Thuốc điều trị viêm phổi ở người lớn thường được chỉ định dựa theo nguyên nhân gây ra viêm nhiễm cùng với các thuốc giúp giảm nhẹ triệu chứng. Cùng tìm hiểu rõ hơn nhé!
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng phổi do vi khuẩn, vi rút hoặc nấm gây viêm và có dịch, thậm chí là có mủ trong các phế nang của phổi. Viêm phổi thường khiến cho người bệnh cảm thấy khó thở, kèm theo các triệu chứng sốt, ho ra đờm màu vàng, xanh hoặc ho ra máu. Bệnh có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như nhiễm khuẩn huyết, áp-xe phổi, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp, hội chứng suy hô hấp cấp tính, suy đa cơ quan.
Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mục tiêu của việc điều trị là chấm dứt tình trạng nhiễm trùng và ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra. Bài viết sau đây Hello Bacsi sẽ cho bạn biết thêm thông tin về các loại thuốc điều trị viêm phổi ở người lớn thường được chỉ định.
3 loại thuốc điều trị viêm phổi ở người lớn
Dựa vào nguyên nhân gây viêm phổi mà bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn thuốc điều trị phù hợp để tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không thể xác định được nguyên nhân thì các thuốc viêm phổi được kê sẽ tập trung vào việc điều trị làm giảm triệu chứng và phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn. Các loại thuốc điều trị viêm phổi ở người lớn gồm:
Thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc kháng nấm
Các trường hợp viêm phổi từ nhẹ đến vừa, người bệnh có thể được kê đơn thuốc và tự điều trị phục hồi tại nhà mà không cần phải nhập viện. Sau khi chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị viêm phổi ở người lớn phù hợp, cụ thể như sau:
- Thuốc kháng sinh dùng cho các trường hợp viêm phổi do vi khuẩn gây ra. Có thể mất thời gian để xác định loại vi khuẩn gây viêm phổi và chọn loại kháng sinh tốt nhất để điều trị. Nếu các triệu chứng không cải thiện, bác sĩ có thể đề nghị một loại kháng sinh khác. Đối với viêm phổi bệnh viện và viêm phổi thở máy thì cần phải được điều trị với kháng sinh càng sớm càng tốt (trong vòng 1 giờ đầu nếu có kèm theo sốc nhiễm khuẩn). Ban đầu, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị viêm phổi ở người lớn bằng thuốc kháng sinh theo kinh nghiệm rồi điều chỉnh lại thuốc sau khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn và kháng sinh đồ.
- Thuốc kháng virus điều trị viêm phổi do nhiễm virus. Viêm phổi do virus thường không cần điều trị với thuốc kháng virus và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn nhóm thuốc kháng virus bao gồm oseltamivir, zanamivir, peramivir… nhằm làm giảm thời gian bệnh kéo dài và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.
- Thuốc kháng nấm có thể giúp điều trị viêm phổi do nhiễm nấm.
Thuốc viêm phổi giúp giảm ho
Thuốc ho cũng được kê đơn trong điều trị viêm phổi ở người lớn để giảm nhẹ các cơn ho, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Thực chất, ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để tống khứ chất nhầy ra khỏi phổi. Do đó, không nên cắt đứt cơn ho hoàn toàn.
Ngoài ra, bạn nên biết rằng rất ít nghiên cứu xem xét liệu thuốc ho không kê đơn có làm giảm cơn ho do viêm phổi hay không.
Thuốc điều trị viêm phổi ở người lớn: Thuốc hạ sốt giảm đau
Các thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường như paracetamol, ibuprofen cũng giúp người bệnh bớt cảm giác khó chịu do nóng sốt, đau nhức cơ thể khi bị viêm phổi.
Ngoài ra, bạn cũng nên áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà sau đây để bệnh nhanh khỏi:
- Uống nhiều nước để làm loãng đờm.
- Tắm nước nóng và sử dụng máy tạo độ ẩm để giúp đường thở thông thoáng và dễ thở hơn.
- Tránh xa khói thuốc lá để phổi có thời gian tự chữa lành.
Trường hợp viêm phổi nghiêm trọng, có nhiều yếu tố nguy cơ như tuổi cao (trên 65 tuổi), chức năng thận suy giảm, huyết áp thấp, thở nhanh, nhịp tim quá thấp hoặc quá cao, trường hợp cần hỗ trợ hô hấp,… bạn cần phải nhập viện điều trị và có thể được truyền dịch và tiêm thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch. Liệu pháp oxy cũng được chỉ định để tăng lượng oxy trong máu, thậm chí có khi cần phải đặt máy thở.
Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm phổi ở người lớn
Thời gian để hồi phục sau khi bị viêm phổi có thể nhanh hoặc lâu tùy theo mức độ của bệnh, nguyên nhân gây bệnh, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, các bệnh mắc kèm khác. Hầu hết mọi người vẫn cảm thấy còn mệt mỏi trong người sau khoảng 1 tháng. Do đó, bạn cần nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, kể cả sau khi điều trị, để khỏe lại hoàn toàn và tránh bị tái phát.
Lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh điều trị viêm phổi ở người lớn thường thời gian uống thuốc kéo dài 7 ngày. Tuy nhiên, thời gian điều trị có thể lâu hơn đến 15-21 ngày tùy theo loại vi khuẩn gây bệnh và cơ địa người bệnh. Bạn cần tuân thủ điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đủ liều, đủ ngày dù không còn triệu chứng bệnh để tránh tình trạng đề kháng kháng sinh.
Khi điều trị viêm phổi bệnh viện, viêm phổi thở máy, người bệnh còn cần được điều trị toàn diện bao gồm hồi sức tích cực, điều trị biến chứng, chăm sóc hô hấp, điều trị các bệnh kèm theo, nuôi dưỡng, dự phòng tắc mạch…
Một người khỏe mạnh bình thường hầu như sẽ cải thiện các triệu chứng viêm phổi ở người lớn do vi khuẩn trong vòng 24 – 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị. Với viêm phổi do virus, bạn có thể cảm thấy đỡ hơn sau vài ngày điều trị dù một số triệu chứng như ho, mệt mỏi thường kéo dài hơn trong vài tuần. Hãy nhớ luôn tuân thủ theo phác đồ thuốc điều trị viêm phổi ở người lớn được bác sĩ chỉ định để sớm hồi phục và tránh gặp phải những biến chứng nghiêm trọng.
[embed-health-tool-bmi]