn mang thai, bạn cũng có thể tìm hiểu và hỏi thêm ý kiến bác sĩ về việc dùng các thực phẩm bổ sung có chỉ số đường huyết thấp hơn so với thực phẩm, ít ngọt, ít béo cho mẹ mang thai và cho con bú. Đừng mặc định với các ý kiến của số đông chưa được kiểm chứng, hãy đọc thông tin dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm thật kĩ: thành phần dinh dưỡng trên bao bì có những gì, chất nào tốt cho mẹ và chất nào tốt cho bé, tỉ lệ thành phần dinh dưỡng của mẹ và bé có cân bằng không, có dưỡng chất gì giúp lợi sữa sau sinh không… Khi lựa chọn các thực phẩm bổ sung này, mẹ có thể cân nhắc lựa chọn công thức sữa bầu được chứng minh lâm sàng với các lợi ích như:
- Tăng xu hướng nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nhờ vào việc tăng lượng sữa của mẹ giúp lợi sữa sau sinh từ đó giúp tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ cao hơn.
- Không gây dư thừa năng lượng, giúp mẹ kiểm soát chỉ số đường huyết và cân nặng trong suốt quá trình mang thai.
- Cung cấp chất xơ FOS giúp hệ tiêu hóa mẹ khỏe mạnh và ngăn ngừa táo bón tốt hơn, đồng thời sữa cũng nên có các dưỡng chất như prebiotics, vitamin C, E, kẽm và selen giúp mẹ nâng cao sức đề kháng cũng như giúp bé đủ dưỡng chất để phát triển trong suốt thai kỳ và tăng tỷ lệ đạt chuẩn cân nặng, chiều dài và chu vi vòng đầu sau sinh.
Hiện thay vì dùng sữa dành riêng cho bà bầu, nhiều mẹ có xu hướng dùng sữa tươi vì cho rằng uống sữa tươi sẽ không gây tăng cân. Tuy nhiên, thành phần của sữa tươi chỉ có nước, protein, chất béo và một lượng nhỏ khoáng chất, vitamin như canxi, magie, phốt pho, kẽm, vitamin nhóm B, vitamin C… nên sẽ rất khó đáp ứng đủ nhu cầu về vitamin và khoáng chất của mẹ [14].
Do đó, để đảm bảo dinh dưỡng cho cả mẹ và bé, mẹ sẽ phải dùng thêm các viên uống bổ sung. Việc này không chỉ gây bất tiện, khiến mẹ dễ quên mà còn khó tính toán được lượng vitamin, khoáng chất đưa vào cơ thể đã đủ hay chưa. Ngoài ra, hiện cũng chưa có bằng chứng chứng minh sữa tươi hay bất cứ thực phẩm nào khác có thể giúp tăng xu hướng nuôi con bằng sữa mẹ [15].
Nuôi con bằng sữa mẹ sau sinh: Làm sao để có nguồn sữa mẹ dồi dào?
Ở giai đoạn sau sinh, việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ phụ thuộc nhiều vào lượng sữa mẹ được sản xuất. Vì vậy, sau khi bé chào đời, bạn nên lưu ý những điều sau để con có đủ nguồn sữa dồi dào để tha hồ “măm măm”:
- Tiếp xúc da kề da, gần gũi với con thường xuyên bởi việc này sẽ thúc đẩy việc tiết sữa ở mẹ cũng như kích thích bản năng bú mút của bé [10].
- Cho bé bú đúng tư thế, ngậm ti đúng khớp ngay từ đầu. Toàn thân bé phải hướng sát về phía mẹ, cằm bé chạm vào vú mẹ, miệng bé há rộng, ngậm gần hết quầng vú của mẹ chứ không chỉ đầu vú, môi dưới cong ra ngoài. Bạn hãy hỏi nhân viên y tế để được hỗ trợ nhé! [11]
- Cho bé bú theo nhu cầu, bất cứ khi nào bé đói và đòi bú, không nhất thiết theo giờ giấc. Ngoài ra, không giới hạn thời gian của mỗi bữa bú, để bé bú đến khi nào tự ngưng thì thôi. [11]
- Chờ cho bé bú hết sữa một bên vú rồi mới tiếp tục cho bú vú còn lại, làm như thế để cả hai vú đều được kích thích tạo sữa cân bằng. [11]
- Thực hiện các động tác xoa bóp ngực theo chiều từ trên xuống dưới, vừa xoa tròn quanh ngực vừa hơi ép xuống, sau đó dùng ngón trỏ và ngón cái giữ bầu vú, kéo nhẹ núm vú ra một chút để kích thích tiết sữa. [11]
Bên cạnh những điều trên, để có đủ sữa cho con “măm măm”, bạn sẽ cần chú ý nhiều hơn đến việc chăm sóc bản thân bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý [11]. Chế độ ăn của mẹ khi cho bé bú cần đủ chất với đa dạng các loại thực phẩm như rau củ, trái cây, thịt, cá, ngũ cốc, thực phẩm từ sữa [12]. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý ăn nhiều các thực phẩm giúp lợi sữa sau sinh như yến mạch, hạnh nhân và các loại hạt, thịt gà… [13] cũng như duy trì việc dùng các thực phẩm bổ sung cho mẹ mang thai và cho con bú đã được chứng minh giúp tăng lượng sữa mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ là hành trình tưởng khó nhưng dễ, tưởng dễ nhưng lại khó. Đặc biệt, những ngày đầu sau sinh khi mới cho con bú sẽ là lúc đầy bỡ ngỡ và bối rối. Do đó, bạn sẽ cần kiên nhẫn, bình tĩnh, tin tưởng là mình có đủ sữa và cố gắng cho bé bú đều đặn để “nhắc” cơ thể tiết sữa. [10] Ngoài ra, điều quan trọng là đừng quá căng thẳng, hãy cố gắng nghỉ ngơi, thư giãn. Nếu thấy quá “bế tắc”, đừng ngần ngại hỏi ý kiến chuyên gia để được hỗ trợ nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]