backup og meta

Triệu chứng bệnh sởi theo từng giai đoạn và cách ngừa bệnh lây lan

Triệu chứng bệnh sởi theo từng giai đoạn và cách ngừa bệnh lây lan

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, rất dễ lây lan và gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là có nguy cơ tử vong. Mặc dù tỷ lệ nhiễm bệnh sởi và tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể từ khi có vaccine chủng ngừa sởi, nhưng đây vẫn là căn bệnh nguy hiểm với mẹ bầu, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, việc chủ động tìm hiểu thông tin về sởi, đặc biệt là nhận biết sớm các triệu chứng bệnh sởi, là điều cần thiết.

Triệu chứng của bệnh sởi sẽ phát triển theo từng giai đoạn. Trong bài viết sau, bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn về cách nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng của sởi để cách ly, điều trị kịp thời cho người bệnh.

Tìm hiểu chung về bệnh sởi

Bệnh sởi do một loại virus có tên là morbilli gây ra, với biểu hiện đặc trưng là phát ban sởi. Về con đường lây truyền, virus sởi có thể phát tán ra không khí qua những giọt bắn nhỏ khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Người chưa được miễn dịch khi hít phải những giọt bắn này sẽ nhiễm bệnh sởi. Chính vì vậy, đây được xem là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh, lây nhiễm dễ dàng và dễ bùng phát thành dịch.

Bất cứ ai chưa được chủng ngừa đều có thể mắc bệnh sởi. Mặc dù bệnh không còn phổ biến như trước nhờ có vaccine nhưng vẫn là mối đe dọa với người chưa tiêm phòng, đặc biệt là mẹ bầu, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các biến chứng của bệnh sởi bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, nhiễm trùng tai, viêm phổi, viêm não… Phụ nữ mang thai bị sởi sẽ có nguy cơ sinh non, sinh bé nhẹ cân hoặc thai chết lưu.

Các triệu chứng bệnh sởi theo từng giai đoạn

triệu chứng bệnh sởi: sốt

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh sởi xuất hiện sau khoảng 10 đến 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Sốt
  • Ho khan
  • Sổ mũi
  • Đau họng
  • Viêm kết mạc (mắt đỏ), có thể nhạy cảm với ánh sáng
  • Đốm trắng trong miệng
  • Phát ban đỏ lan dần từ đầu xuống phần còn lại của cơ thể.

Thực chất, các triệu chứng của sởi sẽ phát triển theo từng giai đoạn bệnh. Vì vậy, nếu bạn quan tâm và muốn tìm hiểu các triệu chứng. Trong đó, người mắc bệnh sởi sẽ trải qua các giai đoạn cụ thể như sau:

Thời gian ủ bệnh 7 đến 14 ngày

Trong 7 đến 14 ngày đầu tiên sau khi nhiễm bệnh, virus sởi lan rộng trong cơ thể người bệnh nên được gọi là thời gian ủ bệnh. Vì vậy, trong giai đoạn này, bạn sẽ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.

Triệu chứng bệnh sởi sau 7 đến 14 ngày từ khi tiếp xúc virus

Trong giai đoạn này, bệnh sởi chưa phát triển các triệu chứng đặc hiệu nên dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Bệnh thường bắt đầu với biểu hiện sốt nhẹ đến trung bình, thường kèm theo sổ mũi, ho dai dẳng, viêm mắt (viêm kết mạc) và đau họng. Các triệu chứng này tương đối nhẹ và có thể kéo dài 2 đến 3 ngày.

Từ 2 đến 3 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng

Sau 2 đến 3 ngày từ khi phát triển các triệu chứng không đặc hiệu, bên trong niêm mạc miệng sẽ xuất hiện các đốm trắng nhỏ, xung quanh có viền đỏ được gọi là đốm koplik. Những đốm này xuất hiện và biến mất rất nhanh, báo hiệu trước khi sởi phát ban.

Sau 3 đến 5 ngày từ khi xuất hiện các triệu chứng

triệu chứng bệnh sởi

Khoảng 3 đến 5 ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, phát ban do sởi sẽ bùng phát. Tình trạng này thường bắt đầu với những đốm đỏ, nhỏ, phẳng. Các nốt ban này xuất hiện trên mặt, sau tai trước khi lan đến các phần còn lại của cơ thể như vùng cổ, cánh tay, ngực, đùi, cẳng chân và bàn chân. Khi phát ban xuất hiện, người bệnh có thể bị sốt cao lên đến 40 hoặc 41 độ C. Bên cạnh đó, các nốt phát ban sởi có thể nổi lên, khi lan ra dính lại với nhau tạo thành các mảng đỏ loang lổ nhưng thường không ngứa.

Giai đoạn phục hồi

Phát ban sởi có thể kéo dài khoảng 7 ngày. Các nốt ban nhạt dần ở trên mặt của người bệnh trước và cuối cùng là ở đùi và chân. Khi các triệu chứng khác của bệnh biến mất, một số vấn đề như da sẫm màu, bong tróc nơi phát ban, ho có thể kéo dài khoảng 10 ngày.

Khi nào một người đã nhiễm bệnh sởi có thể lây lan virus? Bạn nên làm gì khi có triệu chứng bệnh sởi?

Một người mắc bệnh sởi có thể truyền virus cho người khác trong khoảng 8 ngày, bắt đầu từ 4 ngày trước khi phát ban sởi xuất hiện và kết thúc khi phát ban đã xuất hiện được 4 ngày. Vì vậy, nếu bạn hoặc người trong gia đình có triệu chứng bệnh sởi (chẳng hạn như phát ban) hoặc nghi ngờ đã tiếp xúc với người bệnh thì nên đến bệnh viện để được thăm khám, kiểm tra và điều trị. Đồng thời, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây để bảo vệ các thành viên khác trong gia đình, bạn bè, người xung quanh… chưa được miễn dịch với sởi:

  • Cách ly người bệnh: Những người mắc bệnh sởi nên ở nhà và không tham gia các hoạt động hàng ngày phải tiếp xúc với người khác như đi học, đi làm, đi chơi… trong giai đoạn các triệu chứng bệnh sởi phát triển. Những người chưa được tiêm phòng trong gia đình; đặc biệt là mẹ bầu, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; nên chú ý tránh xa người nhiễm bệnh.
  • Chủ động tiêm phòng cho người chưa miễn dịch với sởi: Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ gặp biến chứng nguy hiểm của sởi như mẹ bầu và trẻ nhỏ, nên được tiêm phòng đầy đủ càng sớm càng tốt.

Bên cạnh việc thăm khám, việc chăm sóc người bệnh sởi tại nhà đúng cách cũng rất cần thiết. Một số lời khuyên sau đây có thể giúp ích:

  • Người mắc bệnh sởi cần nghỉ ngơi và bổ sung đủ chất lỏng, đặc biệt là cần uống nhiều nước, để tránh mất nước.
  • Người bệnh có thể dùng paracetamol hoặc ibuprofen để hạ sốt, giảm đau nhức. Lưu ý không nên cho trẻ dưới 16 tuổi dùng aspirin vì nguy cơ có thể gặp phải hội chứng Reye. 
  • Nếu nhạy cảm với ánh sáng thì bạn nên tránh ánh nắng gay gắt, chẳng hạn như không ra đường, kéo rèm trong phòng lại…
  • Nếu có triệu chứng viêm kết mạc, bạn có thể sử dụng bông gòn ngâm nước ấm để nhẹ nhàng lau đi lớp vảy vùng mắt.

Có thể nói, việc nhận biết triệu chứng bệnh sởi và phòng ngừa bệnh lây lan là rất quan trọng, đặc biệt là khi gia đình bạn có mẹ bầu, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong đó, việc chủ động tiêm phòng sởi là rất cần thiết và quan trọng. Vì vậy, nếu có ai trong gia đình bạn chưa được miễn dịch với sởi, đặc biệt khi có kế hoạch mang thai trong thời gian tới, thì cần đảm bảo tiêm phòng sởi đầy đủ nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Measles (Rubeola) – Signs and Symptoms

https://www.cdc.gov/measles/symptoms/signs-symptoms.html#:~:text=Measles%20symptoms%20appear%207%20to,days%20after%20the%20first%20symptoms. Truy cập ngày 24/03/2023

Measles

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles/symptoms-causes/syc-20374857 Truy cập ngày 24/03/2023

Measles

https://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/infections-and-poisoning/measles Truy cập ngày 24/03/2023

Measles

https://www.healthdirect.gov.au/measles Truy cập ngày 24/03/2023

Measles

https://www.nhs.uk/conditions/measles/ Truy cập ngày 24/03/2023

Phiên bản hiện tại

30/03/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bệnh sởi có lây không? Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi

6 biến chứng của bệnh sởi bạn không nên xem thường


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo