backup og meta

U trung biểu mô

U trung biểu mô

Tìm hiểu chung

U trung biểu mô là bệnh gì?

U trung biểu mô là loại ung thư trung biểu mô, đó là màng bảo vệ xung quanh tất cả các cơ quan nội tạng của cơ thể. 3 trong 4 trường hợp của bệnh u trung biểu mô bắt đầu từ trung biểu mô màng phổi. U trung biểu mô cũng có thể bắt đầu từ khoang bụng và xung quanh tim.

Bất kể nó có nguồn gốc từ đâu, các tế bào ác tính từ u trung biểu mô có thể xâm lấn và gây tổn thương các mô lân cận. Tế bào ung thư cũng có thể di căn hoặc lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.

Thông thường, khi u trung biểu mô được chẩn đoán, bệnh đã tiến triển. Tỉ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 5% đến 10%. Hầu hết các bệnh nhân có u trung biểu mô chết do hậu quả của suy hô hấp hoặc viêm phổi. Một số bệnh nhân bị tắc ruột non khi khối u phát triển qua cơ hoành. Một số ít tử vong do các biến chứng tim khi khối u xâm nhập vào tim và màng ngoài tim (màng mỏng bao quanh tim).

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của u trung biểu mô?

U trung biểu mô màng phổi  ảnh hưởng đến các mô xung quanh phổi, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Đau ở khu vực bên trong lồng ngực
  • Đau khi ho
  • Khó thở
  • Các cục u bất thường dưới da vùng ngực
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân

U trung biểu mô màng bụng xảy ra ở các mô vùng bụng gây ra các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Đau bụng
  • Bụng chướng
  • Các khối u trong bụng
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân

Các dạng khác của u trung biểu mô:

Dấu hiệu và triệu chứng của các loại u trung biểu mô khác không rõ ràng, vì chúng rất hiếm.

U trung biểu mô màng ngoài tim ảnh hưởng đến các mô xung quanh tim, có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như khó thở và đau ngực.

U trung biểu mô màng tinh hoàn ảnh hưởng đến các mô xung quanh tinh hoàn, có thể được phát hiện sớm bởi tinh hoàn sưng to hay tăng trọng lượng.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra gây u trung biểu mô?

Nói chung, ung thư khởi đầu khi một loạt các đột biến gen xảy ra trong một tế bào, làm cho tế bào đó phát triển và nhân lên ngoài tầm kiểm soát. Nguyên nhân khởi phát đột biến gen dẫn đến u trung biểu mô chưa rõ ràng, mặc dù các nhà nghiên cứu đã xác định các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ung thư có khả năng hình thành do sự tương tác giữa nhiều yếu tố như di truyền, môi trường sống, tình trạng sức khỏe và lối sống.

Nguy cơ mắc phải

Mức độ phổ biến của u trung biểu mô?

U trung biểu mô là loại ung thư hiếm gặp. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh u trung biểu mô?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ra u trung biểu mô như:

  • Đã từng tiếp xúc với a-mi-ăng. Nếu bạn đã từng tiếp xúc trực tiếp với sợi a-mi-ăng tại nơi làm việc hay ở nhà, nguy cơ mắc u trung biểu mô tăng lên rất nhiều.
  • Sống chung cùng người làm việc với a-mi-ăng. Những người tiếp xúc với sợi a-mi-ăng có thể mang các sợi  này về nhà qua da và quần áo. Tiếp xúc với những sợi này trong nhiều năm có thể làm tăng nguy cơ mắc u trung bì cho những người khác trong gia đình. Những người làm việc ở môi trường tiếp xúc nhiều với a-mi-ăng có thể hạn chế mang sợi a-mi-ăng về nhà bằng cách tắm rửa và thay quần áo trước khi rời khỏi nơi làm việc.
  • Lịch sử gia đình có người bị u trung biểu mô. Nếu bố mẹ, anh chị em ruột hoặc con bạn bị u trung biểu mô, bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh này.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán u trung biểu mô ?

Sinh thiết

Sinh thiết là một thủ thuật lấy một phần nhỏ của mô để xét nghiệm. Đây là cách duy nhất để xác định xem bạn có mắc bệnh u trung biểu mô hay không. Tùy thuộc vào khu vực của cơ thể bị ảnh hưởng, bác sĩ lựa chọn các thủ thuật sinh thiết phù hợp.

