backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Viêm màng não mủ: Những điều cần biết về căn bệnh nguy hiểm này

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 18/09/2023

    Viêm màng não mủ: Những điều cần biết về căn bệnh nguy hiểm này

    Bệnh viêm màng não mủ rất nguy hiểm bởi có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh, khả năng nhận thức và vận động. Việc hiểu rõ về bệnh viêm màng não mủ, đặc biệt là triệu chứng của bệnh, sẽ giúp bệnh nhân phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị kịp thời.

    Vậy bệnh viêm màng não mủ là gì? Triệu chứng, biểu hiện của bệnh ra sao? Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị viêm màng não mủ? Mời bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm về bệnh lý nguy hiểm này trong bài viết dưới đây.

    Bệnh viêm màng não mủ là gì?

    Viêm màng não mủ là tình trạng màng bao bọc quanh hệ thần kinh trung ương (màng não) bị các tác nhân gây bệnh tấn công, gây viêm và sinh mủ. Các tác nhân gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn nhưng đôi khi là nấm. 

    Viêm màng não mủ có thể gặp phải ở bất kỳ ai nhưng phổ biến hơn ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi sinh non, nhiễm khuẩn ối, ngạt sau sinh. Bệnh có khả năng gây nhiều ảnh hưởng đến thần kinh, khả năng nhận thức và vận động của bệnh nhân, thậm chí còn có nguy cơ dẫn đến tử vong tương đối cao.

    Triệu chứng viêm màng não mủ

    triệu chứng viêm màng não mủ

    Nhìn chung, triệu chứng của viêm màng não mủ tương đối giống với viêm màng não không gây mủ (chủ yếu do virus) nhưng triệu chứng viêm màng não mủ thường nặng hơn. Các triệu chứng nhìn chung sẽ phối hợp giữa sốt, trạng thái kích thích hoặc li bì. Trong đó, dấu hiệu mắc bệnh ở trẻ em dưới 3 tháng tuổi thường “thầm lặng” hơn trẻ lớn và người lớn.

    Dấu hiệu viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi thường là:

    • Hội chứng nhiễm khuẩn và hội chứng màng não không rõ rệt, không đầy đủ hoặc kín đáo
    • Trẻ có thể có hoặc không sốt, đôi khi còn bị hạ thân nhiệt 
    • Bỏ bú, nôn trớ, thở khò khè, thở không đều, đôi khi có cơn ngừng thở
    • Quấy khóc hoặc khóc thét từng cơn
    • Thóp phồng hoặc căng nhẹ
    • Buồn ngủ hoặc khó đánh thức
    • Bụng trướng, tiêu chảy, giảm trương lực cơ
    • Mất các phản xạ sinh lý
    • Có thể co giật. 

    Biểu hiện viêm màng não mủ ở trẻ trên 18 tháng tuổi và người lớn là:

    • Hội chứng nhiễm khuẩn với các biểu hiện như sốt cao đột ngột đi kèm các biểu hiện ở đường hô hấp trên, trẻ em quấy khóc hoặc ngủ li bì, mệt mỏi, ăn kém, da tái xanh
    • Hội chứng màng não với các dấu hiệu cơ năng bao gồm nôn tự nhiên và buồn nôn, đau đầu, táo bón (trẻ nhỏ có thể bị tiêu chảy), sợ ánh sáng, nằm ở tư thế cò súng… hoặc dấu hiệu thực thể như gáy cứng (hoặc dấu hiệu cổ mềm ở trẻ nhỏ), dấu hiệu Kernig, Brudzinski, vạch màng não… dương tính
    • Trẻ nhỏ vẫn có thể bị phồng hoặc căng thóp trước, lì bì, mắt nhìn vô cảm
    • Các biểu hiện khác như co giật, liệt khu trú một số vùng, rối loạn tri giác (hôn mê), xuất hiện ban xuất huyết hoại tử hình sao, khó hạ cằm xuống do cứng cổ…

    Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh 

    nguyên nhân viêm màng não mủ

    Tác nhân chủ yếu gây viêm và tạo mủ ở màng não là vi khuẩn, thường gặp nhất là:

    • Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae)
    • Não mô cầu (Neisseria meningitidis)
    • Haemophilus influenzae (Hib)
    • Vi khuẩn đường ruột như Escherichia coli, Listeria monocytogenes, B.streptococcus thường gây viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh

    Ngoài các loại vi khuẩn ở trên, một số vi khuẩn khác hoặc nấm cũng có thể là nguyên nhân gây viêm màng não mủ. Tuy nhiên, trường hợp viêm màng não mủ do các tác nhân này thường ít gặp hơn và xảy ra ở người có hệ miễn dịch suy yếu, bị nhiễm trùng huyết

    Như đã đề cập, viêm màng não mủ có thể gặp phải ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ em đến người lớn. Thế nhưng, một số đối tượng sau đây dễ bị mầm bệnh tấn công và phát triển viêm màng não hơn, bao gồm:

    • Trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, trẻ bị ngạt khi sinh, trẻ có mẹ bị nhiễm trùng ối hoặc sốt lúc mang thai
    • Người bị suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV/AIDS, người dùng thuốc ức chế miễn dịch, người lớn tuổi
    • Người có bệnh nền hoặc bệnh mạn tính như nhiễm trùng tai mạn tính, nhiễm trùng mũi mạn tính…
    • Người bị chấn thương ở đầu
    • Người nghiện rượu
    • Người đã cắt bỏ lá lách
    • Người mắc bệnh hồng cầu hình liềm.

