backup og meta

Sữa dê có tốt cho trẻ có cơ địa mẫn cảm? Sữa dê liệu có tốt hơn sữa bò?

Sữa dê có tốt cho trẻ có cơ địa mẫn cảm? Sữa dê liệu có tốt hơn sữa bò?

So với sữa bò, việc cho trẻ nhỏ uống sữa dê thường không phổ biến bằng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, xu hướng dùng sữa dê cho bé đang tăng nhanh và nhiều mẹ cũng tự hỏi dùng sữa dê cho bé có tốt hay không?

Sữa dê từ lâu đã nổi tiếng là loại sữa có hàm lượng dưỡng chất dồi dào và thường được dùng để thay thế khi trẻ bị dị ứng với sữa bò [1]. Thế nhưng, tại Việt Nam, trước đây, sữa dê không phải là thực phẩm phổ biến và việc dùng sữa dê cho bé cũng ít khi được nghe nói đến. Do đó, rất ít cha mẹ hiểu rõ về tác dụng của sữa dê cho trẻ nhỏ. Hãy cùng Hello Bacsi theo dõi tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu hơn về công dụng của sữa dê nhé.

Khi nào trẻ uống được sữa dê? Có nên cho trẻ uống hay không?

Trong những năm gần đây, xu hướng chọn sữa dê cho bé ngày càng trở nên phổ biến. Thế nhưng, thực tế, nhiều mẹ vẫn thắc mắc không biết có nên cho trẻ uống sữa dê không và khi nào nên cho trẻ uống.

Một số công thức sữa làm từ sữa dê có thể phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ [2]. Tuy nhiên, đối với sữa dê tươi, mẹ không nên cho bé dưới 1 tuổi dùng. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cảnh báo sữa dê tươi không an toàn – thậm chí một số trường hợp có thể gây đe dọa đến tính mạng – cho trẻ dưới 1 tuổi. Điều đó có nghĩa là bạn không nên cho bé dưới 1 tuổi uống sữa dê tươi [3].

Đối với trẻ trên 1 tuổi, mẹ có thể cho bé dùng sữa dê nhưng trước khi cho bé uống, tốt nhất nên tham khảo ý kiến nhân viên y tế [4].

Lợi ích của sữa dê đối với trẻ nhỏ

trẻ sơ sinh uống sữa dê

So với sữa bò, công thức sữa từ sữa dê thường dễ chịu hơn đối với hệ tiêu hóa của trẻ do sữa dê chứa ít lactose hơn và đạm trong sữa dê cũng dễ tiêu hơn [5]. Bên cạnh đó, sữa dê cũng mang đến cho trẻ các lợi ích như:

  • Trẻ uống sữa dê hấp thu sắt nhiều hơn: Hơn 50% chất sắt có trong sữa dê có thể được cơ thể hấp thụ dễ dàng, trong khi sữa bò chỉ là 13%. Do đó, trẻ uống sữa dê sẽ nhận được nhiều sắt hơn so với uống sữa bò [6].
  • Độ pH của sữa dê gần với độ pH của sữa mẹ: Sữa dê có tính kiềm giống như sữa mẹ trong khi sữa bò lại có tính axit. Một số chuyên gia cho rằng mức độ pH lý tưởng của sữa dê có thể giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa [7].
  • Sữa dê có thể có đặc tính chống viêm: Một số nghiên cứu đã chỉ ra sữa dê có đặc tính chống viêm và giúp nuôi dưỡng vi khuẩn “tốt” trong ruột. Điều này có thể có lợi trong việc giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch và cải thiện tiêu hóa [8].
  • Dễ tiêu hóa: Protein trong sữa dê thường dễ tiêu hóa hơn so với protein trong sữa bò. Ngoài ra, chất béo có trong sữa dê cũng là loại chất béo dễ tiêu với các axit béo chuỗi ngắn dễ bị phân hủy [7]. Không những vậy, hàm lượng lactose trong sữa dê cũng thấp hơn trong sữa bò [4].

Sữa dê có phù hợp với trẻ có cơ địa mẫn cảm? Liệu có giải pháp dinh dưỡng khác?

Việc sử dụng sữa dê cho bé đang ngày một phổ biến. Tuy nhiên, nếu có ý định cho bé uống sữa dê, tốt nhất mẹ vẫn nên tham khảo ý kiến nhân viên y tế, nhất là với những trẻ có cơ địa mẫn cảm. Vậy sữa dê có phù hợp với trẻ có cơ địa mẫn cảm? 

Theo Viện Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng Châu Âu, mẫn cảm là tình trạng xuất hiện các triệu chứng hoặc dấu hiệu lặp lại, bắt đầu bằng việc tiếp xúc với một tác nhân kích thích ở liều lượng mà người bình thường có thể dung nạp được. Các triệu chứng thường gặp ở trẻ mẫn cảm là viêm da cơ địa, chàm; các biểu hiện tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón; các biểu hiện về hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng… [9]. 

Tất cả các bé đều có nguy cơ gặp phải các triệu chứng mẫn cảm nhưng bé sẽ có nguy cơ cao hơn nếu ba hoặc mẹ từng ghi nhận dị ứng. Ngoài ra, các yếu tố môi trường như mẹ hút thuốc khi mang thai, bé tiếp xúc với chất gây ô nhiễm, dị nguyên… cũng làm tăng nguy cơ bé gặp phải tình trạng này [9], [10], [11].

