backup og meta

14 tuần

14 tuần

Hành vi và phát triển

Bé phát triển như thế nào?

Bé lúc này rất thích được chạm vào bạn. Trên thực tế, xúc giác đóng vai trò rất quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ. Tất cả những tiếp xúc qua da không chỉ giúp bạn và em bé gắn kết với nhau mà còn giúp bạn dỗ dành khi bé thấy khó chịu hay cáu kỉnh. Bé cũng có thể vẫy tay và đạp chân. Khi hông và đầu gối của bé trở nên linh hoạt hơn, bé sẽ đạp chân mạnh hơn.

Vào tuần thứ hai của tháng thứ 3, bé có thể có khả năng:

  • Cười thành tiếng;
  • Nâng đầu lên 90 độ khi nằm úp;
  • Ré lên khi phấn khích;
  • Nắm hai tay lại với nhau;
  • Cười một cách tự nhiên;
  • Dõi theo đồ vật ở khoảng cách 15 cm và di chuyển 180 độ từ bên này sang bên kia trước mặt bé.

Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?

Hãy giúp bé phát triển xúc giác bằng cách cho bé tiếp xúc da với nhiều vật liệu khác nhau, chẳng hạn như lông giả, nỉ và vải bông. Ở độ tuổi này, bé có thể cho bất cứ thứ gì vào miệng, vì vậy hãy chọn lựa cẩn thận và đừng để bé một mình để tránh trường hợp bé bỏ đồ vật vào miệng.

Bé có thể chụm hai tay lại đồng thời duỗi và nắm các ngón tay. Hãy khuyến khích bé phối hợp mắt và tay bằng cách cầm một món đồ chơi để xem bé có lấy được nó hay không. Khi bạn đụng chạm với bé như thổi gió nhè nhẹ hoặc xoa bóp, bế bé bên hông của bạn hoặc hôn lên mũi bé, những hành động này sẽ giúp bé thư giãn và khiến bé gắn kết với bạn hơn. Nó thậm chí có thể làm cho bé tỉnh táo hơn và giúp bé tập trung chú ý lâu hơn.

Để thực hiện các bước xoa bóp đơn giản, hãy đặt bé lên một bề mặt phẳng và ấm áp, môt chiếc mền trên chiếu hoặc nềm chẳng hạn. Nhỏ dầu em bé hoặc dầu thực vật lên lòng bàn tay của bạn, chà tay vào nhau để làm nóng dầu và lòng bàn tay. Nhìn vào mắt của bé, hát hoặc trò chuyện với bé trong lúc bạn bắt đầu xoa bóp cho bé.

Hãy chú ý đến phản ứng của bé. Nếu bé tỏ ra không thích thú, hãy thử xoa bóp nhẹ hơn hoặc mạnh hơn, hoặc đơn giản là dừng lại. Nhiều bé chỉ cần vuốt ve nhẹ nhàng là được.

Sức khỏe và an toàn

Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?

Hầu hết các bác sĩ sẽ không lên lịch hẹn kiểm tra sức khỏe định kì cho bé trong tháng này. Nhưng bạn luôn có thể gọi cho bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào mà không thể đợi được đến kì khám tiếp theo.

Mẹ nên biết thêm những gì?

Lỡ một liều tiêm chủng

Nếu bé đã bỏ lỡ một mũi tiêm ngừa (ví dụ như tiêm ngừa vắc xin uốn ván, ho gà, sốt bại liệt), bạn không cần phải quá lo lắng. Bác sĩ sẽ tiêm bổ sung các mũi bé đã bỏ lỡ. Dù bé hay bị sốt hoặc cảm lạnh nhẹ, bé vẫn có thể tiếp tục chích ngừa một cách an toàn và hiệu quả. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bé bị:

  • Sốt cao hoặc bị bệnh nào khác;
  • Rối loạn miễn dịch, hệ miễn dịch yếu hoặc bé đang sử dụng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch;
  • Động kinh;
  • Co giật;
  • Uống steroid quá liều trong vòng hơn hai tuần trong ba tháng trước đó;
  • Phản ứng nghiêm trọng với mũi tiêm trước đó chẳng hạn như sốt 40 độ hoặc cao hơn, co giật, quấy khóc hoặc ngất xỉu.

Trẻ sinh non và trẻ sơ sinh có cân nặng ít hơn 2,5 kg nên được tiêm chủng theo như lịch trình của trẻ sinh đủ tháng, trừ khi bác sĩ hướng dẫn khác.

Bổ sung dinh dưỡng bằng sữa bò

Sữa bò là một thức uống tuyệt vời cho trẻ em và cả người lớn tuổi, tuy nhiên sữa bò không chứa những chất dinh dưỡng cần cho trẻ sơ sinh. Do chứa nhiều muối và chất đạm hơn sữa mẹ hoặc sữa bột, vì vậy, sữa bò không tốt cho thận của bé.

Sữa bò cũng thiếu chất sắt. Các thành phần của sữa bò khác với sữa mẹ và sữa bột. Bên cạnh đó, chúng có thể gây ra chảy máu đường ruột nhẹ ở một số ít trẻ sơ sinh. Vì vậy, nếu bạn đang có kế hoạch bổ sung dinh dưỡng cho bé bằng loại sữa khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa bột theo khuyến cáo của các bác sĩ, hãy đợi đến khi bé được một tuổi để bắt đầu thực hiện điều này.

Đi cầu ít hơn

Tình trạng nhiều bé bú sữa mẹ bắt đầu đi phân ít hơn trong ngày, thậm chí vài ngày mới đi một lần trong khoảng thời gian bé một đến ba tháng tuổi là một điều rất bình thường. Nguyên nhân là vì khi lớn hơn, bé ăn nhiều thức ăn hơn, các cơ quan tiêu hóa của bé phải tiêu hóa nhiều hơn những gì bé ăn vào nhưng lại đào thải ra ít hơn.

Những bé bú sữa mẹ lại có thể đi tiêu nhiều hơn bình thường. Điều này cũng không có gì khác thường. Các bé bú sữa mẹ hiếm khi bị táo bón. Đi cầu không thường xuyên không phải là dấu hiệu của táo bón, ta sẽ nhận biết được liệu bé có bị táo bón hay không khi phân của bé cứng và khó thoát ra cơ thể.

Mối quan tâm của mẹ

Những điều mẹ cần quan tâm là gì?

Đặt bé lên giường ngủ

Nhiều bà mẹ thường cố gắng không cho bé ngủ trong khi đang bú hoặc cố gắng đánh thức bé khi bé vừa bú vừa ngủ. Bạn nên đặt bé lên giường khi còn thức để sau này khi cai sữa, bé có thể tự ngủ mà không cần bú mẹ hay bú bình. Sẽ thực tế hơn nếu bạn đợi tới khi bé được 6 đến 9 tháng tuổi và đã ít bú hơn để dạy bé ngủ mà không cần vú mẹ hoặc bình sữa. Và khi bé làm quen với việc này rồi, bé sẽ hoàn toàn có thể tự ngủ nhanh chóng sau khi cai sữa. Tuy vậy, bất cứ khi nào có cơ hội, hãy đặt bé xuống một lát. Hãy vuốt ve, cho bé bú hoặc hát ru để làm bé thấy buồn ngủ và chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Ở chung phòng với bé

Trong tháng đầu tiên hoặc tháng thứ hai, bạn sẽ vô cùng bận rộn khi phải luôn ở bên chăm sóc bé. Bạn sẽ phải cho bé ăn, thay tã, vuốt ve bé bất kể ngày đêm. Một số cha mẹ cho bé ngủ chung phòng để có thể chăm sóc bé một cách thuận tiện và thoải mái hơn. Nhưng nếu bạn không dự định sẽ để bé ở chung phòng vô thời hạn, thì tách bé sang phòng riêng một khi bé đã qua giai đoạn có nhu cầu bú thường xuyên vào ban đêm (thường là khi bé được khoảng 2-4 tháng tuổi). Sau thời gian này, việc để bé ở chung phòng sẽ làm nảy sinh một số vấn đề như sau:

  • Bé ít ngủ hơn. Khi ở chung phòng với bé suốt cả đêm, bạn sẽ cố gắng ôm bé lên để dỗ dành mỗi khi bé quấy khóc. Điều này có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bé. Hơn nữa, bé thường tạo ra nhiều tiếng ồn khi ngủ. Hầu hết các bé rất dễ ngủ trở lại chỉ trong vòng vài phút mà không cần phải dỗ dành. Vậy nên nếu bạn bế bé lên ngay khi bé rên khẽ, bạn có thể sẽ vô tình đánh thức bé dậy và làm gián đoạn giấc ngủ của bé.
  • Bố mẹ thiếu ngủ. Thực tế là bạn sẽ phải bế bé lên thường xuyên hơn vào ban đêm nếu để bé ngủ chung phòng và việc này đồng nghĩa với việc bạn sẽ ngủ ít hơn.
  • Bố mẹ ít có thời gian âu yếm nhau.

Để bé ở chung phòng trong thời gian dài có thể khiến bạn sẽ gặp khó khăn hơn khi cho bé ngủ riêng sau này.

Nếu bé phải chia sẻ phòng với một bé khác trong nhà thì việc sắp xếp chỗ ngủ phải tùy thuộc vào thói quen ngủ của hai bé. Nếu một trong hai hoặc cả hai đều có xu hướng thức dậy vào ban đêm, bạn sẽ vất vả một thời gian cho đến khi các bé học được cách ngủ trong khi bé khác vẫn còn thức. Bạn có thể chia hoặc ngăn phòng ngủ ra để hạn chế bớt tiếng ồn nhằm tạo không gian riêng tư cho các bé lớn hơn.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Murkoff, Heidi. What to Expect, The First Year. New York: Workman Publishing Company, 2009. Bản in. Trang 249-288.

Your 3-month-old: Week 2. http://www.babycenter.com/6_your-3-month-old-week-2_1495327.bc. Ngày truy cập 23/11/2015.

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo