Khi mua sắm đồ cho trẻ sơ sinh, nhiều mẹ thường gặp phải vấn đề mua thừa, mua thiếu hoặc chọn mua những đồ dùng không cần thiết làm tốn công sức và tiền bạc. Do đó, mẹ bầu nên tìm hiểu các kinh nghiệm mua đồ sơ sinh không lãng phí để có kế hoạch mua sắm thông minh, vừa đủ.
Sự đa dạng các sản phẩm, thương hiệu đồ dùng cho trẻ sơ sinh ngày nay giúp các mẹ bầu có nhiều lựa chọn hơn, dễ dàng tiếp cận được những món đồ chất lượng phù hợp với nhu cầu sử dụng cũng như hữu ích cho mẹ và bé sau sinh. Tuy nhiên, điều này cũng khiến không ít mẹ bầu dễ bị bối rối, sa đà vào mua sắm dẫn đến mua thừa đồ dùng cần thiết hoặc mua những món đồ không sử dụng hết chức năng gây lãng phí. Nếu không lập kế hoạch mua sắm và chọn lọc những nhu cầu thiết yếu thì các chị em bầu bí rất dễ rơi vào bẫy mua sắm theo cảm tính. Sau đây, Hello Bacsi sẽ chia sẻ ra một vài kinh nghiệm mua đồ sơ sinh không lãng phí để giúp mẹ bầu kiểm soát chi tiêu tốt hơn, mua đúng và đủ những vật dụng cần thiết cho em bé sau sinh.
Mang bầu mấy tháng thì mua đồ sơ sinh?
Thông thường, quan niệm dân gian cho rằng nên kiêng mua đồ sơ sinh quá sớm vì dễ bị điềm xui – vận rủi ảnh hưởng đến thai nhi, khiến em bé có thể sinh non hoặc nhẹ cân. Hơn nữa khi thai còn quá nhỏ thì cha mẹ cũng chưa dự đoán được giới tính của con nên sẽ khó mua đồ hơn, có thể mua những món không thực sự phù hợp. Thời điểm phù hợp để mẹ bắt đầu mua dần đồ dùng sơ sinh để chuẩn bị cho sự chào đời của con là khoảng từ tháng thứ 6 thai kỳ trở đi. Dù vậy, mẹ bầu có thể lên kế hoạch mua đồ sơ sinh bất kỳ khi nào cảm thấy sẵn sàng và đủ điều kiện để đi mua sắm.
Việc đồ mua đồ sơ sinh sớm cho con cũng không làm mất công sức hay lãng phí nếu như mẹ bầu đã tìm hiểu kỹ những đồ dùng cần thiết, lên danh sách, kế hoạch mua sắm hợp lý. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên để quá sát ngày dự sinh mới mua sắm đồ vì khi thai lớn sẽ gây nặng nề, mệt mỏi hơn khi phải đi lại nhiều. Ngoài ra, em bé đôi khi chào đời sớm hơn ngày dự sinh và nếu chưa chuẩn bị đầy đủ từ trước sẽ gây cập rập, thiếu hụt đồ dùng cần thiết sau khi sinh.
Tốt nhất, mẹ nên tìm hiểu về những nơi bán đồ dùng sơ sinh uy tín, chất lượng, so sánh giá cả trong giai đoạn đầu thai kỳ để bắt đầu lựa chọn những sản phẩm phù hợp nhất để mua sắm kể từ khoảng giữa thai kỳ. Như vậy, mẹ sẽ có thời gian đánh giá kỹ lưỡng sản phẩm và nhu cầu sử dụng, tránh mua đồ sơ sinh một cách lãng phí.
[embed-health-tool-due-date]
Chia sẻ kinh nghiệm mua đồ sơ sinh không lãng phí
1. Lập ngân sách cho việc mua sắm đồ sơ sinh
Việc cần làm đầu tiên trước khi bắt đầu mua đồ sơ sinh là dự trù ngân sách hiện có dùng để chuẩn bị cho con. Việc này giúp bạn suy nghĩ cẩn thận trước khi ra quyết định có mua một món đồ nào đó không, hạn chế tình trạng “vung tay quá trán” khi đang phân vân trước nhiều mẫu mã đa dạng, dễ thương dành cho bé.
Việc giới hạn chi tiêu khi mua sắm đồ sơ sinh cũng giúp mẹ quản lý tài chính tốt hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Vì ngoài mua sắm đồ dùng sơ sinh, bạn sẽ cần có ngân sách cho nhiều việc khác, chẳng hạn như chi phí khi đi sinh, chi phí dự phòng để khám sức khỏe định kỳ, chủng ngừa và điều trị bệnh ở bé (nếu xảy ra), chi phí ăn uống cho mẹ và bé… Nếu mua sắm quá đà, bạn sẽ dễ bị thiếu hụt tài chính cho những khoản chi tiêu khác.
2. Lên danh sách các món đồ cần mua
Sau khi tham khảo nhiều sản phẩm dành cho mẹ và bé sau sinh, bạn cần sàng lọc và lên danh sách những món đồ thực sự cần mua để đảm bảo có đủ đồ dùng thiết yếu, tránh mua thừa hoặc thiếu. Bạn cũng nên kiểm tra lại những đồ dùng đã có hoặc được tặng để tránh mua trùng gây tốn kém tiền bạc.
Mẹ bầu có thể ghi lại danh sách trong điện thoại, máy tính bảng hoặc một cuốn sổ tay hay sử dụng để dễ dàng kiểm tra, cập nhật tình hình chuẩn bị đồ sơ sinh. Hãy lên danh sách càng chi tiết càng tốt. Ví dụ, bạn sẽ cần mua bao nhiêu túi tã lót sơ sinh, khăn sữa, quần áo sơ sinh dạng liền hay rời, bao tay, vớ chân, nón, bình sữa… Chú ý, khi mua quần áo cho bé, mẹ cũng nên chú ý đến điều kiện thời tiết ở thời điểm sẽ sinh em bé để lựa chọn kiểu dáng và chất liệu phù hợp.
3. Lựa chọn chất liệu, kích cỡ size đa dạng và có tính sử dụng lâu dài
Trong 6 tháng đầu tiên, bé sẽ tăng trưởng và phát triển nhanh chóng nên các mẹ hãy mua quần áo với size lớn hơn khoảng 1 – 2 size theo tuần tuổi thay vì chỉ mua ở 1 size sơ sinh duy nhất. Các vật dụng khác cho bé như xe nôi, chậu tắm… cũng nên mua kích thước đủ lớn để có thể sử dụng được lâu dài, giúp tiết kiệm được chi phí hiệu quả.
Nếu bạn ở khu vực có điều kiện thời tiết thay đổi theo mùa thì cũng nên chuẩn bị nhiều kiểu dáng quần áo để phù hợp cho từng thời điểm. Các mẹ hãy chia danh sách quần áo, đồ dùng cần chuẩn bị thành từng nhóm riêng để dễ dàng phân loại, kiểm soát và tính toán chi phí mua sắm phù hợp.
4. Mua với số lượng vừa đủ
Sau khi đã lên danh sách đồ dùng và số lượng cần mua, các mẹ nên cố gắng mua sắm trong giới hạn này. Việc mua quá nhiều quần áo cho trẻ sơ sinh có thể dư thừa vì nhiều khi bé lớn nhanh quá dẫn đến tình trạng chưa kịp mặc đến đã chật.
Tính toán số lượng đồ dùng vừa đủ cho từng giai đoạn là kinh nghiệm để mua đồ sơ sinh không lãng phí được nhiều mẹ bầu đồng ý. Việc này cũng giúp mẹ bầu không bị tiêu dùng vượt quá ngân sách đã dự trù.
5. Tận dụng các chương trình khuyến mãi, phiếu quà tặng
Việc tìm hiểu và lên kế hoạch mua đồ sơ sinh sớm còn giúp mẹ theo dõi được thị trường mua bán các đồ dùng cho mẹ và bé, có thời gian tham gia các chương trình khuyến mãi trong những dịp đặc biệt. Mẹ có thể tham gia những trò chơi tương tác với cửa hàng hoặc thương hiệu đồ dùng cho bé sơ sinh để có cơ hội nhận được phiếu quà tặng hoặc được giảm giá khi mua sắm. Những chương trình này giúp mẹ tiết kiệm thêm được chi phí khi mua đồ sơ sinh cho bé.
6. Xin đồ cũ đã qua sử dụng
Nhiều người có quan niệm rằng xin quần áo sơ sinh cũ của những em bé khỏe mạnh, dễ nuôi có thể giúp xin được vía tốt, đồng thời cũng tiết kiệm khi tái sử dụng những đồ dùng này. Tuy nhiên, không phải đồ dùng nào cũng có thể dùng lại đồ cũ, nhất là những thứ được sử dụng thường xuyên trở nên quá cũ, vải đã sờn rách sẽ dễ gây tổn thương cho làn da mỏng manh của bé.
Bạn có thể xin đồ cũ từ người quen hoặc dùng lại từ các bé sinh trước nhưng chỉ nên tái sử dụng một số ít món còn mới, chất liệu vẫn còn đảm bảo chất lượng, không bị bung sợi vải. Mong muốn tái sử dụng để tránh lãng phí là một điều tốt nhưng cần ưu tiên đảm bảo sức khỏe cho trẻ sơ sinh, hạn chế để con tiếp xúc với những tác nhân gây kích ứng.
Gợi ý danh sách đồ sơ sinh tiết kiệm cho bé
Nếu mẹ chưa biết cần chuẩn bị những đồ gì cho trẻ sơ sinh, số lượng ra sao để đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu của con mà không lãng phí thì hãy tham khảo các danh sách sau đây:
1. Đồ cho bé ăn
Ở giai đoạn đầu đời, nguồn dinh dưỡng duy nhất của trẻ sơ sinh là sữa, chủ yếu với sữa mẹ và đôi khi cần dùng thêm sữa công thức. Nếu mẹ muốn hút sữa theo cữ để ổn định lượng sữa cho con bú hoặc cần dùng thêm sữa công thức cho bé sơ sinh thì sẽ cần đến một số vật dụng như máy hút sữa, máy hâm sữa, bình sữa…
STT | Đồ dùng | Số lượng tối thiểu |
1 | Bình sữa:
| 2 bình |
2 | Máy hút sữa (cân nhắc):
| 1 máy hút sữa cùng nhiều túi trữ sữa để bảo quản trong tủ lạnh. |
3 | Máy hâm sữa (cân nhắc):
| 1 máy |
4 | Sữa công thức:
| 1 lon |
2. Đồ cho bé ngủ
Giấc ngủ rất quan trọng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì giai đoạn này bé sẽ dành phần lớn thời gian để ngủ, giúp phát triển các chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Việc chuẩn bị đồ cho bé không thể thiếu những vật dụng hỗ trợ cho giấc ngủ ngon như:
STT | Đồ dùng | Số lượng tối thiểu |
1 | Chăn:
| 1 – 2 cái |
2 | Gối sơ sinh:
| 1 -2 cái |
3 | Vỏ gối:
| 2-3 cái |
4 | Khăn quấn người bé:
| 2 – 3 cái |
5 | Nôi/giường cho em bé:
| 1 cái |
3. Đồ vệ sinh cho bé
Trẻ sơ sinh cần được vệ sinh thân thể mỗi ngày để loại bỏ tế bào chết, bụi bẩn, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh xâm nhập, giữ cho bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu và phát triển tốt. Những vật dụng cần dùng cho việc giữ vệ sinh cá nhân của bé gồm:
STT | Đồ dùng | Số lượng tối thiểu |
1 | Khăn tắm:
| 2 cái |
2 | Khăn sữa:
| 10-15 cái |
3 | Sữa tắm gội:
| 1 chai |
4 | Thau tắm em bé:
| 1 cái |
5 | Chậu rửa mặt:
| 1 cái |
6 | Khăn giấy ướt:
| 2 – 4 bịch |
7 | Gạc rơ lưỡi:
| 4 hộp |
8 | Dung dịch rơ lưỡi | 1 chai |
Ngoài ra, mẹ có thể chuẩn bị thêm những vật dụng khác như nước muối sinh lý, tăm bông, băng rốn, khăn mặt…
4. Đồ cho bé mặc
Quần áo cho trẻ sơ sinh cần phải đảm bảo khả năng giữ ổn định thân nhiệt vì cơ thể con vẫn còn yếu ớt, chưa thể thích nghi nhanh chóng với môi trường bên ngoài bụng mẹ. Những đồ mặc cho bé mà mẹ bầu cần chuẩn bị là:
STT | Đồ dùng | Số lượng tối thiểu |
1 | Quần áo sơ sinh:
| 10 bộ |
2 | Bao tay, bao chân sơ sinh:
| 5 đôi mỗi loại |
3 | Mũ sơ sinh:
| 3 cái |
4 | Yếm:
| 3 cái |
5 | Các loại tã:
| 20 cái 5 cái 3 – 5 bịch |
Đừng quên mua đồ sau sinh cần thiết cho mẹ
- Bông bịt tai: 1 gói
- Quần lót giấy: 2 lốc
- Băng vệ sinh: 3 gói
- Tất chân: 5 đôi
- Miếng thấm sữa: 1 hộp
- Bộ quần áo sau sinh: 5 bộ
- Trợ ti: 1 đôi
- Balo bỉm sữa: 1 cái…
Những lưu ý khi mua đồ cho trẻ sơ sinh
Khi lựa chọn những món đồ cho trẻ sơ sinh, mẹ cần chú ý những điều quan trọng sau để đảm bảo mang đến sự thoải mái cho bé yêu khi dùng, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con:
- Chọn quần áo sơ sinh làm từ chất liệu tự nhiên, mềm mại, không có nhiều màu sắc sặc sỡ vì có thể được nhuộm từ các hóa chất gây kích ứng đến làn da nhạy cảm của bé.
- Mua số lượng quần áo vừa đủ, không dư quá nhiều cũng không quá ít để có thể thay thường xuyên vì bé có thể làm dơ quần áo do nôn trớ, bị dây bẩn khi đi vệ sinh. Đặc biệt, vào mùa mưa cha mẹ có thể cần mua thêm quần áo để tránh thiếu đồ mặc do chưa kịp khô.
- Ưu tiên cho bé sử dụng tã thoáng khí, êm ái, có công nghệ thấm hút và chống tràn tốt, không gây hầm bí. Mẹ nên chọn mua tã của các thương hiệu uy tín, chất lượng.
- Tìm kiếm những cửa hàng bán đồ sơ sinh chính hãng, uy tín để đảm bảo chất lượng của các đồ dùng cho cả mẹ và bé.
Đây là những kinh nghiệm mua đồ sơ sinh không lãng phí mà bất kỳ mẹ bầu cũng nên tham khảo sớm để có thời gian chuẩn bị đầy đủ cho hành trình nuôi con sắp tới. Hãy ưu tiên nhu cầu và điều kiện kinh tế của gia đình trước khi quyết định chọn mua bất kỳ sản phẩm, đồ dùng nào cho cả hai mẹ con. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh cùng một kế hoạch mua sắm thông minh, đầy đủ.