Đờm là một loại chất nhầy được sản xuất trong ngực. Bạn thường sẽ thấy cổ họng của mình có đờm nhiều hơn khi bị cảm lạnh hoặc mắc một số bệnh lý. Khi ho ra đờm màu vàng, xanh hoặc có lẫn máu, bạn có thể thắc mắc liệu đờm màu vàng có phải báo hiệu bệnh gì không.
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến đờm màu vàng.
Ho có đờm vàng là như thế nào?
Đờm màu vàng thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang chống lại tình trạng nhiễm trùng (ví dụ như viêm phổi). Các tế bào bạch cầu là các tế bào của hệ thống miễn dịch chịu trách nhiệm chống lại vi trùng. Khi chúng chống lại nhiễm trùng, đờm sẽ cuốn vi trùng đi, khiến nó có màu hơi vàng.
Khi mới bị nhiễm trùng, bạn có thể có đờm màu vàng, sau đó chuyển sang màu xanh hơn. Sự thay đổi màu sắc tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh.
Trường hợp bạn thấy đờm màu vàng có lẫn màu đỏ, đó có thể do bạn bị ho đến chảy máu. Một người khi bị ho quá nhiều có thể khiến các mạch máu nhỏ trong phổi hoặc đường thở bị vỡ và chảy máu.
Một số bệnh lý có thể khiến đường mũi bị sưng tấy và dẫn đến chảy máu cam. Điều này có thể khiến máu chảy vào dịch mũi sau và sau đó bạn sẽ ho ra ngoài.
Trong các tình huống khác, máu trong đờm màu vàng có thể cho thấy sự hiện diện của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng như bệnh lao, áp xe hoặc ung thư phổi.
Ho lâu ngày có đờm vàng là dấu hiệu của bệnh gì?
Viêm phổi
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Bệnh này dẫn đến viêm túi khí của một hoặc cả hai phổi. Những túi này, được gọi là phế nang, chứa đầy chất nhầy hoặc mủ gây khó thở. Ho khạc ra đờm màu vàng là biểu hiện đặc trưng của bệnh viêm phổi.
Viêm phế quản
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của ống phế quản. Viêm phế quản mạn tính thường do hút thuốc hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Đây là một loại bệnh có triệu chứng ho dai dẳng ra đờm màu vàng đặc, xanh lá và màu trắng.
Viêm xoang
Viêm xoang là tình trạng viêm hoặc sưng mô lót xoang. Xoang là cấu trúc bên trong khuôn mặt thường chứa đầy không khí. Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và dị ứng có thể gây kích ứng, khiến xoang bị tắc nghẽn và chứa đầy chất nhầy.
Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (hay COPD) là một nhóm bệnh gây tắc nghẽn luồng khí và các vấn đề liên quan đến hô hấp. COPD bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Ho khạc ra đờm màu vàng kèm các triệu chứng khó thở, thắt ngực và mệt mỏi có thể báo hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Xơ nang
Xơ nang là bệnh khiến chất nhầy dày, dính tích tụ trong phổi, đường tiêu hóa và các khu vực khác của cơ thể. Đây là một trong những bệnh phổi mạn tính phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Cách điều trị ho có đờm vàng
Sử dụng thuốc
- Thuốc long đờm: Các loại thuốc như guaifenesin làm long đờm để bạn ho và khạc đờm dễ dàng hơn. Thuốc này có công thức phù hợp đối với cả người lớn và trẻ em.
- Thuốc thông mũi: Thuốc này có tác dụng làm giảm chất nhầy trong mũi. Chất nhầy này không được coi là đờm nhưng có thể dẫn đến tắc nghẽn ngực. Thuốc thông mũi giảm sưng ở mũi và mở đường thở.
- Thuốc xoa ngực: Các loại thuốc này có chứa dầu khuynh diệp để giảm ho và có khả năng loại bỏ đờm. Bạn có thể xoa thuốc lên ngực và cổ tối đa 3 lần mỗi ngày.
Cách chăm sóc khi ho có đờm màu vàng
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà. Giữ không khí ẩm có thể giúp làm loãng đờm và giúp bạn khạc đờm màu vàng dễ dàng hơn.
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý để súc miệng giúp làm lỏng chất nhầy do dị ứng hoặc nhiễm trùng xoang ảnh hưởng đến cổ họng.
Khi nào cần đi khám khi ho có đờm vàng?
Nếu bạn ho có đờm màu trắng, vàng hoặc xanh kéo dài hơn một vài ngày kèm các triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh, đau xoang; hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tuy nhiên, bạn có thể thử tự điều trị và làm giảm nhẹ triệu chứng trong trường hợp có đờm màu vàng nhưng vẫn chưa ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.
Thông thường, đờm có màu vàng, xanh hoặc đờm màu vàng bị đặc không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu có nhiễm trùng, màu sắc của đờm không giúp xác định nguyên nhân gây ra là do virus, vi khuẩn hay mầm bệnh không. Dị ứng cũng có thể gây ra sự thay đổi màu sắc của đờm.
Nếu thấy mình có đờm màu đỏ, nâu, đen hoặc sủi bọt, bạn nên được thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn cần được điều trị kịp thời.
[embed-health-tool-bmi]