Ở trẻ nhỏ, do hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện nên bé rất dễ bị kích ứng. Với trẻ mẫn cảm, bé sẽ càng dễ bị kích ứng khi tiếp xúc với dị nguyên, đặc biệt các chất mẫn cảm có trong sữa như đạm bò nguyên vẹn và có thể gặp phải các triệu chứng như viêm da cơ địa, chàm, các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón…. Do đó, nếu bé nhà bạn có cơ địa mẫn cảm, bạn sẽ cần lưu ý nhiều hơn trong việc chăm sóc, nhất là về dinh dưỡng và việc chọn sữa cho bé.

Sữa dê hoặc công thức sữa từ sữa dê là lựa chọn thay thế phù hợp cho những người mẫn cảm, dị ứng đạm bò [1]. Tuy nhiên, thực tế, hiện trên thị trường không có quá nhiều các sản phẩm có thành phần sữa dê để bạn có thể dễ tìm kiếm. Ngoài ra, giá thành của các sản phẩm sữa có thành phần sữa dễ cũng khá cao. Không những vậy, với trẻ nhỏ, khi cho trẻ uống sữa dê, bạn cũng cần thận trọng bởi sữa dê vẫn có thể gây ra một số vấn đề như: [5]

  • Hàm lượng protein quá cao gây áp lực cho thận của trẻ, có thể khiến trẻ bị mất nước.
  • Hàm lượng folate trong sữa dê quá thấp có thể dẫn đến bệnh thiếu máu hồng cầu to.
  • Một số trẻ vẫn có nguy cơ dị ứng với sữa dê.

Do đó, với trẻ có cơ địa mẫn cảm, nhất là bé dưới 2 tuổi, tốt nhất bạn nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bé bú đến khi 2 tuổi [12]. Bởi sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà còn có thể giúp hỗ trợ trẻ có cơ địa mẫn cảm. Việc nuôi con bằng sữa mẹ đã được chứng minh có thể giúp giảm tần suất viêm da dị ứng; giảm khởi phát sớm những cơn khò khè và giảm tần suất dị ứng sữa bò [13].

Tóm lại, trẻ trên 1 tuổi vẫn có thể dùng sữa dê, tuy nhiên tốt nhất bạn vẫn nên tham khảo ý kiến nhân viên y tế và cần thận trọng khi chọn sữa dê cho bé. Với những bé có cơ địa mẫn cảm, thay vì chọn sữa dê, bạn có thể cân nhắc đến đến các sản phẩm sữa có công thức 100% đạm whey thủy phân để hỗ trợ trẻ có cơ địa mẫn cảm tốt hơn nhé!

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Exploring the health benefits and functional properties of goat milk proteins https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10563692/ Ngày truy cập: 6/7/2024

2. The Effect of Goat-Milk-Based Infant Formulas on Growth and Safety Parameters: A Systematic Review and Meta-Analysis https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10181279/ Ngày truy cập: 6/7/2024

3. Despite the Hype, You Shouldn’t Give Your Baby Goat Milk https://health.clevelandclinic.org/goats-milk-for-babies Ngày truy cập: 6/7/2024

4. Mom Talk: Should I Give My Baby Goat’s Milk? https://intermountainhealthcare.org/blogs/mom-talk-goats-milk Ngày truy cập: 6/7/2024

5. Goat Milk Considerations https://www.health.state.mn.us/docs/people/wic/localagency/wedupdate/2022/topic/0608goat.pdf Ngày truy cập: 6/7/2024

6. Bioavailability of iron in goat milk compared with cow milk fed to anemic rats. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/3805444/ Ngày truy cập: 6/7/2024

7. Nutritional and medicinal superiority of goat milk over cow milk in infants. https://www.researchgate.net/publication/301621095_Nutritional_and_Medicinal_Superiority_of_Goat_Milk_over_Cow_Milk_in_Infants Ngày truy cập: 6/7/2024

8. Goat milk during iron repletion improves bone turnover impaired by severe iron deficiency. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21605744/ Ngày truy cập: 6/7/2024

9. Dreborg S. Dietary prevention of allergy, atopy, and allergic diseases. J Allergy Clin Immunol. 2003;111(3):467-470. doi:10.1067/mai.2003.175

10. The effect of hydrolyzed cow’s milk formula for allergy prevention in the first year of life: The German Infant Nutritional Intervention Study, a randomized double-blind trial https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0091674902913631 Ngày truy cập: 5/6/2024

11. Preventive effect of hydrolyzed infant formulas persists until age 6 years: Long-term results from the German Infant Nutritional Intervention Study (GINI) https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0091674908007653 Ngày truy cập: 5/6/2024

12. Recommendations and Benefits https://www.cdc.gov/nutrition/infantandtoddlernutrition/breastfeeding/recommendations-benefits.html#   Ngày truy cập: 5/6/2024

13. The Effect of Breastfeeding on Food Allergies in Newborns and Infants https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10297573/   Ngày truy cập: 5/6/2024

Phiên bản hiện tại

17/09/2024

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 17/09/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo