backup og meta

Hướng dẫn 5 bước chuẩn trong cách thay bỉm cho trẻ sơ sinh

Thay bỉm cho trẻ sơ sinh là việc lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi ngày trong hành trình chăm sóc con nhỏ. Làm đúng cách, cha mẹ sẽ giúp bảo vệ làn da nhạy cảm và sự thoải mái của con yêu.

Hướng dẫn 5 bước chuẩn trong cách thay bỉm cho trẻ sơ sinh

Dù chọn tã dán hay bỉm quần, nguyên tắc cơ bản vẫn là vệ sinh đúng cách và thay thường xuyên. Với những người làm cha mẹ lần đầu, việc này có thể mới lạ và khó khăn. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết từng bước cùng những lưu ý quan trọng trong cách thay bỉm cho trẻ sơ sinh để cha mẹ có thể dễ dàng thực hiện.

Nên dùng tã dán hay bỉm cho trẻ sơ sinh?

Khi chọn tã cho trẻ sơ sinh, nhiều mẹ phân vân giữa tã dán và bỉm sơ sinh. Mỗi loại đều có ưu điểm riêng, tùy vào nhu cầu và giai đoạn phát triển của con mà mẹ có thể linh hoạt sử dụng.

Tã dán  Bỉm (tã quần)
  • Có dải keo dán hai bên, giúp mẹ điều chỉnh độ ôm vừa vặn với vòng bụng của bé.
  • Thiết kế mềm mại, mỏng nhẹ, thường dành cho trẻ sơ sinh từ 0-3 tháng.
  • Dễ thay khi bé nằm yên, tiện lợi trong những tháng đầu đời.
  • Giảm nguy cơ tràn tã nếu đóng đúng cách, chọn đúng size và thay thường xuyên (khoảng 2-3 tiếng/ lần hoặc ngay khi bé đi nặng).
  • Mẹ có thể kiểm tra phân/ nước tiểu dễ dàng mà không phải cởi quần bé.
  • Dạng quần đóng, có co giãn vừa vặn, không cần keo dán.
  • Thường dày hơn tã dán, phù hợp cho bé từ 3 tháng trở lên khi bé bắt đầu lẫy, lật, bò, cần sự thoải mái khi vận động.
  • Dễ mặc hơn khi bé bắt đầu hiếu động, nhưng khó điều chỉnh độ rộng như tã dán.
  • Phù hợp nếu mẹ muốn thao tác nhanh khi bé không chịu nằm yên.
  • Giữ ấm tốt hơn vào mùa đông nhờ thiết kế ôm kín.
Dù dùng loại nào, mẹ cũng nên ưu tiên chất liệu thấm hút tốt, kiểm tra và thay tã thường xuyên, lau khô vùng kín bằng khăn mềm và thoa kem chống hăm nếu cần. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), việc giữ da bé khô ráo là cách tốt nhất để ngừa hăm tã.

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Nên thay bỉm cho trẻ sơ sinh bao lâu 1 lần?

Việc thay bỉm thường xuyên không chỉ giúp con trẻ luôn khô thoáng thoải mái mà còn ngăn ngừa hăm tã và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. 

  • Với trẻ dưới 1 tháng tuổi: Thông thường trong những tuần đầu tiên, cha mẹ cần thay bỉm cho trẻ sơ sinh khoảng 10-12 lần 1 ngày.
  • Với trẻ trên 1 tháng tuổi: số lần thay bỉm có thể được giảm xuống còn 6-8 lần/ngày.

Tuy nhiên, việc đi tiêu tiểu không tương đồng cho mọi trẻ. Bé của bạn có thể cần thay bỉm nhiều hay ít hơn con số trên. Nhìn chung, cha mẹ có thể áp dụng theo những gợi ý sau đây:

  • Kiểm tra và thay bỉm sau mỗi 2-3 giờ kể cả khi bé chưa đi vệ sinh
  • Thay ngay lập tức khi phát hiện bé đi nặng
  • Tăng tần suất thay vào ban đêm nếu bé đi tiểu nhiều.

Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh cần thay bỉm

Có một nguyên tắc chung là cứ sau mỗi 2-3 giờ, cha mẹ nên kiểm tra và thay bỉm cho trẻ 1 lần. Đôi khi kiểm tra xong cha mẹ chưa cần thay bỉm cho bé, nhưng cũng có khi chưa được 2 tiếng đã có các “tín hiệu” cho thấy cần thay bỉm, chẳng hạn như:

  • Bỉm nặng, căng phồng, sờ thấy ẩm ướt: Khi sờ vào bỉm, nếu thấy bỉm bị nặng, căng phồng và cứng lại, đó là dấu hiệu bỉm đã chứa đầy nước tiểu và cần được thay ngay.
  • Rò rỉ chất thải: Nước tiểu hoặc phân tràn ra ngoài tã và dính vào quần áo, chăn nệm của bé, nghĩa là bỉm đã quá đầy hoặc không còn vừa vặn với bé nữa.
  • Có mùi khó chịu: Nếu ngửi thấy mùi khai của nước tiểu hoặc mùi phân bốc ra từ bỉm thì cần thay ngay. 
  • Vạch báo đầy chuyển màu: Hầu hết các loại bỉm dành cho trẻ sơ sinh hiện nay đều có vạch báo đầy (chỉ thị ướt) ở mặt ngoài. Vạch này thường có màu vàng khi bỉm khô và sẽ chuyển sang màu xanh (hoặc xanh đậm, xanh nhạt tùy loại bỉm) khi bỉm đã ướt. Đây là cách đơn giản và nhanh nhất để nhận biết.

Dấu hiệu từ hành vi của bé:

  • Bé quấy khóc, khó chịu: Do trẻ sơ sinh rất nhạy cảm nên nếu bé đang chơi hoặc ngủ mà đột nhiên quấy khóc, khó chịu, trằn trọc không yên dù không có dấu hiệu đói hay buồn ngủ, có thể là do bỉm đã đầy hoặc ẩm ướt gây ngứa ngáy, bí bách.
  • Ngủ không ngon giấc: Bé có thể giật mình tỉnh giấc và quấy khóc nếu bỉm ướt gây ngứa ngáy khó chịu.
  • Sờ vào bỉm hoặc vùng kín: Một số bé lớn hơn một chút có thể tự sờ vào bỉm hoặc vùng kín để ra hiệu rằng mình đang khó chịu.

cách thay bỉm cho trẻ sơ sinh

Hướng dẫn chi tiết cách thay bỉm cho trẻ sơ sinh

Nếu bạn lần đầu làm cha mẹ và chưa biết cách thay bỉm cho trẻ sơ sinh, bạn có thể tham khảo theo các bước sau:

1. Chuẩn bị trước khi thay bỉm cho trẻ sơ sinh

Vị trí thay tã

  • Chọn mặt phẳng sạch sẽ, ổn định
  • Có thể sử dụng thảm/chăn lót hoặc bàn thay tã chuyên dụng
  • Luôn giữ một tay trên người bé để đảm bảo an toàn.

Vật dụng cần chuẩn bị

  • Bỉm/tã sạch đúng kích cỡ, kim băng an toàn (đối với tã chéo)
  • Khăn ướt không cồn hoặc bông gòn + nước ấm
  • Kem chống hăm (nếu cần)
  • Quần áo sạch dự phòng
  • Túi đựng bỉm bẩn

2. Quy trình thay bỉm cho trẻ sơ sinh

Bước 1: Tháo bỉm cũ

  • Đặt bé nằm ngửa trên bề mặt thay tã
  • Mở miếng dán hai bên (với tã dán) hoặc xé hai bên hông (với tã quần)
  • Nhấc nghiêng nhẹ mông bé bằng một tay, tay kia kéo bỉm bẩn ra
  • Với bé trai: che vùng kín bằng khăn sạch tránh tiểu bất ngờ

Bước 2: Vệ sinh

  • Dùng khăn ướt lau từ trước ra sau (đặc biệt quan trọng với bé gái), có thể chuẩn bị 1 chậu nước ấm để nhúng khăn lau
  • Lau kỹ các nếp gấp ở đùi và bẹn
  • Với bé trai:
    • Đã cắt bao quy: rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm
    • Chưa cắt bao quy: không kéo da quy đầu, chỉ lau bên ngoài
  • Để da khô tự nhiên hoặc thấm nhẹ bằng khăn mềm
  • Thoa kem chống hăm nếu có dấu hiệu kích ứng.

Bước 3: Xử lý bỉm bẩn

  • Gấp bỉm lại, dán 2 mép (nếu có)
  • Bỏ vào túi kín trước khi vứt
  • Với tã vải: gạt phân vào toilet trước khi giặt

Bước 4: Mặc bỉm mới

Với tã dán:

  • Đặt bỉm dưới mông bé, mép trên ngang xương hông, căng 2 bên bỉm
  • Kéo mặt trước lên giữa hai chân, đặt bàn tay vào giữa bụng và bỉm rồi mới dán để tránh bỉm quá sát hay quá chật
  • Dán cân đối hai bên, điều chỉnh độ ôm vừa phải, chỉnh vách chống tràn
  • Lật mép trên của bỉm ra ngoài tránh mép bỉm cọ sát với rốn làm bé khó chịu

Với tã quần:

  • Có thể mặc khi trẻ đứng hoặc cho nằm
  • Luồn từng chân vào ống quần bỉm
  • Kéo lên bụng, chỉnh vách chống tràn

Với tã vải (tã chéo):

  • Đặt tã trên mặt phẳng sạch, gấp tã theo đường chéo tạo thành hình tam giác, đặt miếng lót ở giữa tã
  • Đặt bé nằm lên tã sao cho phần mông nằm ở giữa tã phần đặt miếng lót, đỉnh tam giác hướng xuống dưới
  • Kéo một góc tã bên trái vòng qua bụng bé và cố định bằng kim băng an toàn; Làm tương tự với góc tã bên phải
  • Kéo phần đỉnh tam giác của tã lên giữa hai chân bé và giắt vào phần đã quấn

Bước 5: Kiểm tra

  • Đảm bảo bỉm ôm vừa vặn (kiểm tra bằng cách đút vừa 2 ngón tay giữa bỉm và bụng)
  • Mặc lại quần áo thoáng mát
  • Rửa tay sạch sau khi hoàn thành.

Lưu ý quan trọng:

  • Rửa tay trước và sau khi thay bỉm
  • Kiểm tra bỉm ít nhất mỗi 2-3 giờ
  • Chọn loại bỉm có khả năng thấm hút tốt
  • Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng da
  • Khi có dấu hiệu hăm tã nặng: tham khảo ý kiến bác sĩ
  • Nếu cuống rốn có mùi hoặc chảy dịch: cần khám ngay

Kết luận

Áp dụng đúng cách thay bỉm cho trẻ sơ sinh không chỉ giúp bé thoải mái mà còn ngăn ngừa tình trạng hăm tã và nhiễm khuẩn. Bên cạnh việc thực hiện thực hành thay bỉm đúng cách, hãy ưu tiên chọn sản phẩm chất lượng, kết hợp kiểm tra bỉm thường xuyên mẹ nhé. Lưu lại và chia sẻ bài viết ngay để dễ dàng xem lại khi cần!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

NHS. Changing a nappy. https://www.nhs.uk/start-for-life/baby/baby-basics/caring-for-your-baby/changing-a-nappy/. Ngày truy cập 07/07/2025

Healthy Children from the American Academy of Pediatrics. Diapers & Clothing. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/diapers-clothing/Pages/default.aspx. Ngày truy cập 07/07/2025

Wesner E, Vassantachart JM, Jacob SE. Art of prevention: The importance of proper diapering practices. Int J Womens Dermatol. 2019;5(4):233-234. Published 2019 Mar 3. doi:10.1016/j.ijwd.2019.02.005 

University of Illinois College of Medicine Peoria. Newborn Guide: Diapers, Bathing, and General Care. https://peoria.medicine.uic.edu/about/patient-care/university-pediatrics/newborn-guide/diapers-bathing-and-general-care/. Ngày truy cập 07/07/2025 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

CDC. Healthy Habits: Diaper Changing at Home. https://www.cdc.gov/hygiene/about/healthy-habits-diaper-changing-steps-at-home.html. Ngày truy cập 07/07/2025 

 UCSF Benioff Children’s Hospitals. Diapering Your Newborn. https://www.ucsfbenioffchildrens.org/education/diapering-your-newborn. Ngày truy cập 07/07/2025 

Phiên bản hiện tại

11/07/2025

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Mẹ hỏi, chuyên gia đáp: Bé hay ốm vặt phải làm sao dù mẹ đã chăm sóc kỹ?

Trẻ sinh non dễ mắc các bệnh nhiễm trùng - Chuyên gia chia sẻ bí quyết nuôi con khỏe mạnh


Được đánh giá bởi: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi, Đa khoa, Hello Bacsi · Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 11/07/2025

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo