backup og meta

Viêm bàng quang

Viêm bàng quang

Khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang gây ra tình trạng nhiễm trùng và viêm bàng quang. Đây là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến, thường xảy ra ở phụ nữ. Để hiểu rõ hơn về tình trạng viêm bàng quang là gì, triệu chứng viêm bàng quang, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung

Viêm bàng quang là gì?

Viêm bàng quang mô tả tình trạng viêm xảy ra tại bàng quang với phần lớn trường hợp là do nhiễm vi khuẩn gây nên (nhiễm trùng bàng quang). Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ, khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu và có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu nhiễm trùng lây lan đến thận.

Trường hợp viêm nhẹ có thể tự hết trong vòng vài ngày. Nhiều người có thể trải qua nhiều đợt viêm tái phát nhiều lần và cần được điều trị lâu dài.

Dấu hiệu và triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm bàng quang là gì?

dấu hiệu triệu chứng viêm bàng quang

Dấu hiệu và triệu chứng viêm bàng quang thường gặp gồm:

  • Có cảm giác mắc tiểu thường xuyên, gấp gáp
  • Cảm thấy nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu liên tục, lượng nước tiểu mỗi lần đi ít
  • Nhìn thấy máu có trong nước tiểu
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi nồng, khó chịu
  • Khó chịu ở vùng chậu
  • Sốt nhẹ

Ở trẻ nhỏ, tình trạng ướt đồ lót hay quần (giống như đái dầm) vào ban ngày cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Hiện tượng đái dầm ở trẻ vào ban đêm thường không liên quan đến căn bệnh viêm bàng quang ở trẻ em.

>>> Bạn có thể quan tâm: Bạn biết gì về tiểu són, tiểu nhiều lần, hội chứng bàng quang kích thích?

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Nếu có những biểu hiện viêm bàng quang cho thấy có khả năng bị nhiễm trùng thận như dưới đây, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và điều trị kịp thời:

  • Đau lưng hoặc đau một bên lườn cơ thể
  • Sốt và ớn lạnh
  • Buồn nôn, nôn mửa

Nếu bạn luôn cảm thấy muốn đi tiểu gấp, thường xuyên hoặc thấy đau đớn trong một vài giờ hay lâu hơn, nhìn thấy máu trong nước tiểu, hãy thông báo cho bác sĩ. Nếu trước đây bạn từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu, hãy đến bệnh viện tái khám nếu thấy các triệu giống như trước đây xuất hiện lại.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân viêm bàng quang ở phụ nữ và đàn ông có thể bao gồm nhiều vấn đề khác nhau, ví dụ như:

Nguyên nhân viêm bàng quang do vi khuẩn (nhiễm trùng bàng quang)

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào trong đường tiểu thông qua niệu đạo và bắt đầu sinh trưởng, phát triển tại đó. Đa số trường hợp viêm bàng quang ở phụ nữ là do vi khuẩn có tên Escherichia coli (E. coli) gây ra.

nguyên nhân vêm bàng quang

Nhiễm trùng bàng quang ở nữ giới có khả năng xuất hiện do quan hệ tình dục. Tuy nhiên, phái nữ vẫn có khả năng cao bị nhiễm trùng ở đường tiết niệu dưới dù không quan hệ. Lý do là vì vùng sinh dục ở phụ nữ thường có vi khuẩn có thể gây ra viêm bàng quang. Ngoài ra, niệu đạo ở cơ thể người phụ nữ thường ngắn hơn và mở ra gần với hậu môn hơn so với đàn ông.

Viêm bàng quang không do nhiễm trùng

Một số ít trường hợp viêm bàng quang xảy ra không liên quan đến yếu tố nhiễm trùng. Ví dụ:

  • Viêm bàng quang kẽ. Đây là một tình trạng viêm mạn tính, còn được gọi là hội chứng đau bàng quang. Nguyên nhân gây ra viêm bàng quang kẽ vẫn chưa được biết, xảy ra phần lớn ở nữ giới. Tình trạng này khó được chẩn đoán và điều trị.
  • Viêm do thuốc. Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc hóa trị như cyclophosphamide, ifosfamide có thể ra viêm bàng quang.
  • Viêm do bức xạ. Điều trị bằng tia phóng xạ (xạ trị) ở vùng xương chậu có thể gây ra phản ứng viêm tại bàng quang.
  • Viêm do tác nhân bên ngoài cơ thể. Nếu phải sử dụng ống thông tiểu trong thời thời gian dài, bạn có khả năng cao bị nhiễm khuẩn và tổn thương các mô. Kết quả là nhiễm trùng bàng quang có thể xảy ra.
  • Viêm do các chất hóa học. Một số người quá mẫn cảm với các hóa chất có trong những sản phẩm vệ sinh (chẳng hạn như sữa tắm, xà phòng ngâm bồn tắm, dung dịch vệ sinh phụ nữ…) có thể bị dị ứng và gây viêm trong bàng quang.
  • Do các vấn đề sức khỏe khác. Tình trạng viêm bàng quang có khả năng là một biến chứng từ một bệnh lý khác, như đái tháo đường, sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt hay tổn thương tủy sống.

Các yếu tố nguy cơ

Giới tính là một yếu tố nguy cơ của viêm bàng quang khi các số liệu cho thấy phụ nữ dễ mắc phải tình trạng này hơn so với đàn ông.

Tại sao thường có nguy cơ viêm bàng quang ở nữ giới mắc cao hơn ở nam giới?

Như đã đề cập, phần niệu đạo – đường dẫn nước tiểu của phụ nữ ngắn, vì thế mầm bệnh ở vùng hậu môn thường di chuyển dễ dàng đến phần bàng quang. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh viêm bàng quang sẽ thường xảy ra vào mùa hè,  khi đó cơ thể tiết ra mồ hôi nhiều và mọi người thường tiểu ít đi.

Nguy cơ viêm bàng quang ở phụ nữ sẽ cao hơn nếu:

  • Có quan hệ tình dục
  • Sử dụng một số biện pháp phòng tránh thai như màng cao su. Bên cạnh đó, thuốc tránh thai cũng chính là một trong các nguyên nhân gây viêm bàng quang ở nữ giới. Thuốc ngừa thai có thể sẽ gây tác dụng phụ, khiến việc bài tiết bị cản trở; mặt khác, làm thay đổi hệ vi khuẩn ở cơ quan sinh dục.
  • Đang mang thai
  • Trải qua thời kỳ mãn kinh
  • Vệ sinh kém cũng sẽ khiến các vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn, đặc biệt trong các kỳ kinh nguyệt. Việc ít thay băng vệ sinh cũng dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.
  • Dùng vòi hoa sen xịt trực tiếp vào âm đạo sẽ khiến hệ vi khuẩn bị mất cân bằng, và cũng là nguồn gốc gây bệnh viêm bàng quang.

Các yếu tố nguy cơ khác làm tăng khả năng bị viêm ở cả nam và nữ gồm:

  • Có sỏi trong đường tiết niệu hay phì đại tuyến tiền liệt
  • Hệ miễn dịch suy yếu do bệnh lý (như đái tháo đường, HIV…) hay điều trị ung thư
  • Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài

Viêm bàng quang ở nam giới khỏe mạnh, không có vấn đề sức khỏe nào thuòng rất hiếm khi xảy ra.

>>> Bạn có thể quan tâm: Viêm bàng quang có nên quan hệ không? Giải đáp cho thắc mắc không biết tỏ cùng ai

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Các xét nghiệm chẩn đoán viêm bàng quang là gì?

Nếu bạn có các triệu chứng, dấu hiệu viêm bàng quang như đã đề cập bên trên, hãy đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Ngoài việc thăm khám, xem xét bệnh sử và hỏi về các biểu hiện hiện tại, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một vài xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm nước tiểu. Nếu nghi ngờ có nhiễm trùng bàng quang, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn, máu hay các chất khác.
  • Nội soi bàng quang. Ống nội soi được luồn qua niệu đạo đi vào bàng quang để thu được hình ảnh bên trong cơ quan này, giúp bác sĩ quan sát, đánh giá. Trong quá trình này, một mẫu mô nhỏ có thể được lấy ra ngoài để đem đi làm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm (sinh thiết).
  • Xét nghiệm hình ảnh. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường không cần thiết trong chẩn đoán tình trạng này. Tuy nhiên, trong trường hợp không tìm thấy dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm hình ảnh. Chụp X-quang hoặc siêu âm sẽ giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân chính gây viêm, chẳng hạn như có khối u hay cấu trúc bất thường.

Các phương pháp điều trị viêm bàng quang là gì?

điều trị viêm bàng quang

Với tình trạng nhiễm trùng bàng quang, lựa chọn đầu tiên trong điều trị là sử dụng thuốc kháng sinh. Trường hợp viêm không do nhiễm trùng, điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản.

Điều trị nhiễm trùng bàng quang

Bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc kháng sinh phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và loài vi khuẩn được tìm thấy trong nước tiểu. Thời gian điều trị thường kéo dài khoảng 1 tuần. Bạn cần uống thuốc đủ liều và đủ ngày theo đơn thuốc để đảm bảo vi khuẩn được tiêu diệt hoàn toàn.

Điều trị viêm bàng quang kẽ

Vì nguyên nhân gây ra tình trạng này không rõ ràng nên không có phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho tất cả mọi người. Bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp giúp giảm bớt triệu chứng như:

  • Chỉ định thuốc dùng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào bàng quang
  • Phẫu thuật hoặc tiến hành một số thủ thuật lên bàng quang để cải thiện triệu chứng
  • Kích thích thần kinh, sử dụng các xung điện nhẹ để giảm đau vùng chậu và có thể giảm số lần đi tiểu tiện

Điều trị các loại viêm bàng quang không do nhiễm trùng

Với các triệu chứng viêm bàng quang ở nữ không do nhiễm trùng, bạn cần xác định nguyên nhân gây ra viêm. Nếu bạn mẫn cảm với các chất có trong dung dịch vệ sinh cá nhân, hãy tránh dùng hoặc đổi sang các sản phẩm thay thế khác. Nếu tình trạng viêm là biến chứng từ một bệnh lý khác hay quá trình hóa trị/ xạ trị, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị bệnh hay kiểm soát cơn đau bằng các phương thức khác như dùng thuốc.

>>> Bạn có thể quan tâm: 7 cách chữa viêm bàng quang tại nhà bạn không thể bỏ qua

Biến chứng

Viêm bàng quang có nguy hiểm không?

Khi bạn đã có những dấu hiệu viêm bàng quang và được điều trị kịp thời và đúng cách, thì viêm bàng quang hiếm khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Ngược lại, nếu không được điều trị, nhiễm trùng bàng quang có thể nặng hơn và gây ra biến chứng như:

  • Nhiễm trùng thận. Khi vi khuẩn lan đến thận có thể gây viêm nhiễm tại cơ quan này, dẫn đến viêm đài bể thận. Nhiễm trùng ở thận có thể gây tổn thương thận vĩnh viễn.
  • Có máu trong nước tiểu. Đôi khi, các tế bào máu trong nước tiểu chỉ có thể được phát hiện qua quan sát dưới kính hiển vi (máu vi thể) và cần phải điều trị sớm. Một vài trường hợp bạn có thể nhìn thấy được máu xuất hiện trong nước tiểu nhưng thường xảy ra khi bị viêm do bức xạ (xạ trị), hiếm gặp ở trường hợp viêm do nhiễm vi khuẩn.

Phòng ngừa

Phòng ngừa viêm bàng quang

phòng ngừa bệnh viêm bàng quang

Sau đây là những cách được khuyến khích thực hiện nếu bạn muốn ngăn ngừa nhiễm trùng xảy ra ở đường tiết niệu:

  • Uống nhiều nước, đặc biệt khi bạn đang trải qua hóa trị hay xạ trị. Cụ thể, người bệnh nên uống từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Uống đủ lượng nước sẽ giúp cơ thể bài tiết tốt, tránh tình trạng nước tiểu ứ đọng ở bàng quang, đồng thời hạn chế được viêm nhiễm.
  • Hạn chế uống cà phê, rượu, trà, nước cam, chanh và nên tránh các thức ăn cay nóng, vì những loại thực phẩm này có thể làm kích thích bàng quang, hoặc gây cảm giác khó chịu hơn.
  • Đi tiểu tiện ngay khi thấy mắc, đừng cố gắng nhịn tiểu quá lâu.
  • Sau khi đi đại tiện, bạn nên rửa sạch và lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn lan từ hậu môn đến âm đạo vào niệu đạo.
  • Nếu bạn hay bị nhiễm trùng đường tiểu, hãy tắm đứng thay vì tắm bồn.
  • Nhẹ nhàng rửa sạch vùng da xung quanh âm đạo và hậu môn hàng ngày. Tuy nhiên, bạn không nên dùng các dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa quá mạnh vì vùng da này dễ bị kích ứng.
  • Đi vệ sinh càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục. Bạn có thể uống thêm một ly nước đầy để giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi cơ thể.
  • Tránh dùng sản phẩm xịt khử mùi hay các dung dịch vệ sinh phụ nữ ở vùng sinh dục nếu bạn quá mẫn cảm với các chất có trong sản phẩm.
  • Sau khi đã xác định được dấu hiệu bị viêm bàng quang ở nữ, bạn cần giữ vệ sinh trong thời gian kinh nguyệt, và thường xuyên thay băng vệ sinh.
  • Dùng khăn hay túi chườm nóng vùng bụng sẽ giúp giảm sự căng tức hoặc đau bàng quang.
  • Mặc quần áo quá chật cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm bàng quang. Mặc quần áo quá chật có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao. Từ đó, gây ẩm vùng kín, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn cư trú và phát triển.

>>> Bạn có thể quan tâm: Viêm bàng quang có nguy hiểm không? Các biến chứng thường gặp

Trên đây là những chia sẻ của Hello Bacsi về nguyên nhân, biểu hiện viêm bàng quang ở nữ và nam, cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này. Nếu nhận thấy có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ bị viêm bàng quang hay nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám càng sớm càng tốt.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cystitis. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482435/. Ngày truy cập 18/6/2020.

Cystitis. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/cystitis. Ngày truy cập 18/6/2020.

What is Interstitial Cystitis(IC)/Bladder Pain Syndrome?.https://www.urologyhealth.org/urology-a-z/i/interstitial-cystitis. Ngày truy cập 18/6/2020.

Interstitial Cystitis https://familydoctor.org/condition/interstitial-cystitis/ Ngày truy cập: 8/10/2021

Diagnosis and Treatment of Acute Uncomplicated Cystitis https://www.aafp.org/afp/2011/1001/p771.html. Ngày truy cập: 8/10/2021

Phiên bản hiện tại

05/01/2022

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Huỳnh Ngọc Diễm

Cập nhật bởi: [email protected]


Bài viết liên quan

Xét nghiệm nội soi bàng quang để chẩn đoán bệnh đường tiết niệu

Hệ tiết niệu - Hệ bài tiết nước tiểu gồm các cơ quan nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Diễm

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 05/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo