Dù là sinh mổ hay sinh thường, sau khi vượt cạn, các mẹ vẫn cần thời gian điều dưỡng và hồi phục cơ thể. Trong đó, bế sản dịch sau sinh mổ là một hiện tượng hậu sản nguy hiểm cần phát hiện và can thiệp kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết và phòng ngừa bế sản dịch sau sinh mổ có ngay trong bài viết này. Mời mẹ hãy tìm hiểu cùng Hello Bacsi qua những thông tin được chia sẻ trong bài viết này nhé!
Sản dịch sau sinh
Tiết dịch âm đạo sau sinh hay còn gọi là ra sản dịch là một trạng thái sinh lý bình thường của phụ nữ sau sinh. Sản dịch này có thể bao gồm mô âm đạo, máu, niêm mạc cổ tử cung và thậm chí là vi khuẩn ở đường sinh dục nữ. Do đó mà sản dịch thường có màu đỏ như máu hay trong như dịch tiết âm đạo. Tùy vào mỗi người mà thời gian sản dịch sau sinh có thể kéo dài từ 2-4 tuần và tối đa thường là 45 ngày.
Bế sản dịch sau sinh mổ
Như thế nào được gọi là bế sản dịch sau sinh mổ? Dấu hiệu nào để bạn nhận biết bản thân có thể đang bị bế tắc sản dịch sau sinh hay không?
Bế sản dịch sau sinh mổ là gì?
Sản dịch sau sinh mổ thường là vấn đề được nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Mổ bắt con cũng là một cuộc phẫu thuật lớn, người mẹ cần thời gian hồi phục sau mổ. Đồng thời, khi sinh mổ, mẹ phải mất nhiều máu và không cần lực co bóp của tử cung khi sinh nên dễ bị ứ đọng sản dịch. Hiện tượng sản dịch ứ đọng này được gọi là bế hay tắc sản dịch sau sinh.
Dấu hiệu nhận biết bế sản dịch sau sinh mổ
Trong những ngày đầu sau sinh, sản dịch nhiều và có màu đỏ thẫm như máu tươi. Sau đó, sản dịch sẽ nhạt màu dần, chuyển thành dạng dịch như dịch tiết âm đạo bình thường trước khi hết hoàn toàn. Quá trình hậu sản này sẽ diễn ra từ 2-4 tuần hay tối đa là 45 ngày. Nếu sau 45 ngày chị em phụ nữ vẫn ra sản dịch hay không có sản dịch sau sinh mổ, một số dấu hiệu kèm theo sau đây cho thấy bạn đã bị bế sản dịch sau sinh mổ:
- Sản dịch rất ít và có mùi hôi đi kèm với các triệu chứng như sốt. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng cổ tử cung hay các phần phụ khác như vòi trứng, ống dẫn trứng…
- Đau bụng dưới, đôi lúc sẽ có cơn đau âm ỉ. Đau nhiều khi ấn vào đáy tử cung.
- U cứng có dạng cục, nổi rõ khi sờ.
Bế sản dịch sau sinh mổ có nguy hiểm không?
Tình trạng bị bế sản dịch có thể gặp phải ở phụ nữ sinh thường hay sinh mổ nhưng phổ biến hơn ở các mẹ sinh mổ. Bế sản dịch sau sinh xảy ra chủ yếu là do tử cung co bóp kém, ứ đọng lượng dịch tiết và máu ở tử cung, xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nếu không được phát hiện, bế sản dịch sau sinh còn gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của mẹ. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở thời gian hậu sản, chị em phụ nữ cần đến gặp bác sĩ sản phụ khoa ngay để kịp thời can thiệp.
Cần làm gì để phòng ngừa bế sản dịch sau sinh mổ? 4 lưu ý cần nhớ
Bế sản dịch sau sinh mổ gây ra bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan. Trong đó, chị em phụ nữ có thể chủ động để phòng tránh bế sản dịch sau sinh qua những lưu ý sau đây:
1. Vận động đi lại nhẹ nhàng
Phụ nữ sau sinh nên nghỉ ngơi hoàn toàn trong 8 giờ ngay sau sinh. Sau thời gian này, chị em nên đi lại vận động nhẹ nhàng. Nằm nhiều và ít vận động sẽ ảnh hưởng sự co bóp của tử cung, làm cho sản dịch được đẩy ra ngoài.
2. Giữ vệ sinh vùng kín
Sản dịch là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Do đó, sản phụ sau sinh mổ cần chú ý vệ sinh sạch sẽ vùng kín như sau:
- Thay băng vệ sinh từ 4-5 miếng/ngày vài ngày đầu sau sinh. Không nên dùng loại băng vệ sinh đặt trong âm đạo như tampon hay cốc nguyệt san.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ với nước ấm, nước trà xanh hoặc lá trầu không. Không nên dùng các chất tẩy rửa hay khăn giấy ướt để lau rửa vùng kín.
3. Cho bé bú sữa sớm
Tốt nhất thì mẹ cần cho con bú sớm nhất có thể. Không chỉ để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, đây còn là cách gián tiếp kích thích co bóp tử cung để đẩy nhanh sản dịch ra ngoài. Do đó, mẹ nên cho bé bú hay áp dụng các biện pháp kích thích sữa về sớm để hạn bế nguy cơ bế sản dịch hay băng huyết sau sinh.
4. Chế độ ăn uống đầy đủ và cân đối
Sau sinh, để phục hồi cơ thể và có đủ sữa cho con bú, các sản phụ cần một chế độ dinh dưỡng đủ chất và cân đối, đa dạng vitamin và khoáng chất trong thịt, cá, trứng sữa… Đồng thời, để tăng co bóp tử cung đẩy sản dịch ra ngoài, có thể bổ sung vào khẩu phần ăn các loại rau như rau ngót, ngải cứu…
Hy vọng những thông tin trên đây của Hello Bacsi sẽ giúp mẹ có bước chuẩn bị tốt nhất để tránh trường hợp bế sản dịch sau sinh. Để quá trình hậu sản được an toàn và khỏe mạnh, mẹ nhé!
[embed-health-tool-ovulation]