backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

3

Hỏi bác sĩ
Lưu

Sự phát triển của trẻ 10 tuần tuổi diễn ra như thế nào?

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 26/01/2022

    Sự phát triển của trẻ 10 tuần tuổi diễn ra như thế nào?

    Trẻ 10 tuần tuổi vẫn còn rất nhỏ và ba mẹ có thể vẫn rất bận rộn khi nuôi con trong giai đoạn này. Trong vài tháng đầu đời, trẻ thường xuyên cảm thấy đói bụng và cần được bú sữa để đáp ứng nhu cầu phát triển đang diễn ra rất nhanh. 

    Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về sự phát triển của trẻ 10 tuần tuổi và những vấn đề sức khỏe của trẻ ở giai đoạn này.

    Hành vi và phát triển

    Bé phát triển như thế nào?

    Nếu con bạn ngủ ngoan suốt đêm và giấc ngủ của bé kéo dài từ 5 đến 6 giờ, bạn chính là một trong số ít những bà mẹ may mắn. Hầu hết các em bé 10 tuần tuổi thường thức dậy vào nửa đêm. Nhưng ngay cả khi bé không ngủ suốt đêm ở giai đoạn này thì bé ngủ hoặc thức trong khoảng thời gian dài vẫn tốt hơn là ngủ chập chờn. Con bạn có thể sẽ có 2 đến 4 giấc ngủ dài và thức nhiều nhất là 10 giờ một ngày. Một lưu ý là cho dù con bạn là cú đêm hay chim non buổi sáng, nếp ngủ này sẽ giữ nguyên trong suốt thời thơ ấu của bé.

    Vào tuần thứ hai của tháng thứ ba, bé sẽ có thể:

    • Phát ra âm thanh bằng nhiều cách thay vì chỉ biết khóc;
    • Có thể nâng đầu lên 45 độ khi nằm úp.

    Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?

    trẻ 10 tuần tuổi

    Để hỗ trợ trẻ sơ sinh 10 tuần tuổi phát triển, bạn có thể thử những cách sau:

    • Diễn tả hành động: đừng di chuyển mà không nói cho bé biết. Bạn có thể thuật lại quá trình thay đồ cho bé: “Bây giờ mẹ đang đặt con trên tã… bây giờ mẹ đang cài nút áo cho con”. Trong phòng tắm, hãy giải thích về xà phòng và sự giặt rửa, rằng dầu gội làm cho tóc sáng bóng và sạch sẽ. Việc vừa làm vừa diễn tả sẽ giúp bạn nói chuyện và luyện cho bé lắng nghe những gì bạn nói, từ đó giúp bé bắt đầu nhận thức nhiều hơn về thế giới xung quanh;
    • Đặt nhiều câu hỏi: đừng trông chờ đến khi bé có thể trả lời rồi mới đặt câu hỏi cho bé. Điều này sẽ kích thích khả năng học hỏi cũng như nhận thức của bé;
    • Tương tác với bé 10 tuần tuổi: nghiên cứu cho thấy rằng những trẻ sơ sinh có ba mẹ nói chuyện với bé nhiều hơn sẽ học được cách nói sớm hơn. Hãy cứ để cho bé thủ thỉ, thì thầm hay cười khúc khích với bạn;
    • Nói những câu đơn giản khi trò chuyện với bé;
    • Nâng cao tông giọng khi nói;
    • Bắt chước: Bé sẽ rất thích được khen ngợi khi bé bắt chước bạn;
    • Nói theo vần điệu;
    • Đọc lớn cho bé nghe;
    • Nhận tín hiệu từ bé: khi bé bắt đầu không chú ý tới những gì bạn nói, bé thường nhắm mắt hay ngoảnh đi, bắt đầu quấy khóc hay cáu kỉnh. Nói cách khác là bé tỏ ra không muốn nghe thêm nữa. Những lúc đó bạn hãy cho bé nghỉ ngơi.

    Sức khỏe và an toàn

    Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ khi trẻ 10 tuần tuổi?

    Mỗi bác sĩ sẽ có cách riêng để kiểm tra sức khỏe cho bé. Các bài kiểm tra thể chất tổng quát, cũng như số lượng và loại kỹ thuật đánh giá và thủ tục thực hiện cũng sẽ rất khác nhau tùy theo nhu cầu cá nhân của bé. Nhưng bạn có thể dự liệu trước và tham khảo ý kiến bác sĩ về những vấn đề sau khi bé được kiểm tra sức khỏe:

    • Hãy cho bác sĩ biết bạn cùng bé và gia đình sinh hoạt như thế nào, về việc ăn uống, giấc ngủ, và tình hình phát triển của bé và về việc chăm sóc bé nếu bạn đang có ý định đi làm trở lại.
    • Hãy xin ý kiến bác sĩ nếu bạn đang có thắc mắc về việc cho con bú sữa mẹ, việc bạn sẽ đi làm trở lại và bất kỳ lo ngại nào về sức khỏe hoặc hành vi của bé.

    Mẹ nên biết thêm những gì?

    Hiện tượng trào ngược

    trẻ 10 tuần bị trào ngược dạ dày

    Thế nào là trào ngược?

    Trào ngược là khi thức ăn và axit di chuyển từ dạ dày ngược trở lại thực quản. Bé sẽ phun hoặc nôn trớ một ít sữa sau khi bú. Điều này hết sức bình thường đối với tất cả các bé. Ước tính có đến 50% các bé nôn trớ mỗi ngày. Hầu hết tình trạng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và không gây hại cho bé. Tuy nhiên, nếu bé ợ lên một lượng lớn sữa trong cùng một ngày hoặc nôn nhiều lần trong ngày, rất có thể bé đang mắc phải chứng trào ngược dạ dày.

    Trào ngược có thể đi kèm với cáu kỉnh kéo dài và cảm thấy đau khi ăn. Trong trường hợp nghiêm trọng, bé sẽ bị ho hoặc không tăng đủ cân.

    Vì sao bé bị trào ngược? 

    Nguyên nhân chính gây nên trào ngược là do cơ vòng thực quản (loại cơ nối cổ họng với dạ dày) của bé quá yếu. Hầu hết trẻ em được sinh ra với cơ vòng thực quản dưới tương đối lỏng. Bởi vì sự lỏng lẻo này mà thức ăn không thể ở lại trong bao tử. Nếu bé nuốt quá nhiều không khí và ăn quá nhiều, bé cũng có thể bị trào ngược.

    Chẩn đoán trào ngược như thế nào?

    Bé cũng sẽ được kiểm tra thêm bằng dụng cụ thử pH. Dụng cụ này sẽ được bác sĩ đưa vào thực quản của bé để đo mức độ trào ngược và nồng độ axit. Một số cách khác để kiểm tra tình trạng trào ngược ở bé bao gồm chụp X-quang và nội soi đường tiêu hóa bằng cách sử dụng ống dây có gắn một camera và đặt nó vào đường tiêu hóa của bé để kiểm tra và lấy mẫu thử nghiệm.

    Điều trị trào ngược thế nào?

    Trong hầu hết các trường hợp, bé sẽ tự hết trào ngược trước khi được một tuổi vì cơ vòng của bé đã khỏe mạnh hơn. Nếu bé đang bú sữa bột, bác sĩ có thể đề nghị bạn cho bé chuyển sang uống sữa đậu nành hoặc loại ít gây dị ứng hơn. Bạn nên cố gắng chia nhỏ bữa ăn và cho bé ăn nhiều lần để tránh cho dạ dày của bé quá no hoặc lúc nào cũng bị đầy. Một số nghiên cứu đề nghị rằng thêm ngũ cốc gạo vào sữa mẹ hoặc sữa bột để sữa đặc hơn có thể cải thiện được một số triệu chứng trào ngược.

    Bạn cũng có thể giữ bé ở tư thế thẳng trong và sau khi ăn, với đầu ngẩng cao khoảng 30 độ để giúp tránh tình trạng sữa trào ngược lên. Thậm chí nếu bé thường xuyên ợ hơi cũng có thể giúp làm giảm triệu chứng trào ngược. Các bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm nồng độ axit trong dạ dày hoặc kê thuốc chặn axit cho bé uống hàng ngày. Các lại thuốc này tương tự như các loại thuốc người lớn uống khi bị ợ nóng (tuy nhiên bạn không nên cho bé uống bất cứ loại thuốc nào mà không có chỉ định của bác sĩ).

    Có thể bạn quan tâm: Bạn cần biết gì khi cho trẻ 1-3 tháng tuổi ăn?

    Lật người

    Bé đang học cách lăn và lật người. Ở độ tuổi này, bé có thể lật từ nằm nghiêng sang nằm ngửa và ngược lại. Phải khoảng hơn một tháng tuổi hoặc lớn hơn thì bé mới có thể lăn một vòng trọn vẹn vì bé cần có cổ cứng hơn và cơ tay khỏe để làm được điều này.

    Khi bé hiếu động hơn, điều này đồng nghĩa với việc bạn phải dùng một tay để giữ bé trong lúc thay tã. Bạn không được để bé nằm trên giường hoặc trên bất kỳ nơi nào quá cao và cách xa mặt đất mà không dõi theo bé vì bây giờ bé đã có thể di chuyển và có thể té ngã dễ dàng.

    Mối quan tâm của mẹ

    Những điều mẹ cần quan tâm là gì?

    Chảy nước dãi

    trẻ 10 tuần nhỏ dãi

    Tuyến nước bọt của bé bắt đầu hoạt động từ khi bé vẫn còn trong bụng mẹ. Nhưng bạn có thể nhận thấy rằng bé bắt đầu chảy nước dãi trong giai đoạn này. Nguyên nhân là bởi bé đưa mọi thứ vào miệng và vì thế lượng nước dãi bé tiết ra sẽ nhiều hơn lượng dãibé có thể nuốt.

    Tuy vậy bạn cần biết rằng chảy nước dãi không có nghĩa là bé đang mọc răng. Răng của bé sẽ vẫn chưa mọc và bạn phải chờ ít nhất hai tuần tiếp theo thì chiếc răng đầu tiên của bé mới bắt đầu nhú lên. Phần lớn các bé mọc chiếc răng đầu tiên vào khoảng từ 4-7 tháng tuổi. Nếu bé phát triển sớm, một trong hai chiếc răng giữa hàm dưới sẽ mọc lên khi bé được 3 tháng tuổi. (Và có cả trường hợp hiếm là bé mọc răng ngay khi sinh ra.)

    Nhiều cha mẹ thường mặc yếm cho bé ngay từ bây giờ để chặn nước dãi. Tuy nhiên bạn cần nhớ tháo nó ra khi bé ngủ để tránh làm bé nghẹt thở. May mắn là nước dãi trên đồ chơi của bé và các đồ vật khác có chứa các protein (chất đạm) có thể ngăn ngừa bệnh tật, như vậy bé có thể chơi và chạm tay vào bất cứ đồ vật gì mà bạn không cần quá lo lắng rằng bé sẽ mắc bệnh.

    Thủ thỉ

    Lúc đầu tiếng thở, tiếng thủ thỉ hay tiếng bụng sôi dường như hoàn toàn chỉ là ngẫu nhiên, sau đó bạn sẽ bắt đầu nhận thấy những âm thanh này xuất hiện khi bạn trò chuyện với bé, khi bé chơi thú nhồi bông, khi bé thấy mình trong gương hay thậm chí khi bé thấy một chú vịt trang trí gắn trên nôi. Những bài tập phát âm thường sẽ thuận lợi hơn nếu bạn và bé đều thấy thích thú.

    Trong quá trình này, con bạn cũng thử nghiệm và khám phá sự kết hợp hoạt động của cổ họng, lưỡi và miệng để tạo ra âm thanh. Đối với cha mẹ, thủ thỉ là âm thanh đầu tiên bé dùng để giao tiếp sau khóc. Và đó mới chỉ là khởi đầu. Trong vòng một vài tuần đến vài tháng, bé sẽ bắt đầu cười thành tiếng (thường là vào khoảng ba tháng rưỡi), kêu ré lên (khi bé được bốn tháng rưỡi) và tạo ra những âm thanh khác nữa.

    Bé có thể phát âm được phụ âm ở các giai đoạn rất khác nhau: một vài bé có thể phát âm được phụ âm khi chỉ mới ba tháng tuổi, những bé khác thì phải chờ đến năm, sáu tháng tuổi mới có thể có khả năng này. Khi bé bắt đầu thử phát âm các phụ âm, bé thường phát ra cùng lúc một hoặc hai âm và lặp lại các hợp âm giống nhau (ba, ga hoặc da) nhiều lần. Vào tuần tiếp theo, bé có thể chuyển sang một hợp âm mới và dường như quên mất hợp âm ban đầu. Thực ra bé không quên mà là do khả năng tập trung của bé có giới hạn nên bé thường chỉ làm thành thục một việc vào một thời điểm mà thôi.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 26/01/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo