backup og meta

Giải mã: Bà bầu nghén ngủ sinh con trai hay gái?

Giải mã: Bà bầu nghén ngủ sinh con trai hay gái?

Trong dân gian tồn tại rất nhiều mẹo đoán giới tính thai nhi khác nhau, chẳng hạn như thèm chua sinh con trai, thèm ngọt sinh con gái, nghén lạnh đẻ con trai… Vậy bà bầu nghén ngủ sinh con trai hay gái?

Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời đáp cho thắc mắc này qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết sau!

Nghén ngủ là gì? Tại sao bà bầu lại ngủ nhiều khi mang thai? 

Nhiều phụ nữ mang thai cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn, đặc biệt là trong ba tháng đầu thai kỳ. Hiện tượng này thường được gọi với cái tên dân dã là nghén ngủ và được cho là có liên quan đến giới tính của em bé trong bụng. Vậy bà bầu nghén ngủ sinh con trai hay gái?

Trước khi đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc bà “bầu nghén ngủ sinh con trai hay gái?”, hãy cùng Hello Bacsi giải mã về tình trạng nghén ngủ khi mang thai.

Theo các chuyên gia sức khỏe, khi mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi sinh lý và sự dao động của nồng độ hormone. Do đó, một số nguyên nhân sau có thể giải thích cho thắc mắc tại sao phụ nữ có xu hướng thèm ngủ khi mang thai:

  • Tăng sản xuất hormone progesterone: Trong thai kỳ, cơ thể phụ nữ sản xuất lượng lớn hormone progesterone, một hormone quan trọng để duy trì thai kỳ. Việc gia tăng nồng độ progesterone gây ra “tác dụng phụ” khi tác động lên hệ thống thần kinh và gây cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ. Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng khi mang thai, bên cạnh việc “ăn cho hai người” để có thể nhận đủ các dưỡng chất thiết yếu thì mẹ bầu cũng cần “ngủ cho hai người”. 
  • Sự gia tăng nhu cầu năng lượng: Để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi, cơ thể phụ nữ cần nhiều năng lượng hơn. Do đó, cảm giác mệt mỏi và thèm ngủ là một cách cơ thể tìm cách giảm “năng lượng tiêu hao” và nạp năng lượng mới. 
  • Thay đổi cung cấp máu, tăng lưu lượng máu: Trong thai kỳ, quá trình lưu thông máu trong cơ thể thay đổi để đáp ứng nhu cầu của cả mẹ và thai nhi. Một lượng lớn máu được chuyển đến tử cung và các cơ quan liên quan, làm giảm lượng máu lưu thông trong các cơ và mô khác. Điều này có thể dẫn đến cảm giác mệt mỏi và thèm ngủ.
  • Thay đổi nồng độ các hormone khác: Ngoài progesterone, nồng độ các hormone khác như estrogen, prolactin và oxytocin cũng thay đổi trong quá trình mang thai. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây ra cảm giác mệt mỏi, thèm ngủ ở bà bầu. 

Tuy nhiên, các chuyên gia sản khoa cũng lưu ý rằng mỗi phụ nữ mang thai có thể có những trải nghiệm thai kỳ khác nhau. Một số chị em bầu bí có thể cảm thấy thèm ngủ hơn trong khi mới mang thai và trong giai đoạn cuối của thai kỳ trong khi số chị em khác có thể không có sự thay đổi đáng kể. Vậy bà bầu nghén ngủ sinh con trai hay gái? Có mối liên hệ nào giữa giới tính thai nhi và giấc ngủ của mẹ bầu hay không? Đừng bỏ lỡ phần tiếp theo trong bài viết này để có câu trả lời bạn nhé!

Giải đáp thắc mắc: Bà bầu nghén ngủ sinh con trai hay gái? 

bà bầu nghén ngủ sinh con trai hay gái

Việc biết giới tính của bé yêu ngay khi con còn trong bụng mẹ để có sự chuẩn bị tốt nhất là mong muốn và nhu cầu của  rất nhiều ba mẹ. Do đó, các mẹo đoán giới tính thai nhi theo kinh nghiệm dân gian rất được quan tâm. Thế nên, nhiều người dựa vào triệu chứng nghén ngủ của mẹ bầu để đưa ra phỏng đoán nghén ngủ sinh con trai hay gái.

Có rất nhiều ý kiến cho rằng bà bầu nghén ngủ trong 3 tháng đầu mang thai là dấu hiệu cho thấy sẽ sinh con gái. Lý giải cho quan niệm này, một số người cho rằng mẹ bầu mang thai con gái thường không bị nghén nặng, có thể ngủ ngon hơn. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến trái chiều cho rằng nghén ngủ có thể là dấu hiệu của việc sinh con trai, bởi vì bà bầu mang thai bé trai thường nghén nặng hơn, không thể ngủ đủ giấc vào ban đêm và cần ngủ thêm vào ban ngày.

Theo bác sĩ sản phụ khoa, việc căn cứ vào triệu chứng “nghén ngủ” để dự đoán giới tính thai nhi là hoàn toàn không có căn cứ. Việc sinh con trai hay con gái đã được xác định ngay từ khi tinh trùng gặp và thụ tinh cho trứng, được quyết định bởi nhiễm sắc thể của tinh trùng. Do đó, tình trạng ốm nghén nói chung và nghén ngủ nói riêng khi mang thai không cung cấp thông tin gì về giới tính thai nhi.

Ngủ quá nhiều khi mang thai có nguy hiểm không? Bà bầu nghén ngủ phải làm sao? 

bà bầu nghén ngủ sinh con trai hay gái

Đến đây hẳn là bạn đã giải mã được thắc mắc bà bầu nghén ngủ sinh con trai hay gái? Vậy vấn đề đặt ra là chị em bầu bí ngủ nhiều khi mang thai có tốt không, có ảnh hưởng gì không?

Có nhiều ý kiến cho rằng việc mẹ bầu bị nghén ngủ trong 3 tháng đầu thường không phải là tình trạng quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong suốt thai kỳ, việc ngủ nhiều và dành nhiều thời gian nằm trên giường sẽ khiến các mẹ bầu có quá ít thời gian vận động, tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe như mệt mỏi, lừ đừ, kém linh hoạt, thậm chí là tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch rất nguy hiểm. Các huyết khối  này đi vào trong phổi, dẫn đến thuyên tắc phổi.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng việc mẹ bầu ngủ nhiều trong 3 tháng cuối thai kỳ (ngủ liên tục 9 giờ) có nguy cơ thai lưu cao hơn các mẹ bầu khác. Do đó, lời khuyên là để hạn chế những nguy cơ mà nghén ngủ có thể gây ra thì mẹ bầu nên xây dựng thói quen ngủ tốt, đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ, sau khi thức dậy nên vận động cơ thể ít nhất khoảng 5-10 phút mỗi lần.

Qua những thông tin mà Hello Bacsi giải đáp ở trên, hy vọng các mẹ bầu đã õ về việc bầu nghén ngủ sinh con trai hay gái cùng các lưu ý xoay quanh việc ngủ quá nhiều khi mang thai. Đừng quên truy cập chuyên mục Mang thai trên Hello Bacsi để cập nhật những điều bổ ích trong giai đoạn bầu bí nhé!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Sleep and Pregnancy: Tips for Better Rest  https://familydoctor.org/getting-enough-sleep-pregnancy/ Ngày truy cập 18/3/2024

Sleeping While Pregnant: First Trimester https://www.sleepfoundation.org/pregnancy/sleeping-during-1st-trimester Ngày truy cập 18/3/2024

First Trimester Fatigue https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=134&contentid=4 Ngày truy cập 18/3/2024

Sex Begins in the Womb https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK222286/ Ngày truy cập 18/3/2024

Is Excessive Sleeping During Pregnancy a Problem?

https://www.healthline.com/health/pregnancy/excessive-sleeping-during-pregnancy Ngày truy cập 18/3/2024

Phiên bản hiện tại

28/03/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Thèm chua sinh con gì? Nam chua nữ cay liệu có đúng?

Giải đáp thắc mắc: Có bầu thèm cay là con trai hay con gái?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 28/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo