backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Lông mày trẻ sơ sinh có vảy có nguy hiểm không, chăm sóc thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thư · Nhi khoa · Bệnh Viện Sản Nhi Cà Mau


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 08/05/2023

    Lông mày trẻ sơ sinh có vảy có nguy hiểm không, chăm sóc thế nào?

    Lông mày trẻ sơ sinh có vảy là tình trạng rất thường gặp. Thực tế có không ít các bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng không biết bé bị bệnh gì, có nguy hiểm không và nên làm thế nào để “tiễn biệt” các mảng bám khó ưa này. 

    Làn da trẻ sơ sinh thường mềm mại, mỏng manh nên rất dễ gặp phải nhiều vấn đề về da, điển hình như tình trạng lông mày trẻ sơ sinh có vảy hay cứt trâu ở lông mày trẻ sơ sinh. Tình trạng này thường gặp khi bé được vài tuần tuổi và không gây nguy hiểm hay khó chịu cho bé. Để hiểu rõ hơn, bạn hãy dành vài phút xem qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết dưới đây.  

    Nguyên nhân nào khiến lông mày trẻ sơ sinh có vảy? 

    Chân mày trẻ sơ sinh có vảy hay lông mày trẻ sơ sinh có vảy là tình trạng trên chân mày của bé xuất hiện những mảng vảy, còn được dân gian gọi là cứt trâu. Các vảy này thường có màu vàng hoặc trắng, đôi khi có màu nâu nhạt như mật ong, phần da phía dưới có thể có màu đỏ, khô và sần sùi.

    Tình trạng này thường là do bệnh viêm da tiết bã, rất thường gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 1 – 3 tháng, gây ra. Viêm da tiết bã thường không nguy hiểm và cũng ít khi gây ngứa ngáy khiến bé khó chịu như khi bị chàm. Viêm da tiết bã có thể khỏi mà không cần điều trị. Một số ít trường hợp sẽ phải cần áp dụng nhiều biện pháp điều trị để hết các triệu chứng nhưng các triệu chứng này có thể quay trở lại sau đó.

    Tuy nhiên, tình trạng đóng vảy này có thể không chỉ xuất hiện ở lông mày mà còn có thể gặp ở nhiều vị trí khác như: 

    • Da đầu 
    • Trán  
    • Mặt 
    • Sau tai 
    • Vùng da quấn tã 
    • Vùng da có nếp gấp. 

    Hiện vẫn chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều giả thuyết cho rằng nguyên nhân có thể là do trong cơ thể bé vẫn còn hormone của mẹ được truyền sang khi còn là thai nhi nằm trong bụng khiến các tuyến dầu trên da hoạt động mạnh, làm sản xuất nhiều bã nhờn. Trong khi, một số khác lại cho rằng nấm men malassezia, phát triển trong bã nhờn là “thủ phạm”. Việc vệ sinh vùng da với sản phẩm dịu nhẹ mỗi ngày và giữ khô thoáng chủ yếu giúp làm giảm chất bã nhờn cải thiện tình trạng đóng vảy và mau tái tạo vùng da chết.

    Mách mẹ cách chăm sóc khi lông mày trẻ sơ sinh có vảy 

    lông mày trẻ sơ sinh có vảy

    Nhiều bậc cha mẹ thường lên các hội nhóm tìm kiếm, trao đổi với nhau về các mẹo hay cách trị cứt trâu ở lông mày trẻ sơ sinh. Theo các chuyên gia, khi lông mày bé bị đóng vảy, bạn có thể chăm sóc da bé theo các cách sau để tình trạng này nhanh khỏi: 

    Chải lông mày cho bé 

    Chải lông mày cho bé là cách đơn giản nhất để loại bỏ lớp vảy ra khỏi da chân mày. Tuy nhiên, khi chải, bạn cần nhẹ nhàng, không cố gắng cạo lớp vảy vì như vậy có thể làm tổn thương da bé. 

    Bạn có thể chải lông mày cho bé bằng bàn chải mềm chuyên dụng hoặc bàn chải đánh răng mới có lông mềm. Làm ướt lông mày của bé để dễ loại bỏ vảy và di chuyển bàn chải theo 1 hướng nhất định. Thực hiện 1 lần/ngày, nếu da bé đỏ hoặc trầy xước thì có thể chải 2 – 3 ngày một lần. 

    Vệ sinh vùng lông mày cho bé và chú ý dưỡng ẩm 

    Để tình trạng cứt trâu ở lông mày trẻ sơ sinh mau khỏi, bạn nên thường xuyên vệ sinh vùng lông mày cho bé bằng các sản phẩm dịu nhẹ, không chứa hóa chất tẩy rửa, chiết xuất từ thiên nhiên để tăng khả năng kháng khuẩn, kháng viêm giúp lớp vảy ở lông mày bong ra nhanh. 

    Trường hợp lông mày trẻ sơ sinh đóng vảy quá dày, trước khi vệ sinh, bạn có thể thoa một lớp dầu như dầu jojoba, dầu dừa hoặc dầu hạnh nhân lên lông mày của trẻ khoảng 15 phút để giúp lớp vảy dễ bong ra. Tránh dùng dầu ô liu cho bé vì có thể dễ gây kích ứng da. Để an toàn mẹ nên thử một lượng nhỏ dầu lên da bé trước khi dùng để xem có phản ứng dị ứng không nhé.

    Massage vùng da xung quanh lông mày 

    Trong khi lau mặt cho trẻ, bạn hãy dùng khăn mềm, thấm nước nhẹ nhàng mát xa vùng da dưới và xung quanh lông mày để làm mềm lớp vảy. Tuy nhiên, tránh chà xát vào da hoặc cố gắng cạo lớp vảy. 

    Trong quá trình chăm sóc, bạn cũng nên để vùng lông mày thoáng mát, không che khăn hay đội mũ để tránh bé bị tiết nhiều mồ hôi hơn. Ngoài ra, nếu thời tiết không quá lạnh, bạn nên chọn cho bé những bộ trang phục thoáng mát, mỏng nhẹ và thấm hút mồ hôi tốt. 

    Nếu sau khi đã thực hiện các cách trên mà không có hiệu quả, bạn có thể hỏi bác sĩ về việc dùng kem bôi steroid hoặc dầu gội kháng nấm. Tuy nhiên, lưu ý tránh tự ý sử dụng và nên hỏi kỹ bác sĩ về liều lượng cũng như cách dùng. 

    Cứt trâu ở lông mày trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Liệu có thể tự khỏi? 

    trở sơ sinh bị cứt trâu

    Tình trạng lông mày trẻ sơ sinh có vảy có thể khiến bạn lo lắng do lớp vảy này trông có vẻ mất vệ sinh, gây mất thẩm mỹ và gây cảm giác ngứa ngáy. Tuy nhiên, tình trạng này không nguy hiểm, không khiến bé khó chịu, không truyền nhiễm và không lây lan cho các bé khác cũng như người chăm sóc. Thế nhưng cần lưu ý là tình trạng này có thể lan rộng sang thương hoặc lan sang các vùng da khác của cơ thể.

    Ngoài ra, cứt trâu ở lông mày trẻ sơ sinh cũng chỉ là tình trạng tạm thời. Đa phần, lông mày trẻ thường bị đóng vảy ở tuần thứ 2 đến tuần thứ 6 sau sinh và sẽ hết sau vài tháng hoặc đến khi bé 1 tuổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp có bé bị đến 2 – 3 tuổi.

    Tình trạng lông mày trẻ sơ sinh có vảy dù không nguy hiểm và có thể chăm sóc tại nhà nhưng nếu bé có các biểu hiện sau, bạn nên đưa con đi khám: 

    • Tình trạng lông mày trẻ sơ sinh có vảy kéo dài sau khi bé được 1 tuổi 
    • Phần chân mày của bé chảy mủ hoặc có rỉ dịch 
    • Da phần chân mày bị bong tróc, nứt nẻ, gây ngứa ngáy khiến bé khó chịu, quấy khóc, cào gãi, bỏ bú… 

    Với những trường hợp này, bác sĩ có thể cho bé dùng thuốc hoặc kê toa kháng sinh nếu da bé bị nhiễm trùng. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thư

    Nhi khoa · Bệnh Viện Sản Nhi Cà Mau


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 08/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo