backup og meta

9 cách giúp bạn xử lý tình trạng trẻ đánh nhau

9 cách giúp bạn xử lý tình trạng trẻ đánh nhau

“Thành tích” của con là hay đánh bạn? Mọi vấn đề đều có nguyên nhân của nó. Trong tình huống này, bạn cần biết cách xử lý khi trẻ đánh nhau để bạo lực không thành thói quen của con.

Bạn đừng quá ngạc nhiên khi biết rằng con mình hay đánh nhau với các bạn khác. Đây là một phản ứng khá bình thường ở trẻ nhỏ. Thậm chí, đánh bạn còn một dấu hiệu để đánh dấu cho một giai đoạn phát triển của trẻ. Khi chưa học được tính tự lập và kỹ năng giao tiếp, việc trẻ dễ bị kích động vì tức giận dẫn đến đánh nhau là một điều dễ hiểu.

Nguyên nhân khiến trẻ đánh nhau với bạn

1. Giải tỏa cảm xúc

Nguyên nhân khiến trẻ đánh bạn là vì trẻ không biết cách giải tỏa cảm xúc của mình. Trẻ đang học cách giao tiếp và kỹ năng xử lý cảm xúc của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Vì vậy, cách duy nhất để trẻ thu hút sự chú ý của bố mẹ hoặc giải tỏa cơn tức giận của mình là đánh người khác hoặc ném đồ vật.

2. Tò mò

Tò mò là một trong những lý do tại sao khiến trẻ thích ném đồ và đánh người. Ở tuổi này, trẻ đang cố gắng tìm hiểu thế giới xung quanh và cho rằng mình có thể tìm hiểu tốt hơn bằng cách ném đồ đạc và đánh người để xem kết quả như thế nào.

3. Kiểm soát mọi thứ

Trong những năm đầu đời, trẻ nhỏ luôn muốn kiểm soát mọi thứ xung quanh. Do đó, việc đánh nhau và ném đồ đạc cũng chỉ là cách để trẻ giành được quyền kiểm soát này. Bên cạnh đó, nó cũng có thể đem đến cho trẻ niềm vui.

Làm thế nào khi con đánh nhau?

1. Cho bé biết hậu quả của việc đánh nhau

Cho trẻ biết hậu quả của việc đánh nhau

Nếu trẻ bắt đầu ném đồ vật vào bạn bè, hãy đưa trẻ ra ngoài. Nói với trẻ rằng con chỉ được quay lại chơi với các bạn khi con không đánh bạn nữa.

2. Giữ bình tĩnh

Khi thấy con đánh nhau với những đứa trẻ khác, bạn đừng la mắng vì điều này chỉ làm cơn giận của con trở nên dữ dội hơn. Khi trẻ đang tức giận, bạn hãy giữ bình tĩnh và dạy cho con cách kiểm soát cơn tức giận của mình. Điều này sẽ giúp trẻ học được cách làm chủ cảm xúc của bản thân.

3. Can thiệp ngay lập tức

Bạn hãy can thiệp ngay, không nên chờ đợi hoặc nghe trẻ hứa hẹn đến lần thứ 3 mới can thiệp. Lúc này, bạn đưa con đi nơi khác và nói rằng con chỉ được quay lại khi đã kiểm soát được cơn tức giận của mình.

4. Duy trì các biện pháp kỷ luật

Hãy đưa ra những biện pháp kỷ luật khi trẻ đánh nhau và duy trì điều đó dù bạn đang ở nơi công cộng. Biện pháp xử lý có thể là dẫn con về và không được chơi với mọi người nữa trừ khi con biết cách cư xử.

5. Dạy cho trẻ cách “hạ hỏa”

Việc dạy cho con cách giữ bình tĩnh và “hạ hỏa” khi tức giận rất quan trọng. Bạn hãy yêu cầu trẻ xin lỗi những bạn bị con đánh. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng những hành vi bạo lực là không tốt và sẽ gây tổn thương cho người khác.

6. Quan tâm trẻ

Bạn hãy quan tâm con và khen ngợi khi con làm tốt một việc gì đó. Điều này giúp trẻ hiểu rằng hành vi tốt sẽ được khen thưởng. Trẻ sẽ dần học được cách kiểm soát cảm xúc và làm những việc tốt để thu hút sự chú ý của bạn thay vì đánh nhau với các bạn khác.

7. Hạn chế xem tivi

Hãy quan sát xem trẻ đang xem gì trên tivi. Trong giai đoạn này, trẻ sẽ học mọi thứ từ tivi. Những bộ phim hoạt hình thường có cảnh la hét, đánh nhau. Điều này sẽ dễ ảnh hưởng đến trẻ. Hạn chế tiếp xúc với tivi sẽ giúp ngăn ngừa các hành vi bạo lực của trẻ nhỏ.

8. Đưa trẻ ra ngoài

Khi tức giận, một số trẻ có xu hướng đánh người khác để giải tỏa cảm xúc. Lúc này, bạn nên đưa trẻ ra ngoài để trẻ lấy lại bình tĩnh và không đánh bất cứ ai trong nhà.

9. Nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý

Nếu đã làm hết sức mà vẫn không thể kiểm soát được hành vi bạo lực của trẻ thì bạn nên nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra lý do tại sao trẻ lại cư xử bạo lực như vậy. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp để loại bỏ điều khiến trẻ tức giận.

Để trẻ không đánh nhau với các bạn

Bạn có thể ngăn ngừa trẻ phát triển thói quen này bằng cách thực hiện một số phương pháp sau:

  • Hãy dạy trẻ nói ra những điều mình suy nghĩ và cảm thấy thay vì đánh người khác.
  • Hãy giúp trẻ nhận ra rằng mọi chuyện nên được giải quyết một cách nhẹ nhàng bằng lời nói chứ không phải bằng bạo lực.
  • Dạy trẻ cách “hạ hỏa” khi tức giận chẳng hạn như đi ra ngoài tìm một không gian riêng để bình tĩnh lại.
  • Đừng đánh con ngay cả khi trẻ có những hành vi không tốt. Thay vào đó, hãy cho trẻ tình yêu thương và sự tôn trọng.

Một số lời khuyên giúp bạn dạy con biết cư xử

1. Hãy nói với trẻ đánh nhau là một hành vi sai trái

Bạn có thể ngăn trẻ không đánh nhau với bạn bè bằng cách nói cho trẻ biết đánh nhau là một hành vi không tốt. Nếu tức giận, trẻ có thể sử dụng cách khác để giải tỏa như đánh vào gối chứ không nên đánh người khác.

2. Ôm con

Ôm con

Bạn có thể ôm con nếu con đánh ai đó trước khi đưa trẻ ra khỏi nơi đó để con hiểu rằng việc đánh nhau là không được phép.

3. Dạy trẻ nói xin lỗi

Nếu con đánh bạn, bạn hãy đặt trẻ xuống và nói với trẻ rằng ba/mẹ sẽ không bế con hoặc không quan tâm đến con cho đến khi con ngưng đánh và nói xin lỗi bạn.

4. Dạy con điều có thể làm

Không bao giờ nói trẻ không được làm gì mà thay vào đó, bạn hãy nói trẻ có thể làm gì. Điều này sẽ giúp trẻ tìm ra cách kiểm soát cảm xúc của mình một cách đúng đắn.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Toddler Hitting  http://www.newkidscenter.com/Toddler-Hitting.html Ngày truy cập 4/11/2017

Aggression: how to deal with hitting and biting https://www.babycentre.co.uk/a1040599/aggression-how-to-deal-with-hitting-and-biting Ngày truy cập 4/11/2017

Phiên bản hiện tại

11/08/2020

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 11/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo