Mẹ bầu thiếu chất dinh dưỡng có khả năng gây ra nhiều vấn đề cho cả mẹ và thai nhi. Dấu hiệu thiếu chất ban đầu thường không đặc trưng để nhận biết vì dễ gây nhầm lẫn với những vấn đề sinh lý thường gặp khác trong lúc mang thai.
Phụ nữ mang thai cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt do nhu cầu năng lượng và các dưỡng chất thiết yếu tăng lên. Tình trạng thiếu chất ở các mẹ bầu, nhất là các dưỡng chất thiết yếu như iốt, sắt, folate (axit folic), canxi, kẽm có thể gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe như thiếu máu, xuất huyết… Đồng thời, thai nhi cũng bị ảnh hưởng có thể dẫn đến tình trạng trẻ nhẹ cân khi sinh, suy dinh dưỡng và chậm phát triển [1]. Vậy, làm sao phát hiện dấu hiệu thai nhi thiếu chất để các mẹ bầu kịp thời bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết?
Các dấu hiệu mẹ bầu thiếu chất dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua
Tình trạng thiếu chất ở mẹ bầu là kết quả của một chế độ ăn uống không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai [2]. Tùy vào dưỡng chất bị thiếu mà mẹ bầu sẽ có những dấu hiệu khác nhau như:
- Thiếu vitamin D thường liên quan đến các triệu chứng mệt mỏi, chất lượng giấc ngủ kém, đau nhức xương khớp [3].
- Thiếu sắt gây thiếu máu ở mẹ bầu thường có các dấu hiệu, triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, đau đầu, da nhợt nhạt, thở nông, hội chứng pica (thèm ăn những thứ không phải thực phẩm [4].
- Thiếu canxi sẽ tiềm ẩn nguy cơ hạ canxi máu ở mẹ bầu, nếu nghiêm trọng có thể gây đau nhức cơ, co giật, loạn nhịp tim, co thắt phế quản… [5].
Các triệu chứng thiếu chất này ở mức độ nhẹ đến trung bình thường không quá rõ ràng, đôi khi giống với những vấn đề, triệu chứng thai kỳ thường gặp khác như mệt mỏi, ốm yếu, các cơn đau nhức người, táo bón, khó tiêu… do những thay đổi sinh lý ở cơ thể mẹ bầu [6], [7]. Điều này có thể khiến mẹ không nghĩ đến có dấu hiệu thiếu chất cho thai nhi và cơ thể. Thế nên mẹ cũng đừng chủ quan mà nên kiểm tra với bác sĩ xem mình có bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cả mẹ và bé chưa để có biện pháp can thiệp kịp thời.
[embed-health-tool-due-date]
Mẹ bầu thiếu chất có nguy cơ gặp phải các vấn đề gì?
Sự phát triển của thai trong tử cung cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Tình trạng thiếu chất ở mẹ bầu có thể làm tăng nguy cơ bị dị tật, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, cũng như gây ra những bất lợi về sinh nở ở người mẹ [8]. Ví dụ, thiếu hụt folate ở mẹ bầu có thể dẫn đến dị tật ống thần kinh ở thai nhi, thiếu vitamin B12 ở mẹ có khả năng làm chậm phát triển thần kinh và gây thiếu máu hồng cầu to ở con [8].
Ở mẹ bầu, việc bổ sung axit béo omega-3, đặc biệt là DHA cũng rất quan trọng vì đây là thành phần thiết yếu của não, võng mạc và hệ thần kinh. Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa lượng omega-3 hấp thụ, đặc biệt là DHA với chức năng nhận thức, thị giác và sự phát triển tổng thể của não. Các nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh có mẹ bổ sung DHA trong thời kỳ mang thai có chức năng miễn dịch khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, các axit béo omega-3 còn hỗ trợ quá trình chuyển dạ và sinh nở cho mẹ [9].
Với canxi, nếu mẹ bổ sung không đủ dẫn đến thiếu hụt có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, đau nhức bắp cơ, tê chân, đau lưng, răng lung lay, chuột rút, nặng hơn nữa có thể gây co giật do hạ canxi huyết quá mức. Còn đối với thai nhi, thiếu hụt canxi sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng trong bụng mẹ, còi xương bẩm sinh, biến dạng xương… [10].
Giải pháp giúp mẹ bầu luôn khỏe mạnh, tránh bị thiếu chất
Duy trì chế độ ăn uống khoa học
Ăn uống đầy đủ, lành mạnh là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm trong thời kỳ mang thai. Nhiều bà bầu có quan niệm mang thai là ăn cho 2 người nên có xu hướng bổ sung dinh dưỡng gấp đôi bình thường, dẫn đến dư thừa năng lượng, dư chất. Tình trạng này nếu kéo dài, mẹ sẽ có nguy cơ tăng cân quá mức trong thai kỳ và dễ gặp phải các biến chứng như đái tháo đường thai kỳ, huyết áp cao, tiền sản giật, thai to. Ngoài ra tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ sinh non hoặc mổ lấy thai [12]. Chính vì vậy, mục tiêu dinh dưỡng các mẹ bầu cần là cân bằng giữa việc hấp thu đủ chất dinh dưỡng hỗ trợ cho sự phát triển thai nhi cũng như duy trì cân nặng khỏe mạnh [11].
Mẹ bầu nên bổ sung thêm khoảng 300 calories mỗi ngày với chế độ ăn cân bằng gồm protein, trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế đồ ngọt, chất béo hết mức có thể [11], [12]. Những thực phẩm tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi là [13]:
- Rau củ: cà rốt, khoai lang, bí ngô, rau bina, rau xanh nấu chín, cà chua, ớt chuông.
- Trái cây: dưa lưới, xoài, mận, chuối, mơ, cam, bưởi chùm…
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: sữa chua không béo hoặc ít béo, sữa tách béo, sữa đậu nành…
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt, loại ăn liền hoặc nấu chín.
- Protein: các loại đậu, hạt, thịt nạc, cá hồi, cá trích, cá mòi, cá minh thái…
Ngoài ra, để bổ sung dinh dưỡng, mẹ cũng nên cân nhắc dùng thêm các sản phẩm sữa bầu. Đây là sản phẩm được thiết kế dành riêng cho các bà mẹ mang thai và cho con bú giúp cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng mẹ bầu cần trong thai kỳ với hàm lượng phù hợp. Bổ sung 2 ly sữa bầu mỗi ngày kết hợp với chế độ ăn khoa học, lành mạnh trong thai kỳ sẽ giúp mẹ và bé nhận đủ dinh dưỡng, không sợ bị thiếu hay dư chất. Không những vậy, một số loại sữa bầu uy tín còn được chứng minh lâm sàng giúp tăng khả năng nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ sau sinh và tăng tỷ lệ trẻ có chỉ số khi sinh đạt chuẩn.
Ngoài ra, một số sữa bầu uy tín hiện nay còn có công thức cải tiến như ít ngọt, ít béo, không cung cấp năng lượng dư thừa, có chỉ số đường huyết thấp với các thành phần cần thiết như prebiotic, vitamin C, vitamin E, kẽm, selen sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho mẹ. Ngoài ra, chất xơ FOS trong một số loại sữa bầu cũng giúp hệ tiêu hóa của mẹ khỏe mạnh hơn, phòng ngừa táo bón trong thai kỳ.
Bổ sung vitamin, khoáng chất
Trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu rất cần bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất thiết yếu như axit folic, sắt, canxi, vitamin D, choline, omega-3, vitamin nhóm B, vitamin C [9]. Khi cần thiết bác sĩ sản khoa sẽ tư vấn các mẹ dùng thêm những sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất trước khi sinh để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho mẹ và bé. Tuy nhiên, sử dụng các sản phẩm bổ sung vi chất không giúp thay thế hoàn toàn chế độ ăn uống lành mạnh [10]. Ngoài ra, khi sử dụng, mẹ cũng cần lưu ý uống đúng liều lượng và thời điểm để tránh quá liều, tương tác thuốc và nhận được nhiều lợi ích nhất.
Vận động nhẹ nhàng
Nếu các mẹ bầu có tình trạng sức khỏe và thai kỳ bình thường thì nên tiếp tục hoặc bắt đầu những hoạt động thể chất đều đặn, thường xuyên. Tập thể dục trong thai kỳ có thể mang lại những lợi ích sau cho cả mẹ và bé: [14]
- Giảm đau lưng
- Giảm táo bón
- Giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật và giảm khả năng sinh mổ
- Thúc đẩy tăng cân lành mạnh trong thời gian mang thai
- Cải thiện thể lực tổng thể, tăng cường sức khỏe tim mạch
- Giúp giảm cân dễ dàng hơn sau khi sinh
Mức độ vận động thể chất lý tưởng cho các mẹ bầu nên ít nhất 150 phút mỗi tuần, chia nhỏ mỗi ngày vận động 30 phút với 5 ngày/tuần cùng các bài tập nhịp điệu cường độ vừa phải. Nếu cảm thấy không an tâm, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về cách vận động phù hợp [14].
Tóm lại, các mẹ hãy chủ động tìm hiểu và bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cả mẹ và bé trong quá trình mang thai thay vì chờ đến lúc có dấu hiệu thai nhi thiếu chất hay các triệu chứng thiếu chất xuất hiện.
SIM-C-812-24