Hiện tượng vỡ nước ối thường xảy ra ở cuối thai kỳ, khi các cơn co thắt bắt đầu. Song có không ít các mẹ bầu bị vỡ ối trước khoảng thời gian này và băn khoăn không biết vỡ ối nên làm gì hoặc vỡ ối có cần nhập viện ngay hay không?
Nước ối bị vỡ nghĩa là em bé đã sẵn sàng chào đời. Vậy vỡ ối ra nhiều nước không, vỡ ối là như thế nào? Nước ối có màu gì? Vỡ nước ối bao lâu thì sinh? Phải làm sao nếu bất ngờ bị vỡ ối khi đang ở ngoài đường? Nếu lâm vào tình huống này, mẹ bầu đừng quá lo lắng vì mọi chuyện sau đó sẽ không diễn ra kịch tính như trong các bộ phim mà mẹ bầu từng xem đâu nhé!
Túi ối là gì, vỡ ối là gì?
Trước khi tìm hiểu hiện tượng vỡ nước ối là như thế nào, hãy cùng tìm hiểu về nước ối và vai trò của nó trong thai kỳ. Trong thai kỳ, thai nhi được bảo vệ trong một túi màng đầy chất lỏng, được gọi là túi ối và nước ối. Túi ối không chỉ có nhiệm vụ như một “sân chơi” giúp cung cấp không gian cho thai nhi cử động, di chuyển trong tử cung mà còn có vai trò là một tấm đệm giúp bé yêu tránh khỏi những tác động của lực nếu chẳng may mẹ bị va chạm vào bụng bầu. Bên cạnh đó, túi ối còn là “tấm khiên” ngăn chặn sự tấn công của vi sinh vật xâm nhập vào bào thai.
Vậy, vỡ ối là thế nào? Khi màng ối bị rách, dịch ối sẽ rò rỉ ra ngoài qua cổ tử cung và âm đạo. Vỡ nước ối thường là dấu hiệu sắp sinh, thường xảy ra khi thai đã đủ tháng, nhưng hiện tượng này cũng có thể xảy ra sớm hơn (vỡ ối non). Do đó, việc bị vỡ nước ối khi chưa đến ngày dự sinh có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
Vỡ nước ối có những dấu hiệu nào?
Hiện tượng vỡ ối là như thế nào? Việc nước ối bị vỡ thường xảy ra ở cuối thai kỳ, khi các cơn co thắt tử cung bắt đầu diễn ra. Nhưng không phải tất cả mẹ bầu đều bị vỡ ối trong thời gian này. Thực tế, khoảng 1/10 phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng này khi thai kỳ chưa kết thúc. Điều này được gọi là thai vỡ ối non.
Trong một số trường hợp hiếm hơn với khoảng 3/100 phụ nữ mang thai, nước ối vỡ thậm chí sớm hơn, khi thai kỳ chưa tới 37 tuần. Điều này được gọi là vỡ ối non của màng (thai non tháng). Nếu vỡ nước ối quá sớm và mẹ bầu chưa có dấu hiệu chuyển dạ sinh con, bác sĩ có thể phải cho bạn dùng thuốc để giục sinh.
Dấu hiệu vỡ nước ối là như thế nào, vỡ ối ra nhiều nước không? Ở mỗi bà bầu, dấu hiệu vỡ ối sẽ có một cảm giác khác nhau. Một số mẹ bầu sẽ có cảm giác như cái gì đó trong người bị vỡ ra, nước ối có thể chảy ồ ạt. Đối với một số người, vỡ nước ối sẽ là cảm giác nước rỉ từ từ giống như khi bạn đi tiểu! Với những người khác, nước ối chảy ra nhiều hơn và mạnh hơn.
Tuy nhiên cách nhận biết vỡ ối phổ biến nhất là bạn sẽ cảm nhận được áp lực bên trong cơ thể và cảm giác như có một túi chứa đầy nước trong cơ thể mình bị vỡ.
Nếu thai kỳ của bạn đã gần ngày dự sinh thì việc ra nước ối mà chưa đau đẻ có thể chỉ là dấu hiệu sắp sinh bình thường. Tuy nhiên, nếu thai kỳ chưa được 37 tuần mà mẹ bầu bị vỡ ối nhưng không đau bụng thì có thể là dấu hiệu nguy hiểm và cần đi khám ngay.
Thực tế, có thể sẽ hơi khó phân biệt tình trạng rò rỉ nước ối với rò rỉ nước tiểu bởi nhiều bà bầu không biết nước ối là có màu gì, nước ối có mùi gì và dấu hiệu vỡ ối là như thế nào.
Bạn có thể chắc chắn rằng đó là nước ối, không phải nước tiểu nếu nước không có mùi nồng. Một số phụ nữ chia sẻ rằng họ nhận thấy nước ối có mùi hơi ngọt, giống như mùi clo hoặc tinh dịch! Màu nước ối có thể trong suốt hoặc có các vệt đỏ.
[embed-health-tool-due-date]
Khi vỡ ối cần làm gì? Vỡ nước ối có cần nhập viện ngay?
Khi bị ỡ ối nên làm gì hay vỡ nước ối bao lâu thì đẻ là điều được nhiều bà bầu tìm hiểu để có sự chuẩn bị tốt nhất trước ngày vượt cạn. Thực tế, không có câu trả lời chính xác cho các băn khoăn như vỡ ối bao lâu thì đau bụng, vỡ nước ối bao lâu thì sinh bởi việc này ở mỗi thai phụ là khác nhau.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm khi vỡ ối của nhiều bà bầu và các bác sĩ sản khoa thì từ lúc vỡ ối đến khi sinh là khoảng 12 – 24 giờ. Do đó, khi phát hiện dấu hiệu vỡ ối thì cần giữ bình tĩnh, quan sát các dấu hiệu sắp sinh khác hay các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm và sắp xếp đến bệnh viện ngay.
Đến cuối thai kỳ, lượng nước ối có thể lên đến 800 ml. Khi nước ối vỡ, bạn nên dùng một miếng băng vệ sinh hoặc thậm chí là một chiếc khăn sạch để tránh làm ướt cơ thể và quần áo.
Trong trường hợp vỡ ối khi thai đã đủ tháng, bạn chưa cần vào bệnh viện vội, hãy quan sát các dấu hiệu sắp sinh để đến bệnh viện kịp thời. Trong lúc chờ đợi, bạn có thể tắm bồn hoặc tắm vòi sen với nước ấm nhưng tránh quan hệ tình dục vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho bé. Nếu hơn 24 giờ trôi qua kể từ khi vỡ ối và bạn không nhận thấy dấu hiệu gì chứng tỏ em bé sắp ra đời, hãy đi khám ngay.
Trong trường hợp túi ối bị vỡ trước tuần 37 của thai kỳ, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức. Trên đường đến bệnh viện, nhớ chú ý đến nước ối. Mất nước ối có thể ảnh hưởng đến em bé và điều này sẽ hiển thị thông qua màu sắc của dịch lỏng rỉ ra. Nếu nước ối có màu xanh lục (có lẫn phân su) hoặc màu tối và có mùi hôi, đó là dấu hiệu em bé đang gặp tình trạng nguy hiểm cần được bác sĩ sản khoa can thiệp kịp thời.
Điều quan trọng là bạn phải nhận biết được những dấu hiệu vỡ ối khi tình trạng này diễn ra, đặc biệt là vỡ ối trước khi đến kỳ sinh nở. Ước tính có khoảng 1/100 trẻ sơ sinh mang các triệu chứng nhiễm trùng, so với 1/200 đứa trẻ không bị vỡ ối trước khi thai kỳ kết thúc.
Vỡ nước ối là một dấu hiệu mà các mẹ bầu cần nắm rõ, đặc biệt là khi sắp đến ngày dự sinh. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài, mẹ bầu đã có thêm những kiến thức hữu ích về thai kỳ để chăm sóc bé yêu tốt hơn.