Bệnh viêm kết mạc thường tự khỏi sau vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng cách trị viêm kết mạc tại nhà để giảm bớt các triệu chứng khó chịu, thúc đẩy bệnh nhanh lành và ngăn ngừa tái phát.
Các cách điều trị viêm kết mạc tại nhà có thể được bác sĩ hướng dẫn thực hiện riêng hoặc kết hợp với thuốc. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể nhé!
Bạn có thể quan tâm: Bệnh viêm kết mạc có nguy hiểm không?
1. Cách trị viêm kết mạc tại nhà đầu tiên là vệ sinh mí mắt
Khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, cơ thể sẽ tiết ra một chất hóa học gọi là histamine, gây đỏ, chảy nước mắt và ngứa ở mắt. Đối với viêm kết mạc dị ứng do một chất kích ứng nhẹ, việc rửa mắt bằng nước lạnh hoặc nước ấm trong ít nhất năm phút có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu.
Ngoài ra, nếu bạn bị viêm kết mạc do virus hoặc vi khuẩn thì vẫn nên vệ sinh mắt 2 lần mỗi ngày để tránh nhiễm trùng lây lan từ mắt này sang mắt kia. Bạn có thể đun sôi nước và để nguội bớt. Sau đó, bạn dùng bông gòn sạch thấm nước ấm và lau nhẹ lông mi. Lưu ý nên dùng 1 miếng bông riêng cho từng mắt.
Cách trị viêm kết mạc tại nhà này đơn giản nhưng có thể giúp giảm bớt triệu chứng viêm kết mạc nhanh chóng.
2. Chườm lạnh hoặc chườm ấm
Viêm kết mạc có thể gây khó chịu, đau đớn. Để làm dịu những triệu chứng này, bác sĩ thường khuyên người bệnh áp dụng cách trị viêm kết mạc tại nhà là dùng khăn chườm ấm hoặc chườm lạnh nhiều lần mỗi ngày. Chườm ấm giúp làm lỏng chất nhầy khô tích tụ trên mí mắt hoặc lớp vảy hình thành trên lông mi, còn chườm lạnh giúp giảm ngứa và viêm.
Để thực hiện cách chữa viêm kết mạc tại nhà này, bạn thực hiện như sau:
- Nhúng khăn sạch vào nước ấm rồi vắt ráo nước để khăn không bị nhỏ giọt.
- Đặt khăn ấm lên mắt và giữ nguyên trong vòng vài phút.
- Lặp lại điều này vài lần mỗi ngày.
- Sử dụng hai chiếc khăn khác nhau cho mỗi bên mắt nếu chỉ một bên bị viêm, để giảm nguy cơ lây lan từ mắt này sang mắt còn lại.
- Thay và sử dụng khăn sạch mỗi lần để không làm lây lan nhiễm trùng.
3. Ngừng đeo kính áp tròng
Nếu có thói quen thường xuyên đeo kính áp tròng, bạn có thể phải ngừng đeo cho đến khi mắt cảm thấy tốt hơn. Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên vứt bỏ kính áp tròng đã đeo nếu dùng loại dùng một lần. Ngoài ra, đối với loại kính áp tròng sử dụng nhiều lần, bạn cần khử trùng kính áp tròng và hộp đựng kính trước khi sử dụng lại để tránh tái nhiễm.
4. Ngừng trang điểm
Đối với một số người, trang điểm mắt có thể là nguồn lây nhiễm và tái nhiễm gây bệnh viêm kết mạc. Vì vậy, bạn nên ngừng trang điểm mắt cho đến khi khỏi bệnh.
Bạn nên đợi ít nhất hai tuần trước khi trang điểm lại cho mắt, nhưng nếu mắt bạn vẫn bị kích ứng, khó chịu hoặc đỏ thì nên đợi lâu hơn. Đồng thời, loại bỏ một số loại mỹ phẩm trang điểm đã sử dụng khi bị bệnh hoặc đã hết hạn sử dụng.
5. Cách trị viêm kết mạc tại nhà bằng nước mắt nhân tạo
Nước mắt nhân tạo có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc virus. Nếu nguyên nhân do vi khuẩn, thuốc nhỏ mắt kháng sinh có thể hiệu quả. Tuy nhiên, viêm kết mạc thường là do virus.
6. Dùng thuốc điều trị viêm kết mạc
Nếu viêm kết mạc dị ứng, bác sĩ có thể kê một trong nhiều loại thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc khác nhau. Chúng có thể bao gồm các loại:
- Thuốc kháng histamin
- Chất ổn định tế bào mast
- Thuốc chống viêm, chẳng hạn như thuốc thông mũi, steroid và thuốc nhỏ chống viêm.
7. Tránh các tác nhân gây viêm kết mạc dị ứng
Nếu nguyên nhân gây viêm kết mạc là do dị ứng, việc ngừng tiếp xúc với chất gây dị ứng là rất quan trọng. Hãy để ý xem thủ phạm có thể là những gì và tránh xa chúng.
Ví dụ, nếu bạn dễ bị viêm kết mạc dị ứng, hãy tránh xa phấn hoa hoặc cỏ phấn hương, hoặc dùng thuốc chống dị ứng để ngăn ngừa triệu chứng.
8. Giữ vệ sinh cá nhân là cách trị viêm kết mạc tại nhà hiệu quả
Thực hiện các biện pháp giữ vệ sinh cá nhân sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan và giảm khả năng tái phát. Bạn nên:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước
- Không dụi hay chạm tay vào mắt
- Giặt khăn mặt và vỏ gối thường xuyên với nước nóng và chất tẩy rửa
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác như khăn mặt, khăn tắm, kính áp tròng,…
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Viêm kết mạc có thể tự khỏi nếu bạn áp dụng đúng cách trị viêm kết mạc tại nhà. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần đến gặp bác sĩ. Hãy đi khám ngay lập tức nếu:
- Mắt đau hoặc khó nhìn
- Mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng
- Các triệu chứng kéo dài hơn một tuần và không cải thiện bằng cách trị viêm kết mạc tại nhà
- Mắt bạn tiết nhiều dịch mủ hoặc chất nhầy
- Có các triệu chứng nhiễm trùng khác, như sốt hoặc đau nhức.
Bạn có thể xem thêm:
Bệnh viêm kết mạc bao lâu thì khỏi?
Hi vọng bài viết này đã cung cấp thêm cho bạn những thông tin hữu ích về các cách trị viêm kết mạc tại nhà để bạn có thể áp dụng ngay nếu không may bị nhiễm bệnh. Viêm kết mạc không phải là một căn bệnh nghiêm trọng nhưng có thể gây khó chịu và rất dễ lây lan nếu không kịp thời điều trị.
[embed-health-tool-heart-rate]