Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là một tình trạng nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại khó phát hiện vì phần lớn trường hợp không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào.
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ đối tượng nào, ở mọi độ tuổi, giới tính hoặc chủng tộc, tuy nhiên các bệnh nhân điều trị nội trú trong bệnh viện là đối tượng có nguy cơ cao nhất. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tàn tật và tử vong [1], [2]. Do đó, việc dự phòng huyết khối tĩnh mạch là rất cần thiết, nhất là đối với những người phải nằm viện hoặc sau phẫu thuật.
Bạn có thể xem qua video sau đây để hiểu hơn về thực trạng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch hiện nay cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh lý này.
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là gì? Đối tượng nào có nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch?
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là tình trạng cục máu đông (huyết khối) hình thành trong tĩnh mạch rồi di chuyển theo dòng máu gây tắc nghẽn ở một tĩnh mạch nào đó. Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có thể được chia thành 2 nhóm tình trạng thuyên tắc huyết khối khác nhau là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu (thường xảy ra ở chân) và thuyên tắc phổi [2].
Bình thường, hệ tuần hoàn tĩnh mạch sẽ mang máu “nghèo” oxy và dưỡng chất từ tứ chi trở về tim, đổ vào tâm nhĩ phải rồi xuống tâm thất phải xong bơm vào động mạch phổi hai bên. Tại phổi, máu di chuyển đến các mao mạch phổi để thực hiện quá trình trao đổi oxy và dưỡng chất tại phế nang rồi theo tĩnh mạch phổi về tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Từ đây, máu giàu oxy và dưỡng chất từ tâm thất trái được bơm vào hệ động mạch để đến các tế bào, mô của cơ thể. Do đó, nếu có tĩnh mạch nào bị tắc nghẽn bởi huyết khối thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mô và cơ quan mà chúng nuôi dưỡng. Nghiêm trọng nhất là khi thuyên tắc xảy ra ở phổi vì có thể đe dọa đến tính mạng [2].
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có thể gặp ở bất cứ ai [2]. Tuy nhiên, đối tượng có nguy cơ cao nhất gặp phải tình trạng này là những người mắc bệnh nội khoa hay ngoại khoa phải nhập viện điều trị. Theo ước tính, có đến 60% trường hợp huyết khối tĩnh mạch xảy ra ở những bệnh nhân nằm viện hoặc hậu phẫu [7]. Trong đó, 1/3 người bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có thể tiến triển thành thuyên tắc phổi – một biến chứng nguy hiểm với nguy cơ tử vong cao.
Ngoài ra, tình trạng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cũng thường gặp ở các đối tượng các yếu tố nguy cơ như: [3]
- Có tổn thương ở tĩnh mạch, do gãy xương, chấn thương cơ nghiêm trọng hoặc trải qua cuộc phẫu thuật lớn
- Ít vận động, nằm nhiều (có thể do bệnh lý hoặc hậu phẫu), ngồi lâu nhất là ngồi bắt chéo chân hoặc bị liệt khiến máu lưu thông chậm
- Có nồng độ estrogen cao, thường liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai, dùng liệu pháp hormone (sau mãn kinh) hoặc mang thai
- Mắc các bệnh nội khoa mạn tính như bệnh tim, bệnh phổi, ung thư…
- Các yếu tố khác bao gồm tiền sử gia đình, tuổi tác, béo phì, đặt ống thông tĩnh mạch, rối loạn đông máu di truyền
Dấu hiệu thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch được xem như “kẻ sát nhân thầm lặng” bởi 80% trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt [7]. Một số trường hợp có thể có các biểu hiện xảy ra tại vị trí xuất hiện cục máu đông gây tắc nghẽn mạch như [2]:
- Sưng, nóng
- Đỏ vùng da có tĩnh mạch bị thuyên tắc
- Đau
Bạn cũng có thể bị thuyên tắc phổi mà không có bất kỳ biểu hiện nào của thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trước đó. Các dấu hiệu và triệu chứng thuyên tắc phổi gồm [2], [3]
- Khó thở
- Nhịp tim nhanh hơn bình thường hoặc không đều
- Đau hoặc khó chịu ở ngực, cảm giác thường tệ hơn khi hít thở sâu hoặc ho
- Ho ra máu
- Huyết áp thấp, nhức đầu, choáng váng hoặc ngất xỉu
- Đổ mồ hôi
Nếu bạn mới trải qua phẫu thuật gần đây hoặc thuộc nhóm đối tượng có các yếu tố nguy cơ dễ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch, hãy trao đổi với bác sĩ để biết cách dự phòng tình trạng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch [4]. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ do cục máu đông gây ra, hãy đi khám càng sớm càng tốt [3].
Điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch như thế nào?
Tùy vào mức độ nguy hiểm của huyết khối tĩnh mạch người bệnh gặp phải mà bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn điều trị. Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có thể được kiểm soát bằng thuốc uống nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng hoặc có thuyên tắc phổi thì cục máu đông cần phải được loại bỏ ngay lập tức. Khi đó, bác sĩ có thể loại bỏ cục máu đông bằng cách dùng ống thông đưa qua đường tĩnh mạch hoặc tiêm thuốc để làm tan cục máu đông nhanh chóng [2], [3].
Khi tình trạng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không đe dọa tính mạng, việc điều trị sẽ tập trung vào ngăn ngừa cục máu đông hiện có lớn hơn và ngăn chặn hình thành cục máu đông mới. Các lựa chọn điều trị phòng ngừa bao gồm thuốc chống đông máu, sử dụng vớ nén để hỗ trợ tuần hoàn. Với những trường hợp phức tạp, bác sĩ có thể đề nghị xử trí can thiệp bằng cách đặt lưới lọc vào tĩnh mạch để ngăn cục máu đông di chuyển lên phổi [2]
Tuy thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch rất nguy hiểm và điều trị rất phức tạp, bạn hoàn toàn có thể chủ động dự phòng
Để dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở các bệnh nhân phải nằm viện, các cơ sở y tế cần thiết lập và áp dụng biện pháp dự phòng dựa trên việc đánh giá các yếu tố nguy cơ [5]. Việc dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch này sẽ giúp giảm chi phí điều trị, thời gian nằm viện và tăng chất lượng điều trị.
Theo PGS TS. BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa cấp cứu và Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong lâm sàng, việc dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sẽ trải qua 4 bước:
- Bước 1: Đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch dựa trên các yếu tố nguy cơ, tình trạng bệnh lý của người bệnh.
- Bước 2: Đánh giá nguy cơ chảy máu và các trường hợp chống chỉ định điều trị thuốc chống đông.
- Bước 3: Tổng hợp các nguy cơ, cân nhắc lợi ích của việc dự phòng và nguy cơ chảy máu khi dùng thuốc chống đông để đưa ra biện pháp dự phòng thích hợp cho từng người bệnh.
- Bước 4: Lựa chọn biện pháp dự phòng, thường là dùng thuốc chống đông tiêm dưới da. Nếu người bệnh có nguy cơ cao bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch nhưng cũng có nguy cơ chảy máu cao thì được dự phòng bằng bơm hơi áp lực ngắt quãng hoặc mang tất chun áp lực.
Đồng thời, người nhà và bệnh nhân cần phải chủ động chăm sóc, hỗ trợ phục hồi chức năng để tăng cường tuần hoàn, hạn chế hình thành cục máu đông bằng cách:
- Cố gắng vận động sớm, nâng cao chân và thường xuyên thay đổi tư thế khi đang nằm viện
- Chú ý chế độ ăn, đa dạng hóa các nhóm thực phẩm, ăn nhiều rau, uống nhiều nước
- Tuân thủ chế độ điều trị bác sĩ chỉ định
- Thực hiện massage, xoa bóp, lật trở cho người bệnh, tránh để tì đè
Ngoài ra, cần lưu ý là những người đang dùng thuốc chống đông máu, có nguy cơ tăng đông, kháng vitamin K nên tránh ăn các thực phẩm thuộc họ đậu, họ cải. Bên cạnh đó, người bệnh không nên lạm dụng thuốc ngủ, rượu bia.
Chủ động hỏi bác sĩ về nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch – Giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa
Để dự phòng có hiệu quả thì sẽ cần có sự hợp tác và nỗ lực của tất cả các bên liên quan, bao gồm bản thân người bệnh, gia đình và bác sĩ điều trị [6]. Quan trọng nhất, bệnh nhân và người nhà cần chủ động hỏi bác sĩ về nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch:
Trong khi đi khám bệnh
- Tôi có nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không?
- Nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch của tôi như thế nào?
Trong thời gian nằm viện
- Tôi có nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không?
- Nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch của tôi như thế nào?
- Có biện pháp dự phòng cho tôi khi nằm viện & sau khi xuất viện không?
Mời bạn xem video sau đây từ PGS TS. BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa cấp cứu và Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ rõ hơn về biện pháp dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân nội khoa nằm viện.
Tóm lại, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, điều quan trọng là bạn cần hiểu về bệnh lý này để nâng cao “cảnh giác” cũng như chủ động phòng ngừa hiệu quả. Đặc biệt, nếu bản thân và người thân thuộc nhóm đối tượng đang mắc các bệnh nội khoa nằm viện, phẫu thuật nằm viện hoặc sau phẫu thuật thì cần thực hiện đúng theo hướng dẫn dự phòng của bác sĩ để giảm nguy cơ bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.