Lựa chọn thực phẩm cho bé tập ăn dặm

Ở giai đoạn mới tập ăn dặm, bạn cần cung cấp các thực phẩm giàu sắt, kẽm cho bé. Thực tế, từ 6 tháng tuổi trở đi, nguồn dự trữ sắt trong cơ thể bé giảm dần và lượng sắt trong sữa mẹ thì rất thấp. Theo nghiên cứu của tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ vào năm 2007, từ 9–10 tháng tuổi, 90% lượng sắt và kẽm bé hấp thụ được đến từ những bữa ăn dặm.
Các thực phẩm bạn có thể chế biến thành bột cho trẻ ăn dặm ở giai đoạn đầu gồm:
- Các loại rau củ không quá ngọt, như bông cải xanh, bông cải trắng, cải bó xôi, cải xoăn, cà rốt, bí ngòi…
- Một số loại trái cây quen thuộc như chuối, dâu, thơm (dứa), táo, cam, xoài, đào…
- Thực phẩm chứa nhiều tinh bột gồm khoai tây, cơm, cháo, ngũ cốc…
- Thực phẩm cung cấp protein và các chất dinh dưỡng cần thiết (như sắt, kẽm) gồm thịt gà, thịt bò, thịt heo, cá, các loại đậu…
Khi chế biến, bạn cần rửa sạch nguyên liệu, nấu chín và xay nhuyễn chúng thành dạng bột hơi sệt. Hãy nhớ, trẻ nhỏ không cần ăn thêm muối và đường nên bạn không cần nêm thêm gia vị khi cho trẻ ăn dặm. Thức ăn quá mặn sẽ không tốt cho thận và đường thì có khả năng gây ra sâu răng.
Một số lưu ý khi bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm
Ngoài ra, có một số thực phẩm dễ gây dị ứng thường thấy là:
- Sữa bò
- Trứng
- Cá
- Động vật có vỏ
- Đậu nành
- Thực phẩm có gluten như lúa mì, lúa mạch…
- Đậu phộng
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm với một loại thực phẩm mới nào, các mẹ cần chú ý quan sát, theo dõi các biểu hiện dị ứng có xuất hiện hay không để can thiệp kịp thời.
Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ đưa ra khuyến cáo rằng mẹ chỉ nên cho bé ăn dặm khi bé được ít nhất là 4 đến 6 tháng tuổi. Tuy có thể cho bé ăn dặm sớm hơn nhưng theo khuyến cáo, bạn không nên cho bé dưới 3 tháng tuổi ăn dặm các loại rau củ chứa nhiều nitrate như cà rốt, các loại đậu có màu xanh hay rau chân vịt,…
Mách mẹ một số mẹo nhỏ nấu bột, cháo ăn dặm cho con

Tự nấu ăn cho con mang nhiều lợi ích thiết thực nhưng cũng có một số bất lợi đối với mẹ, vì thế một số mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian cũng như chuẩn bị cho con bữa ăn đơn giản nhưng đầy đủ dưỡng chất:
- Món ăn không nên có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cơ thể.
- Bạn cần cẩn trọng khi sử dụng lò vi sóng để hâm nóng thức ăn. Thức ăn có thể không được hâm nóng đều trong lò vi sóng, khiến cho một số chỗ có nhiệt độ cao hơn chỗ khác. Do đó, bé có thể bị bỏng nếu ăn phải chỗ thức ăn nóng hơn. Để tránh khỏi trường hợp trên, bạn hãy trộn đều thức ăn sau khi hâm nóng bằng lò vi sóng và chờ vài phút trước khi cho bé ăn.
- Chỉ lấy vừa đủ lượng thức ăn mà bé cần và bỏ đi những thức ăn thừa của bé. Nước bọt lẫn trong thức ăn cũ tạo thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dễ dẫn đến ôi thiu.
- Đừng cho bé ăn thức ăn có nhiều đường, đặc biệt là mật ong. Những thực phẩm này có thể khiến con có nguy cơ mắc phải ngộ độc độc tố và dễ dẫn đến tử vong.
Tự chuẩn bị thức ăn cho trẻ là một điều không quá khó khăn nhưng cũng chẳng phải dễ dàng, nhất là đối với các bà mẹ bận rộn. Tuy nhiên, nếu biết cách quản lý, sắp xếp thời gian và kiên trì trong việc lên thực đơn ăn dặm, bạn sẽ đảm bảo được chất lượng các bữa ăn, giúp bé phát triển khỏe mạnh, vui vẻ.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!