backup og meta

Chia sẻ

Zalo

Sao chép đường dẫn

Chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt sao cho an toàn và hiệu quả?

Chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt sao cho an toàn và hiệu quả?

Mùa đông lạnh và khô, mùa hè nóng và ẩm, hay những ngày mưa gió nhiều đều có thể làm cho người có cơ địa nhạy cảm xuất hiện những vùng da mẩn đỏ, mề đay, ngứa ngáy và châm chích. Việc áp dụng cách chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt có công dụng gì đối với tình trạng này? Cách làm ra sao?

Mời bạn cùng tham khảo những thông tin đã được Hello Bacsi chọn lọc kỹ lưỡng dưới đây.

Dị ứng thời tiết xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể có những phản ứng thái quá với sự thay đổi của thời tiết. Một trong những biểu hiện thường gặp khi bị dị ứng thời tiết là da nổi mẩn đỏ hoặc mề đay gây ngứa ngáy. Dù gây nhiều khó chịu, đây là những phản ứng không đáng lo ngại và thường biến mất sau một vài giờ hoặc một vài ngày.

Lá lốt có chữa dị ứng thời tiết được không?

Theo Đông y, lá lốt có tính ấm, vị cay nồng, ngoài khả năng ôn trung (làm ấm), tán hàn (trừ lạnh), còn có khả năng tiêu thũng (giảm sưng viêm) và (chỉ thống) giảm đau. Do đó, Đông y sử dụng lá lốt để trị các bệnh ngoài da như mụn nhọt, mẩn ngứa. Trong tinh dầu lá lốt chứa nhiều flavonoid như beta-caryophyllene và các hợp chất gốc benzyl có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm.

Nhờ những đặc điểm kể trên, việc áp dụng cách chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt phù hợp để xoa dịu, cải thiện các triệu chứng ngoài da trong trường hợp dị ứng nhẹ, bởi: 

Tinh dầu lá lốt giúp tạo lớp màng đề kháng, bảo vệ và củng cố lớp thượng bì (lớp tế bào ngoài cùng của da). Thượng bì chính là một hàng rào quan trọng ngăn các yếu tố môi trường kích hoạt phản ứng quá mẫn của cơ thể. Chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt cũng giúp làm dịu và chống viêm nhiễm cho vùng da bị nổi mẩn.

Tìm hiểu thêm Trẻ bị dị ứng thời tiết: Mách mẹ bí quyết để bé nhanh khỏi? 

Hướng dẫn cách chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt

chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt

Cách chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt phù hợp nhất khi tác dụng trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng. Bạn có thể áp dụng cách chữa này theo hướng dẫn như dưới đây: 

Chuẩn bị:

Lá lốt tươi, không có sâu bệnh và hóa chất bảo vệ thực vật, lượng vừa đủ với diện tích da bị mẩn.

Cách làm:

  • Lá lốt rửa sạch, ngâm với nước muối loãng 5 phút cho sạch, để ráo.
  • Vò lá lốt cho tương đối giập.
  • Nấu lá lốt với nước sạch trên lửa vừa, khi sôi giảm lửa đun thêm 10 phút, đậy nắp trong suốt thời gian.
  • Đợi nước còn hơi ấm, dùng khăn sạch, mềm thấm nước thoa nhẹ nhàng lên các vùng da bị dị ứng thời tiết trong 10 – 15 phút.
  • Lau khô nhẹ nhàng bằng khăn khô, mềm.
  • Sau khoảng 30 phút rửa nhanh một lần nữa với nước cho sạch dầu rồi lau khô.

Để cách chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt trên đây phát huy hiệu quả, bạn cần kiên trì thực hiện đều đặn 2 lần mỗi ngày trong nhiều ngày. Phản ứng dị ứng của mỗi người không giống nhau, vì vậy để cải thiện tình trạng bạn không nên bỏ qua những lưu ý quan trọng khác dưới đây.

Lưu ý gì khi áp dụng cách chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt?

Phản ứng dị ứng thường xảy ra một cách khó đoán. Vì vậy khi bị dị ứng thời tiết, người bệnh cần lưu ý chăm sóc da đúng cách và tránh các tác nhân có thể kích hoạt làm cho dị ứng chồng thêm dị ứng như sau:

  • Không được gãi mạnh tay gây xây xát, viêm nhiễm cho da và có thể để lại sẹo
  • Mặc trang phục mềm mại, thoáng khí, hút mồ hôi tốt để giữ da khô thoáng và tránh gây thêm kích ứng.
  • Tắm nước ấm vừa đủ. Nước tắm quá lạnh có thể làm cho tình trạng dị ứng xảy ra dữ dội hơn. Ngược lại nước quá nóng có thể rửa trôi lớp bảo vệ tự nhiên trên bề mặt da, làm cho da càng mẫn cảm hơn.
  • Dùng xà phòng, sữa tắm dạng dịu nhẹ dành cho da nhạy cảm, không dùng sản phẩm có chất tạo mùi. 

Song song với việc áp dụng cách chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt, người bệnh nên:

  • Đảm bảo có một chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt các loại rau củ quả và uống đủ nước để tăng sức đề kháng của cơ thể và sự khỏe mạnh cho da.
  • Nên tạm thời tránh xa các thực phẩm dễ gây dị ứng như sữa, đậu phộng, hải sản, nhộng, đồ ăn cay…, bia rượu, cà phê và thuốc lá.
  • Kết hợp hợp lý giữa thời gian làm việc, vận động và nghỉ ngơi
  • Bảo vệ làn da khỏi các tác động của thời tiết khi ra ngoài, như mặc áo khoác, mũ, khẩu trang… Hạn chế ra ngoài khi trời nắng nóng, mưa, gió lạnh.

Chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt: Khi nào cần gặp bác sĩ?

chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt

Như đã nói, các phản ứng dị ứng thường khó đoán biết, việc cơ thể trở nên mẫn cảm với nước lá lốt sau một vài lần tiếp xúc là có thể xảy ra. Phương pháp chữa dị ứng này cũng có hiệu quả ít nhiều khác nhau với cơ địa mỗi người.

Vì vậy, nếu gặp phải những biểu hiện sau thì bạn nên ngừng việc chữa dị ứng bằng lá lốt và nhanh chóng đi khám để tránh những chịu đựng không cần thiết hoặc thậm chí nguy hiểm:

  • Dị ứng làm cho bạn quá khó chịu hoặc kéo dài không hết hoặc có dấu hiệu nặng hơn
  • Phù mắt, môi, lưỡi hoặc vùng kín
  • Phù hệ hô hấp gây khó thở và đe dọa tính mạng. Khi có triệu chứng này, người bệnh không được chần chừ mà phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.

Khi được áp dụng với sự cẩn trọng cần thiết, cách chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt là một mẹo bỏ túi an toàn và hữu ích đối với những triệu chứng ngoài da trong trường hợp dị ứng nhẹ.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Seasonal Allergies | Causes, Symptoms & Treatment

https://acaai.org/allergies/allergic-conditions/seasonal-allergies/ Ngày tham khảo: 21/3/2022

Yes, You Really Can Be Allergic To Cold Weather

https://www.uhhospitals.org/Healthy-at-UH/articles/2020/10/you-really-can-be-allergic-to-cold-weather Ngày tham khảo: 21/3/2022

Seasonal allergies: Nip them in the bud

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hay-fever/in-depth/seasonal-allergies/art-20048343 Ngày tham khảo: 21/3/2022

In vivo anti-nociceptive and anti-inflammatory activities of the aqueous extract of the leaves of Piper sarmentosum

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20035852/ Ngày tham khảo: 21/3/2022

Chemical composition and anti-inflammatory activity of n-butanol extract of Piper sarmentosum Roxb. In the intestinal porcine epithelial cells

https://agris.fao.org/agris-search/search.do?recordID=US202100259034 Ngày tham khảo: 21/3/2022

Phiên bản hiện tại

22/03/2022

Tác giả: Phó Ngọc Trinh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan

avatar

Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 22/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo