backup og meta

Sán máng

Sán máng

Tìm hiểu về bệnh sán máng

Bệnh sán máng là gì?

Bệnh sán máng (sốt ốc), là bệnh do ký sinh trùng sống trong nước ngọt ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới gây ra. Ký sinh trùng có thể là giun, sán hay nhiều loài khác nhau. Các ký sinh trùng thường được tìm thấy trên khắp châu Phi nhưng cũng sống trong vùng của Nam Mỹ, vùng Caribbean, Trung Đông và châu Á.

Bệnh có thể gây nhiễm đường tiết niệu hoặc đường ruột và ảnh hưởng đến các hệ thống khác. Các phần của cơ thể bị ảnh hưởng phụ thuộc vào loài ký sinh trùng, một số loài có thể ảnh hưởng đến phổi và tủy sống hoặc não và hệ thống thần kinh trung ương.

Khi mới nhiễm sán máng, người bệnh thường không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào nhưng các ký sinh trùng có thể tồn tại trong cơ thể qua nhiều năm và gây ra tổn hại cho các cơ quan như bàng quang, thận và gan. Bệnh này không gây tử vong ngay nhưng đây là một bệnh mạn tính nên có thể gây tổn hại nghiêm trọng các cơ quan nội tạng, thậm chí có thể dẫn đến giảm tăng trưởng và chậm phát triển nhận thức ở trẻ em.

Triệu chứng nhiễm sán máng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sán máng là gì?

Các triệu chứng sẽ khác nhau ở mỗi loài ký sinh và giai đoạn của bệnh bao gồm:

  • Nhiều ký sinh trùng có thể gây sốt, ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết, gan và lá lách;
  • Khi ký sinh trùng đầu tiên vào da, nó có thể gây ngứa và phát ban (bệnh ngứa ở người bơi lội);
  • Các triệu chứng đường ruột bao gồm đau bụng và tiêu chảy (có thể ra máu);
  • Các triệu chứng tiết niệu bao gồm đi tiểu thường xuyên, đi tiểu đau và máu trong nước tiểu.

Những triệu chứng trên đều liên quan đến bệnh sán máng cấp tính. Bệnh thường tự cải thiện trong vòng vài tuần nhưng vẫn cần được điều trị vì các ký sinh trùng có thể còn sót lại dẫn đến mạn tính.

Một số người bị bệnh sán máng mạn tính bất kể có triệu chứng ban đầu hay không thì bệnh vẫn tiến triển nghiêm trọng gây hại các bộ phận cơ thể. Sán máng mạn tính có thể bao gồm một loạt các triệu chứng, tùy thuộc vào khu vực nhiễm trùng, ví dụ:

  • Hệ thống tiêu hóa: có thể gây thiếu máu, đau và sưng bụng, tiêu chảy và máu trong phân;
  • Hệ thống tiết niệu: gây kích ứng bàng quang (viêm bàng quang), đau khi đi tiểu, tăng cảm giác mót tiểu và máu trong nước tiểu;
  • Tim và phổi: gây ho dai dẳng, thở khò khè, khó thở và ho ra máu;
  • Hệ thống thần kinh và não: có thể gây co giật, đau đầu, suy nhược, tê ở chân và chóng mặt;

Nếu không điều trị bệnh sán máng, các cơ quan bị ảnh hưởng có thể bị tổn thương vĩnh viễn.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

 Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

 Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh sán máng

Nguyên nhân nào gây ra bệnh sán máng?

Những ký sinh trùng gây bệnh sán máng sống ở các vùng nước ngọt như ao, hồ, song, hồ chứa, rạch.

Ký sinh trùng không được tìm thấy trong nước biển, hồ bơi khử trùng bằng clo hoặc nguồn cung cấp nước được xử lý đúng cách.

Bạn có thể bị bệnh sán máng nếu tiếp xúc với nước bị ô nhiễm trong khi chèo thuyền, bơi lội hoặc tắm rửa. Từ đây, giun sán chui sâu vào da, di chuyển qua máu đến các khu vực như gan và ruột. Sau một vài tuần, giun bắt đầu đẻ trứng. Một số trứng còn lại bên trong cơ thể và bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch trong khi một số khác được thải ra ngoài qua nước tiểu hoặc phân. Nếu không điều trị, giun có thể đẻ trứng trong nhiều năm.

