COPD thường xuất hiện ở những người trên 40 tuổi do đó họ thường gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc và điều trị bệnh. Lúc này, sự hỗ trợ từ những người thân trong gia đình là rất cần thiết. Tuy nhiên, để có thể giúp đỡ người bệnh tốt nhất, người chăm sóc cần hiểu rõ vai trò của mình và có kế hoạch chăm sóc bệnh nhân COPD rõ ràng.
COPD đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Nó là một trong mười nguyên nhân chính gây suy giảm chất lượng cuộc sống và là một trong ba bệnh (tim mạch và tai biến mạch máu não) có tỷ lệ tử vong cao trên thế giới.
Với vai trò là người hỗ trợ, bạn cần phải rõ hiểu tầm quan trọng của bản thân và có kế hoạch chăm sóc người thân mắc bệnh COPD hiệu quả. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn tham khảo bài viết sau đây.
Vai trò của người chăm sóc bệnh nhân COPD
Sự hiểu biết và thái độ của người chăm sóc có tác động đáng kể đến tình trạng và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân COPD có thể gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu, đặc biệt là đối với những người lần đầu chăm bệnh. Tuy nhiên, nếu có đủ kiến thức về bệnh và quan trọng hơn là sự quan tâm dành cho người bệnh, bạn sẽ sắp xếp ổn thỏa mọi thứ.
Giúp người bệnh không đơn độc
Khi bệnh COPD tiến triển và gây ra các đợt cấp, người bệnh gần như mất khả năng tự chăm sóc bản thân nên cần được người nhà hỗ trợ trong sinh hoạt thường ngày.
Hơn nữa, do chất lượng cuộc sống giảm nên tinh thần người bệnh sẽ suy sụp đáng kể. Họ sẽ cảm thấy đau buồn, lo lắng, hoảng sợ, thậm chí là trầm cảm vì bao dự định còn dang dở, không thể thực hiện được. Do đó, sự chăm sóc tích cực của người thân đóng vai trò rất quan trọng trong việc xoa dịu tinh thần người bệnh, giúp họ nhận ra bản thân không hề đơn độc trong “cuộc chiến” với bệnh COPD.
Thái độ của người chăm sóc có ảnh hưởng đến tình trạng của bệnh nhân COPD
Chăm sóc bệnh nhân COPD là việc đòi hỏi nhiều sự đầu tư về thời gian, thể chất và tình cảm. Điều đó có nghĩa là khi người chăm sóc khỏe mạnh, vui vẻ và yêu thương người bệnh thì mới có thể làm tốt công việc và trách nhiệm của mình.
Khi các đợt cấp của COPD thường xuyên xảy ra, cuộc sống của người bệnh gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Điều này đôi lúc sẽ khiến người chăm sóc mệt mỏi, cáu gắt. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng thái độ của bạn có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần bệnh nhân.
Thực tế, việc phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người thân đã khiến người bệnh không thoải mái vì họ cảm thấy mình là gánh nặng trong gia đình. Nếu nhìn thấy thái độ tiêu cực của người thân, họ sẽ càng thấy khó chịu và suy sụp hơn. Đôi khi, người bệnh sẽ “thỏa hiệp” với bệnh để không làm phiền người khác.
Do đó, dù có đôi lúc mệt mỏi, bạn hãy luôn giữ thái độ vui vẻ và lạc quan đối với người bệnh. Điều này sẽ góp phần không nhỏ đến hiệu quả của việc điều trị COPD.
Chăm sóc bệnh nhân COPD là việc đòi hỏi nhiều sự đầu tư về thời gian, thể chất và tình cảm. Điều đó nghĩa là khi người chăm sóc khỏe mạnh, vui vẻ và yêu thương người bệnh thì mới có thể làm tốt công việc và trách nhiệm của mình.
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân COPD
COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh tiến triển nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào quá trình người bệnh được chăm sóc. Vì thế, kế hoạch chăm sóc bệnh nhân COPD có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp cả người thân và người bệnh kiểm soát diễn biến bệnh.
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân COPD cần đảm bảo những tiêu chí cơ bản, bao gồm:
Hỗ trợ người bệnh tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ
Hầu hết người mắc COPD là trên 40 tuổi nên việc bệnh nhân quên lịch tái khám là điều thường xảy ra. Trong vai trò chăm sóc người bệnh COPD, bạn cần thay người bệnh ghi nhớ và đưa họ đi khám đúng lịch.
Điều này sẽ giúp bác sĩ theo dõi chặt chẽ diễn tiến bệnh COPD, từ đó hạn chế khả năng xuất hiện các đợt cấp cũng như ngăn ngừa những biến chứng liên quan đến căn bệnh này.
Theo sát việc dùng thuốc điều trị của bệnh nhân
Đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, việc sử dụng thuốc điều trị đúng kỹ thuật, đúng giờ và đủ liều lượng có ý nghĩa quyết định đến tốc độ tiến triển của bệnh.
Việc nhắc nhở người bệnh sử dụng thuốc đúng giờ sẽ giúp họ hình thành thói quen để tránh quên thuốc hoặc vô tình dùng gấp đôi liều. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị.
Tìm hiểu thông tin về bệnh COPD
Am hiểu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ giúp bạn có kế hoạch chăm sóc bệnh nhân COPD đúng đắn, đồng thời hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả.
Do hầu hết người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính là trên 40 tuổi, họ thường ít tiếp xúc với internet để tìm hiểu về căn bệnh mà mình đang mắc. Vì vậy, người bệnh sẽ không hiểu rõ mức độ nghiêm trọng hay biến chứng của COPD và không điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Với vai trò là người chăm sóc, bạn cần phải hiểu rõ về bệnh, như các triệu chứng điển hình, các phương pháp điều trị và các dấu hiệu của đợt cấp COPD (tần suất và mức độ nghiêm trọng). Từ đó, bạn có thể kịp thời đưa người bệnh đi khám nếu thấy bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển để phòng tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Khi nào nên đưa người thân đi khám sàng lọc COPD?
Việc khám sàng lọc COPD có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện và điều trị bệnh COPD sớm, giúp làm chậm quá trình bệnh tiến triển và kéo dài thời gian sống.
Nếu bạn thấy người thân có các dấu hiệu sau:
- Cơn ho bị ảnh hưởng bởi thời tiết
- Ho khạc ra đàm khi không bị cảm lạnh
- Thỉnh thoảng thở khò khè và tần suất ngày càng tăng dần
- Thường hay bị khó thở
Đồng thời, có các yếu tố nguy cơ sau:
- Trên 40 tuổi
- Đã hoặc đang hút thuốc lá
Hãy nhanh chóng đưa người thân đi khám sàng lọc COPD để có thể được điều trị bệnh kịp thời và cải thiện chất lượng cuộc sống.
[embed-health-tool-bmi]