Có đến 25% bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết mà nguyên nhân ban đầu là do nhiễm trùng đường tiết niệu. Biến xảy ra khi nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị kịp thời hoặc đúng cách, dẫn tới nhiễm khuẩn lan vào máu.
Nếu bệnh nhân nhiễm trùng đường tiết niệu gặp phải các triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết thì cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức. Bởi lẽ, một khi biến chứng này xuất hiện thì nguy cơ người bệnh tử vong là rất cao.
Triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết do tiết niệu
Biến chứng nhiễm trùng máu bắt nguồn từ nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì vậy, bạn cần để ý đến các triệu chứng của tình trạng này như:
- Cảm giác nóng rát hoặc ngứa khi đi tiểu
- Luôn cảm thấy muốn đi tiểu, ngay cả khi vừa đi xong
- Nước tiểu bị đục, có mùi hôi hoặc lẫn máu
- Đau khi quan hệ
- Đau ở lưng dưới hoặc bụng dưới
Khi nhiễm trùng đã quá nặng và lan xuống dưới bàng quang, các triệu chứng của hội chứng nhiễm trùng máu sẽ xuất hiện, chẳng hạn như:
- Đau gần thận (ở phía dưới của lưng)
- Buồn nôn, kiệt sức
- Tiểu ít
- Khó thở hoặc thở nhanh
- Lú lẫn, lo lắng bất thường
- Nhịp tim nhanh, mạch yếu
- Sốt cao hoặc cơ thể lạnh, đổ mồ hôi
Một khi nhiễm khuẩn huyết do nhiễm trùng đường tiết niệu trở nên nghiêm trọng, nó sẽ tiến triển thành nhiễm trùng máu nặng, gây sốc nhiễm trùng hoặc suy đa tạng.
Khi bị sốc nhiễm trùng, huyết áp của người bệnh giảm xuống mức cực thấp và các cơ quan có thể ngừng hoạt động, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Vậy nên, cần đưa bệnh nhân bị biến chứng nhiễm khuẩn huyết đến bệnh viện để điều trị nhanh chóng trước khi quá muộn.
Vì sao nhiễm trùng đường tiết niệu gây nhiễm khuẩn huyết?
Khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo (ống dẫn nước tiểu đi ra ngoài cơ thể), chúng gây viêm nhiễm dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu. Tại đây, chúng nhân lên nhiều lần và lan qua bàng quang cùng nhiều bộ phận khác, sau đó đi vào máu và gây ra biến chứng nhiễm khuẩn huyết toàn thân.
Có nhiều con đường khác nhau để vi khuẩn đi vào đường niệu đạo, chẳng hạn như quan hệ tình dục, vệ sinh cá nhân không sạch sẽ hoặc do các bệnh ở thận gây ra.
Phụ nữ và người lớn tuổi là những đối tượng có nguy cơ mắc biến chứng nhiễm khuẩn huyết cao nhất. Ngoài ra, người bị nhiễm trùng đường tiết niệu nếu có các vết thương hở quá nặng hay đang gắn các thiết bị y tế lên người như ống thở, ống thông… sẽ làm nhiễm trùng nặng thêm, gia tăng nguy cơ biến chứng nhiễm trùng máu.
Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh là:
- Bệnh tiểu đường
- Mắc bệnh rối loạn tự miễn như HIV hoặc AIDS
- Bị ức chế miễn dịch do dùng thuốc, ghép tạng hoặc làm hóa trị liệu
- Dùng quá nhiều corticosteroid
Biến chứng nhiễm khuẩn huyết cũng rất phổ biến ở các bệnh nhân vừa làm phẫu thuật, đặc biệt là các loại phẫu thuật diễn ra gần đường tiết niệu, phẫu thuật cấy ghép tuyến tiền liệt và phẫu thuật bàng quang.
Chẩn đoán biến chứng nhiễm trùng huyết như thế nào?
Kiểm tra mẫu nước tiểu là cách đơn giản nhất để xác định xem người bệnh có bị biến chứng nhiễm khuẩn huyết do nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.
Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng được thực hiện để xem liệu tình trạng nhiễm trùng đã lan rộng khắp cơ thể hay chưa.
Bác sĩ cũng sẽ cho người bệnh chụp X-quang nhằm kiểm tra nhiễm trùng đã lan rộng đến các cơ quan nào, hoặc dùng phương pháp cấy máu để xác định loại vi khuẩn gây bệnh trong máu.
Ngoài ra để có cái nhìn tổng quát về bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh khác như chụp cắt lớp (CT) và siêu âm.
Cách điều trị biến chứng nhiễm khuẩn máu
Nếu phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu sớm, bệnh nhân chỉ cần uống nhiều nước và thuốc kháng sinh là đủ. Tuy nhiên, đối với nhiễm khuẩn huyết thì việc điều trị không hề đơn giản. Nguyên nhân là vì biến chứng này có thể không đáp ứng với những kháng sinh đơn thuần.
Ban đầu, bác sĩ vẫn sẽ cho người bệnh dùng kháng sinh, ngăn không cho hội chứng nhiễm trùng phát triển thêm nữa. Lúc này, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ để xem cơ thể họ phản ứng với kháng sinh như thế nào.
Nếu người bệnh đã đến giai đoạn nhiễm khuẩn huyết nặng hay sốc nhiễm trùng, họ sẽ cần dùng đến liệu pháp oxy để điều trị. Khi ấy, bệnh nhân được cho hít thở khí oxy tinh khiết 100% ở áp suất cao gấp 6 lần mức bình thường. Oxy cao áp sẽ kìm hãm vi khuẩn kỵ khí có trong máu, làm giảm tình trạng thiếu oxy mô, cải thiện chức năng tế bào bạch cầu và làm giảm khả năng nhiễm trùng.
Còn một phương pháp điều trị nữa là phẫu thuật, mục đích là cắt bỏ các bộ phận là nguồn gốc của nhiễm trùng, ngăn chúng lan rộng.
Nếu người bệnh bị sốc nhiễm trùng, bác sĩ sẽ cho dùng các thuốc vận mạch làm co thắt mạch máu và tăng huyết áp, giữ cho các cơ quan trong cơ thể không bị ngưng hoạt động.
Phòng ngừa biến chứng nhiễm khuẩn huyết
Vì biến chứng này là kết quả của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị, nên trước tiên phải ngăn ngừa bệnh bằng cách:
- Lau sạch vùng kín sau khi đi vệ sinh
- Rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh
- Mặc đồ lót bằng cotton
- Uống nhiều nước mỗi ngày
- Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục
- Không chờ đến khi quá mắc rồi mới đi vệ sinh
Nếu bạn được chẩn đoán bị nhiễm trùng đường tiết niệu, hãy tuân thủ điều trị và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn nhiễm trùng lan rộng cũng như phát triển thành biến chứng nhiễm khuẩn huyết.