Vết bầm xuất hiện do các mao mạch máu bị tổn thương làm cho các tế bào máu tràn vào các mô dưới da và hình thành các điểm màu xanh đen mà chúng ta thường thấy.
Vết bầm là một trong những loại tổn thương da thường gặp nhất. Hầu hết chúng đều sẽ biến mất trong vòng vài tuần đối với người khỏe mạnh.
Triệu chứng của vết bầm
Đầu tiên, sau khi da bị tổn thương để lại 1 vết bầm, thì vết bầm mới này thường có màu hồng đỏ. Sau đó theo thời gian, vết bầm sẽ hóa xanh hay đen tím trong khoảng 1 tuần, rồi trở thành vàng nâu trong những ngày tiếp theo, cuối cùng sẽ lành lại sau khoảng 2–3 tuần. Đôi khi, khu vực vết bầm sẽ trải khá rộng vì lượng máu rỉ ra có thể di chuyển theo trọng lực, nhưng nhìn chung, khu vực tổn thương sẽ phục hồi trong 2 đến 3 tuần và da trở lại bình thường. Vết bầm trên mặt hay cánh tay sẽ lành nhanh hơn vết bầm trên chân. Bạn có thể cảm thấy đau trong vài ngày đầu, tuy nhiên cơn đau sẽ nhanh chóng biến mất và vết bầm cũng sẽ phai màu. Thường thì vết bầm không làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu vùng da đó không bị trầy xước.
Bạn có thể tự chữa trị để vết bầm bớt sưng và đau nhức. Tuy nhiên, với những vết bầm nghiêm trọng, sưng và đau có thể dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm hơn và cần sự trợ giúp từ bác sĩ.
Những người lớn tuổi thường dễ xuất hiện vết bầm hơn từ những va chạm nhẹ, đặc biệt là ở vùng cẳng tay, bàn tay và chân.
Nguyên nhân gây ra vết bầm
Vết bầm xuất hiện khi bạn chịu những thương tổn như va đập, gây chảy máu trong da.
Một vài người thường dễ xuất hiện vết bầm hơn người khác, chẳng hạn khi lớn tuổi thì làn da sẽ trở nên kém co giãn và mỏng hơn. Ngoài ra còn có những tổn thương da do cháy nắng trong một thời gian dài khiến những mạch máu dễ vỡ hơn. Do đó, người lớn tuổi thường dễ xuất hiện những vết bầm do tổn thương nhẹ, đặc biệt tổn thương ở cẳng tay, bàn tay, chân và bàn chân.
Vết bầm có thể xuất hiện ở vận động viên điền kinh hay vận động viên cử tạ mà trước đó họ không có va chạm gì ở vùng đó. Lý do vì khi luyện tập, hoạt động mạnh với cường độ cao và kéo dài thì sẽ có sự tổn thương các mạch máu nhỏ gây bầm. Những người sử dụng thuốc có tác dụng chống đông máu sẽ dễ có vết bầm hơn những người bình thường.
Có một số loại vết bầm xuất hiện mà không rõ nguyên nhân, ví dụ như không có va chạm hay tập thể dục cường độ mạnh trước đó. Thường đây là những vết bầm do những bệnh lý gây rối loạn đông máu và hay đi kèm với những triệu chứng như chảy máu mũi, chảy máu nướu…