backup og meta

Chuẩn bị đồ đi sinh gọn nhẹ trong mùa dịch từ tư vấn của bác sĩ sản khoa

Chuẩn bị đồ đi sinh gọn nhẹ trong mùa dịch từ tư vấn của bác sĩ sản khoa

Vào cuối thai kỳ, việc chuẩn bị đồ đi sinh chu đáo, gồm đầy đủ những vật dụng cần thiết cùng những giấy tờ quan trọng giúp bạn không bị động nếu dấu hiệu chuyển dạ diễn ra sớm hơn dự kiến.

Chỉ còn vài tuần nữa, bạn sẽ chính thức “vượt cạn”. Đây chính là thời điểm mà bạn và ông xã phải “soạn sửa” và “lên dây cót” tinh thần sẵn sàng chào đón bé yêu. Bên cạnh việc trang bị kiến thức để có thể nhận biết các dấu hiệu sắp sinh, việc lên kế hoạch chuẩn bị đi sinh và làm danh sách những đồ dùng cần thiết phải chuẩn bị trước khi vượt cạn thật kỹ lưỡng cũng là một phần không thể thiếu. Vậy đi sinh cần mang những gì để vẫn đủ dùng mà không phải mang quá nhiều thứ? Mời bạn cùng tham khảo tư vấn của bác sĩ sản phụ khoa Huỳnh Kim Dung!

Chuẩn bị giấy tờ cần thiết trong giỏ đồ đi sinh

Chuẩn bị giấy tờ đi sinh

Có không ít mẹ bầu lần đầu sinh con thắc mắc: Đi đẻ cần mang những gì hay giỏ đồ đi sinh gồm những gì? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.

Sang tháng thứ 9 của thai kỳ, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết trong giỏ đồ đi sinh bởi từ giai đoạn này trở đi, bạn có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào. Điều đó giúp việc làm thủ tục nhập viện sinh con của bạn được tiến hành nhanh chóng và thuận lợi.

Khi chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ và bé, mẹ bầu nên nhớ mang theo các giấy tờ sau:

  • Chứng minh nhân dân
  • Bản sao sổ hộ khẩu
  • Thẻ bảo hiểm y tế

Lưu ý: Bạn nên photo sẵn các loại giấy tờ trên thành vài bản để thuận tiện khi làm thủ tục nhập viện, làm giấy chứng sinh cho bé…

Bên cạnh đó, bạn cần mang theo sổ khám thai và tất cả các loại giấy tờ xét nghiệm, siêu âm… từ lần khám thai đầu tiên, đặc biệt giấy siêu âm 3 tháng đầu là vô cùng quan trọng. Việc này giúp bác sĩ có thể nắm rõ tình trạng sức khỏe thai kỳ của bạn cũng như thai nhi. Từ đó đưa ra phương án thích hợp nhất để quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi. Nếu không dùng smartphone, hãy đem theo bút và sổ ghi chú vì có thể bạn sẽ cần đến chúng.

Ngoài ra, bạn cung nên mang theo bảng kế hoạch sinh con (nếu có) để quá trình sinh nở được diễn ra theo đúng mong muốn của bạn nhất có thể.

Chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ bầu

Chuẩn bị đồ cho mẹ đi sinh

“Đi sinh cần chuẩn bị những gì hay đi sanh cần chuẩn bị những gì?”, câu trả lời là hãy mang theo những vật dụng cần thiết và cả một vài món đồ mà bạn yêu thích. Những món đồ cần chuẩn bị cho việc đi sinh ở bệnh viện bao gồm:

1. Trang phục

Giỏ đồ đi sinh cho mẹ bầu cần có những gì? Trang phục là thứ không thể thiếu. Bạn nên chuẩn bị quần áo gọn gàng, dễ dàng thay đổi sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian khi còn đang loay hoay với việc sinh nở và chăm sóc trẻ sơ sinh. Trước khi đến bệnh viện, bạn nên chuẩn bị:

  • Quần áo mặc ở bệnh viện. Trong thời gian lưu lại ở bệnh viện, bạn sẽ được nhân viên y tế phát quần áo để thay hằng ngày. Tuy nhiên, hãy mang theo 2 – 3 bộ để thay nếu chẳng may quần áo bị dây bẩn nhưng chưa đến giờ bệnh viện phát đồ. Lưu ý là bạn nên mang áo có cài nút phía trước hoặc phom rộng để có thể cho bé bú hoặc hút sữa dễ dàng (nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ).
  • Quần áo mặc khi xuất viện.
  • 5 chiếc áo lót (loại dành riêng cho con bú).
  • 4 – 5 đôi vớ vì bạn có thể cảm thấy lạnh chân trong lúc chuyển dạ hoặc sau khi sinh con.
  • 3 – 4 lốc quần lót loại dùng 1 lần.

Hãy luôn mặc trang phục thoải mái. Chọn áo ngắn tay hoặc tay rộng để nhân viên y tế dễ dàng đo huyết áp cho bạn bất cứ lúc nào sau khi bạn nhập viện chờ sinh con.

2. Vật dụng vệ sinh – Những món không thể thiếu khi chuẩn bị đồ đi sanh

Việc vệ sinh cơ thể sạch sẽ trước và sau khi chuyển dạ sẽ giúp bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn, đồng thời có thể ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm xảy ra sau sinh. Hãy lưu ý mang theo những vật dụng sau khi chuẩn bị đồ đi sinh:

  • 1  bịch tã dán dành cho 1-2 ngày đầu sau sinh, 1 bịch băng vệ sinh dùng vào những ngày chuyển dạ chưa đẻ hoặc sau sinh khi tình trạng ra huyết đã giảm.
  • 5 miếng lót chống thấm.
  • 1 chiếc khăn tắm.
  • 1 chiếc áo giữ ấm cùng khăn choàng (nếu đi sinh vào mùa lạnh).
  • Sữa tắm, sữa rửa mặt, dầu gội đầu.
  • Dung dịch vệ sinh phụ khoa.
  • Lược chải tóc, kẹp/buộc tóc, túi đồ trang điểm, bấm móng tay. Bạn có thể nắm chiếc lược chặt trong tay để giảm bớt cảm giác chuyển dạ đau đẻ.
  • Bàn chải đánh răng, kem đánh răng và nước súc miệng.

3. Những vật dụng bạn yêu thích

Hãy nhớ rằng việc sinh con không chỉ có những cơn đau chuyển dạ, mà đây còn là một khoảnh khắc quan trọng và ý nghĩa đối với cả bạn và gia đình. Vì vậy, bạn nên xem đây là một trải nghiệm vui vẻ và giúp bản thân “tận hưởng” những ngày sinh con ở bệnh viện bằng việc nhớ mang theo những vật dụng yêu thích trong giỏ đồ chuẩn bị đi sinh như:

  • Một quyển sách, truyện hay một cuốn tạp chí yêu thích.
  • Điện thoại để liên lạc thông báo tin vui cho người thân và bạn bè.
  • Hãy mang theo máy ảnh, máy quay phim để ghi lại những khoảnh khắc đầu tiên của bé yêu khi con đến với thế giới này.
  • Tinh dầu massage hoặc dụng cụ massage yêu thích. Việc massage có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi các dấu hiệu chuyển dạ xuất hiện.
  • Bạn có thể mang theo một ít bánh kẹo, trái cây hay đồ ăn nhẹ như bánh mì sandwich… để phòng khi đói.

Chuẩn bị đồ đi sinh cho bé yêu

Chuẩn bị đồ đi sinh cho bé

Chắc hẳn là đến giai đoạn này, bạn đã mua sắm không ít đồ dùng cho trẻ sơ sinh. Song khi sắp xếp giỏ đồ đi sinh, bạn có thể sẽ băn khoăn không biết mình cần mang theo những gì để chăm sóc cho bé yêu tốt nhất khi còn ở bệnh viện. Dưới đây là những đồ cần thiết cho trẻ sơ sinh mà bạn có thể cân nhắc:

  • Quần áo cho trẻ sơ sinh khoảng 5 – 7 bộ
  • 1 bịch tã giấy sơ sinh (loại dán và lót)
  • 3 cái mũ, 3 bộ bao tay và vớ
  • 3 chiếc khăn mềm khổ lớn để quấn bé giúp giữ ấm cho con
  • 2 bịch khăn sữa nhỏ để lau đờm dãi và lau mặt, lau mắt cho bé
  • 2 khăn xô lớn để lau mình cho bé sau khi tắm
  • 1 bộ gối, mền
  • Bình sữa có ti chống sặc, muỗng inox nhỏ, ly nhỏ, dụng cụ rửa bình sữa và dung dịch rửa bình sữa (phòng khi mẹ chưa có sữa hoặc mẹ sinh mổ chưa thể cho bé bú trực tiếp, trong tình huống này nên cho bú bằng ly muỗng, mẹ nào thấy khó khăn thì sử dụng bình loại có ti chống sặc).
  • Một vài đồ dùng khác như: Bông gòn, tăm bông, rơ lưỡi, nước muối sinh lý, kem chống hăm. 

Hãy lên danh sách những món đồ cần sắm cho bạn và bé yêu sắp chào đời thật chi tiết và hoàn tất việc mua sắm trước ngày dự sinh ít nhất khoảng 1 tháng. Việc này giúp bạn có thời gian chuẩn bị chu đáo mọi việc và không bị động nếu chẳng may có dấu hiệu chuyển dạ sớm.

Ngoại trừ đồ vải cần chuẩn bị trước vì phải giặt khi mua mới, các món còn lại bạn có thể mua tại bệnh viện vì hầu như bệnh viện nào cũng có cửa hàng tiện lợi bán các món đồ thiết yếu cho mẹ và bé. Tuy rằng giá có thể hơi cao một tí nhưng ngược lại bạn đỡ phải mất công mang theo và trông giữ. 

Đi sinh cần mang theo những gì? Bố đừng quên chuẩn bị đồ

đưa vợ đi đẻ

Không chỉ mẹ bầu cần sắm sửa đồ chuẩn bị đi đẻ mà người chồng cũng cần phải lưu ý chuẩn bị trước khi đưa vợ đi sinh. Những món đồ mà nam giới nên xếp vào giỏ và mang theo khi đưa vợ đi sinh gồm:

  • Tiền mặt (một khoản tiền khoảng vài triệu đồng), thẻ ATM trong ví để có thể chi trả viện phí và các chi phí liên quan bất cứ khi nào.
  • Hãy chuẩn bị tiền lẻ để trả tiền gửi xe khi ra vào bệnh viện, mua nước uống hay các món linh tinh khác… Việc này giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi không phải chờ thối tiền.
  • Điện thoại, sạc dự phòng.
  • Dụng cụ vệ sinh cá nhân như khăn lau mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kem cạo râu…
  • 4 – 5 bộ quần áo để tiện thay đổi. Nếu trời lạnh, hãy mang theo đồ giữ ấm.
  • Mang theo vài viên thuốc giảm đau, thuốc chống đau bụng để dùng khi cần.
  • Hãy chọn một đôi dép tiện dụng hay đôi giày thoải mái để dễ dàng và nhanh chóng đi lại trong bệnh viện.
  • Mang theo một cái gối riêng (nếu thấy cần thiết) để có thể tranh thủ chợp mắt dưỡng sức.

[embed-health-tool-due-date]

Ngoài việc chuẩn bị đồ đi sinh, mẹ bầu cần lưu ý những gì?

Mang thai cuối thai kỳ

Bên cạnh việc chuẩn bị đồ đi sinh, để chuẩn bị trước khi sinh, bạn cần sắp xếp công việc và cuộc sống hàng ngày cũng như tìm hiểu những kiến thức sinh sản để có thể vượt cạn thuận lợi và an toàn.

1. Đối với nơi làm việc

Nếu bạn đang đi làm, hãy thông báo cho phòng Hành chính – Nhân sự hoặc người quản lý về ngày dự sinh và kế hoạch nghỉ sau sinh. Việc này giúp họ có phương án phân công người đảm trách công việc của bạn khi bạn nghỉ sinh hoặc hỗ trợ bạn các vấn đề liên quan đến chế độ thai sản.

2. Tìm kiếm hỗ trợ từ người thân

Ngoài việc chuẩn bị đồ đi sinh chu đáo, bạn cần tìm đến người thân và bạn bè để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất trong quá trình chuẩn bị sinh nở. Hãy:

  • Nhờ chồng hoặc người giúp việc vệ sinh nhà cửa, giặt giũ chăn mền, drap, gối, rèm cửa… sạch sẽ trước khi bạn đi sinh.
  • Hỏi thăm kinh nghiệm từ bạn bè, người thân (những người đã sinh con) để lựa chọn nơi sinh an toàn và phù hợp với bạn.
  • Xác định ai sẽ là người đưa bạn đi sinh, chăm sóc bạn và bé yêu những ngày đầu sau sinh.
  • Tìm người hỗ trợ bạn việc nhà cũng như chăm sóc em bé. Đó có thể là người thân trong gia đình, người giúp việc nhà làm theo giờ… Ngoài ra, nếu bạn có con lớn nhưng bé chưa thể tự lo cho bản thân được, bạn cần tìm người tin cậy để trông nom bé khi bạn đi sinh con.
  • Trao đổi cụ thể với chồng và các thành viên khác trong gia đình (nếu có) về việc chăm sóc em bé, nhà cửa. Những ai có thể chia sẻ với bạn những việc gì, phân công công việc một cách cụ thể.
  • Lên danh sách cụ thể về các loại thực phẩm cần thiết dùng trong khoảng 2 tuần.

3. Chuẩn bị đồ đi sanh, đừng quên trang bị kiến thức và tinh thần

Để quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, bạn sẽ cần trang bị cho mình nhiều kiến thức về giai đoạn sinh con và cả cách để giữ vững tinh thần khi cơn đau chuyển dạ bắt đầu. Ngay từ bây giờ hãy:

  • Tìm hiểu về các giai đoạn chuyển dạ bởi việc hiểu rõ điều gì sắp diễn ra sẽ giúp bạn an tâm hơn khi vào phòng sinh.
  • Dành thời gian tìm hiểu nhằm nhận biết các dấu hiệu sắp sinh, kỹ thuật thở khi chuyển dạ, thư giãn khi sinh. Việc thở đúng cách không chỉ giúp bạn giảm đau trong khi sinh con mà còn giúp sự trao đổi dưỡng khí cho thai nhi tốt hơn.
  • Hãy tìm hiểu về vấn đề tiểu không kiểm soát, trầm cảm sau sinh hay chuyện quan hệ vợ chồng sau sinh để có phương án điều chỉnh thích hợp và tránh bối rối với những thay đổi trong cuộc sống sau khi bé yêu chào đời.
  • Vào khoảng tháng thứ 9 của thai kỳ, khi đi khám thai, hãy trao đổi với bác sĩ về việc bạn có thể sinh thường hay sinh mổ để có thể chuẩn bị mọi thứ tốt nhất.
  • Trước ngày dự sinh 2 – 3 ngày, hãy đi massage, gội đầu… để được thư giãn và chuẩn bị tinh thần trước khi sinh một cách tốt nhất.
  • Khi đi sinh, đừng quên mang theo khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn và thực hiện các quy tắc về việc phòng chống Covid-19 để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh. 

Có rất nhiều thứ mà bạn phải chuẩn bị trước sinh để có thể chăm sóc tốt nhất cho thiên thần nhỏ của mình. Có thể thời gian sắp tới bạn và người thân trong gia đình sẽ vất vả đấy, nhưng đây chắc chắn là những trải nghiệm của hạnh phúc! Chúc bạn mẹ tròn, con vuông!

Có thể bạn quan tâm: Công cụ tính ngày dự sinh online mới nhất

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pack your bag for labour

https://www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/preparing-for-the-birth/pack-your-bag-for-labour/

Packing your bag for labour and birth

https://www.tommys.org/pregnancy-information/giving-birth/packing-hospital-bag 

Hospital bag checklist: what do I need to take?

https://www.nct.org.uk/labour-birth/deciding-where-give-birth/giving-birth-hospital/hospital-bag-checklist-what-do-i-need-take

Massage During Labor

https://www.beaumont.org/treatments/massage-during-labor

Postpartum depression

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-depression/symptoms-causes/syc-20376617

Ngày truy cập: 29/09/2021

Phiên bản hiện tại

03/11/2021

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Le Minh Phuong


Bài viết liên quan

Bà bầu ăn cherry được không? 8 lợi ích và những lưu ý khi ăn cherry

Bà bầu sắp sinh nên ăn gì để chuyển dạ sinh nở thuận lợi?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 03/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo