Máy trợ thở được xem là giải pháp hỗ trợ rất đắc lực cho những bệnh nhân không thể tự thở được để duy trì sự sống. Hiện nay, đại dịch COVID-19 đang lây lan nhanh trên toàn cầu, khiến nhiều người bệnh suy hô hấp và có nguy cơ tử vong cao thì được sử dụng thiết bị này là vô cùng cần thiết.
Vậy, máy trợ thở là gì? Khi nào cần dùng, những lưu ý khi sử dụng và những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình sử dụng? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Máy trợ thở là gì?
Máy trợ thở là thiết bị y tế hỗ trợ chức năng phổi cho người bệnh trong trường hợp bệnh nhân không thể tự thở được. Bác sĩ đặt một ống vào cổ họng bệnh nhân, ống này thông đến khí quản để giúp không khí ra vào phổi được dễ dàng hơn. Bệnh nhân sẽ được đeo mặt nạ trùm lên mũi có kết nối với máy. Máy sẽ có nhiệm vụ bơm không khí hoặc oxy dòng cao liên tục vào phổi, giúp bệnh nhân hít thở khí oxy (O2) và loại bỏ carbon dioxide (CO2).
Máy trợ thở oxy dòng cao giúp giảm đáng kể số lượng bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 phải đặt nội khí quản, hạn chế tiến triển sang bệnh nặng.
Khi nào cần dùng máy trợ thở
Máy trợ thở được dùng trong trường hợp lượng oxy trong máu thấp và khắc phục tình trạng bệnh nhân không thể thở bình thường. Thiết bị sẽ giúp các bệnh nhân gặp vấn đề về phổi có thể dần dần tự thở lại được và trở lại cuộc sống bình thường.
Máy trợ thở oxy rất hữu ích trong trường hợp bệnh nhân mắc các căn bệnh nghiêm trọng về đường hô hấp, gây khó thở và suy hô hấp. Cụ thể như sau:
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Khó thở hoặc ngưng thở khi ngủ
- Hội chứng giảm thông khí do béo phì
- Viêm phổi
- Bệnh hen suyễn bùng phát
- Khó thở sau khi phẫu thuật
- Bệnh thần kinh làm rối loạn nhịp thở
- COVID-19: Đây là một bệnh hô hấp cấp tính do một loại coronavirus mới có tên SARS-CoV2 gây ra.
Quy trình sử dụng
Thời điểm cần sử dụng
Bệnh nhân có thể cần được chỉ định sử dụng máy trợ thở trong lúc đến bệnh viện cấp cứu khi gặp vấn đề hô hấp nghiệm trọng. Ngoài ra, máy trợ thở cá nhân cũng có thể được sử dụng ngay tại nhà trong những trường hợp mắc bệnh hô hấp mạn tính.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về thời điểm sử dụng thiết bị phù hợp nhất. Một số bệnh nhân sẽ luôn cần máy thở trong khi những người khác chỉ cần sử dụng nó trong một khoảng thời gian nhất định. Nó phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi bệnh nhân và chỉ định của bác sĩ. Hãy tuân thủ theo những chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo nhận được lợi ích tối ưu nhất từ thiết bị.
Những điều cần chuẩn bị trước khi sử dụng máy trợ thở
Trước khi sử dụng, bệnh nhân nên làm quen với các bộ phận của máy bao gồm:
- Mặt nạ
- Động cơ của máy thổi khí vào ống
- Đường ống kết nối động cơ của máy với mặt nạ hoặc phích cắm
Máy trợ thở oxy của mỗi bệnh nhân sử dụng sẽ được cài đặt khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và chẩn đoán của bác sĩ. Trước khi bắt đầu sử dụng, thiết bị sẽ phải được điều chỉnh và cài đặt các thông số. Nhân viên y tế sẽ hỗ trợ bệnh nhân điều chỉnh các cài đặt này. Các cài đặt này cần phải chính xác để đảm bảo bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp một cách tốt nhất.
Những lưu ý trong quá trình sử dụng
Hết sức thận trọng khi dùng máy trợ thở cho bệnh nhân Covid – 19, chọn kích thước phù hợp và điều chỉnh mặt nạ ôm kín mặt hoặc bệnh nhân phải được đặt trong buồng áp suất âm, tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế hoặc người chăm sóc.
Trong suốt quá trình sử dụng, bệnh nhân có thể phải đeo mặt nạ để được kết nối với máy. Vì vậy, khi mới bắt đầu sử dụng, bệnh nhân có thể cảm thấy không thoải mái khi phải đeo mặt nạ và cảm nhận luồng không khí khác thường vào trong phổi. Tuy nhiên, theo thời gian, bệnh nhân sẽ quen dần và cảm thấy thoải mái hơn.
Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, nếu cảm thấy thực sự khó chịu, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Họ có thể cần điều chỉnh lại các cài đặt áp suất trên máy trợ thở để giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy trao đổi ngay với bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề bất thường nào trong suốt quá trình sử dụng.
Một lưu ý quan trọng khác là bệnh nhân không được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong khi sử dụng máy trợ thở. Bởi bệnh nhân có thể hít thức ăn hoặc chất lỏng vào trong phổi. Nếu thời gian thở máy kéo dài, bệnh nhân có thể sẽ phải được truyền chất dinh dưỡng thông qua đường tĩnh mạch.
Cuối cùng, tiếng ồn phát sinh từ hầu hết các máy trợ thở thường rất nhẹ nhàng và đều đặn. Nếu trong trường hợp thiết bị kêu quá lớn, hãy trao đổi với nhân viên y tế để đảm bảo rằng nó vẫn đang hoạt động bình thường.
Điều gì xảy ra sau khi sử dụng máy trợ thở?
Nếu sau khi sử dụng máy trợ thở, tình trạng hô hấp của bệnh nhân trở nên tốt hơn thì bác sĩ sẽ bắt đầu tiến hành thăm khám và đánh giá mức độ thở của bệnh nhân. Thiết bị vẫn sẽ được kết nối nhưng có thể được điều chỉnh cài đặt lại nhằm giúp bệnh nhân có thể cố gắng tự thở được. Thiết bị sẽ được duy trì cho đến khi bệnh nhân có khả năng tự thở được bình thường, sau đó, bác sĩ sẽ rút các ống thở ra ngoài và tắt máy.
Những rủi ro khi sử dụng máy trợ thở
Việc sử dụng máy trợ thở đa phần đều rất an toàn. Hầu hết các vấn đề rủi ro do máy trợ thở đều có liên quan đến việc đeo mặt nạ quá chặt. Bao gồm:
- Tổn thương da mặt do đeo mặt nạ quá lâu
- Đầy bụng nhẹ
- Khô miệng
- Rò rỉ khí từ mặt nạ
- Kích ứng mắt
- Đau xoang hoặc tắc nghẽn xoang
Các rủi ro khác có thể xảy ra tùy thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân, lượng thời gian cần dùng máy và tình trạng sức khỏe. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất thì thắc mắc hoặc bất kỳ mối quan tâm nào xung quanh việc sử dụng máy trợ thở.
Hy vọng thông qua bài viết này đã cung cấp thêm cho bạn những khiến thức hữu ích về máy trợ thở và bạn sẽ giảm đi bớt sự lo lắng, hoang mang, cũng như có biện pháp bảo vệ sức khỏe mình tốt hơn nhé!
[embed-health-tool-bmi]