Lao phổi là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lây nhiễm tại phổi. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng sau một thời gian đã bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh trước đó. Các giai đoạn của lao phổi được tính kể từ khi người bệnh bị nhiễm vi khuẩn lao cho đến khi biểu hiện thành các triệu chứng.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể các giai đoạn bệnh trong bài viết ngay sau đây!
Nguyên nhân gây bệnh lao phổi
Trước khi tìm hiểu về các giai đoạn của lao phổi, bạn cần hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh. Vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis (M. tuberculosis) chính là nguyên nhân gây bệnh. Vi khuẩn lao chủ yếu gây nhiễm trùng phổi hoặc cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể như cột sống, não hoặc thận.
Vi khuẩn lao lây lan qua không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, hát hoặc cười. Bệnh không có khả năng lây lan qua các vật dụng cá nhân, chẳng hạn như quần áo, giường, ly uống nước, dụng cụ ăn uống, bắt tay, bồn cầu hoặc các vật dụng khác mà người bị bệnh lao đã chạm vào.
Các giai đoạn của lao phổi là gì?
Trên thực tế, người bị nhiễm vi khuẩn lao chưa chắc phát triển thành bệnh ngay mà có thể phải đến vài tháng, vài năm sau, hoặc thậm chí là nhiều thập kỷ mới xuất hiện triệu chứng bệnh. Vậy, các giai đoạn của lao phổi kể từ khi phơi nhiễm cho đến khi phát triển thành triệu chứng bao gồm những giai đoạn nào?
Nhiễm trùng lao nguyên phát
Trong các giai đoạn của lao phổi, đây chính là giai đoạn đầu tiên khi một người đã tiếp xúc với vi khuẩn lao hoặc tiếp xúc với một người khác đang có các triệu chứng của bệnh lao. Người bị phơi nhiễm sẽ nhận kết quả xét nghiệm lao qua da âm tính, chụp X-quang phổi bình thường và không biểu hiện dấu hiệu hoặc bất cứ triệu chứng nào của bệnh.
Nhiễm trùng lao tiềm ẩn
Giai đoạn tiếp theo trong các giai đoạn của lao phổi là nhiễm trùng lao tiềm ẩn hay còn được gọi là bệnh lao tiềm ẩn. Lúc này, vi khuẩn lao đã tồn tại trong cơ thể, nhưng không biểu hiện thành triệu chứng. Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch của người bị phơi nhiễm ngăn chặn được vi khuẩn lao phát triển. Nhiều người bị bệnh lao tiềm ẩn nhưng không bao giờ phát triển thành triệu chứng bệnh trong suốt cuộc đời.
Người bệnh sẽ có kết quả xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm lao qua da dương tính nhưng chụp X-quang phổi có thể cho thấy sẹo trong quá khứ do vi khuẩn xâm nhập gây tổn thương phổi. Bệnh nhân sẽ không xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng lao ở các bộ phận khác trên cơ thể.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, giai đoạn lao tiềm ẩn sẽ chuyển sang giai đoạn lao hoạt động bất cứ lúc nào, có thể là vài tuần, vài tháng, vài năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ sau. Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch suy yếu dần và không còn khả năng ngăn chặn hoạt động của vi khuẩn lao đang tồn tại trong cơ thể.
Một số đối tượng có nguy cơ cao có thể chuyển từ giai đoạn lao tiềm ẩn sang giai đoạn lao hoạt động bao gồm: trẻ em, người cao tuổi, những người có hệ miễn dịch kém, người bị nhiễm HIV/AIDS hoặc những người đang dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
Lao tiềm ẩn có thể chuyển thành lao hoạt động bất kỳ lúc nào, vì vậy, việc điều trị sớm là rất quan trọng. Đối với bệnh lao tiềm ẩn mới được chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm một đợt kháng sinh isoniazid từ 6 đến 12 tháng để tiêu diệt vi khuẩn lao đang tồn tại trong cơ thể. Một số người mắc bệnh lao tiềm ẩn có thể được điều trị bằng một đợt ngắn trong 3 tháng với 1 hoặc 2 loại thuốc kháng sinh.
Các giai đoạn của lao phổi: Nhiễm trùng lao hoạt động
Đây là một trong các giai đoạn của lao phổi và còn được gọi là bệnh lao hoạt động. Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng lao và có khả năng lây lan bệnh cho người khác. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Ho kéo dài 3 tuần hoặc lâu hơn
- Ho ra máu hoặc có đờm
- Đau tức ngực, đặc biệt là khi thở hoặc ho
- Mệt mỏi, suy nhược
- Ăn mất ngon
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Tăng trưởng kém ở trẻ em
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đổ mồ hôi vào ban đêm
Khi xét nghiệm lao qua da hoặc xét nghiệm máu kết quả sẽ là dương tính hoặc âm tính nhưng chụp X-quang phổi, sinh thiết hoặc các chẩn đoán khác có thể cho thấy tình trạng nhiễm trùng đang gây tổn thương phổi.
Trong giai đoạn này, việc điều trị có thể kết hợp từ 3 loại kháng sinh trở lên và dùng trong ít nhất trong từ 6 đến 9 tháng hoặc lâu hơn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số thuốc điều trị bệnh lao bao gồm: isoniazid, rifampin, pyrazinamide và ethambutol.
Sau vài tuần điều trị bằng kháng sinh, các triệu chứng sẽ được cải thiện và người bệnh sẽ không còn khả năng lây nhiễm nữa nhưng cần phải hoàn thành phác đồ điều trị để ngăn ngừa khả năng tái nhiễm và hạn chế gây ra tình trạng lao kháng thuốc khó điều trị hơn.
Bạn có thể quan tâm: Bệnh lao uống thuốc lao bao lâu thì hết lây?
Hy vọng thông qua bài viết này đã cung cấp đến bạn những kiến thức bổ ích về các giai đoạn của lao phổi. Chẩn đoán và nhận biết sớm giai đoạn bệnh có thể giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị lao phù hợp nhằm mục đích chữa khỏi bệnh, ngăn ngừa tái phát và hạn chế khả năng chuyển thành lao kháng thuốc.
[embed-health-tool-bmi]