backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Trị mụn thịt tại nhà có nên hay không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 02/12/2019

    Trị mụn thịt tại nhà có nên hay không?

    Mụn thịt xuất hiện trên gương mặt có thể khiến bạn lo lắng và cảm thấy tự ti. Nhiều người còn tìm đến các phương pháp trị mụn thịt tại nhà tuy dễ thực hiện nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

    Mụn thịt trên mặt, mụn thịt ở mắt, mụn thịt ở cổ… về bản chất chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ chứ không hề gây hại gì đến sức khỏe của bạn. Qua bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu một số vấn đề xung quanh mụn thịt và cân nhắc xem bạn có nên tự trị mụn thịt tại nhà không.

    Tìm hiểu về mụn thịt

    Mụn thịt là một tình trạng không hề hiếm gặp. Tuy nhiên, không giống như các dạng mụn khác, mụn thịt sẽ không gây tấy đỏ hay sưng, viêm.

    1. Mụn thịt là gì?

    Mụn thịt, còn gọi là mụn gạo hay u tuyến mồ hôi là tình trạng tăng trưởng da lành tính, thường xuất hiện dưới dạng đốm tròn trên những vùng da nhạy cảm. Mụn thịt không gây hại cho sức khỏe và số lượng mụn thịt có thể từ ít, nhiều đến rất nhiều. Nam và nữ đều có tỷ lệ mắc mụn thịt như nhau.

    Mụn thịt lúc đầu có thể chỉ như một vết sưng nhỏ. Đa số các nốt mụn thịt thường nhỏ khoảng 1/3 đến 1/2 kích thước cục tẩy (đường kính 2 mm – 5 mm). Một số nốt mụn thịt lớn có thể to như trái nho (đường kính cỡ 1 cm) hoặc trái sung (đường kính cỡ 5 cm).

    2. Những vị trí dễ bị mụn thịt

    Mụn thịt thường xảy ra ở các vị trí đặc trưng như:

    • Dưới vú
    • Quanh cổ
    • Trong nách
    • Trên mí mắt
    • Chỗ nếp gấp ở háng
    • Chỗ nếp gấp ở mông

    Mụn thịt có thể xuất hiện ở tất cả mọi nơi trên da. Tuy nhiên, hai vị trí phổ biến nhất mụn thịt ở mắt, mụn thịt ở cổ và ở nách. Các khu vực khác trên da cũng có thể xuất hiện mụn thịt như mí mắt, ngực (đặc biệt là khu vực dưới vú), chỗ nếp gấp ở mông và nếp gấp ở háng. Mụn thịt thường xảy ra ở những vùng da có sự cọ xát với quần áo.

    Em bé thường phát triển mụn thịt ở những vùng da cọ sát vào nhau như ở khu vực quanh cổ hay ở vùng mí mắt trên, nơi bé thường dụi mắt. Người ở vào độ tuổi vị thành niên có thể bị mụn thịt ở khu vực bên trong nách do sự cọ xát và kích ứng lặp đi lặp lại từ việc vận động thể thao.

    3. Nguyên nhân bị mụn thịt

    trị mụn thịt

    Vẫn chưa có nghiên cứu chính xác về nguyên nhân gây mụn thịt, tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ như:  

    • Thừa cân
    • Mang thai
    • Di truyền
    • Virus HPV
    • Kháng insulin

    Hơn một nửa dân số trên thế giới đều trải qua tình trạng mụn thịt tại một thời điểm nào đó trong đời. Mặc dù mụn thịt có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng đa phần người lớn dễ xuất hiện mụn thịt hơn trẻ nhỏ. Mụn thịt thường xuất hiện nhiều ở độ tuổi trung niên và có xu hướng gia tăng khi đến gần độ tuổi 60. 

    Tăng nội tiết tố khi mang thai cũng có thể là nguyên nhân phổ biến khiến bạn bị mụn thịt. Các mụn thịt cơ bản là vô hại và không phải điều trị trừ khi chúng gây khó chịu. Bạn có thể loại bỏ mụn thịt gây khó chịu sau khi mang thai nhờ các bác sĩ da liễu.

    Mặc dù mụn thịt nói chung không liên quan đến bất kỳ căn bệnh nào khác, nhưng nếu bạn bị béo phì thì nhiều khả năng bạn cũng sẽ xuất hiện mụn thịt và tình trạng bệnh gai đen (acanthosis nigricans) trên da cổ và nách.

    Mụn thịt không phát triển thành ung thư da. Tuy nhiên, các kích ứng có thể xảy ra nếu bạn chà xát chỗ bị mụn thịt với quần áo, trang sức hoặc vùng da khác.

    Mụn thịt có thể xem là một vấn đề da liễu và điều trị mụn thịt nhờ các bác sĩ chuyên khoa tại các thẩm mỹ viện, bệnh viện da liễu hoặc tự trị mụn thịt tại nhà. Thực tế, nhiều người thường thử các biện pháp trị mụn thịt tại nhà vì cách làm đơn giản và chi phí tiết kiệm.

    Một số cách trị mụn thịt tại nhà

    Mụn thịt không phải là tình trạng bệnh nguy hiểm nên mọi người thường truyền tai nhau cách chữa mụn thịt tại nhà với các nguyên liệu tự nhiên.

    • Tinh dầu cây trà: Dầu cây trà, có đặc tính kháng virus và kháng nấm. Một số trường hợp có thể dùng miếng gạc thấm tinh dầu cây trà để lên vị trí mụn thịt và để qua đêm đến khi chỗ mụn tự bong ra.

    • Vỏ chuối: Bản thân mỗi vỏ chuối chứa nhiều axit tự nhiên, có tác dụng làm sạch bụi bẩn và tiêu diệt các vi khuẩn. Đồng thời, vỏ chuối còn làm mài mòn mụn thịt, khiến mụn thịt xẹp đi.

    • Giấm táo: Axit trong giấm táo phá vỡ các mô xung quanh mụn thịt và có thể làm cho nó rơi ra.

    • Vitamin E: Lão hóa có thể làm tăng nguy cơ bị mụn thịt. Vitamin E là một chất chống oxy hóa – nguyên nhân gây lão hóa da, giúp cho làn da khỏe mạnh.

    • Tỏi: Tỏi có lợi ích chống lão hóa và giúp cải thiện tình trạng của da bằng cách giảm viêm. Trong củ tỏi còn có chứa rất nhiều axit salicylic nên có thể có thể trị mụn thịt bằng tỏi.

    Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh công dụng của các phương pháp tự nhiên đối với việc điều trị mụn thịt. Hơn nữa, bạn sẽ không có khả năng xử lý được hết những tác dụng phụ xảy ra khi điều trị mụn thịt tại nhà.

    Hãy cẩn thận khi trị mụn thịt tại nhà

    Các phương pháp điều trị mụn thịt tại nhà có thể gây chảy máu và dẫn đến nhiễm trùng. Ngoài ra, nếu bạn bị mụn thịt ở những khu vực nhạy cảm thì nên đến bác sĩ để được tư vấn và đưa ra hướng điều trị phù hợp đối với từng tình trạng cụ thể.

    Trường hợp bạn nên đến gặp bác sĩ

    Thực hiện trị mụn thịt tại nhà không phải là một ý tưởng hay. Việc tác động vào da không đúng cách có thể khiến bạn bị nhiễm trùng và để lại sẹo vĩnh viễn. Do đó, bạn nên đến bác sĩ da liễu để được thăm khám và có hướng điều trị thích hợp.

    Như đã nói, mụn thịt không hề ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, theo Viện Da liễu Hoa Kỳ, nếu bạn xuất hiện quá nhiều mụn thịt thì đó có thể là dấu hiệu của sự mất cân bằng trong cơ thể, chẳng hạn như dấu hiệu bệnh tiểu đường. Đây là trường hợp bạn nên đến gặp bác sĩ ngay, mặc dù mụn thịt không hề khiến bạn khó chịu.

    Tình trạng mụn thịt không phải là vấn đề quá đáng lo ngại nhưng nếu chúng xuất hiện với mức độ dày đặc thì bạn nên lập tức đến bác sĩ để được điều trị mụn thịt kịp thời.

    Các phương pháp chuyên khoa trị mụn thịt

    Bác sĩ chuyên khoa da liễu có thể áp dụng một vài kỹ thuật để điều trị mụn thịt và ngăn ngừa mụn xuất hiện trong tương lai.

    1. Trị mụn thịt bằng liệu pháp làm lạnh da

    trị mụn thịt

    Liệu pháp làm lạnh da áp dụng nguồn cực lạnh để làm đông khu vực mụn thịt. Bác sĩ sẽ sử dụng tăm bông để bôi nitơ lỏng lên vùng da cần điều trị. Chất lỏng này có thể gây kích ứng và khiến vùng da điều trị mụn thịt hơi bị sưng.

    Nốt mụn thịt sau khi bị đông lạnh có thể rơi ra trong vòng khoảng 10 ngày. Chỗ áp nitơ lỏng sẽ bị phồng rộp, tuy nhiên, nó sẽ xẹp xuống và biến mất sau đó từ 2 – 4 tuần.

    2. Trị mụn thịt bằng phẫu thuật cắt bỏ

    Một cách khác khá thông dụng để điều trị mụn thịt là cắt bỏ bằng phẫu thuật. Bác sĩ sẽ làm tê vùng da bị mụn thịt ở cổ hay mụn thịt trên mặt, sau đó cắt bỏ chúng bằng dao mổ hoặc kéo y tế chuyên dụng.

    3. Trị mụn thịt bằng phương pháp đốt điện

    trị mụn thịt

    Phương pháp này sử dụng nhiệt để loại bỏ mụn thịt từ tận gốc. Đốt điện giúp tránh nguy cơ bị chảy máu quá nhiều khi điều trị mụn thịt.

    4. Trị mụn thịt bằng cách thắt mụn thịt

    Trong thủ thuật thắt mụn thịt, bác sĩ sẽ dùng chỉ y tế thắt phần dưới nốt mụn để cắt nguồn máu nuôi mụn. Sau một vài tuần, nốt mụn thịt sẽ chết và rơi ra.

    Bạn không nên tự trị mụn thịt tại nhà bởi có thể gây chảy máu và nhiễm trùng. Chỉ có bác sĩ chuyên khoa da liễu mới có thể đưa ra gợi ý điều trị mụn thịt phù hợp với từng tình trạng da.

    Có rất nhiều cách trị mụn thịt tại nhà nghe có vẻ đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, nếu mụn thịt ở những vị trí nhạy cảm và xuất hiện với mức độ nhiều bất thường thì bạn vẫn nên nhờ vào bác sĩ chuyên khoa để điều trị mụn thịt hiệu quả và dứt điểm. Các bác sĩ da liễu sẽ đưa ra phương pháp phù hợp với da bạn và có đầy đủ khả năng xử lý những biến chứng phát sinh trong quá trình điều trị mụn thịt.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 02/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo