backup og meta

Bà bầu đi tiểu bao nhiêu lần một ngày? Khi nào mẹ đi tiểu nhiều đáng lo?

Bà bầu đi tiểu bao nhiêu lần một ngày? Khi nào mẹ đi tiểu nhiều đáng lo?

Mẹ có thể nhận thấy mình đi tiểu nhiều hơn khi mang thai và tự hỏi bà bầu đi tiểu bao nhiêu lần một ngày là bình thường? Thực chất, việc đi tiểu thường xuyên là tình trạng chung của nhiều mẹ bầu. Điều này thường không nguy hiểm nhưng vẫn có thể khiến mẹ cảm thấy bất tiện, khó chịu, đôi khi là lo lắng thai kỳ có bị ảnh hưởng hay không?

Nếu bạn cũng có nỗi lo liệu mẹ bầu đi tiểu nhiều có sao không thì có thể tìm đọc những thông tin mà Hello Bacsi chia sẻ qua bài viết sau để có câu trả lời hữu ích nhé!

Bà bầu đi tiểu bao nhiêu lần một ngày?

Thông thường, một người có thể đi tiểu trung bình từ 6 đến 7 lần mỗi ngày. Một số trường hợp có tần suất đi tiểu ít hơn hoặc nhiều hơn mức trên. Nếu bạn đi tiểu ít nhất 4 lần/ngày hoặc nhiều nhất là 10/ngày thì vẫn có thể được xem là bình thường. Nhìn chung, số lần đi tiểu mỗi ngày nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào lượng nước và cả loại nước mà bạn tiêu thụ, chẳng hạn như rượu bia và đồ uống có chứa caffeine có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn.

Mặt khác, một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tần suất đi tiểu của bạn. Trong đó, điển hình nhất chính là thai kỳ. Khi mang thai, chị em có xu hướng đi tiểu thường xuyên hơn. Vì vậy, nhiều mẹ không tránh khỏi thắc mắc rằng bà bầu đi tiểu bao nhiêu lần một ngày là bình thường? Trước tiên, bạn không cần quá lo lắng nếu “ghé thăm” nhà vệ sinh thường xuyên khi mang thai.

Ước tính có khoảng 80 đến 95% phụ nữ đi tiểu thường xuyên khi mang thai với tần suất trên 7 lần mỗi ngày. Bên cạnh đó, tiểu đêm trên 2 lần cũng thường xảy ra trong thai kỳ và tăng lên khi thai nhi ngày càng phát triển. Điều này là hoàn toàn bình thường nên mẹ có thể yên tâm nhé!

Khi nào bà bầu bắt đầu đi tiểu nhiều?

bà bầu đi tiểu bao nhiêu lần một ngày

Tình trạng đi tiểu thường xuyên có thể bắt đầu rất sớm trong thai kỳ, sớm nhất là vài tuần đầu tiên. Tuy nhiên, một số mẹ có thể không nhận thấy sự thay đổi cho đến khoảng tuần 10 đến 13. Lúc này, tử cung bắt đầu tăng về kích thước và gây áp lực lên bàng quang nên mẹ có thể nhận thấy rõ tần suất đi tiểu tăng lên.

Nhu cầu đi tiểu có thể giảm một chút trong tam cá nguyệt thứ hai. Thế nhưng, vào 3 tháng cuối thai kỳ, nhu cầu tiểu thường xuyên sẽ trở lại do em bé di chuyển xuống dưới và đè lên bàng quang của bạn.

Nguyên nhân gây ra tình trạng đi tiểu nhiều khi mang thai

Các mẹ có thể yên tâm rằng đi tiểu nhiều khi mang thai trong hầu hết trường hợp là hoàn toàn bình thường. Hiện tượng này xảy ra là vì cơ thể mẹ đang có nhiều thay đổi trong thai kỳ. Cụ thể, các nguyên nhân chính làm tăng tần suất đi tiểu khi bầu bí bao gồm:

  • Lượng máu trong cơ thể mẹ bầu đang tăng gần gấp đôi so với trước khi mang thai. Điều này có nghĩa là cơ thể đang có nhiều chất lỏng hơn để thận xử lý.
  • Khi mang thai, thận của mẹ cũng hoạt động hiệu quả hơn trong việc bài tiết chất thải. Điều này khiến bàng quang thường xuyên đầy lên và cần được làm rỗng liên tục.
  • Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ khiến các cơ trơn của đường tiết niệu giãn ra trong đó có cơ trợn bàng quang, niệu đạo. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng giữ nước tiểu của mẹ cũng sẽ kém hơn.
  • Càng về cuối thai kỳ, kích thước tử cung ngày càng lớn sẽ gây áp lực lên bàng quang. Thêm vào đó, khi em bé quay đầu, di chuyển xuống dưới vào khung chậu của mẹ bầu cũng sẽ đè lên bàng quang và làm tăng cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên.
  • Đối với một số trường hợp, cơ sàn chậu yếu cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng đi tiểu nhiều khi mang thai. Bởi vì cơ sàn chậu là cơ hỗ trợ các cơ quan của xương chậu như bàng quang, tử cung và ruột.

Đi tiểu thường xuyên khi mang thai có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nào đó không?

bà bầu đi tiểu bao nhiêu lần một ngày

Mặc dù không cần quá lo lắng về vấn đề bà bầu đi tiểu bao nhiêu lần một ngày là bình thường nhưng đôi khi, đi tiểu nhiều có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tiểu (nhiễm trùng đường tiết niệu). Đây là vấn đề sức khỏe có thể gây rủi ro cho thai kỳ. Nhiễm trùng tiểu khi mang thai không được điều trị có thể gây chuyển dạ sinh non, nhiễm trùng thận hoặc cả hai. Vì vậy, mẹ bầu cần đi khám ngay nếu có những triệu chứng nhiễm trùng tiểu sau:

  • Cảm thấy đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu có lẫn máu
  • Đi tiểu không kiểm soát, rò rỉ nước tiểu
  • Đau bụng dưới, khó chịu vùng chậu
  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày hơn bình thường
  • Nước tiểu có màu đục, có thể kèm mùi hôi khó chịu
  • Nếu vi khuẩn lan đến thận, bạn có thể bị đau lưng, sốt, ớn lạnh, buồn nôn và nôn.

Có thể bạn quan tâm: Nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai – Vì sao mẹ bầu dễ mắc và nên làm gì?

Làm thế nào để kiểm soát tình trạng đi tiểu thường xuyên khi mang thai?

Như các mẹ đã biết, việc đi tiểu thường xuyên là tình trạng không thể tránh khỏi khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba. Đương nhiên, việc bổ sung đủ nước cho cơ thể là điều rất quan trọng nên mẹ không thể cắt giảm việc uống nước để hạn chế đi tiểu quá nhiều. Thay vào đó, để kiểm soát tình trạng này một cách tốt nhất có thể, mẹ có thể áp dụng một số mẹo hữu ích sau đây:

1. Hạn chế các đồ uống lợi tiểu

Việc tiêu thụ cà phê, soda, nước ngọt hoặc một số loại trà có thể kích thích mẹ đi tiểu thường xuyên hơn. Vì vậy, mẹ cần hạn chế các loại thức uống này khi mang thai. Điều này vừa giúp mẹ kiềm lại tần suất đi tiểu vừa có lợi cho sức khỏe thai kỳ.

2. Cố gắng làm rỗng bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu

Về cuối thai kỳ, mẹ rất dễ bị són nước tiểu khi ho, hắt hơi hoặc khiêng vác nặng. Mẹo để hạn chế tình trạng này đó là khi đi tiểu, mẹ hãy nghiêng người về phía trước để giúp làm rỗng bàng quang hoàn toàn nhé!

3. Tránh thói quen nhịn tiểu

Mẹ cần lưu ý rằng luôn đi tiểu ngay khi có nhu cầu. Tránh tuyệt đối thói quen nhịn tiểu vì điều này có thể làm suy yếu cơ sàn chậu của bạn về lâu dài.

4. Hạn chế uống nước trước giờ đi ngủ

Như đã đề cập khi trả lời câu hỏi bà bầu đi tiểu bao nhiêu lần một ngày? Việc đi tiểu thường xuyên vẫn có thể diễn ra vào ban đêm và làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Do đó, để hạn chế sự khó chịu này, lời khuyên là mẹ nên uống đủ nước vào ban ngày và hạn chế uống nhiều nước trước giờ đi ngủ. Đồng thời, nếu phải đi tiểu vào ban đêm, mẹ cần đảm bảo phòng có đèn ngủ để việc di chuyển đến nhà vệ sinh được an toàn nhé!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Frequent urination during pregnancy

https://www.babycenter.com/pregnancy/your-body/frequent-urination-during-pregnancy_237#:~:text=It’s%20very%20common%20in%20pregnancy,at%20some%20point%20during%20pregnancy. Truy cập ngày 21/07/2022

Frequent urination during pregnancy

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/frequent-urination-during-pregnancy Truy cập ngày 21/07/2022

Urinary Tract Infection During Pregnancy

https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-complications/urinary-tract-infections-during-pregnancy/ Truy cập ngày 21/07/2022

Frequent urination during pregnancy

https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-complications/urinary-tract-infections-during-pregnancy/ Truy cập ngày 21/07/2022

How Often Should You Pee During the Day?

https://health.clevelandclinic.org/how-often-should-you-pee/ Truy cập ngày 21/07/2022

Phiên bản hiện tại

04/08/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Tập thể dục cho mẹ bầu: Những lưu ý về an toàn mẹ cần biết

Mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm: Cách xử lý và phòng ngừa hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 04/08/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo