backup og meta

Giác mạc hình chóp

Giác mạc hình chóp

 

Tìm hiểu chung

Bệnh giác mạc hình chóp là gì?

Giác mạc bình thường có hình tròn. Trong bệnh giác mạc hình chóp, giác mạc bắt đầu phình ra thành hình dạng giống hình nón, làm chệch hướng ánh sáng đi vào võng mạc, khiến tầm nhìn bị thay đổi.

Giác mạc hình chóp có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt, thường xảy ra ở người trẻ tuổi (thường trong độ tuổi 20).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng giác mạc hình chóp là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng giác mạc hình chóp thay đổi khi bệnh tiến triển, bao gồm:

  • Nhìn mờ hoặc thị lực thay đổi
  • Nhạy cảm với ánh sáng hoặc ánh đèn chói, điều này có thể gây ảnh hưởng đến việc lái xe ban đêm
  • Thường xuyên phải thay đổi kính đeo
  • Mắt đột ngột xuất hiện làn mây mờ hoặc suy giảm thị lực nghiêm trọng

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa nếu thị lực giảm sút nhanh chóng. Họ sẽ kiểm tra các dấu hiệu giác mạc hình chóp thông qua các bài kiểm tra mắt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân giác mạc hình chóp là gì?

Các sợi protein nhỏ trong mắt (collagen) giúp cố định giác mạc và giữ nó không bị phồng lên. Khi các sợi protein này yếu, chúng không thể giữ được giác mạc và giác mạc sẽ dần nhô ra thành hình chóp.

Giác mạc hình chóp hình thành là do các chất chống oxy hóa bảo vệ trong giác mạc giảm. Các tế bào giác mạc thông thường sẽ loại bỏ các chất gây hại từ môi trường, như khói xe, và bảo vệ các sợi collagen mắt. Nếu mức oxy hóa bảo vệ trong giác mạc thấp, các sợi collagen sẽ yếu đi và giác mạc sẽ nhô ra.

Giác mạc hình chóp thường có tính di truyền. Nếu bạn mắc giác mạc hình chóp và có con, bạn hãy cho trẻ làm kiểm tra mắt khi con lên 10 tuổi.

Ngoài ra, những người mắc một số tình trạng sức khỏe sẽ làm cho bệnh tiến triển nhanh hơn, bao gồm một số phản ứng dị ứng.

Nếu có thói quen dụi mắt thường xuyên, bạn cũng có thể làm bệnh tiến triển nhanh hơn.

Thông thường, giác mạc hình chóp xuất hiện ở những người trẻ tuổi, trong độ tuổi 20. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ hoặc ở những người trong độ tuổi 30. Trong một số trường hợp rất hiếm, bệnh có thể xảy ra ở những người trên 40 tuổi.

Những thay đổi về hình dạng giác mạc có thể xảy ra nhanh chóng hoặc kéo dài trong vài năm, dẫn đến mờ mắt, nhìn chói vào ban đêm hoặc có những vệt sáng trước mắt.

Những thay đổi này có thể ngừng bất cứ lúc nào hoặc duy trì trong thời gian dài. Thực tế, không có cách nào để biết trước bệnh sẽ tiến triển như thế nào.

Thông thường, giác mạc hình chóp ảnh hưởng đến hai mắt với mức độ khác nhau. Ban đầu, bạn có thể bị một bên mắt, sau đó giác mạc bên còn lại sẽ bị ảnh hưởng.

Đối với các trường hợp nghiêm trọng, tình trạng các sợi collagen kéo căng có thể dẫn đến sẹo nghiêm trọng. Các sẹo này thường rất lớn. Nếu phần đáy giác mạc rách, nó có thể sưng và phải mất rất nhiều tháng để phục hồi.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh giác mạc hình chóp?

Một số yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ mắc giác mạc hình chóp gồm:

  • Bệnh sử gia đình mắc giác mạc hình chóp
  • Dụi mắt nhiều và mạnh
  • Có một số tình trạng sức khỏe sức khỏe, như viêm võng mạc sắc tố, hội chứng Down, hội chứng Ehlers-Danlos, viêm mũi dị ứng và hen suyễn.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán giác mạc hình chóp?

Giác mạc hình chóp sẽ ảnh hưởng đến thị lực theo hai cách:

  • Bạn có thể bị loạn thị không thường xuyên
  • Bạn có thể bị cận thị

Bác sĩ có thể chú ý đến các triệu chứng bất thường trong quá trình kiểm tra mắt. Bạn cũng có thể nói cho bác sĩ biết về các bất thường thị lực, chẳng hạn như:

  • Thay đổi thị lực đột ngột ở một bên mắt
  • Tầm nhìn đôi (song thị) khi nhìn bằng một mắt
  • Thị lực suy giảm
  • Xuất hiện những vệt sáng như hào quang
  • Không thể lái xe thoải mái do nhìn mờ, đặc biệt là vào ban đêm
  • Hình ảnh không rõ, mờ

Để xác định chẩn đoán, bác sĩ cần phải kiểm tra hình dạng giác mạc bằng một số xét nghiệm.

Phương pháp phổ biến nhất là địa hình giác mạc (corneal topography) – kỹ thuật chụp hình giác mạc và phân tích nó để phát hiện những bất thường. Thông thường, trẻ có bố hoặc mẹ mắc giác mạc hình chóp thường phải làm địa hình giác mạc mỗi năm khi trẻ lên 10 tuổi. Cho dù kết quả xét nghiệm không có gì bất thường, bạn vẫn cần cho trẻ kiểm tra hàng năm để có thể phát hiện bệnh kịp thời.

Những phương pháp nào giúp điều trị giác mạc hình chóp?

Thực tế, việc điều trị giác mạc hình chóp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tiến triển của bệnh. Đối với các tình trạng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định kính đeo hoặc kính áp tròng. Trong nhiều trường hợp, giác mạc sẽ trở lại bình thường trong vài năm. Nếu bạn mắc phải dạng nhẹ, bạn sẽ không có nguy cơ mắc các vấn đề thị lực nghiêm trọng và cũng không cần điều trị nhiều.

Tuy nhiên, đối với những người có sẹo ở giác mạc hoặc không thể đeo kính áp tròng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Kính mắt

  • Kính đeo hoặc kính áp tròng mềm: giúp điều chỉnh thị lực bị mờ hoặc suy giảm trong giai đoạn đầu của giác mạc hình chóp. Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải thay kính thường xuyên vì hình dạng giác mạc sẽ biến dạng từ từ.
  • Kính áp tròng cứng: trong bước điều trị giác mạc hình chóp tiếp theo, bác sĩ sẽ chỉ định kính áp tròng cứng. Ban đầu khi dùng, bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu nhưng sau đó thị lực sẽ ổn và bạn sẽ nhìn rõ mọi vật. Kính áp tròng cứng thường được làm vừa vặn với giác mạc.
  • Kính hybrid: sử dụng kỹ thuật “Piggyback”, trong đó một kính cứng nhỏ nằm trên một kính mềm để kết hợp ưu điểm của cả hai loại vật liệu.
  • Kính Scleral: thường được sử dụng cho tình trạng giác mạc hình chóp tiến triển (hình dạng giác mạc thay đổi rất bất thường). Khác với các loại kính ở trên, kính Scleral sẽ được đặt ở tròng trắng mắt và bao phủ qua giác mạc mà không chạm đến nó.

Khi sử dụng các loại kính mắt này, bạn cần thường xuyên kiểm tra mắt để chắc chắn kính không lệch ra khỏi vị trí. Nếu kính mắt lệch, giác mạc có thể bị tổn thương.

Kỹ thuật Crosslinking

Bác sĩ sẽ nhỏ một loại thuốc riboflavin đặc biệt vào giác mạc và chiếu một lượng tia cực tím loại A lên giác mạc. Phương pháp này có thể giúp làm giảm nguy cơ tiến triển của mất thị lực.

Phẫu thuật

Một số trường hợp giác mạc hình chóp, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật, như:

  • Sẹo trong giác mạc
  • Giác mạc cực kỳ mỏng
  • Thị lực yếu dù đã sử dụng loại kính mạnh nhất
  • Không thể mang kính áp tròng

Tùy vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của tình trạng, bác sĩ sẽ chỉ định loại phẫu thuật phù hợp, chẳng hạn:

  • Chèn giác mạc. Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ đặt các miếng nhựa nhỏ hình lưỡi liềm, nhỏ vào giác mạc để hỗ trợ hình dạng giác mạc và cải thiện thị lực. Chèn giác mạc có thể khôi phục hình dạng giác mạc bình thường hơn, làm chậm tiến triển của bệnh và giảm nhu cầu ghép giác mạc. Phẫu thuật này cũng giúp bạn dễ đeo kính áp tròng hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp tạm thời.
  • Ghép giác mạc. Phương pháp ghép giác mạc thường dành cho người bị sẹo hoặc có giác mạc mỏng. Việc phục hồi sau ghép giác mạc thường mất khoảng một năm và người bệnh vẫn cần đeo kính áp tròng cứng. Sau một năm, thị lực có thể phục hồi hoàn toàn. Thông thường, tỷ lệ thành công của ghép giác mạc rất cao, nhưng nó vẫn có thể gây ra các biến chứng nh7 thải ghép, giảm thị lực, loạn thị, không thể đeo kính áp tròng và nhiễm trùng.

Bệnh giác mạc hình chóp có nguy hiểm không?

Trong một số trường hợp, giác mạc có thể sưng đột ngột và gây giảm thị lực nhanh chóng, thậm chí hình thành sẹo. Điều này có thể do đáy giác mạc bị rách, khiến dịch chảy vào trong giác mạc.

Ở bệnh giác mạc hình chóp tiến triển, giác mạc sẽ xuất hiện sẹo, đặc biệt ở nơi nó nhô ra. Sẹo giác mạc có thể làm các vấn đề thị lực nghiêm trọng hơn và cần phải được ghép giác mạc.

Phòng ngừa giác mạc hình chóp

Những biện pháp nào có thể giúp phòng ngừa giác mạc hình chóp?

Đáng tiếc, bạn không thể phòng ngừa giác mạc hình chóp, nhưng một số biện pháp sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh hiệu quả và phòng tránh bệnh nặng hơn, như:

  • Tuân theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ
  • Báo ngay cho bác sĩ nếu có bất cứ thay đổi thị lực hoặc xuất hiện các triệu chứng mới
  • Không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Nếu bạn có người thân hoặc bạn bè cũng mắc bệnh giác mạc hình chóp, hãy đề nghị họ đến gặp bác sĩ để được điều trị. Không phải ai cũng có thể sử dụng cùng một loại thuốc với liều lượng như nhau. Việc tự ý sử dụng thuốc có thể dẫn đến các tác dụng phụ nguy hiểm.
  • Tránh trang điểm mắt
  • Nếu có một chất gây kích ứng mắt, hãy ngưng sử dụng ngay
  • Dùng kính bảo vệ khi bơi lội hoặc tham gia thể thao
  • Phòng tránh các nguyên nhân gây dị ứng

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Keratoconus. https://www.eyehealthweb.com/keratoconus/. Ngày truy cập 06/11/2019

Keratoconus. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/keratoconus/doctors-departments/ddc-20351358. Ngày truy cập 06/11/2019

Keratoconus. https://www.allaboutvision.com/conditions/keratoconus.htm. Ngày truy cập 06/11/2019

Phiên bản hiện tại

24/05/2021

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Nhức 1 bên mắt là bị gì? Điểm danh những nguyên nhân thường gặp

NHỮNG HIỂU LẦM VỀ BỆNH GLÔCÔM


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 24/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo