Cây thanh hao hoa vàng là một loại thảo dược quý giá được sử dụng từ lâu đời trong y học cổ truyền. Ở nước ta, cây thanh hao hoa vàng đã được danh y Tuệ Tĩnh dùng để chữa sốt rét ở nước ta từ thế kỷ 14. Với hương thơm đặc trưng và sắc hoa vàng rực rỡ, cây thanh hao hoa vàng không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng nhiều thành phần hoạt tính có lợi cho sức khỏe. Hãy cùng khám phá những công dụng tuyệt vời và những lưu ý quan trọng khi sử dụng loại cây thảo dược này trong bài viết sau đây nhé!
Tên thường gọi: Thanh hao hoa vàng
Tên gọi khác: Ngải si, ngải hoa vàng, thanh hao, ngải hôi, thảo cao hoặc ngải đắng,…
Tên khoa học: Artemisia annua L.
Họ: Cúc Asteraceae.
Tổng quan
Tìm hiểu chung về cây thanh hao hoa vàng
Cây thanh hao hoa vàng là cây lâu năm, cao từ 1,5 – 2m, thường mọc hoang thành từng đám. Lá cây phủ lông và có màu nâu sẫm hoặc vàng nâu. Lá dễ vụn nát và có mùi thơm hăng. Hoa có màu vàng ở đầu ngọn nở vào mùa thu, mỗi cụm hoa gồm khoảng 6 hoa, khi vò có mùi thơm rất đặc biệt. Quả bế dài khoảng 1 mm, vỏ chứa nhiều tinh dầu.
Dược liệu này thường thấy ở các vùng núi phía Bắc Việt Nam như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang và Cao Bằng. Ngoài ra, cây còn mọc nhiều ở tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng thanh hao hoa vàng làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm thì nguồn cây tự nhiên không đủ đáp ứng mà chủ yếu lấy từ nguồn dược liệu được trồng.
Trên thế giới, cây phân bố nhiều ở Bắc Mỹ, Đông Âu, Tây Nam Á và Đông Á, bao gồm các quốc gia như Nhật Bản, Liên Xô và Triều Tiên.
Bộ phận dùng của cây thanh hao hoa vàng
Lá thanh hao được sử dụng làm dược liệu, thu hái vào thời kỳ cây bắt đầu có nụ để đảm bảo hàm lượng dưỡng chất cao nhất. Sau khi thu hoạch, lá được rửa sạch và phơi hoặc sấy khô. Để bảo quản, nên giữ lá ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và nơi ẩm ướt. Theo dược điển Việt Nam V, dược liệu đạt tiêu chuẩn có màu vàng nâu hoặc nâu sậm, giòn, dễ vụn nát, mùi thơm hắc đặc biệt, vị đắng, có thể lẫn một ít cành hoặc ngọn non, định lượng artemisinin không ít hơn 0,7% tính theo dược liệu khô kiệt.
Thành phần hóa học trong thanh hao hoa vàng
Cây thanh hao hoa vàng chứa hơn 220 hợp chất được phân lập và xác định, bao gồm ít nhất 28 monoterpen, 30 sesquiterpenes, 12 triterpenoids và steroid, 36 flavonoid, 7 coumarin, 4 chất thơm và 9 hợp chất béo.
Trong đó, Artemisinin là thành phần hoạt tính sinh học quan trọng nhất trong thanh hao hoa vàng. Cấu trúc hóa học của artemisinin là một sesquiterpene lactone có chứa một liên kết endoperoxide bất thường với công thức hóa học C15H22O5. Liên kết endoperoxide bất thường này là vị trí hoạt động chính trong cơ chế hoạt động của thuốc.
Tác dụng, công dụng
Cây thanh hao hoa vàng có những công dụng gì?
Theo các tài liệu cổ, cây thanh hao có vị đắng (khổ), tính hàn (lạnh), quy vào hai kinh Can và Đởm.
Theo Y học cổ truyền, cây thanh hao hoa vàng có những tác dụng nổi bật như:
- Làm mát máu (lương huyết)
- Trị sốt rét (ngược tật)
- Chữa nóng trong xương
- Giảm sốt do bệnh lao hoặc suy nhược cơ thể
- Điều trị chứng ra mồ hôi trộm
- Chữa lở ngứa
- Trị cảm nắng
- Lợi gan mật
- Hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện chứng biếng ăn
- Chữa sốt do âm hư.
Theo khoa học hiện nay, thanh cao hoa vàng dùng làm nguyên liệu chiết artemisinin để chữa sốt, sốt rét dưới dạng thuốc viên.
Ngoài ra, chiết xuất tinh dầu từ thảo dược thanh hao hoa vàng có công dụng giảm ho, long đờm và bình suyễn, hỗ trợ điều trị viêm phế quản mạn tính.
Liều dùng
Liều dùng thông thường của thanh hao hoa vàng là bao nhiêu?
- Cách dùng: Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn viên khi kết hợp với các vị thuốc khác.
- Liều dùng: Mỗi ngày từ 6 – 12 gram.
Một số bài thuốc có cây thanh hao hoa vàng
Cây thanh hao hoa vàng được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Giảm đau nhức xương khớp do nhiệt
- Chuẩn bị: 10 gram thanh hao hoa vàng, 10 gram tang bạch bì, 10 gram bạch truật, 4 gram hoàng liên, 10 gram miết giáp, 10 gram tri mẫu, 7 gram long đởm thảo, 10 gram sơn chi tử, 7 gram sài hồ và 7 gram cam thảo.
- Mỗi ngày sắc uống 1 thang thu lấy 300ml nước thuốc chia 2 lần uống sáng chiều sau ăn.
2. Trị sốt rét (ngược tật)
- Dùng 40 gram thanh hao hoa vàng rửa sạch, thái nhỏ và ngâm trong nước khoảng 1 giờ.
- Sau đó, sắc thuốc và chia ra uống nhiều lần trong ngày.
3. Trị chứng nhức đầu, sốt hoặc miệng khát do nắng
- Chuẩn bị: 10 gram thanh hao hoa vàng, 10 gram dưa hấu khô, 10 gram bạch phục linh, 12 gram hoạt thạch tán nhỏ, 6 gram sinh cam thảo, 10 gram bạc biển đậu và 10 gram liên kiều.
- Đem sắc tất cả các loại dược liệu với nhau để lấy nước uống. Uống liên tục cho đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm.
4. Chữa đau nhức, sưng răng
Đem một nắm thanh hao hoa vàng đi rửa sạch và nấu nước ngậm.
5. Trị tiêu chảy hoặc phát sốt ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: thanh hao hoa vàng, rau sam và cỏ phượng vĩ, mỗi vị 6 – 8 gram.
- Đem tất cả các vị thuốc rửa sạch, sắc nước cho trẻ uống trong ngày.
6. Điều trị chảy máu cam
- Lấy một nắm thanh hao hoa vàng tươi, rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt uống.
- Dùng phần bã đắp vào lỗ mũi đang bị chảy máu.
7. Trị chứng mồ hôi trộm, sốt âm trong bệnh lao hoặc tiêu hóa kém
Dùng 12 gram ngải hoa vàng khô sắc thuốc để uống.
8. Chữa viêm phế quản mạn tính
Uống tinh dầu từ thảo dược ngải hoa vàng, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 nang. Mỗi nang chứa khoảng 20 mg tinh dầu. Uống liên tục trong 3 liệu trình (mỗi liệu trình 10 ngày).
9. Chữa chứng bí đái
- Dùng 200 – 300gram thanh hao hoa vàng tươi, rửa sạch và giã nát.
- Đắp lên rốn đều đặn 3 – 4 ngày sẽ giúp thông tiểu.
10. Điều trị chứng ngứa ngoài da
- Hái một nắm lá cây ngải hoa vàng, nấu nước và xông.
- Dùng phần bã đắp lên vùng da bị tổn thương.
11. Chữa sốt rét
- Chuẩn bị: 100 gram cây thanh hao, 80 gram thảo quả, 30 gram hạt cau, 100 gram lá thường sơn, 30 gram vỏ chanh, 50 gram hà thủ ô trắng và 30 gram cam thảo nam.
- Tất cả đem tán bột và trộn đều. Mỗi ngày sử dụng 40 gram hòa tan với nước ấm và uống.
12. Trị ghẻ ngứa trên da hoặc nổi mụn độc do đơn mẩn
Dùng một nắm lá thanh hao non, rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng da bị tổn thương.
13. Điều trị bệnh kinh phong cấp tính ở trẻ em
- Chuẩn bị: 40gam thanh cao trùng (trùng sống trong cây thanh hao hoa vàng) cùng với 0.4 gram chu sa.
- Tất cả đem nghiền mịn và hoàn viên khoảng 2 gram. Tùy vào độ tuổi, trẻ em còn bú mẹ mỗi lần uống 1 – 2 viên, ngày uống 3 – 5 lần.
Lưu ý, thận trọng khi dùng
Khi dùng cây thanh hao hoa vàng, bạn nên lưu ý những gì?
Để sử dụng thanh hao hoa vàng một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
Thanh hao hoa vàng giúp hỗ trợ điều trị và cải thiện nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, hãy kiên trì sử dụng để mau khỏi bệnh.
Khi dùng các loại thuốc sắc từ thanh hao hoa vàng, nên dùng ngay và tránh để quá lâu khiến thuốc bị biến chất.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Mức độ an toàn của cây thanh hao hoa vàng
Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng thanh hao hoa vàng trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Do thanh hao hoa vàng là vị thuốc thuốc có tính lạnh nên người bị tỳ vị hư hàn hoặc mắc bệnh tiêu chảy nên thận trọng. Tốt nhất không nên dùng hoặc dùng liều thấp để hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn.
Tương tác có thể xảy ra với thanh hao hoa vàng
Thanh hao hoa vàng có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.
Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích để hiểu rõ hơn về một loại dược liệu quý với nhiều công dụng chữa bệnh mang tên cây thanh hao hoa vàng.
[embed-health-tool-bmi]