Hành vi và phát triển
Bé phát triển như thế nào?
Vào tuần thứ 23, bé sẽ có thể:
- Ngồi không cần sự trợ giúp của bạn;
- Phát hiện những vật thể rất nhỏ và theo dõi vật đang di chuyển;
- Nhận ra một đối tượng khi chỉ nhìn thấy một phần của nó, ví dụ như món đồ chơi yêu thích của bé hé lộ dưới tấm chăn;
- Với lấy một khối hình hoặc vật gì khác trên bàn nếu bạn đưa bé đến gần đó.
Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?
Ở tuần 23, bé đang bắt đầu nhận thức về màu sắc. Đọc sách có nhiều màu sắc hay chơi với các khối màu là một cách tuyệt vời để bé có thể tìm hiểu về các bảng màu.
Hãy vỗ tay, cho bé một thứ gì đó đễ cầm và ngậm hoặc chỉ cho bé một số đồ vật mới cũng có thể mang lại hiệu quả để bé tăng khả năng nhận biết đồ vật và hình thái của chúng.
Sức khỏe và an toàn
Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?
Hầu hết các bác sĩ sẽ không sắp xếp kiểm tra sức khoẻ cho bé vào tháng này. Về mặt tích cực, nó có nghĩa là không có vấn đề nghiêm trọng với bé; về mặt tiêu cực là bạn sẽ không thể nhận biết bé đang phát triển như thế nào. Hãy chuẩn bị các câu hỏi cho lần kiểm tra vào tháng tiếp theo, nhưng cũng đừng e ngại mà hãy gọi điện ngay cho bác sĩ nếu có bất kì vấn đề gì bạn khiến bạn lưu tâm.
Mẹ nên biết thêm những gì?
Biểu đồ tăng trưởng
Bác sĩ sẽ kết luận về khả năng tăng trưởng tổng thể của con bạn bằng cách đo trọng lượng, chiều cao và chu vi vòng đầu và so sánh với các dữ liệu chung, cũng như so sánh với các kết quả trước đó của bé. Nếu có sự chênh lệch và tỷ lệ khác nhau một cách đột ngột, điều này có thể cho thấy bé đang mắc phải một vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng dung nạp và hấp thu chất dinh dưỡng. Bác sĩ cũng sẽ sử dụng tỷ lệ tăng trưởng theo phần trăm để xem xét bé phát triển như thế nào so với các bé đồng trang lứa.
Đừng lo lắng nếu bé không đạt cân nặng hoặc chiều cao tiêu chuẩn vì mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển khác nhau. Bé có thể phát triển chậm trong giai đoạn này, tăng nhanh trong giai đoạn sau hoặc ngược lại. Tốc độ phát triển và các chỉ số hình thể có thể phụ thuộc vào gen di truyền. Hơn nữa, tình trạng sức khỏe của bé còn chịu tác động từ một loạt các yếu tố bao gồm môi trường, tính khí và mức độ hoạt động. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ băn khoăn nào.
Kéo tai
Các ngón tay và bàn tay, các ngón chân và bàn chân, dương vật hoặc âm đạo và tai là những bộ phận có thể gây tò mò cho những đứa trẻ đang rất hiếu kỳ với cơ thể mình ở thời điểm này. Trừ khi việc kéo và giật mạnh tai của bé đi kèm với quấy khóc và có các biểu hiện khó chịu rõ ràng, sốt và /hoặc các dấu hiệu khác của bệnh, nếu không, rất có khả năng đó chỉ là một biểu hiện của sự tò mò chứ không phải là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tai. Một số trẻ sơ sinh cũng có thể kéo tai lúc đang mọc răng hoặc khi bé cảm thấy mệt mỏi.
Mẩn đỏ phía ngoài tai không phải là dấu hiệu của nhiễm trùng mà đó chỉ là kết quả của việc kéo giật tai liên tục. Nếu bạn nghi ngờ bé mắc phải tình trạng sức khỏe nào khác, hãy đưa bé đến bác sĩ.
Bệnh chàm
Những thông tin dưới đây đều quan trọng trong việc giúp bạn đối phó với bệnh chàm ở bé:
- Cắt móng: hãy giữ móng tay của bé càng ngắn càng tốt để giảm thiểu tổn thương nếu bé gãi.
- Hạn chế tắm: tiếp xúc lâu với xà phòng và nước sẽ làm tăng tình trạng khô da, vậy nên hãy giới hạn thời gian tắm xuống không quá 10 hay 15 phút, sử dụng xà bông dịu nhẹ. Bạn không nên cho bé ngâm trong nước xà phòng. Ngay sau khi đưa bé ra khỏi nước, hãy sử dụng kem dưỡng ẩm cho bé.
- Dùng kem dưỡng da: hãy thoa nhiều kem dưỡng da để không gây kích ứng cho bé sau khi tắm, khi da bé vẫn còn ẩm ướt. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng các loại dầu hoặc kem bôi như Vaseline cho da bé.
- Điều chỉnh môi trường xung quanh: trời quá nóng, lạnh hoặc không khí khô có thể làm bệnh chàm thêm trầm trọng, hãy cố gắng tránh việc để bé ngoài trời trong thời tiết khắc nghiệt. Hãy giữ cho ngôi nhà của bạn không quá nóng cũng không quá lạnh và sử dụng máy tạo độ ẩm để luôn giữ không khí ẩm.
- Mặc quần áo làm từ cotton (sợi bông): mồ hôi có thể làm cho bệnh chàm tồi tệ hơn, do đó, tránh cho bé mặc sợi tổng hợp, len và mặc quá nhiều lớp quần áo.
- Điều chỉnh chế độ ăn: dưới sự giám sát của bác sĩ, bạn hãy loại bỏ bất kỳ thực phẩm có khuynh hướng gây kích thích mầm mống bệnh và làm tình trạng chàm trở nên nghiêm trọng hơn.
Mối quan tâm của mẹ
Những điều mẹ cần quan tâm là gì?
Ghế ăn
Những rắc rối và khó khăn chính là cuộc vật lộn với bé con đeo yếm khi ăn, lúc này một số loại ghế ăn sẽ hỗ trợ công việc này và giúp việc cho bé ăn dễ dàng hơn. Trong khi một số em bé vẫn cần sự hỗ trợ để ngồi, ghế cho trẻ sơ sinh (với bé được giữ bên trong và dưới sự giám sát liên tục của bạn) có thể đạt hiệu quả gấp đôi khi cho bé ăn. Một khi bé có thể tự ngồi khá tốt thì đó là lúc để bạn chuyển sang một chiếc ghế cao cho bé.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-vaccination-tool]