    Viêm màng não mủ gây ra những biến chứng gì?

    biến chứng viêm màng não mủ

    Viêm màng não mủ là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề đối với thần kinh, khả năng nhận thức và vận động. Thậm chí, người bệnh còn có nguy cơ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

    Đối với trẻ em, viêm màng não mủ nếu không được điều trị hiệu quả sẽ dẫn đến các biến chứng thần kinh vĩnh viễn như tổn thương não, tràn dịch dưới màng cứng, não úng thủy, mất thính lực, câm, liệt tứ chi, lác mắt, động kinh, sa sút trí tuệ, mất khả năng học tập… Theo thống kê, chỉ có khoảng 45% trẻ em phục hồi mà không để lại di chứng, 15 – 25% bị suy yếu thần kinh nhẹ, 20 – 40% bị suy yếu thần kinh nghiêm trọng và 10% phát triển các di chứng thần kinh tàn phế nặng.

    Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra một số biến chứng khác như:

    • Tràn dịch dưới màng cứng, ổ áp xe nội sọ
    • Ứ dịch não thất do dính tắc
    • Suy hô hấp nặng, phù não
    • Biến chứng nhiễm khuẩn nặng ở não
    • Viêm phổi, viêm thận, trạng thái mất não
    • Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng kể trên

    Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm màng não mủ

    chẩn đoán và điều tri viêm màng não mủ

    Việc chẩn đoán và điều trị viêm màng não mủ cần được thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Vì vậy, khi nhận bất kỳ biểu hiện nào của bệnh, bạn cần đến bệnh viện thăm khám ngay.

    Phương pháp chẩn đoán viêm màng não mủ

    Để chẩn đoán viêm màng não mủ, đầu tiên bác sĩ sẽ theo dõi các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân. Khi nghi ngờ bệnh nhân nhiễm bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác để xác định chẩn đoán. Các phương pháp này bao gồm:

    • Chọc dò dịch não tủy để quan sát bằng mắt thường cũng như xét nghiệm sinh hóa và vi sinh
    • Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu
    • Cấy máu và cấy dịch tỵ hầu, dịch hút tại ổ xuất huyết hoại tử
    • Các phương pháp khác như chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) sọ não, siêu âm qua thóp, X-quang ngực, xét nghiệm PCR, ELISA đặc hiệu, xét nghiệm xác định nồng độ LDH, axit lactic, điện giải đồ, khí máu…

    Phương pháp điều trị viêm màng não mủ

    Vì tác nhân gây viêm màng não mủ đa số là vi khuẩn nên phương pháp điều trị chính trong các trường hợp này là dùng kháng sinh. Liệu pháp kháng sinh cần được chỉ định đúng, đủ và càng sớm càng tốt ngay khi xác định chẩn đoán. Khi chưa xác định được loại vi khuẩn cụ thể gây bệnh, liệu pháp kháng sinh sẽ được chỉ định dựa theo tuổi của bệnh nhân. Các kháng sinh thường được sử dụng là ceftriaxone, cefotaxime, ampicillin, penicillin, vancomycin, meropenem…

    Trong nhiều trường hợp, các biện pháp điều trị tích cực và hỗ trợ cũng được áp dụng để cứu sống người bệnh và giảm thiểu biến chứng, bao gồm:

    • Bệnh nhân hôn mê hoặc nhiễm khuẩn nặng, có nguy cơ sốc nhiễm khuẩn cần được chăm sóc tại phòng cấp cứu hoặc điều trị tích cực
    • Chống phù não bằng manitol tiêm truyền tĩnh mạch nhanh
    • Chống co giật bằng seduxen, phenobarbital…
    • Hạ sốt bằng paracetamol hoặc các phương pháp vật lý như chườm ấm
    • Chống viêm bằng dexamethason qua đường tiêm tĩnh mạch chậm
    • Điều trị suy hô hấp bằng cách hút đờm, cho bệnh nhân thở oxy, đặt nội khí quản…
    • Bù nước và điện giải, dùng thuốc vận mạch
    • Bổ sung dinh dưỡng bằng cách cho ăn qua sonde hoặc truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch
    • Đảm bảo thông khí, chống ứ đọng đờm. 

    Làm thế nào để phòng bệnh viêm màng não mủ?

    phòng ngừa viêm màng não mủ

    Viêm màng não mủ là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, bạn cần có cách phòng ngừa để hạn chế nguy cơ mắc bệnh từ sớm. Dưới đây là một số cách phòng bệnh viêm màng não mủ mà bạn có thể áp dụng:

    • Tiêm vaccine ngừa viêm màng não mủ 
    • Phát hiện và điều trị triệt để các bệnh lý nhiễm trùng như nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai…
    • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước
    • Dọn dẹp nhà cửa, nơi ở sạch sẽ, thoáng mát
    • Vệ sinh tai, mũi, họng hàng ngày
    • Hạn chế tiếp xúc với người đang bị viêm màng não mủ hoặc các bệnh lý nhiễm trùng khác
    • Giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, luôn ăn chín, uống sôi và hạn chế ăn các loại thực phẩm tươi sống hoặc chín tái như nem, gỏi cá, sushi…
    • Tăng cường thể lực và khả năng miễn dịch bằng cách xây dựng chế độ ăn uống, vận động, nghỉ ngơi hợp lý
    • Thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần. 

    Nhìn chung, viêm màng não mủ là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ dẫn đến tử vong cao. Vì vậy, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, bạn hãy đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 18/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo