backup og meta

Muốn sử dụng que thử thai đúng, đừng bỏ qua 8 điều này

Muốn sử dụng que thử thai đúng, đừng bỏ qua 8 điều này

Việc sử dụng que thử thai được xem là cách đơn giản để xác định xem bạn có mang thai hay không. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng que thử thai, không ít người gặp phải một số sai lầm dẫn đến kết quả sai lệch.

Phần lớn các sai lầm khi sử dụng que thử thai đến từ việc chị em chưa hiểu rõ về cơ chế hoạt động cũng như thời điểm sử dụng để có được kết quả chính xác nhất. Hãy tránh 8 điều sau để không mắc phải các sai lầm không đáng có và dùng que thử thai một cách hiệu quả nhất bạn nhé.

1. Tìm hiểu các loại que thử thai để có cách sử dụng hiệu quả

Có 2 loại que thử thai cơ bản. Một loại cơ bản (có thể làm bằng giấy) có sự thay đổi vạch màu và loại hiện đại kỹ thuật số có thể hiển thị kết quả bằng chữ hoặc ký hiệu trên màn hình.

Loại que thử thai hiện đại sử dụng công nghệ số sẽ có giá đắt hơn nhiều so với loại cơ bản. Tuy nhiên, việc sử dụng loại que thử này có thể giúp bạn không phải lo về việc đọc sai kết quả từ các vạch màu.

2. Thời gian nên sử dụng que thử thai

thời điểm thích hợp sử dụng que thử thai

Độ chính xác của kết quả bạn nhận được phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm sử dụng que thử thai. Nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt ổn định, có quan hệ tình dục và không áp dụng các biện pháp tránh thai, khoảng 1 tuần sau khi nhận thấy mình bị trễ kinh, bạn có thể dùng que thử thai. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn không nắm rõ chu kỳ của mình, bạn nên chờ khoảng từ 7 – 14 ngày sau thời điểm quan hệ tình dục để thử thai và có được kết quả chính xác nhất.

3. Dùng que thử thai khi nào để có kết quả chính xác?

Dùng que thử thai khi nào để có kết quả chính xác là băn khoăn của rất nhiều chị em khi lần đầu sử dụng dụng cụ xét nghiệm này. Thông thường, bạn có thể dùng que thử thai để kiểm tra sự có mặt của hormone gonadotropin màng đệm người hCG trong nước tiểu bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thời điểm thích hợp hơn cả vẫn là buổi sáng vì lúc đó nước tiểu thường đậm đặc và nồng độ hormone ở mức cao nhất.

4. Que thử thai 1 vạch đậm, 1 vạch mờ có thai hay không?

vạch đậm vạch nhạt

Rất nhiều chị em vì chưa đọc kỹ phần hướng dẫn sử dụng que thử thai nên nên hoang mang chẳng biết mình có thai hay không khi thấy que thử thai 1 vạch đậm, 1 vạch mờ. Bạn có thể nghĩ rằng mình vẫn chưa có thai hoặc có điều gì đó bất ổn, tuy nhiên, sự thật hoàn toàn khác.

Kết quả này xuất hiện thường là do nồng độ hormone thai kỳ hCG trong cơ thể bạn còn thấp và bạn thử thai ngay vào thời điểm phôi được hình thành. Vì thế, dù vạch thứ 2 có mờ đi chăng nữa, bạn vẫn có khả năng đã mang thai. Hãy đợi thêm một vài ngày sau đó và thử thai lại để có được kết quả chính xác hơn nhé.

5. Kết quả thử thai khác nhau ở mỗi người

Que thử thai được cho là có độ chính xác đến 97%. Tuy nhiên, độ chính xác của việc dùng que thử thai tại nhà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Không phải tất cả phụ nữ đều nhận được kết quả đúng khi dùng cùng một loại que thử hoặc sản phẩm của cùng thương hiệu que thử thai do thời điểm thử quá sớm hay nồng độ hormone hCG trong nước tiểu không đủ cao đều có thể ảnh hưởng đến kết quả nhận được.

Ngoài ra, mỗi phụ nữ rụng trứng vào những thời điểm khác nhau trong kỳ kinh nguyệt nên vẫn có khả năng bạn chỉ bị trễ kinh hoặc mất kinh dù không mang thai. Do đó, bạn nên kiên nhẫn hơn và chờ thêm vài ngày để thử thai lại.

6. Sử dụng que thử thai giá rẻ vẫn hiệu quả

sử dụng que thử thai rẻ tiền

Mặc dù một số nhãn hiệu que thử thai có danh tiếng cho rằng sản phẩm hiện đại, giá thành cao của mình cho kết quả chính xác hơn. Nhưng thực tế, tất cả đều chỉ ở mức tương đối. Kết quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như đã kể ra ở đây. Do đó, bạn không cần phải tốn quá nhiều tiền để sắm một bộ que thử thai vượt quá khả năng chi trả của mình.

7. Kết quả âm tính/dương tính sai

Kết quả dương tính giả dù rất hiếm gặp nhưng cũng có khả năng xảy ra khi sử dụng que thử thai. Nguyên nhân có thể là do sẩy thai sớm, tức là que thử thai vẫn có thể phát hiện sự xuất hiện của hCG trong nước tiểu, nhưng không có phôi sống. Ngoài ra, việc mang thai ngoài tử cung hoặc hiện tượng mang thai giả cũng có thể dẫn đến kết quả sai này. Ngược lại, kết quả âm tính sai lại thường phổ biến hơn do những sai lầm trong cách sử dụng và đọc kết quả que thử thai.

Bạn cũng có thể nhận được kết quả khác nhau ở mỗi lần thử thai. Ví dụ, thử thai lần 1 cho ra kết quả dương tính và 1 lần khác thì âm tính, hoặc que thử thai cho kết quả âm tính nhưng bạn lại bị trễ kinh và có những dấu hiệu mang thai khác. Trong trường hợp này, tốt nhất bạn nên đến các phòng khám chuyên khoa để được kiểm tra chính xác nhất.

8. Ảnh hưởng của thuốc đến kết quả thử thai

ảnh hưởng của thuốc đến kết quả thử thai

Những phụ nữ sử dụng thuốc điều trị vô sinh, hiếm muộn có chứa hCG có thể làm ảnh hưởng đến kết quả thử thai. Tuy nhiên, các loại thuốc kê toa và thuốc không kê toa, thuốc tránh thai và các chất kích thích (rượu, bia) thông thường không dẫn đến kết quả thử thai sai khi dùng que thử tại nhà.

Nếu bạn đang trong quá trình điều trị các vấn đề về khả năng sinh sản, bạn nên trao đổi trước với bác sĩ về việc dùng que thử thai.

Dùng que thử thai tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng cần đến một số lưu ý để bạn không mắc phải các sai lầm khi sử dụng hoặc đọc kết quả. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho bạn để biết được tin vui đã đến với mình chưa nhé!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tips for taking an at-home pregnancy test

https://www.parents.com/pregnancy/signs/test/tips-for-taking-an-at-home-pregnancy-test/

Ngày truy cập 23.11.2018

Pregnancy test 

https://www.webmd.com/baby/guide/pregnancy-tests

Ngày truy cập 23.11.2018

Home Pregnancy Test: 10 Things You Should Know Before Testing

http://www.mommyedition.com/home-pregnancy-test-10-things-you-should-know-before-testing

Ngày truy cập 23.11.2018

Understanding Pregnancy Tests: Urine & Blood

http://americanpregnancy.org/getting-pregnant/understanding-pregnancy-tests/

Ngày truy cập 23.11.2018

 

Phiên bản hiện tại

16/04/2021

Tác giả: Mai Hồ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Tim thai: Dấu hiệu sức khỏe bé yêu mẹ cần đặc biệt lưu ý

Cửa sổ thụ thai: Thời điểm quan hệ dễ thụ thai nhất


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Mai Hồ · Ngày cập nhật: 16/04/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo