Đau đầu khi đeo kính là một tình trạng không mấy xa lạ đối với những người bị cận thị, đặc biệt là những người đeo kính cận lần đầu. Việc đeo kính cận bị nhức đầu không chỉ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày mà về lâu dài, thị lực của mắt cũng bị sụt giảm đáng kể.
Vậy đâu là thủ phạm khiến chúng ta đeo kính bị nhức đầu? Làm sao để giải quyết được vấn đề này? Tất cả đều được bật mí chi tiết trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!
Đeo kính cận bị nhức đầu – Nguyên nhân là gì?
Mỏi mắt được xem là nguyên nhân chính gây nên những cơn đau đầu khi đeo kính chữa cận thị. Dưới đây là danh sách một vài tác nhân gây nhức đầu, mỏi mắt khi đeo kính thường gặp nhất mà bạn nên tham khảo qua để có được biện pháp ngăn ngừa phù hợp.
Bị nhức đầu do dùng kính chữa cận thị mới
Không ít người đã gặp phải tình trạng nhức đầu khi đeo kính mới, đặc biệt là những ai chưa bao giờ đeo kính trước đó. Đầu tiên, mắt của người bị cận thị khi chưa đeo kính cần phải làm việc căng thẳng hơn để giúp họ nhìn rõ. Việc dùng mắt kính cận sẽ giúp mắt giảm tải áp lực này. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, mắt chưa kịp thích ứng nên vẫn tiếp tục hoạt động cường độ cao để chống lại sự thay đổi của thị lực.
Điều này gây nên cơn đau đầu, mỏi mắt, chảy nước mắt, chóng mặt mỗi khi dùng kính mới. Thật may là sau một thời gian, cơ mắt sẽ quen với sự thay đổi và việc đeo kính cận bị nhức đầu sẽ biến mất.
Dùng kính không đúng độ cận
Đeo kính cận bị nhức đầu, mỏi mắt và chóng mặt là dấu hiệu cho thấy rằng bạn có thể đang dùng kính sai độ cận. Đau đầu thường là do đeo kính nặng hơn độ cận của mắt.
Lúc này, mắt phải rất cố gắng để tập trung nhìn được vào vật thể, các cơ và dây thần kinh bên trong bị căng, mỏi và dẫn tới đau đầu.
Gọng kính cận không phù hợp
Sử dụng gọng kính không vừa vặn, quá chật hoặc quá lỏng cũng là lý do khiến việc đeo kính cận bị nhức đầu. Gọng kính chật ôm xiết vào đầu và tai gây ra đau đớn. Gọng kính lỏng lẻo lại dễ dàng rơi ra khỏi mũi. Nếu bị rơi ra nhiều lần có thể làm cho tiêu điểm của kính bị thay đổi. Điều này khiến mắt cảm thấy căng thẳng và dẫn đến tình trạng nhức đầu khi đeo kính cận.
Tròng kính bẩn, xước
Tròng kính bị bẩn và xước làm giảm độ trong của kính và khiến hình ảnh hiển thị kém đi. Lúc này, mắt bạn phải tập trung hơn, chịu nhiều áp lực hơn để nhìn rõ được vật thể. Và như những lý giải ở trên, điều này cũng gây ra đau đầu.
Đeo kính cận bị nhức đầu do xem thiết bị kỹ thuật số quá nhiều
Cơn đau đầu cũng có thể xuất hiện khi chúng ta dành quá nhiều thời gian xem các thiết bị kỹ thuật số như tivi, điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop… Bởi lúc này, dù được kính cận hỗ trợ nhưng mắt vẫn phải làm việc cường độ cao để tiếp nhận các hình ảnh chuyển động, ánh sáng chói và nhấp nháy từ màn hình.
Đây cũng là nguyên nhân mà việc đeo kính cận bị nhức đầu thường xảy ra ở nhân viên văn phòng, những người phải dành rất nhiều thời gian mỗi ngày để làm việc trước máy tính.
Một số cách hạn chế việc đeo kính cận bị nhức đầu
Việc đeo kính cận bị nhức đầu có thể sẽ tự hết sau 1 thời gian nếu nguyên nhân do đôi mắt chưa quen với kính mới. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn gặp tình trạng này là do kính cận không phù hợp, đã cũ hoặc do dùng thiết bị điện tử quá nhiều, cần tìm cách khắc phục ngay. Để lâu dài, bạn không chỉ phải chịu những cơn đau đầu, chóng mặt, mỏi mắt mà độ cận còn tăng lên nhanh chóng.
Để ngăn ngừa tình huống này xảy ra, bạn có thể áp dụng một số cách sau đây:
- Nên đi kiểm tra thị lực định kỳ từ 6 – 12 tháng/lần
- Với kính cận mới, hãy đeo chúng thường xuyên để mắt nhanh chóng làm quen với sự đổi mới này
- Hạn chế dùng kính đã quá cũ vì tròng có thể rất xước và gọng kính cũng đã giảm chất lượng. Ưu tiên dùng tròng kính chống trầy xước và chống sốc
- Luôn dùng gọng kính vừa vặn với khuôn mặt, khi nhận thấy gọng bị chật hoặc lỏng, hãy đem ra nơi cắt kính để được kỹ thuật viên hỗ trợ sửa chữa
- Vệ sinh kính thường xuyên bằng vải bông mềm và cất kỹ kính khi không dùng để tránh bụi bẩn, trầy xước
- Hạn chế dùng ngón tay chạm vào tròng kính vì vân tay sẽ làm mờ ống kính
- Khi phải làm việc thường xuyên với máy tính, điện thoại, bạn nên dành cho mắt nhiều khoảng giải lao ngắn trong khoảng 20 giây để giảm nguy cơ nhức đầu mỏi mắt. Đồng thời, hãy hỏi bác sĩ về tròng kính đặc biệt để ngăn ngừa ánh sáng xanh, tia UV từ thiết bị điện tử.
Trên đây là một số nguyên nhân và biện pháp ngăn ngừa tình trạng đeo kính cận bị nhức đầu. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức để giúp bảo vệ mắt và sức khỏe ngày càng tốt hơn.