backup og meta

Bí tiểu sau sinh: Những điều bạn cần biết để điều trị, phòng ngừa hiệu quả

Bí tiểu sau sinh: Những điều bạn cần biết để điều trị, phòng ngừa hiệu quả

Những tưởng sau cuộc “vượt cạn” bạn đã có thể an tâm tận hưởng niềm vui làm mẹ. Nhưng chẳng may, còn rất nhiều vấn đề phát sinh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn tinh thần, đơn cử như chứng bí tiểu sau sinh chẳng hạn.

Theo thống kê từ Bệnh viện Từ Dũ, có khoảng 13,5% số ca sinh mắc phải tình trạng này. Tuy không gây nguy hiểm nhưng mẹ sau sinh bị bí tiểu luôn có cảm giác bức bối, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và vận động.

Bí tiểu sau sinh là gì?

Về lý thuyết, bí tiểu sau sinh là một dạng rối loạn đường tiết niệu, biểu hiện lâm sàng là sản phụ sau sinh em bé khoảng 3 – 4 giờ tuy mắc tiểu nhưng không cách nào đi được, kèm theo đó là cảm giác căng tức bàng quang nếu ấn vào vùng dưới rốn. Người bệnh cũng không thể tiểu được sau khi đã áp dụng một số biện pháp như chườm ấm bụng hoặc tiểu ngồi theo tư thế tự nhiên.

Để giải thoát mẹ khỏi vấn đề này, điều quan trọng bạn cần phải hiểu rõ nguồn cơn gây bệnh, từ đó tìm ra hướng điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Điểm mặt những nguyên nhân gây bí tiểu sau sinh phổ biến

Thực tế, mẹ sinh thường hay đẻ mổ đều vẫn có nguy cơ gặp chứng bí tiểu sau sinh. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này ở các mẹ sinh thường bao gồm:

  • Trong quá trình sinh con qua ngả âm đạo, đầu thai nhi đè vào cổ bàng quang hay niệu đạo (hiện tượng ngôi thai xuống thấp) làm bàng quang căng giãn, gây ứ đọng nước tiểu
  • Thời gian sinh con kéo dài khiến thai chèn ép lên bàng quang gây tình trạng phù thũng khiến việc tiểu tiện trở nên khó khăn
  • Nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai hoặc nhiễm trùng ống dẫn tiểu làm cho ống dẫn tiểu bị sung huyết, phù nề gây chứng bí tiểu sau sinh
  • Nhiều trường hợp mẹ phải rạch tầng sinh môn để tạo khoảng rộng cho em bé chui ra dễ dàng nhưng vết khâu còn đau dẫn đến người mẹ không dám rặn tiểu, lâu dần dẫn đến bí tiểu
  • Sự gia tăng quá mức hormone progesterone làm ức chế cơ bàng quang gây bí tiểu.

Với các mẹ phải trải qua ca sinh mổ bắt con, tình trạng bí tiểu sau sinh có thể là do:

  • Mẹ bị căng thẳng thần kinh cộng với bàng quang có thể vô tình bị tổn thương trong cuộc mổ
  • Thao tác đặt và rút sone tiểu không đúng kỹ thuật
  • Ảnh hưởng của thuốc gây mê, gây tê khiến các cơ quan vùng bụng dưới mất cảm giác (thường kéo dài khoảng 8 giờ).

Chẩn đoán bệnh như thế nào?

chẩn đoán bí tiểu sau sinh

Thông thường, từ 2 – 8 giờ sau khi lâm bồn là sản phụ đã có thể tiểu tiện ít nhất một lần. Trường hợp không thể đi tiểu sau 8 giờ, sản phụ sẽ được chẩn đoán là mắc chứng bí tiểu sau sinh theo một trong hai cách như sau:

  • Sau khi sản phụ đã tiểu tiện lần 1, bác sĩ sẽ đặt ống thông tiểu nhằm rút hết lượng nước tiểu còn tồn đọng ở bàng quang rồi đo thể tích nước tiểu. Nếu lượng nước tiểu vượt mức 150ml nghĩa là người mẹ bị bí tiểu.
  • Lượng nước tiểu còn sót lại cũng có thể được phát hiện thông qua phương pháp siêu âm ổ bụng.

Bí tiểu sau sinh thường/mổ có thể dẫn đến những biến chứng gì?

Nếu không sớm phát hiện và có giải pháp điều trị kịp thời, bí tiểu sau sinh có thể dẫn đến:

  • Liệt dây thần kinh bàng quang
  • Giảm hoặc mất trương lực bàng quang
  • Nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng thận
  • Thận ứ nước (tình trạng thận tổn thương vì bị giãn nở hoặc sưng to do nước tiểu bị tắc nghẽn và ứ đọng tại thận)
  • Suy thận…

Hướng điều trị bí tiểu sau sinh

bổ sung vitamin và khoáng chất sau sinh

Cách đi tiểu sau sinh thường để giảm bí tiểu là gì? Đối với trường hợp nhẹ, bạn có thể được hướng dẫn điều trị bằng cách tập đi tiểu (theo lịch trình đã định) để tạo phản xạ tiểu tiện kèm theo các phương pháp hỗ trợ như vận động, chườm ấm bụng và uống nhiều nước.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một số loại kháng sinh (tác dụng chống nhiễm trùng), kháng viêm (chống phù nề chèn ép vào cổ bàng quang), thuốc giãn cơ, kết hợp cùng với các vitamin nhóm B (điển hình là B1, B6 và B12) nhằm giúp mẹ chóng phục hồi.

Trong 1 số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định đặt ống thông tiểu. Đây là một ống mỏng, vô trùng bằng nhựa. Ống thông tiểu một đầu sẽ được đưa vào niệu đạo rồi đi vào bàng quang của người bệnh, đầu còn lại nối liền với túi đựng nước tiểu. Việc này thoạt đầu có thể khiến mẹ thấy khó chịu, nhưng hãy yên tâm vì đây là thủ thuật nhanh chóng và an toàn.

Để phòng ngừa chứng bí tiểu sau sinh, mẹ phải chú ý không được nhịn tiểu sau đẻ, uống nhiều nước, vận động nhẹ nhàng, đặc biệt là luôn phải giữ vệ sinh vùng kín để tránh tình trạng nhiễm khuẩn.

Liệu bạn có gặp phải vấn đề này trong lần mang thai kế tiếp hay không?

Rất khó để trả lời chính xác rằng bạn có ngu cơ bị bí tiểu sau sinh hay gặp một vấn đề tương tự trong tương lai hay không. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn nên nói trước với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh về tình trạng hoặc tiền sử mắc bệnh của mình để họ có thể đưa ra phương án giúp bạn “vượt cạn” thành công và hạn chế được các vấn đề sức khỏe sau sinh.

Có thể bạn quan tâm: Nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai – Vì sao mẹ bầu dễ mắc và nên làm gì?

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Postpartum urinary retention after vaginal delivery: Assessment of risk factors in a case-control study

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4195322/ Truy cập ngày 17/03/2022

Postpartum Urinary Retention 

https://www.jabfm.org/content/jabfp/4/5/341.full.pdf Truy cập ngày 17/03/2022

Urinary Retention after Childbirth

https://www.ics.org/Wasabi/Documents/DocumentsDownload.aspx?DocumentID=1679

Ngày truy cập 26/01/2021

What is Post-natal Urinary Retention?

http://www.liverpoolwomens.nhs.uk/media/1329/postnatal_urinary_retention.pdf

Ngày truy cập 26/01/2021

I Couldn’t Pee and Other Things I Didn’t Expect After My C-Section

https://www.healthline.com/health/pregnancy/unexpected-c-section-side-effects

Ngày truy cập 26/01/2021

Emptying your bladder after birth

https://thewomens.r.worldssl.net/images/uploads/fact-sheets/Emptying-your-bladder-after-birth-2018.pdf

Ngày truy cập 26/01/2021

Postpartum Bladder Urinary Retention: Pregnancy’s Effects on Bladder

https://www.compactcath.com/blog/postpartum-urinary-retention/

Ngày truy cập 26/01/2021

Phiên bản hiện tại

17/03/2022

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Làm thế nào để són tiểu sau sinh không còn là ác mộng?

Đau đầu sau sinh mổ: Thử ngay 5 cách giảm đau hiệu quả tại nhà!


Tác giả:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Ngày cập nhật: 17/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo