backup og meta

Mắt sưng nên làm gì và khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Mắt sưng nên làm gì và khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Đôi mắt của bạn có thường bị sưng húp hay không? Khi chất lỏng tích tụ trong các lớp mô mỏng xung quanh mắt và mí mắt thì mắt bạn có thể sưng lên. Vậy, mắt sưng nên làm gì và khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Thông thường, sưng mắt là tình trạng gây cảm giác khó chịu nhưng có thể tự biến mất trong vòng một vài ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng mắt kéo dài hơn, điều quan trọng là phải điều trị vì một số vấn đề có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Vậy, khi bị sưng mắt nên làm gì? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!

Nguyên nhân khiến mắt sưng

Trước khi biết mắt sưng nên làm gì thì bạn nên xác định rõ nguyên nhân khiến mắt bị sưng. Có một số lý do khiến mắt hoặc mí mắt bị sưng, bao gồm:

nguyên nhân khiến mắt sưng

  • Dị ứng. Cơ thể dị ứng với thực phẩm, hóa chất hoặc các chất gây kích ứng khác trong môi trường có thể biểu hiện bằng việc sưng mắt.
  • Chấn thương mắt. Khi bị va chạm mạnh, mắt có thể bị nén và co lại, khiến máu tụ lại bên dưới vùng bị chấn thương. Điều này thường gây ra sưng tấy và bầm tím xung quanh mắt.
  • Côn trùng cắn gần mắt. Phản ứng với vết cắn của côn trùng, thường là muỗi, có thể gây sưng mắt. Nguyên nhân là do các mô mắt rất lỏng lẻo nên rất dễ sưng lên khi bị tác động.
  • Khóc. Tâm trạng không tốt khiến bạn buồn và suy sụp thì khóc là một phản ứng cảm xúc rất bình thường. Tuy nhiên, việc khóc nhiều có thể khiến mắt sưng húp.
  • Căng thẳng mắt do dùng máy tính. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sử dụng máy tính trong thời gian dài có xu hướng ít chớp mắt hơn. Điều này có thể dẫn đến mỏi mắt và sưng mắt.
  • Viêm kết mạc. Tình trạng nhiễm trùng mắt này thường do virus, vi khuẩn, chất gây dị ứng khác gây ra và làm mắt sưng.
  • Lẹo mắt. Đây là tình trạng nhiễm trùng ở nang lông mi hoặc tuyến nước mắt. Lẹo mắt xuất hiện dưới dạng mụn đỏ, mềm ở rìa mí mắt và có thể khiến mắt sưng.
  • Chalazion. Tương tự như lẹo mắt, chalazion là một vết sưng nhỏ, vô hại xuất hiện trên mí mắt.
  • Nhiễm trùng xoang. Tình trạng nhiễm trùng xoang ethmoid, một xoang nằm sau mắt, có thể khiến mí mắt bị sưng và tấy đỏ.
  • Viêm mô tế bào quanh mắt. Đây là tình trạng nhiễm trùng mí mắt và quanh hốc mắt do vi khuẩn gây ra. Nhiễm trùng có thể lây lan từ vết thương bị nhiễm trùng gần đó hoặc vết cắn của côn trùng. Mí mắt rất đỏ và thường đau khi chạm vào.
  • Bệnh Graves. Đây là một vấn đề ở mắt liên quan đến tuyến giáp, có thể gây viêm và sưng mắt.
  • Ung thư mắt. Căn bệnh nguy hiểm này hiếm khi là lý do khiến bạn bị sưng trong hoặc xung quanh mắt. Tuy nhiên, nếu sưng mắt đi kèm với mờ mắt hoặc mất thị lực có thể dấu hiệu cảnh báo ung thư.

Mắt sưng nên làm gì?

Tùy thuộc vào nguyên nhân, bạn có thể bị sưng ở một hoặc cả hai bên mắt. Hầu hết các tình trạng sưng mắt đều không nghiêm trọng và có thể biến mất sau một vài ngày. Tuy nhiên, bạn nên đảm bảo vệ sinh và chăm sóc mắt nếu bị sưng mắt. Vậy, mắt sưng nên làm gì?

1. Mắt sưng nên làm gì? Rửa sạch và giữ vệ sinh mắt

Bạn hãy thử rửa mắt bằng nước ấm, đặc biệt nếu sưng kèm theo chảy dịch. Nước ấm sẽ giúp làm sạch dịch tiết và xoa dịu sưng mắt do dị ứng. Hãy rửa sạch mắt 2 lần một ngày để giúp làm lỏng chất nhờn và loại bỏ dầu có thể làm tắc nghẽn các tuyến ở mí mắt.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng dung dịch nước muối để rửa mắt nếu bạn có bất kỳ dịch tiết hoặc đóng vảy xung quanh mắt hoặc ở lông mi.

Các tình trạng nhiễm trùng gây sưng mắt, chẳng hạn như viêm kết mạc do virus và vi khuẩn và rất dễ lây lan. Vậy, mắt sưng nên làm gì để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan? Hãy rửa sạch mắt và nhớ rửa tay thường xuyên, đồng thời tránh dụi mắt để ngăn ngừa lây lan nhiễm trùng.

2. Chườm mắt

Khóc sưng mắt nên làm gì? Nếu bạn thấy mắt sưng húp vào buổi sáng, hãy lấy một chiếc khăn sạch và thấm ướt khăn bằng nước mát. Sau đó, bạn ngồi trên giường hoặc trên ghế một cách thoải mái. Cuối cùng, hãy giữ khăn mát trên mắt trong khoảng 20 phút để giảm sưng và đau. Ngoài ra, bạn cũng có thể đắp những lát dưa chuột hoặc túi trà để giảm sưng mắt.

khóc sưng mắt nên làm gì

3. Mắt sưng nên làm gì? Dùng thuốc kháng sinh

Nếu bạn thắc mắc mắt sưng nên làm gì thì câu trả lời sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây sưng mắt. Nếu nguyên nhân khiến mắt sưng là do nhiễm trùng, bạn cần sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh hoặc thuốc mỡ tra mắt kháng sinh để giúp loại bỏ nhiễm trùng và giảm bớt triệu chứng sưng mắt.

4. Dùng thuốc nhỏ mắt trị dị ứng

Bị dị ứng sưng mắt nên làm gì? Bạn nên sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng histamine trong trường hợp nguyên nhân gây sưng mắt là do bị dị ứng. Tuy nhiên, loại thuốc nhỏ mắt này chỉ nên dùng khi bị dị ứng và có sự chỉ định của bác sĩ. Bởi nếu nó được sử dụng điều trị cho một tình trạng khác thì loại thuốc này thực sự có thể gây hại và làm mù mắt. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa trước khi quyết định áp dụng phương pháp điều trị này nhé!

5. Mắt sưng nên làm gì? Không dùng kính áp tròng

Mắt sưng nên làm gì nếu bạn đang đeo kính áp tròng? Hãy loại bỏ kính áp tròng ngay lập tức nếu mắt hoặc mí mắt đang bị sưng lên. Ngoài ra, hãy hạn chế hoặc không trang điểm mắt và cố gắng ngủ đủ giấc, tránh ánh nắng trực tiếp để mắt được nghỉ ngơi.

6. Dưỡng ẩm mắt

Mắt sưng nên làm gì? Nếu mắt mỏi hoặc khô quá mức, hãy sử dụng nước mắt nhân tạo không kê đơn để giữ cho đôi mắt luôn ẩm và dễ chịu. Ngoài ra, hãy cố gắng uống thật nhiều nước trong ngày để cơ thể không bị mất nước và ngăn ngừa tình trạng sưng quanh mắt.

7. Khám mắt định kỳ

Để đảm bảo rằng đôi mắt luôn sáng khỏe, kiểm tra mắt định kỳ là việc cần thiết cho dù bạn có bị sưng mắt hay không. Khám mắt định kỳ có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề bất thường ở mắt, chẳng hạn như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể,… Đồng thời, nhận biết sớm dấu hiệu của các bệnh toàn thân khác có triệu chứng liên quan đến mắt, bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường
  • Huyết áp cao
  • Bệnh đa xơ cứng (MS)
  • Bệnh động mạch cảnh
  • Ung thư hạch.

Mắt sưng nên làm gì? Nếu bạn dưới 40 tuổi, bác sĩ khuyên bạn nên đi khám mắt định kỳ 4 hoặc 5 năm một lần. Sau năm 40 tuổi, hãy đi khám bác sĩ nhãn khoa 2 hoặc 3 năm một lần. Bất cứ ai từ 50 tuổi trở lên nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa hàng năm để kiểm tra sớm các vấn đề bất thường ở mắt.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

mắt sưng nên làm gì và khi nào nên đến gặp bác sĩ

Các bác sĩ nhãn khoa khuyên rằng bất kỳ vết sưng mắt nào kéo dài hơn 24 đến 48 giờ nên cần đến bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân. Sưng mắt kéo dài có thể là một dấu hiệu cảnh báo tình trạng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến thị lực.

Mắt sưng nên làm gì? Hãy thăm khám ngay lập tức nếu sưng mắt kéo dài hơn 24 đến 48 giờ và có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Mắt sưng nghiêm trọng khiến bạn phải nhắm nghiền mắt hoặc gần như khép mắt lại
  • Mắt sưng kèm theo sốt
  • Đau mắt
  • Mờ mắt
  • Suy giảm thị lực
  • Nhìn đôi
  • Cảm giác như có thứ gì đó mắc kẹt bên trong mắt.

Hy vọng bài viết này đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin hữu ích và giúp giải đáp được thắc mắc mắt sưng nên làm gì. Đừng lơ là xem nhẹ triệu chứng sưng mắt. Có những trường hợp nghiêm trọng bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Puffy Eyes: What Causes Them and What To Do About It. https://health.clevelandclinic.org/puffy-eyes-what-causes-them-and-what-to-do-about-it/. Ngày truy cập: 09/08/2022

Eye Swelling. https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/eye-swelling/. Ngày truy cập: 09/08/2022

11 Reasons You Have Puffy Eyes—And What To Do About Them, According To Dermatologists. https://www.womenshealthmag.com/health/a19899435/puffy-eyes-causes/. Ngày truy cập: 09/08/2022

Puffy Swollen Eyes. https://www.pearlevision.ca/pv-ca/eye-health-and-conditions/eye-condition/puffy-swollen-eyes. Ngày truy cập: 09/08/2022

Eyelid problems. https://www.nhs.uk/conditions/eyelid-problems/. Ngày truy cập: 09/08/2022

Phiên bản hiện tại

15/11/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trần Thùy Linh


Bài viết liên quan

NHỮNG HIỂU LẦM VỀ BỆNH GLÔCÔM

Hỏi đáp Dược sĩ: Uống thuốc bị dị ứng sưng mắt phải làm sao?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 15/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo