backup og meta

Bà bầu ăn cải bó xôi được không? Lợi ích và nguy cơ nào cần lưu ý?

Bà bầu ăn cải bó xôi được không? Lợi ích và nguy cơ nào cần lưu ý?

Bà bầu ăn cải bó xôi được không? Thực chất, mẹ không cần đắn đo cải bó xôi có tốt cho bà bầu không? Bởi vì việc thường xuyên ăn cải bó xôi trong thời gian mang thai không chỉ giúp bà bầu có sức khỏe tốt mà còn đem đến nhiều lợi ích bất ngờ cho sự phát triển của thai nhi.

Cải bó xôi (hay còn gọi là rau chân vịt, rau bina) vốn được mệnh danh là “siêu thực phẩm” cực kỳ bổ dưỡng cho sức khỏe phụ nữ trong thời gian mang thai. Bạn đã thật sự hiểu hết những lợi ích sức khỏe của cải bó xôi hay chưa? Nếu vẫn còn đang loay hoay tìm hiểu vấn đề này, hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây nhé.

Thành phần dinh dưỡng của cải bó xôi

Cải bó xôi là một trong những loại rau rất tốt cho sức khỏe của các thai phụ do hàm lượng dinh dưỡng vô cùng cao. Dưới đây là thành phần dinh dưỡng cụ thể có trong 100g cải bó xôi:

  • Năng lượng: 23kcal
  • Chất béo: 0,39g
  • Chất xơ: 2,2g
  • Protein: 2,86g
  • Tinh bột: 3,63g
  • Nước: 91,4g
  • Đường: 0,42g
  • Vitamin C: 28,1mg
  • Vitamin B6: 0,195mg
  • Vitamin B1: 0,078mg
  • Vitamin B2: 0,189mg
  • Vitamin B3: 0,724mg
  • Vitamin B9: 194ug
  • Vitamin A: 9377IU
  • Vitamin E: 2,03mg
  • Vitamin K: 482,9ug
  • Sắt: 2,71mg
  • Magie: 79mg
  • Phốt pho: 49mg
  • Kali: 558mg
  • Natri: 79mg
  • Canxi: 99mg
  • Chất béo bão hòa: 0,063g
  • Chất béo không bão hòa đơn: 0,010g
  • Chất béo không bão hòa đa: 0,165g

9 lợi ích của cải bó xôi đối với sức khỏe bà bầu và thai nhi

1. Ngăn ngừa thiếu máu

ăn cải bó xôi khi mang thai

Theo thống kê, số lượng bà bầu thiếu máu trong thai kỳ chiếm tỷ lệ khá cao. Khi mang thai, tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả cơ thể mẹ bầu lẫn em bé. Do đó, trong thời gian này, nhu cầu về sắt mà cơ thể cần sẽ tăng lên từ 30 đến 50%. Mẹ bầu ăn cải bó xôi là cách giúp bổ sung sắt đơn giản nhất. Không những vậy, loại rau này còn giúp ổn định cân nặng thai nhi, ngừa nguy cơ nhẹ cân ở trẻ khi mới chào đời.

2. Lợi ích từ cải bó xôi cho bà bầu: Ổn định huyết áp

Huyết áp thay đổi thất thường là hiện tượng phổ biến trong thai kỳ và thường có liên quan đến việc hấp thụ canxi của cơ thể. Nồng độ canxi cao có thể gây hạ huyết áp, trong khi lượng canxi thấp lại dẫn đến tăng huyết áp thai kỳ. Việc ăn cải bó xôi là giải pháp an toàn giúp ổn định huyết áp nhờ thành phần nitrat có trong thực phẩm này.

3. Bà bầu ăn cải bó xôi giúp giảm đau nhức cơ thể

Đau nhức cơ thể là tình trạng khá thường gặp ở bà bầu do cơ thể ngày một nặng nề khi thai nhi phát triển quá nhanh. Cải bó xôi có chứa hoạt chất glycolipid, có đặc tính chống viêm, giúp mẹ bầu giảm đi những cơn đau nhức trong thai kỳ rất hiệu quả.

4. Ngăn ngừa trĩ và táo bón

Trĩ và táo bón là những triệu chứng thai kỳ thường gặp. Tình trạng này sẽ được cải thiện nếu bà bầu thường xuyên bổ sung cải bó xôi vào chế độ ăn. Nguồn chất xơ dồi dào trong loại rau này sẽ kích thích nhu động ruột, giúp nhuận tràng và ngăn ngừa táo bón khi mang thai hiệu quả.

5. Ăn cải bó xôi tốt cho xương và răng

Phụ nữ mang thai thường xuyên ăn cải bó xôi sẽ nhận được một lượng canxi dồi dào, giúp răng và xương của bé chắc khỏe ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Ngoài ra, mẹ bầu ăn nhiều cải bó xôi còn có thể cải thiện chức năng cơ bắp, thần kinh và tuần hoàn.

6. Cải thiện hệ miễn dịch

Cải bó xôi rất giàu vitamin A, C có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho mẹ bầu. Không những vậy, những dưỡng chất này còn có tác dụng giúp hỗ trợ sự phát triển thị lực của bé.

7. Ngăn ngừa khuyết tật thai nhi

Cải bó xôi là nguồn cung cấp axit folic dồi dào cho bà bầu. Axit folic là dưỡng chất rất cần thiết cho việc hình thành ống thần kinh thai nhi trong tam cá nguyệt đầu tiên. Không những vậy, mẹ bầu bổ sung axit folic đầy đủ còn giúp ngăn ngừa nguy cơ khuyết tật bẩm sinh có thể gặp ở thai nhi như tật sứt môi, hở hàm ếch hay nứt đốt sống.

8. Ăn cải bó xôi tốt cho phổi của bé

ăn cải bó xôi tốt cho thai nhi

Cải bó xôi rất giàu beta – carotene. Sau khi hấp thu vào cơ thể, dưỡng chất này sẽ chuyển hóa thành vitamin A, rất tốt cho sự phát triển phổi của thai nhi. Đặc biệt, vitamin A còn giúp thai nhi tăng cân lành mạnh và thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể mẹ bầu diễn ra hiệu quả.

9. Giảm nguy cơ sinh non

Axit folic không chỉ cần thiết cho sự phát triển của bé mà còn đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe mẹ bầu. Trong thời gian mang thai, nếu không được bổ sung đủ axit folic, bà bầu rất dễ đối mặt với nguy cơ sinh non. Việc thường xuyên thêm cải bó xôi vào thực đơn ăn uống hàng ngày sẽ giúp đảm bảo nhu cầu axit folic cho cơ thể, phòng tránh sinh non.

Bà bầu ăn quá nhiều cải bó xôi sẽ gặp phải nguy cơ gì?

Nhiều chị em thắc mắc bà bầu có ăn được cải bó xôi không, đặc biệt là nếu ăn quá nhiều thì có sao không? Theo các chuyên gia y khoa, mỗi ngày bà bầu chỉ nên ăn nửa chén rau cải bó xôi. Bởi nếu ăn quá nhiều, bạn sẽ có nguy cơ gặp phải những vấn đề sau:

  • Sỏi thận: Nếu ăn quá nhiều cải bó xôi, phụ nữ mang thai rất dễ bị sỏi thận, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Nguyên nhân là do cải bó xôi có chứa axit oxalic, một hợp chất khiến cơ thể đào thải ra nhiều canxi. Ngoài ra, mẹ bầu ăn nhiều cải bó xôi còn có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai.
  • Tiêu chảy: Bà bầu rất dễ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn listeria và nhiễm khuẩn salmonella nếu ăn cải bó xôi không được rửa và chế biến kỹ. Tình trạng này nếu nghiêm trọng còn có thể dẫn đến sẩy thai.
  • Dị ứng salicylate: Chất salicylate có trong cải bó xôi có thể gây chảy máu nghiêm trọng và kéo dài thời gian chuyển dạ. Do đó, bạn nên tránh ăn loại rau này trong những tháng cuối của thai kỳ.

Những món ăn từ cải bó xôi vừa ngon vừa giàu dinh dưỡng dành cho mẹ bầu

Dưới đây là công thức chế biến một số món ăn từ cải bó xôi vừa ngon vừa bổ dưỡng mà bạn có thể đưa vào thực đơn mỗi ngày:

1. Súp cải bó xôi

bà bầu ăn súp cải bó xôi

Nguyên liệu cần chuẩn bị: đậu Hà Lan, cải bó xôi, hành tây, nước dùng từ xương hầm, bột năng hoặc bột ngô, gia vị.

Cách làm:

  • Rửa sạch đậu Hà Lan và cải bó xôi.
  • Cải bó xôi cắt thành khúc nhỏ.
  • Hành tây thái hạt lựu.
  • Cho tỏi vào phi thơm rồi cho hành tây vào xào chín. Đổ nước dùng cùng đậu Hà Lan và rau cải bó xôi vào nấu cho đến khi chín mềm, nhừ.
  • Thêm một chút bột năng hoặc bột ngô để súp được sánh.
  • Nếu muốn món ăn có dạng mịn, bạn có thể đổ súp vào máy xay cho nhuyễn mịn rồi múc vào bát ăn nóng.

2. Canh cải bó xôi nấu thịt bằm

Nguyên liệu cần chuẩn bị: cải bó xôi, hành khô, thịt băm, gia vị.

Cách chế biến:

  • Rau cải bó xôi rửa sạch, thái khúc vừa ăn.
  • Hành khô phi thơm với chút dầu ăn rồi cho thịt băm vào đảo đều.
  • Đổ thêm một bát to nước lã vào đun sôi.
  • Thả cải bó xôi vào đun chín rồi nêm thêm gia vị cho vừa ăn.

3. Canh cải bó xôi nấu tôm tươi

món canh tốt cho thai kỳ

Để nấu món canh cải bó xôi tôm tươi, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như: rau cải bó xôi, tôm tươi, hành khô, tiêu và gia vị để nêm nếm.

Cách chế biến:

  • Rau cải bó xôi rửa sạch, thái khúc vừa ăn.
  • Tôm rửa sạch, rút bỏ chỉ lưng, bỏ vào cối giã giập cùng với hành tím. Sau khi giã xong, bạn nên chút tiêu cùng nước mắm, đảo đều cho thịt tôm thấm gia vị.
  • Hành khô phi thơm với chút dầu ăn rồi cho tôm đã giã vào đảo đều cho săn.
  • Đổ nước vào nồi, đợi nước sôi một chút để tôm chín thì cho rau vào, nêm nếm cho vừa ăn. Múc ra bát ăn nóng hay nguội đều rất ngon.

Một số câu hỏi thường gặp khi bà bầu ăn cải bó xôi

1. Mẹ bầu có nên uống nước ép cải bó xôi trong thai kỳ?

Bạn có thể uống nước ép cải bó xôi khi mang bầu miễn là bạn ép từ cải bó xôi tươi, sạch và không cho quá nhiều đường. Tuy nhiên, bạn đừng uống quá nhiều để tránh gặp phải những tác dụng phụ không đáng có.

2. Có nên ăn salad cải bó xôi khi mang thai không?

Bạn có thể ăn nhưng hãy rửa sạch cải bó xôi cũng như các loại rau khác trước khi chế biến để tránh nhiễm khuẩn nhé.

Ngân Phạm / HELLO BACSI

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Spinach During Pregnancy: Benefits, Side-Effects And Recipes To Try

https://www.momjunction.com/articles/is-it-safe-to-eat-spinach-during-pregnancy_00136644/

Ngày truy cập: 24/9/2019

Spinach

https://www.emedicinehealth.com/spinach/vitamins-supplements.htm

Ngày truy cập: 24/9/2019

SPINACH

https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-365/spinach

Ngày truy cập: 24/9/2019

Five food groups

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/five-food-groups Truy cập ngày 09/10/2022

Eating Right During Pregnancy

https://www.eatright.org/health/pregnancy/what-to-eat-when-expecting/eating-right-during-pregnancy Truy cập ngày 09/10/2022

Spinach, raw

https://www.nutritionvalue.org/Spinach%2C_raw_nutritional_value.html Truy cập ngày 09/10/2022

Phiên bản hiện tại

09/10/2022

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Giải đáp vấn đề mẹ bị sốt xuất huyết có nên cho con bú?

4 chiến lược dành cho bà bầu đi làm mà có thể bạn chưa biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 09/10/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo