backup og meta

Giải đáp nhanh 5 băn khoăn phổ biến về giảm tiểu cầu miễn dịch

Giải đáp nhanh 5 băn khoăn phổ biến về giảm tiểu cầu miễn dịch

Giảm tiểu cầu miễn dịch là bệnh lý liên quan đến sự giảm sút số lượng tiểu cầu trong máu khiến người bệnh dễ bị xuất huyết/ chảy máu, cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. [6]

Vậy giảm tiểu cầu miễn dịch là gì? Làm thế nào để nhận biết và điều trị ra sao? Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những thông tin chính về căn bệnh này thông qua việc giải đáp 5 băn khoăn thường thấy sau đây.

1. Giảm tiểu cầu miễn dịch là gì và nhận biết như thế nào?

Bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch hay xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch nguyên phát (ITP) là một rối loạn tự miễn khi cơ thể tự sản sinh ra các kháng thể chống lại tiểu cầu gây tăng phá hủy tiểu cầu ở lách. Kết quả là số lượng tế bào tiểu cầu trong máu giảm, làm cơ thể dễ chảy máu/ xuất huyết tự thân hoặc dưới tác động nhẹ. [1]

Tiểu cầu là một thành phần trong máu đóng vai trò quan trọng trong việc cầm máu để ngăn ngừa tình trạng xuất huyết. [1] Khi bị giảm tiểu cầu miễn dịch, lượng tế bào tiểu cầu trong máu sẽ bị thiếu hụt do rối loạn từ hệ miễn dịch khiến tiểu cầu khỏe mạnh bị tấn công và phá hủy khiến lượng tiểu cầu tham gia cầm máu vết thương bị giảm sút. [3], [4]

Bình thường, số lượng tiểu cầu sẽ dao động trong khoảng 150.000 – 400.000 trên mỗi microlit (μl). Với người bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch, con số này thấp hơn 100.000 tế bào/μl. Khi số lượng tiểu cầu giảm sút, nguy cơ xuất huyết sẽ gia tăng [5]. Biểu hiện của tình trạng xuất huyết rất đa dạng, bạn có thể nhận thấy các nốt bầm hay mảng bầm dưới da, chảy máu ở niêm mạc mũi, răng miệng hay có thể nặng hơn là nôn ra máu, tiểu tiện/ đại tiện ra máu hoặc xuất huyết não. Trong đó, dấu hiệu thường gặp nhất ở người bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch là xuất huyết dưới da, niêm mạc. [2]

băn khoăn về giảm tiểu cầu miễn dịch

Trước đây, căn bệnh này được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn (do chưa rõ nguyên nhân gây bệnh là gì) nhưng hiện nay cơ chế gây bệnh được cho là có liên quan đến hệ miễn dịch nên được gọi tên là bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch. [3]

2. Giảm tiểu cầu miễn dịch có nguy hiểm không?

Ở trẻ em, khoảng 70% trường hợp bị giảm tiểu cầu miễn dịch sẽ phục hồi sau 3 tháng, có thể cần điều trị hoặc không, còn lại số ít khoảng 20 – 30% sẽ chuyển thành dạng mạn tính. Ngược lại, ở người lớn, giảm tiểu cầu miễn dịch thường diễn tiến dai dẳng hoặc trở thành mạn tính. [1], [9]

Nếu không được điều trị để điều chỉnh lại số lượng tiểu cầu, tình trạng xuất huyết có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng. [6] Nếu lượng tiểu cầu quá thấp (dưới 20.000 tế bào/μl), người bệnh có khả năng xuất huyết tự thân hoặc khi có va chạm rất nhẹ và khó cầm được máu. [1] Không những vậy, bệnh còn có gây ra các vấn đề làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như: [6]

  • Vết thương không cầm được máu
  • Kinh nguyệt kéo dài hơn hoặc lượng kinh nguyệt nhiều hơn bình thường
  • Thường xuyên hoặc dễ xuất hiện các vết bầm tím
  • Xuất hiện các chấm đỏ nhỏ trên da gọi là chấm xuất huyết
  • Thiếu máu
  • Mệt mỏi gây ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày
  • Xuất huyết nội tạng, có thể xuất huyết ở não

Vậy giảm tiểu cầu miễn dịch có nguy hiểm không nếu trở thành mạn tính hay tái phát nhiều lần? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào số lượng tế bào tiểu cầu và tần suất theo dõi tình trạng bệnh qua các xét nghiệm máu. Để ngăn ngừa được các biến chứng do xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, bạn cần hoàn thành đủ các cuộc hẹn theo dõi và xét nghiệm mà bác sĩ yêu cầu, đồng thời tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ [6].

3. Giảm tiểu cầu miễn dịch có trị được không?

Trong một vài trường hợp, bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch sẽ tự hồi phục mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu số lượng tiểu cầu giảm thấp hoặc có dấu hiệu xuất huyết, người bệnh nên bắt đầu điều trị. [7] Mục tiêu của việc trị liệu là làm tăng số lượng tiểu cầu về mức an toàn để người bệnh vẫn có cuộc sống bình thường cho đến khi bệnh thuyên giảm. [10]

Giảm tiểu cầu miễn dịch mạn tính dù chưa có cách để trị khỏi hoàn toàn nhưng có khả năng kiểm soát tốt bằng nhiều cách khác nhau. [6] Việc tìm kiếm phương pháp điều trị hiệu quả sẽ giúp bạn kiểm soát tình trạng giảm tiểu cầu miễn dịch và tiếp tục tận hưởng các hoạt động yêu thích hàng ngày. Chính vì vậy, bạn hãy luôn tìm kiếm thông tin về hướng dẫn điều trị để có thể dễ dàng trao đổi với bác sĩ, từ đó tìm ra lựa chọn phù hợp cho bệnh tình của bản thân. [11]

4. Điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch như thế nào?

băn khoăn về giảm tiểu cầu miễn dịch

Điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch giúp giữ số lượng tiểu cầu ở mức an toàn, không dẫn đến xuất huyết và không khiến người bệnh chịu nhiều tác dụng phụ từ thuốc điều trị. [1] Phương pháp điều trị được lựa chọn đầu tiên (phương pháp điều trị hàng 1) bao gồm: [7]

  • Corticosteroid: Giúp giảm hoạt động của hệ miễn dịch, có thể dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống.
  • Truyền globulin miễn dịch qua đường tĩnh mạch: Có khả năng giảm sự tấn công tiểu cầu của các tự kháng thể.

Khi người bệnh không đáp ứng với các lựa chọn trên thì sẽ chuyển sang phương pháp điều trị hàng 2 như thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kích thích sinh tiểu cầu dạng mới hoặc điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật cắt lách. [2] Việc thay đổi lựa chọn trong điều trị được quyết định dựa trên rất nhiều lý do như: [7], [11], [12]

  • Thuốc corticosteroid không còn hiệu quả hoặc phụ thuộc corticosteroid
  • Việc điều trị hoặc tác dụng phụ của thuốc gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày
  • Các triệu chứng bệnh không thuyên giảm khi điều trị với các phương pháp hiện tại.

Nhìn chung, việc kiểm soát và điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch là một hành trình. Trong quá trình điều trị, bạn sẽ cần trao đổi với bác sĩ về những mong muốn cá nhân, mục tiêu điều trị để thảo luận về tất cả lựa chọn trong điều trị căn bệnh này nhằm tìm ra phương án điều trị phù hợp nhất, nhất là khi các phương pháp ban đầu không hiệu quả. [11]

5. Giảm tiểu cầu miễn dịch nên ăn uống và tập luyện thế nào?

Bị giảm tiểu cầu miễn dịch nên ăn gì là câu hỏi mà nhiều người quan tâm sau khi được chẩn đoán mắc phải bệnh lý này. Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học về những thực phẩm cụ thể nào sẽ giúp cải thiện hay làm tăng số lượng tiểu cầu nhưng một chế độ ăn khoa học, giàu dinh dưỡng có thể mang đến nhiều lợi ích trong việc giảm bớt triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu. [8]

Bên cạnh đó, để hạn chế tác dụng phụ của thuốc điều trị như corticosteroid, người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ ăn. Cụ thể, người bệnh cần tránh các đồ ăn dễ gây ảnh hưởng dạ dày như đồ chua, cay, nóng, chú ý lựa chọn các thực phẩm ít tác động đến đường huyết hoặc không gây tăng cân nhanh như chế độ ăn ít muối, ít đường. Bởi tác dụng phụ của corticosteroid khi dùng dài ngày thường gặp là giữ nước, tăng cân, ảnh hưởng đến dạ dày, đường huyết, huyết áp. [1], [2]

Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn nhiều những thực phẩm lành mạnh như: [8]

  • Rau, củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…
  • Lựa chọn nguồn chất béo tốt cho sức khỏe như dầu olive
  • Các loại rau lá xanh như cả bó xôi, cải rổ
  • Thực phẩm hữu cơ

Đồng thời, người bệnh cũng cần chú ý việc vận động phù hợp để tránh bị xuất huyết. Trong giai đoạn cấp tính, tốt nhất người bệnh nên nghỉ ngơi tại giường. Với trường hợp chung sống cùng giảm tiểu cầu miễn dịch lâu dài thì nên hạn chế vận động mạnh. [1]

Qua những chia sẻ trên đây của Hello Bacsi, hi vọng bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch. Việc nhận được chẩn đoán mắc phải bệnh lý này có thể khiến bạn hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo bởi bệnh này vẫn có thể được kiểm soát nếu tuân thủ theo hướng dẫn điều trị. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, bạn cũng đừng quên chia sẻ với bác sĩ về mục tiêu điều trị để bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Phiếu tóm tắt thông tin điều trị. Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Bệnh viện truyền máu huyết học. https://bthh.org.vn/75/phieu-tom-tat-thong-tin-dieu-tri-cac-benh-ly-huyet-hoc-70849.html Ngày truy cập 01/5/2022.

2. Tư vấn về bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Viện Huyết học – Truyền máu trung ương. http://vienhuyethoc.vn/nguyen-nhan-cua-hien-tuong-xuat-huyet-tu-van-ve-benh-xuat-huyet-giam-tieu-cau/. Ngày truy cập 01/5/2022.

3. ITP & Pregnancy. ITP Support Association. https://www.itpsupport.org.uk/images/downloads/Pregnancy_Inner_2014.pdf. Ngày truy cập 01/5/2022.

4. Idiopathic Thrombocytopenic Purpura (ITP). Healthline. https://www.healthline.com/health/idiopathic-thrombocytopenic-purpura-itp. Ngày truy cập 25/5/2022.

5. What is immune thrombocytopenic purpura? Johns Hopkins Medicine. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/idiopathic-thrombocytopenic-purpura. Ngày truy cập 01/5/2022.

6. Possible Complications of Untreated ITP. Healthline. https://www.healthline.com/health/understanding-itp/complications-of-untreated-itp#1. Ngày truy cập 01/5/2022.

7. Idiopathic thrombocytopenic purpura (ITP). Better Health Channel. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/idiopathic-thrombocytopenic-purpura-itp. Ngày truy cập 01/5/2022.

8. Diet & Lifestyle. Platelet Disorder Support Association. https://www.pdsa.org/treatments/complementary/food-as-a-cure.html. Ngày truy cập 01/5/2022.

9. Immune thrombocytopenia (ITP) in children: Management of chronic disease. UpToDate. https://www.uptodate.com/contents/immune-thrombocytopenia-itp-in-children-management-of-chronic-disease. Ngày truy cập 25/5/2022.

10. Immune Thrombocytopenia (ITP) Treatment & Management. Medscape. https://emedicine.medscape.com/article/202158-treatment. Ngày truy cập 25/5/2022.

11. Management of Immune Thrombocytopenia (ITP). ASH CLINICAL PRACTICE GUIDELINES. https://www.hematology.org/-/media/Hematology/Files/Education/Clinicians/Guidelines-Quality/Documents/ASH-ITP-Pocket-Guide-FOR-WEB-1204.pdf. Ngày truy cập 25/5/2022.

12. Second-line therapies in immune thrombocytopenia. Hematology Am Soc Hematol Educ Program. 2016 Dec 2; 2016(1): 698–706. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6142486/. Ngày truy cập 25/5/2022.

Phiên bản hiện tại

03/01/2023

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch như thế nào? Làm sao để tối ưu hiệu quả điều trị?

5 bí quyết sống khỏe cùng bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch


Tham vấn y khoa:

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Huyết học · Viện Huyết học Truyền máu Trung ương


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 03/01/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo