backup og meta

Bé 30 tuần tuổi: Mẹ cần nên biết gì về sự phát triển của trẻ?

Bé 30 tuần tuổi: Mẹ cần nên biết gì về sự phát triển của trẻ?

Mốc thời gian bé 30 tuần tuổi (7,5 tháng) chắn chắn sẽ khiến mẹ bất ngờ vì sự phát triển nhanh chóng đấy! Không những biết thể hiện cảm xúc và nói bi bô mà bé còn biết tìm cách lấy món đồ chơi ngoài tầm với. Tìm hiểu ngay sự phát triển của trẻ 30 tuần tuổi torng bài viết này nhé!

Hành vi và phát triển

Bé 30 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Đến lúc này, bạn có thể bảo với bé rằng điện thoại không phải là một món đồ chơi, trống lắc không phải dùng để ném hoặc không được kéo tóc người khác. Ở tuổi này, bé có thể bắt đầu thử uy quyền của bạn bằng cách từ chối tuân theo những hướng dẫn đơn giản mà bạn đưa ra. Bé không phải không thực sự không vâng lời hoặc cố ý không vâng lời bạn mà chỉ đơn giản là tò mò mà thôi.

Vào tuần thứ 30, bé có thể sẽ có khả năng:

  • Tự ngồi không cần hỗ trợ;
  • Cố ghì lại khi bạn nâng bé lên;
  • Phản đối nếu bạn lấy đồ chơi đi;
  • Tìm cách lấy món đồ chơi ngoài tầm với;
  • Tìm đồ vật bị rơi;
  • Cào cấu ngón tay lên đồ vật và cầm chúng trong nắm tay ( vậy nên bạn hãy để những đồ vật nguy hiểm ra ngoài tầm tay của bé);
  • Quay về hướng phát ra âm thanh;
  • Bi bô nói bằng cách kết hợp nguyên âm và phụ âm như ga-ga-ga, ba-ba-ba, ma-ma-ma, da-da-da;
  • Chơi trò ú oà.

Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?

Hãy nhớ rằng bé đơn giản không thể nhớ những điều bạn nói. Chiến thuật tốt nhất là sử dụng một từ đơn giản “không” để bé hiểu rằng bé không được làm thế.

Một trò chơi đơn giản như trò ú oà cũng có thể hấp dẫn được bé. Bé có thể trở nên yêu thích trò chơi trong đó người hoặc sự vật xuất hiện và biến mất. Điều này giúp tăng cường sự nhận thức của bé về sự hiện diện của mọi người xung quanh.

Sức khỏe và an toàn

Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?

Hầu hết các bác sĩ sẽ không sắp xếp kiểm tra sức khoẻ cho bé vào tháng này. Về mặt tích cực, nó có nghĩa là không có vấn đề nghiêm trọng với bé; về mặt tiêu cực là bạn sẽ không thể nhận biết bé đang phát triển như thế nào. Hãy chuẩn bị các câu hỏi cho lần kiểm tra vào tháng tiếp theo, nhưng cũng đừng e ngại mà hãy gọi điện ngay cho bác sĩ nếu có bất kì vấn đề gì bạn quan tâm lo lắng mà không thể đợi đến lần tái khám tiếp theo.

Mẹ nên biết thêm những gì?

Thiếu máu

Thiếu máu xảy ra khi các tế bào hồng cầu của cơ thể bị giảm lượng hemoglobin (một sắc tố màu đỏ mang oxy đến các mô và đưa chất thải và carbon dioxide ra ngoài).

Thiếu máu có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do sự thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn di truyền, thuốc, nhiễm trùng và các bệnh mãn tính. Các nguyên nhân thường gặp nhất của thiếu máu ở trẻ sơ sinh là do thiếu sắt, do không đủ chất sắt trong chế độ ăn uống, không có khả năng hấp thụ chất sắt từ thực phẩm đúng cách, hoặc mất máu liên tục (ví dụ như trong đường ruột). Một số loại thiếu máu khác là do di truyền, chẳng hạn như thiếu máu tế bào hình lưỡi liềm bị gây ra bởi các hemoglobin bất thường.

Mặc dù trẻ sinh non thường bị thiếu máu từ khi mới sinh, trẻ đủ tháng khi được sinh ra cũng nên được bổ sung thêm chất sắt. Trong sáu tháng đầu đời, nồng độ sắt của các bé thường giảm nhanh và cần phải được bổ sung thêm. Đôi khi giữa tháng thứ 9 và 13, khi bạn đưa bé đi khám định kỳ, bác sĩ có thể thực hiện kiểm tra nồng độ hemoglobin để xem liệu bé có bị thiếu máu hay không.

Các triệu chứng của bệnh thiếu máu bao gồm mệt mỏi, khó chịu, chán ăn, môi và da tái nhợt… Các ảnh hưởng nghiêm trọng hơn của thiếu máu bao gồm khó thở, bệnh tim, các vấn đề về thể chất và tinh thần gây thương tổn vĩnh viễn và làm gia tăng sự nhạy cảm của bé và có thể dẫn đến ngộ độc.

Nếu xét nghiệm máu cho thấy rằng hàm lượng sắt trong cơ thể bé quá thấp, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên thay đổi chế độ ăn uống hoặc bổ sung thêm sắt cho bé. Hãy dự trữ các loại thực phẩm chức năng bổ sung sắt và làm theo hướng dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận khi cho bé bổ sung sắt bởi dùng chất sắt quá liều sẽ rất nguy hiểm cho bé.

Bạn có thể ngăn ngừa hoặc hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt bằng việc đảm bảo bé hấp thu đủ lượng chất sắt mà bé cần. Những điều bạn cần làm là:

  • Xác định xem con bạn có nguy cơ cao bị thiếu máu hay không. Các yếu tố có thể gây ra nguy cơ này bao gồm sinh non hoặc sinh con nhẹ cân, thiếu sắt trong chế độ ăn uống của bạn nếu bạn đang cho con bú hoặc thiếu chất sắt trong sữa bột của bé. Hãy hỏi bác sĩ để có thể điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc bổ sung thêm chất sắt cho bé.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ càng lâu càng tốt. Sữa mẹ có chứa một dạng đặc biệt của sắt giúp bé dễ dàng hấp thụ hơn sắt trong các thực phẩm khác.
  • Không cho bé uống sữa bò khi bé chưa đầy 1 tuổi. Sữa bò chứa lượng chất sắt thấp và có thể gây kích ứng niêm mạc ruột và gây nên các tổn thương nhỏ theo thời gian.
  • Cho bé ăn bột ngũ cốc tăng cường chất sắt. Bắt đầu từ khoảng tháng thứ 8, hãy cho bé thử ăn các loại thực phẩm khác giàu chất sắt như đậu, rau dền, lòng đỏ trứng, thịt nạc, thịt gia cầm và cá.
  • Hãy cho bé ăn các thực phẩm giàu vitamin C giúp hấp thu sắt bao gồm ớt chuông đỏ, đu đủ, dưa đỏ, bông cải xanh, dâu tây, và cam.

Cho bé ăn vặt

Nhiều bà mẹ đôi khi không muốn cho con mình ăn bánh kẹo giữa các bữa ăn chính. Nhưng thật ra ăn đồ ăn vặt ở mức độ vừa phải đóng một vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.

Lúc ăn nhẹ, bé có cơ hội cầm một miếng bánh mì hoặc bánh quy bằng tay và tự cho vào miệng mà không quan tâm tới việc thức ăn có vừa với khuôn miệng của bé hay không hoặc cách ăn của bé có quá lỗ mãng hay không. Vì vậy, bạn cần có kỹ năng thật vững để dạy bé ăn.

Trẻ con có dạ dày nhỏ, vậy nên con bạn rất mau no và cũng chóng đói. Hiếm khi bữa ăn chính có thể duy trì cảm giác no từ bữa này đến bữa khác cho bé như ở người lớn. Khi bé tập ăn dặm, đồ ăn nhẹ trở nên rất cần thiết để có thể khỏa lấp nhu cầu dinh dưỡng của bé.

Ăn vặt sẽ cho bé thời gian nghỉ ngơi. Giống như hầu hết chúng ta, trẻ sơ sinh cần nghỉ ngơi vì nếu bạn không cho bé đồ ăn nhẹ xen giữa các hình thức ăn dặm, bé sẽ luôn đòi được mẹ cho bú hoặc bú bình. Ăn nhẹ sẽ làm giảm nhu cầu bú mẹ thường xuyên của bé và có thể giúp bạn cai sữa cho bé.

Tuy nhiên, ăn vặt cũng có thể có một số nhược điểm. Bạn cần lưu ý những điều sau khi cho bé ăn vặt:

  • Ăn vặt theo giờ. Ăn vặt quá sát giờ ăn chính có thể khiến bé no và bỏ bữa chính. Hãy cố gắng để sắp xếp các món ăn vặt vào khoảng giữa các bữa ăn. Ăn vặt liên tục khiến bé quen với việc luôn có món gì đó trong miệng mọi lúc. Đây là một thói quen có thể gây ảnh hưởng xấu đến vóc dáng và sức khỏe của bé trong suốt thời thơ ấu và cả tuổi trưởng thành. Việc miệng liên tục chứa đầy thức ăn cũng có thể dẫn đến sâu răng. Thậm chí tinh bột lành mạnh trong bánh mì cũng sẽ chuyển thành đường khi tiếp xúc với nước bọt trong miệng. Một bữa ăn vặt vào buổi sáng, buổi trưa, và nếu bé có một khoảng thời gian dài giữa bữa ăn chiều và trước khi đi ngủ thì bạn có thể thêm một bữa vào lúc xế chiều là đủ. Tất nhiên, vẫn nên có ngoại lệ nếu bữa ăn bị trì hoãn lâu hơn bình thường và nếu bé đang quá đói.
  • Ăn vặt với lí do chính đáng. Có nhiều lý do rất hợp lý cho các bữa ăn vặt và cũng có những lý do không hợp lý. Hãy tránh cho bé ăn vặt nếu con bạn đang cảm thấy chán, đau hoặc bạn muốn khen thưởng nếu bé làm được điều gì đó. Thay vào đó bạn hãy thử khen ngợi bé bằng lời nói và một tràng vỗ tay nhiệt tình.
  • Địa điểm ăn vặt. Bữa ăn vặt cũng nên được bạn quan tâm nghiêm túc như bữa ăn chính. Hãy đảm bảo rằng bé ăn ở tư thế và vị trí an toàn (bé ăn khi đang nằm ngửa, bò xung quanh, hoặc đi bộ có thể dễ bị nghẹt thở), khi ngồi ăn bé tuân theo các quy tắc ăn uống cơ bản (tốt nhất bé nên học các quy tắc ăn uống căn bản khi ngồi trên bàn ăn). Bạn nên cho bé ăn đồ ăn vặt khi bé đang ngồi, tốt nhất là trên ghế ăn.

Mối quan tâm của mẹ

Những điều mẹ cần quan tâm là gì?

Bé gây áp lực cho bạn

Trên thực tế, hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, thậm chí là những trẻ lớn, thường cư xử không ngoan với cha mẹ hơn là khi cư xử với bảo mẫu. Đây là một dấu hiệu cho thấy trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn hơn khi ở với ba mẹ. Hãy suy nghĩ theo hướng này: bạn đang làm rất tốt công việc làm cha mẹ của mình và bé tin rằng tình yêu của bạn là vô điều kiện. Bé có thể thể hiện bản chất thật của mình mà không sợ mất đi tình thương của bạn.

Ở Việt Nam, mẹ có con dưới 6 tháng tuổi có thể được phép đi làm về sớm. Thời gian về nhà của bạn có thể trùng với đầu giờ chiều – khoảng thời gian khó chịu và cáu kỉnh nhất của bé trong ngày. Mệt mỏi, quá khích và đói có thể làm cho một thiên thần dù vui vẻ và đáng yêu trở nên cau có. Sau một ngày làm việc vất vả và khó khăn, bạn có thể bị kiệt sức. Thế mà khi về nhà bạn lại phải đối mặt với những vấn đề của bé. Tâm trạng căng thẳng nặng nề của bạn có thể ảnh hưởng trầm trọng đến bé, tình trạng của bé sẽ càng nặng nề thêm và cả hai sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái khủng hoảng.

Nếu bạn thường ít quan tâm đến bé, những “hành xử không tốt” của bé cũng có thể là một lời kêu gọi sự chú ý mà bé đang khao khát và đã thiếu thốn cả ngày.

Để bạn có thể xử lí những vấn đề của bé dễ dàng hơn khi trở về nhà mỗi tối, hãy thử làm theo những mẹo sau đây:

  • Đừng về nhà lúc bé đang đói và kiệt sức. Hãy nhờ người trông trẻ cho bé ăn dặm trong vòng một giờ trước khi bạn về. Một giấc ngủ ngắn cũng có thể ngăn chặn cơn cáu kỉnh của bé, nhưng phải đảm bảo rằng bé không ngủ quá trễ vì bé sẽ không thể dậy vào thời gian thích hợp.
  • Thư giãn trước khi về nhà. Hãy tập một số bài thể dục thư giãn trước khi vào nhà. Thay vì dành thời gian suy nghĩ về công việc vẫn chưa hoàn thành, hãy xoa dịu những lo lắng và lấp đầy đầu óc bạn bằng những suy nghĩ khiến bản thân dễ chịu và vui vẻ hơn.
  • Thư giãn khi về nhà. Đừng vội vã bắt đầu làm bữa ăn tối, kiểm tra mail hay gấp quần áo ngay khi bạn vừa đặt túi hay cặp xách xuống. Thay vào đó, hãy dành ra 15 phút để thư giãn cùng con bạn, nếu có thể hãy cho bé sự quan tâm tuyệt đối. Nếu con bạn thuộc dạng không thích những thay đổi, đừng vội để người trông trẻ ra về. Hãy dần nhập cuộc với con để bé có thể quen dần với tư tưởng là sắp có một sự thay đổi xảy ra. Khi bé đã thoải mái hơn thì lúc này bạn có thể để người trông trẻ rời khỏi nhà.
  • Để bé tham gia cùng vào công việc mà bạn đang làm. Khi cả hai cảm thấy thoải mái hơn, bạn hãy bắt tay vào làm công việc nhà nhưng phải luôn cho bé tham gia vào mọi việc. Bạn có thể đặt bé giữa giường hoặc dưới sàn khi bạn thay quần áo để có thể luôn quan sát bé, ôm bé khi bạn kiểm tra mail, cho bé ngồi lên ghế cao và cầm đồ chơi khi bạn bắt đầu làm đồ ăn tối; hoặc bạn có thể vừa rửa rau vừa trò chuyện cùng bé.
  • Đừng cá nhân hoá vấn đề. Hầu hết các bậc cha mẹ đi làm đều trải qua cảm giác suy sụp khi về nhà. Hãy cố gắng giữ tâm trạng vui tươi khi đón bé.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Murkoff, Heidi. What to Expect, The First Year. New York: Workman Publishing Company, 2009. Bản in. Trang 370-384.

Your 7-month-old: Week 2 http://www.babycenter.com/6_your-7-month-old-week-2_1495941.bc Ngày truy cập 20/11/2015

Your 30 week old Baby – Development, Milestones & Care https://parenting.firstcry.com/articles/your-30-week-old-baby/ Ngày truy cập 21/1/2022

Infant development: Milestones from 7 to 9 months https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/infant-development/art-20047086 Ngày truy cập 21/1/2022

Your Preemie’s Growth & Developmental Milestones https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/preemie/Pages/Preemie-Milestones.aspx Ngày truy cập 21/1/2022

Phiên bản hiện tại

21/01/2022

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Phối Linh


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 21/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo