Bệnh viêm phế quản dạng hen (hay viêm phế quản co thắt) là bệnh lý vô cùng phức tạp. Phát hiện triệu chứng và thăm khám bác sĩ kịp thời rất quan trọng nhằm kiểm soát bệnh hiệu quả.
Viêm phế quản dạng hen có mối liên hệ gì giữa 2 bệnh lý hen suyễn và viêm phế quản? Bài viết sau sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ về căn bệnh này, nguyên nhân và hướng điều trị thích hợp.
Tìm hiểu chung
Viêm phế quản dạng hen là gì?
Viêm phế quản dạng hen (hay viêm phế quản thể hen, viêm phế quản co thắt dạng hen) là tình trạng các cơ phế quản bị viêm và co thắt gây thu hẹp lòng phế quản tạm thời. Các tuyến phế quản bị viêm cũng tăng tiết nhầy gây cản trở đường không khí lưu thông trong phổi dẫn đến các triệu chứng thở khò khè, khó thở, có đờm…
Biểu hiện bệnh khá giống với hen suyễn nhưng chưa đủ cơ sở để chẩn đoán là hen.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm phế quản dạng hen
Các triệu chứng của bệnh viêm phế quản dạng hen ở trẻ em và người lớn thường kết hợp giữa triệu chứng của viêm phế quản và hen suyễn, bao gồm:
- Khó thở
- Thở khò khè
- Ho
- Đau thắt ngực
- Dịch nhầy ở cổ họng
- Có những dấu hiệu cảm trong vài ngày đầu như sốt nhẹ, ho và sổ mũi
- Buồn nôn sau khi ăn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây viêm phế quản dạng hen là gì?
Có rất nhiều tác nhân kích thích tình trạng viêm nhiễm ở phổi khiến cho viêm phế quản co thắt xảy ra. Các tác nhân có thể kể đến là:
- Khói thuốc
- Ô nhiễm
- Chất dị ứng như lông thú, bụi, mạt hay thực phẩm như bột ngọt
- Chất hóa học
- Dược phẩm (aspirin, thuốc chẹn beta)
- Thay đổi thời tiết (chẳng hạn như trời lạnh)
- Nhiễm khuẩn và virus
- Cảm xúc mạnh (cười lớn hay giận dữ).
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm phế quản dạng hen?
Nếu gặp phải những triệu chứng trên, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Bác sĩ sẽ tìm hiểu sâu hơn về triệu chứng qua các câu hỏi, lịch sử dùng thuốc và tiến hành các kiểm tra, xét nghiệm để xác định chính xác bệnh như:
- Đo chức năng hô hấp (hô hấp ký). Đo chức năng phổi khi hít thở vào ống thở gắn với thiết bị.
- Lượng khí thở cao nhất. Kiểm tra sức ép của khí khi thở vào ống thở gọi là lượng khí thở ra lớn nhất.
- Chụp X-quang. Bước kiểm tra này giúp đưa ra các hình ảnh trực quan ở phổi để tìm nguyên nhân các bệnh lý gây ho và vấn đề khó thở.
Các cách chữa viêm phế quản co thắt thông thường
Chữa trị bệnh viêm phế quản dạng hen (viêm phế quản co thắt) bao gồm:
- Dùng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như albuterol giúp mở rộng đường thở, mang lại hiệu quả điều trị ngắn hạn
- Thuốc corticosterod dạng hít
- Thuốc giãn ống phế quản thời gian dài kết hợp với thuốc corticosteroid dạng hít
- Thuốc điều chỉnh leukoteriene
- Cromolyn hay theophylline
- Kết hợp giữa thuốc steroid và thuốc giãn phế quản
- Thuốc chống tiết cholin dài hạn
- Máy tạo hơi ấm.
Ngoài ra, bệnh nhân nên tránh tác nhân gây hen suyễn bằng các cách sau:
- Giặt giũ vệ sinh giường, chiếu, mền bằng nước nóng
- Vệ sinh, hút bụi trong nhà thường xuyên
- Dùng máy lọc khí với màng lọc HEPA
- Không để thú cưng trên giường
- Không hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói thuốc
- Rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa vi khuẩn.
Phòng ngừa
Làm sao để phòng ngừa viêm phế quản dạng hen?
Điều cơ bản nhất để ngăn ngừa bệnh lý này là tránh tiếp xúc với những tác nhân làm kích thích ống dẫn khí, do đó bạn nên lưu ý:
- Mang khẩu trang khi ra ngoài hay mang các thiết bị lọc nếu công việc yêu cầu bạn phải tiếp xúc nhiều với các chất ô nhiễm;
- Tránh tiếp xúc với thú cưng nếu bạn dị ứng với lông của chúng.
Ngoài ra, bạn cũng nên tiêm các loại vắc xin chống cảm cúm hằng năm vì tình trạng bệnh này cũng là một trong những nhân tố gây ra tình trạng co thắt ở phế quản.
Để điều trị các triệu chứng của bệnh viêm phế quản dạng hen, ngoài việc thường xuyên làm sạch mũi họng để làm thông đường thở thì bạn có thể sử dụng các loại thuốc steroid dạng hít để làm giảm tình trạng viêm ở phổi hay dùng các dụng cụ bổ sung oxy tại nhà theo chỉ định của bác sĩ.
[embed-health-tool-bmi]