Nếu trứng đi ra khỏi cơ thể vào trong nước, chúng sẽ giải phóng ấu trùng phát triển bên trong ốc nước ngọt một vài tuần trước khi lây nhiễm cho người khác. Vì vậy, giun sán không lây từ người này sang người khác.

Nguy cơ mắc phải sán máng

Những ai thường mắc phải bệnh sán máng?

Sán máng rất phổ biến ở mọi lứa tuổi và thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh sán máng?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:

  • Bạn sống hoặc đi du lịch đến những nơi đang có dịch sán máng;
  • Da bạn tiếp xúc với nước ngọt từ các kênh rạch, sông, suối, hồ, sông ngòi;
  • Trẻ em dễ bị bệnh sán máng hơn người lớn.

Điều trị hiệu quả nhiễm sán máng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh sán máng?

Nếu sau chuyến du lịch ở những nơi giun sán phổ biến mà bạn thấy có xuất hiện triệu chứng thì nên đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ việc khám cũng như làm các xét nghiệm để tìm ký sinh trùng bao gồm:

  • Xét nghiệm kháng thể để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng;
  • Sinh thiết mô;
  • Làm công thức máu để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh thiếu máu;
  • Đếm bạch cầu ái toan là chỉ dấu đặc trưng cho nhiễm ký sinh trùng;
  • Xét nghiệm chức năng gan, thận;
  • Xét nghiệm phân hoặc nước tiểu để tìm trứng ký sinh trùng.

Bạn cũng nên xét nghiệm sau khi đi du lịch 3 tháng ngay cả khi không có triệu chứng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh sán máng?

Praziquantel là một loại thuốc diệt ký sinh trong thời gian ngắn. Ngay cả khi tiến triển đến một giai đoạn, bệnh vẫn có thể khỏi hoàn toàn miễn là các cơ quan chưa bị tổn hại hay có biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, thuốc không ngăn ngừa bệnh tái phát.

Steroid cũng có thể được sử dụng để giúp làm giảm các triệu chứng của sán máng cấp tính hoặc các triệu chứng do tổn thương não hoặc hệ thần kinh.

Chế độ sinh hoạt phù hợp cho người bị nhiễm sán máng

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh sán máng?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau khi sống hoặc đi du lịch đến các vùng bị ảnh hưởng bởi bệnh:

  • Tránh chèo thuyền, bơi lội ở ao, hồ mà chỉ tắm biển hoặc bơi trong hồ khử trùng bằng clo;
  • Mặc quần không thấm nước và ủng nếu bạn phải vượt suối hoặc sông;
  • Đun sôi nước trước khi uống để ngăn các ký sinh trùng xâm nhập vào môi hoặc miệng;
  • Dùng thuốc chống côn trùng hay lau khô người bằng khăn sau khi ra khỏi nước ô nhiễm không phải là cách hay;
  • Tẩy giun sán định kỳ mỗi năm để giảm nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Schistosomiasis (bilharzia). http://www.nhs.uk/Conditions/schistosomiasis/Pages/Introduction.aspx. Ngày truy cập 19/10/2016.

Parasites – Schistosomiasis. https://www.cdc.gov/parasites/schistosomiasis/. Ngày truy cập 19/10/2016.

What is Bilharzia?http://www.medicalnewstoday.com/articles/173081.php. Ngày truy cập 19/10/2016.

Schistosomiasis. http://www.webmd.com/a-to-z-guides/schistosomiasis#2-5. Ngày truy cập 19/10/2016.

Schistosomiasis. https://medlineplus.gov/ency/article/001321.htm. Ngày truy cập 19/10/2016.

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Thu Trang

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Giải pháp hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết cho bé sinh mổ vào mùa mưa

Nhiễm giun kim khi mang thai có sao không? Bà bầu phải làm sao?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Thu Trang · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo