Dù bé yêu là trai hay gái thì bé vẫn cần được nâng niu, chăm sóc chu đáo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc xác định được giới tính của thai nhi giúp bố mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất cho thai kỳ, chăm sóc sức khỏe bé yêu tốt hơn. Vậy làm thế nào để biết thai nhi là bé trai hay gái?
Giới tính của thai nhi được hình thành như thế nào?
Trước khi tìm lời giải đáp cho thắc mắc làm thế nào để xác định giới tính thai nhi, bạn có từng băn khoăn về việc giới tính của bé yêu được hình thành như thế nào, từ thời điểm nào của thai kỳ hay không?
Nếu tham gia các group cộng đồng mang thai, hẳn bạn sẽ thấy rất nhiều mẹ bầu băn khoăn về việc trứng kết hợp với tinh trùng X là trai hay gái hay trứng kết hợp với tinh trùng mang nhiễm sắc thể X là trai hay gái hoặc tinh trùng mang nhiễm sắc thể nào là con trai? Nếu cũng quan tâm đến vấn đề này hẳn bạn cũng có thắc mắc muốn được giải đáp như các mẹ trong cộng đồng. Câu trả lời sẽ có ngay dưới đây, bạn đừng bỏ lỡ!
Ngay khi trứng được thụ tinh, giới tính của thai nhi đã được xác định. Trong 46 nhiễm sắc thể tạo nên vật chất di truyền của thai nhi có hai nhiễm sắc thể được gọi là nhiễm sắc thể giới tính – một từ trứng của bạn và một từ tinh trùng của bạn đời – sẽ quyết định giới tính của em bé. Trứng của bạn chỉ chứa nhiễm sắc thể giới tính X. Tuy nhiên, tinh trùng của người bạn đời có thể chứa nhiễm sắc thể giới tính X hoặc nhiễm sắc thể giới tính Y. Tại thời điểm thụ tinh, một tinh trùng mang một nhiễm sắc thể (có thể là X hoặc Y) kết hợp với trứng của bạn. Cụ thể:
- Nếu tinh trùng có nhiễm sắc thể X kết hợp với trứng (nhiễm sắc thể X), thai nhi sẽ là một bé gái (XX).
- Nếu tinh trùng có chứa nhiễm sắc thể giới tính Y thụ tinh với trứng của bạn, thai nhi sẽ là bé trai (XY).
Như vậy, có thể thấy người bố đóng vai trò quyết định trong việc hình thành giới tính của thai nhi.
Giải đáp thắc mắc: Làm sao để biết thai nhi là bé trai hay gái?
Chắc hẳn có nhiều cặp bố mẹ rất tò mò muốn biết làm sao để biết giới tính thai nhi? Trên thực tế, có rất nhiều mẹo dân gian có thể giúp dự đoán giới tính thai nhi nhưng tất cả chỉ là kinh nghiệm truyền miệng dân gian chưa được kiểm chứng. Do đó, xác suất đúng chỉ là 50/50 mà thôi theo kiểu “sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai”.
Ngày nay, sự phát triển của y học hiện đại với các phương pháp chẩn đoán như: Siêu âm thai, sinh thiết gai nhau, xét nghiệm máu… có thể giúp xác định giới tính của thai nhi chuẩn xác ngay từ khá sớm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Nghị định 114/2006/NĐ-CP được ban hành, quy định cụ thể về việc cấm công bố giới tính thai nhi nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt nên các bệnh viện sẽ không chẩn đoán và công bố giới tính của thai nhi dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thai nhi có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có liên quan đến giới tính sẽ được làm các xét nghiệm chẩn đoán nhằm xác định bé là trai hay gái.
Trong phạm vi bài viết này, Hello Bacsi sẽ giới thiệu cho bạn một số phương pháp chẩn đoán giới tính thai nhi để bạn tiện tìm hiểu trong các trường hợp cần thiết nhé.
1. Siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi
Theo các chuyên gia, giới tính thai nhi đã được hình thành ngay khi trứng được thụ tinh nhưng phải đến tuần thứ 9 của thai kỳ trở đi thì cơ quan sinh dục của thai nhi mới có sự phát triển khác biệt. Điều này chỉ có thể phát hiện được qua siêu âm ở tuần thứ 12 trở đi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia sản khoa, ở thời điểm này mặc dù các cơ quan sinh dục đã phát triển nhưng vẫn là quá sớm để bác sĩ siêu âm nhìn thấy bộ phận này một cách rõ ràng. Thế nên, việc siêu âm thai thường quy thường chỉ nhằm mục đích xác định xem bé có khỏe mạnh và phát triển như bình thường hay không mà thôi.
2. Xét nghiệm nhiễm sắc thể ADN
Trong một số trường hợp y khoa cần xác định giới tính thai nhi, ngoài siêu âm thai thì các chuyên gia sản khoa có thể đề nghị mẹ bầu làm xét nghiệm nhiễm sắc thể ADN. Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán giới tính dựa vào nhiễm sắc thể của phôi thai này có thể tiến hành từ tuần thứ 9 của thai kỳ kết hợp với các đánh giá sàng lọc được các bất thường về nhiễm sắc thể phôi thai.
Trong quá trình mang thai, máu của mẹ bầu sẽ chứa cfDNA – một hỗn hợp được sản xuất ra từ tế bào của thai nhi và truyền vào máu của mẹ thông qua nhau thai trong suốt thai kỳ. DNA trong các tế bào nhau thai thường sẽ giống hệt với DNA của thai nhi. Lúc này, kết quả phân tích cfDNA lấy từ nhau thai có thể giúp phát hiện sớm về giới tính của thai nhi, đồng thời phát hiện ra các bất thường di truyền nếu có mà không gây hại cho thai nhi.
Theo các chuyên gia, việc tiến hành xét nghiệm nhiễm sắc thể ADN để xác định giới tính thai nhi có thể thực hiện từ tuần thứ 7 và mức độ chính xác có thể lên tới khoảng 95%.
3. Sinh thiết gai nhau
Sinh thiết gai nhau thường được thực hiện khi thai 10 – 12 tuần và không phải là một thủ thuật y khoa được khuyến khích thực hiện rộng rãi. Theo các chuyên gia sản khoa, chỉ những sản phụ có nguy cơ cao sinh ra các em bé có rối loạn di truyền mới cần thực hiện thủ thuật này. Các trường hợp được chỉ định sinh thiết gai nhau thường là:
- Thai nhi có nguy cơ cao mắc các dị tật di truyền: Kết quả chẩn đoán được thể hiện qua các xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi trước đó như triple test, combined test, đo độ mờ da gáy…
- Kết quả siêu âm thai phát hiện một số dị tật như dị tật tim, cấu trúc thận bất thường, giãn não thất, thai nhi bị sứt môi, hở hàm ếch…
- Sản phụ mang thai lớn hơn 35 tuổi: Nguyên do là bởi tỉ lệ những bà mẹ này có nguy cơ cao sinh ra con có bất thường di truyền như hội chứng Down.
- Từng sinh con bị Down hoặc các bệnh rối loạn di truyền trước đó.
- Người vợ hoặc chồng đang mắc các bệnh lý di truyền…
4. Chọc ối
Chọc ối là thủ thuật được tiến hành kết quả sinh thiết gai nhau có nghi ngờ bị các bệnh lý về gene hoặc nhiễm sắc thể, bệnh di truyền hoặc nhiễm trùng bào thai. Xét nghiệm này thường thực hiện khi thai được 15- 16 tuần.
Kết quả chọc ối có thể giúp các cặp bố mẹ biết được liệu thai nhi có bị các bất thường về gene hoặc nhiễm sắc thể hay không. Trong một số trường hợp, thủ thuật chọc ối có thể được thực hiện để kiểm tra một số tình trạng khác của thai như nhóm máu, tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý di truyền.
Do đó, nếu tò mò về giới tính của bé hoặc muốn có sự chuẩn bị tốt nhất về đồ đạc vật dụng khi con ra đời, bạn có thể tham khảo bài viết Những cách đoán giới tính thai nhi theo kinh nghiệm dân gian.
[embed-health-tool-due-date]