Tắm cho trẻ ngay khi mới sinh là điều không cần thiết. Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa rõ lý do tại sao lại không nên tắm cho trẻ ngay khi chào đời.
Chị Thanh Nhàn (Q. 10) vừa sinh bé thứ 2 ở Bệnh viện Từ Dũ, TP. HCM. Sau khi sinh bé, chị không thấy nhân viên đưa con mình đi tắm rửa sạch sẽ. Họ chỉ dùng khăn lau sơ bé rồi đưa bé cho chị. Thắc mắc, chị hỏi nhân viên thì được biết, lớp chất sáp màu trắng bao phủ khắp người bé giúp bảo vệ da bé. Do đó, không nên tắm sẽ làm rửa trôi hết lớp đó đi. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác để lý giải việc không nên tắm bé ngay khi mới sinh. Mời bạn đọc bài viết sau đây của Hello Bacsi.
1. Giảm nguy cơ nhiễm trùng
Khi sinh ra, bé được bao bọc trong một lớp sáp trắng gọi là vernix. Lớp sáp này chứa các protein có tác dụng ngăn ngừa một vài nhiễm trùng thông thường. Do đó, nó đóng vai trò như một loại thuốc mỡ kháng khuẩn tự nhiên. Các vi khuẩn liên cầu khuẩn nhóm B và E.coli thường được truyền sang trẻ sơ sinh trong quá trình vượt cạn và có thể gây ra nhiễm trùng máu, viêm phổi và viêm màng não, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong.
2. Duy trì lượng đường trong máu ổn định
Tắm cho trẻ sơ sinh quá sớm có thể làm lượng đường trong máu giảm. Trong vài giờ đầu sau khi chào đời, bé phải thích ứng với cuộc sống bên ngoài tử cung. Do đó, nếu tắm quá sớm sẽ khiến bé cảm thấy mệt mỏi, dẫn đến giải phóng các nội tiết tố gây căng thẳng. Những nội tiết tố này có thể làm lượng đường trong máu giảm xuống. Hậu quả của điều này là khiến bé buồn ngủ và lười bú. Điều này càng làm cho lượng đường trong máu ngày càng giảm.
3. Kiểm soát nhiệt độ cơ thể
Tắm cho trẻ sơ sinh quá sớm khiến cơ thể bé bị hạ nhiệt. Nhiệt độ bên trong cơ thể mẹ thường là 37° nhưng đa số các bé đều được sinh ra ở những phòng có nhiệt độ khoảng 25°. Do đó, trong vài giờ đầu sau sinh, bé sẽ phải sử dụng rất nhiều năng lượng để giữ ấm cơ thể. Nếu quá lạnh, bé có thể bị hạ đường huyết và gặp phải các biến chứng về sức khỏe.
4. Tăng cường mối quan hệ giữa mẹ và con
Trẻ sơ sinh cần phải được tiếp xúc da thịt với mẹ sau khi sinh. Đó là những phút giây cực kỳ quý báu giữa mẹ và con. Miễn là bé không cần phải thở oxy hoặc hồi sức ngay lập tức thì bé nên được ở trong vòng tay của mẹ. Trẻ sơ sinh được tiếp xúc da thịt với mẹ sẽ có lượng đường trong máu tốt hơn, sẽ biết cách kiểm soát nhiệt độ cơ thể và có thể dễ dàng học được cách bú mẹ. Do đó, việc tắm cho trẻ sơ sinh lúc này là hoàn toàn không cần thiết.
5. Cải thiện việc cho con bú
Các nghiên cứu cho thấy rằng, bé sẽ dễ học được cách bú mẹ hơn nếu được tiếp xúc da thịt với mẹ ngay sau khi sinh mà không bị gián đoạn bởi các thủ tục y khoa hoặc việc tắm. Cho con bú mẹ trong lần đầu tiên có thể khiến bạn căng thẳng nhưng những bé được bú trong 30 phút đầu tiên sau khi chào đời sẽ dễ dàng học được kỹ năng này. Tại sao lại như vậy? Khi còn nằm trong bụng mẹ, bé phải thường xuyên hút dịch ối và nuốt. Khi mới chào đời, bé sẽ tập thở và quên mất cách hút và nuốt. Nếu bạn chờ 1 giờ rồi mới cho bé bú thì bé sẽ gặp khó khăn với việc hút và nuốt đấy.
6. Không cần dùng kem dưỡng
Lớp sáp vernix là chất giữ ẩm da tự nhiên và bảo vệ da tốt nhất. Trẻ sơ sinh cần được bảo vệ da khi phải chuyển đổi từ dịch màng ối sang môi trường không khí. Nếu bạn hạn chế tắm, bạn sẽ không cần phải dùng kem giữ ẩm cho bé.
7. Mọi người phải đeo găng tay
Nhân viên bệnh viện phải đeo găng tay khi chăm sóc một đứa trẻ chưa được tắm để tránh tiếp xúc với chất dịch cơ thể như nước ối và máu. Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc đeo găng tay khi tiếp xúc với bé sẽ đảm bảo an toàn cho bé nhiều hơn vì sẽ hạn chế được sự lây nhiễm virus và các bệnh nhiễm trùng khác.
8. Tự tay tắm cho bé
Sau khi bạn hồi phục, bạn hay người thân trong gia đình có thể tự tay tắm lần đầu tiên cho bé. Đây sẽ là cơ hội để bạn học cách tắm cho trẻ sơ sinh từ các y tá.
Tắm cho trẻ sơ sinh không phải là công việc dễ dàng. Bạn có thể tham khảo những thông tin trên và ghi nhớ trước ngày bé chào đời để sau đó có thể áp dụng thành công nhé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]