Các cách lấy mẫu sinh thiết  bao gồm:

  • Chọc hút dịch bằng kim.  Bác sĩ hút dịch hoặc mảnh mô với một cây kim nhỏ chọc qua ngực hoặc bụng của bạn.
  • Nội soi lồng ngực. Nội soi lồng ngực cho phép các bác sĩ phẫu thuật nhìn rõ bên trong lồng ngực của bạn. Trong thủ thuật này, các bác sĩ phẫu thuật rạch một hoặc nhiều vết nhỏ giữa các xương sườn để đưa một ống gắn máy quay nhỏ vào khoang ngực – thủ thuât này đôi khi được gọi là phẫu thuật nội soi lồng ngực hỗ trợ bằng video (VATS). Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ phẫu thuật đặc biệt để lấy các mẫu mô làm xét nghiệm.
  • Nội soi bụng. Kĩ thuật nội soi bụng cho phép bác sĩ phẫu thuật nhìn vào bên trong ổ bụng của bệnh nhân. Sử dụng một hoặc nhiều vết rạch nhỏ ở bụng, bác sĩ phẫu thuật đưa một một ống có gắn camera rất nhỏ và các dụng cụ phẫu thuật đặc biệt để lấy một mảnh mô làm xét nghiệm.
  • Mở lồng ngực. Mở lồng ngực là phẫu thuật mổ ngực đi vào giữa các xương sườn. Phương pháp này cho phép bác sĩ phẫu thuật kiểm tra các dấu hiệu của bệnh đồng thời lấy một mẫu mô làm xét nghiệm.
  • Mở bụng. Mở bụng là phẫu thuật mổ bụng cho phép bác sĩ phẫu thuật kiểm tra các dấu hiệu của bệnh và lấy mẫu mô làm xét nghiệm.

Các mẫu mô được phân tích dưới kính hiển vi để xác định loại mô bất thường có phải là u trung biểu mô hay các loại tế bào có liên quan. Xác định loại u trung biểu mô để quyết định kế hoạch điều trị của bạn.

Các giai đoạn

Khi u trung biểu mô đã được chẩn đoán, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm khác để xác định mức độ, giai đoạn của ung thư. Các chẩn đoán hình ảnh giúp xác định giai đoạn ung thư của bạn bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) ngực và bụng
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp phóng xạ positron (PET)

Bác sĩ sẽ xác định các xét nghiệm phù hợp cho bạn. Không phải mọi người đều cần làm tất cả các xét nghiệm như nhau.

Khi mức độ u trung biểu mô màng phổi được xác định, các giai đoạn của ung thư được phân loại như sau:

  • Giai đoạn I – u trung biểu mô được coi là ung thư cục bộ, có nghĩa là nó được giới hạn trong một phần của lớp niêm mạc ngực.
  • Giai đoạn II – u trung biểu mô có thể đã lan ra ngoài lớp niêm mạc ngực đến cơ hoành hoặc phổi.
  • Giai đoạn III – u trung biểu mô có thể lan sang các cấu trúc khác trong ngực và có thể lan đến các hạch bạch huyết gần đó.
  • Giai đoạn IV – u trung biểu mô là một bệnh ung thư tiến triển lúc này đã lan rộng trong ngực. Giai đoạn IV cũng có thể u trung biểu mô đã di căn đến các vùng xa của cơ thể như não, gan và các hạch ở bất kỳ nơi nào trong ngực.

Các giai đoạn chưa được phân loại cho các loại u trung biểu mô khác vì chúng rất hiếm và chưa được nghiên cứu.

Những phương pháp nào dùng để điều trị trung biểu mô ?

Phẫu thuật

Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ u trung biểu mô khi nó được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Trong một số trường hợp phẫu thuật có thể chữa khỏi được bệnh ung thư.

Đôi khi, phẫu thuật không thể loại bỏ tất cả các ung thư. Trong nhiều trường hợp, phẫu thuật có thể giúp giảm các dấu hiệu và triệu chứng gây ra bởi u trung biểu mô di căn trong cơ thể bạn.

Lựa chọn phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật để giảm dịch tích tụ. U trung biểu mô màng phổi có thể gây ra chất lỏng tích tụ trong ngực, gây khó thở. Bác sĩ phẫu thuật đưa một ống thông vào ngực để dẫn lưu chất lỏng ra ngoài. Bác sĩ cũng có thể tiêm thuốc vào ngực bạn để ngăn chặn chất lỏng quay trở lại.
  • Phẫu thuật để loại bỏ các mô xung quanh phổi hoặc bụng. Bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ các mô bao quanh xương sườn và phổi hoặc các mô bao quanh khoang bụng. Phẫu thuật này không chữa khỏi u trung biểu mô nhưng có thể làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng.
  • Phẫu thuật để loại bỏ càng nhiều ung thư càng tốt. Nếu tất cả phần ung thư không thể loại bỏ hết, bác sĩ phẫu thuật sẽ cố gắng loại bỏ càng nhiều càng tốt. Phương pháp này giúp bác sĩ điều trị phóng xạ trực tiếp chính xác hơn để giảm đau và giảm tích tụ chất lỏng gây ra bởi u trung biểu mô.
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phổi và các mô xung quanh. Loại bỏ phổi bị ảnh hưởng và các mô xung quanh nó có thể làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng gây ra do u trung biểu mô màng phổi. Nếu bạn được nhận xạ trị vùng ngực sau khi phẫu thuật, phương pháp này cho phép bác sĩ sử dụng liều cao hơn, vì không phải lo lắng bảo vệ phổi của bạn khỏi tia bức xạ nữa.

Hóa trị

Hóa trị là sử dụng hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị toàn thân đi vào khắp cơ thể và có thể làm co lại hoặc làm chậm sự phát triển của một u trung biểu mô mà không thể loại bỏ bằng phẫu thuật. Hóa trị cũng có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật (hóa trị bổ trợ) giúp việc phẫu thuật dễ dàng hơn hoặc hoá trị sau khi phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư tái phát.

Các thuốc hóa trị cũng có thể được làm nóng và đưa trực tiếp vào khoang bụng (hóa trị liệu phúc mạc) trong các trường hợp u trung biểu mô ở màng bụng. Sử dụng cách này, các loại thuốc hóa trị có thể tiếp xúc trực tiếp với các tế bào ung thư mà không làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh của các bộ phận khác trong cơ thể. Điều này cho phép bác sĩ tiêm liều thuốc hoá trị cao hơn.

Xạ trị

Xạ trị tập trung chùm tia năng lượng cao từ các nguồn như X-quang và proton vào một nơi hoặc một điểm cụ thể trên cơ thể.  Xạ trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Nó cũng có thể giúp làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tiến triển trong các trường hợp phẫu thuật không thực hiện được.

Các thử nghiệm lâm sàng

Các thử nghiệm lâm sàng là các phương pháp điều trị u trung biểu mô mới đang được nghiên cứu. Những người bị u trung biểu mô có thể lựa chọn một thử nghiệm lâm sàng để có cơ hội thử cách điều trị mới. Tuy nhiên, các thử nghiệm này không đảm bảo mức độ thành công. Xem xét kĩ lưỡng các lựa chọn điều trị của bạn và tư vấn bác sĩ về những gì thử nghiệm lâm sàng mới cho bạn. Sự tham gia của bạn trong một thử nghiệm lâm sàng giúp các bác sĩ hiểu rõ hơn về cách điều trị u trung biểu mô trong tương lai.

Các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành với một số phương pháp mới để điều trị u trung biểu mô bao gồm:

  • Liệu pháp nhắm mục tiêu liên quan đến sử dụng thuốc tấn công vào các lỗi cụ thể trong các tế bào ung thư.
  • Liệu pháp sinh học là dùng hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư.
  • Liệu pháp gen liên quan đến thay đổi các gen bên trong tế bào ung thư để ngăn chặn bệnh.

Điều trị các loại u trung biểu mô khác

U trung biểu mô màng ngoài tim và u trung biểu mô màng tinh hoàn rất hiếm gặp. Ung thư giai đoạn đầu có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật. Các bác sĩ vẫn chưa tìm ra cách để chữa trị ung thư  giai đoạn muộn. Bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị khác để cải thiện chất lượng sống của bạn.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của u trung biểu mô?

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với u trung biểu mô:

  • Tìm hiểu đầy đủ về bệnh u trung biểu mô để đưa ra các quyết định về việc chăm sóc cho bạn. Chuẩn bị các  câu hỏi để hỏi bác sĩ.
  • Có một mạng lưới hỗ trợ. Bạn bè và gia đình có thể giúp bạn với các công việc hàng ngày như đặt lịch hẹn khám hoặc điều trị. Nếu bạn gặp khó khăn khi yêu cầu giúp đỡ, hãy học cách trung thực với bản thân và chấp nhận sự giúp đỡ khi cần thiết.
  • Tìm ra cộng đồng bệnh nhân ung thư. Hỏi nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn  về các nhóm hỗ trợ bệnh ung thư trong cộng đồng bạn sống. Đôi khi, có những câu hỏi mà chỉ có những người cũng bị bệnh ung thư mới có thể trả lời được. Các nhóm hỗ trợ cung cấp cơ hội để hỏi và tiếp nhận sự hỗ trợ từ những người hiểu tình trạng bệnh của bạn.
  • Lên kế hoạch trước. Yêu cầu nhóm chăm sóc sức khỏe tư vấn các định hướng giúp gia đình bạn thực hiện các mong muốn về y khoa của mình trong trường hợp bạn không còn khả năng tự quyết định.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Mesothelioma. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mesothelioma/basics/definition/con-20026157. Ngày truy cập 07/07/2017

Mesothelioma: Causes and Symptoms. http://www.webmd.com/lung/mesothelioma-causes-and-symptoms#2. Ngày truy cập 07/07/2017

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Tầm soát ung thư phổi và những điều bạn nên biết

Người bị ung thư phổi nên kiêng ăn gì và ăn gì?


Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo