backup og meta

Bệnh hở van tim có chữa được không?

Bệnh hở van tim có chữa được không?

“Bệnh hở van tim có chữa được không?” là câu hỏi thường gặp ở những người được chẩn đoán mắc bệnh hở van tim. Thực tế, việc bệnh hở van tim chữa được không sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trường hợp nhẹ có thể không cần chữa trị nhưng cũng có trường hợp nghiêm trọng cần phải tiến hành sửa chữa hoặc thay van tim.

Tim được chia thành 4 ngăn và có 4 van giúp điều hòa lượng máu theo từng nhịp đập. Bốn van tim lần lượt là van ba lá, van hai lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ. Các van này sẽ chuyển động đóng, mở theo từng nhịp tim đập và có chức năng giữ cho máu chảy đúng hướng qua bốn ngăn tim rồi đi đến các cơ quan trong cơ thể.

Dị tật bẩm sinh, những vấn đề liên quan đến tuổi tác, nhiễm trùng hay nhiều lý do khác có thể khiến cho một hoặc nhiều van tim không đóng hoàn toàn. Từ đó, máu sẽ chảy ngược trở lại các ngăn tim. Điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn và ảnh hưởng đến khả năng bơm máu. Tình trạng này được gọi là hở van tim.

Bệnh hở van tim có chữa được không?

Bệnh hở van tim có chữa được không

Bệnh hở van tim có chữa được không tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh

Hở van tim nhẹ có chữa được không? Một số người hở van tim nhẹ có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào cũng như không cần phải điều trị. Họ vẫn sống với tình trạng này đến hết đời mà không gặp phải vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên ở một số người, bệnh hở van tim có khả năng tiến triển dần đến khi xuất hiện các triệu chứng. Lúc này, nếu không được điều trị thì bệnh có thể gây suy tim, đột quỵ, đông máu hoặc dẫn đến tử vong do ngừng tim đột ngột. Lựa chọn cuối cùng khi hở van tim nghiêm trọng là thực hiện phẫu thuật để sửa hoặc thay van tim mới.

Bệnh hở van tim có chữa được không tùy vào phương pháp điều trị

Sử dụng thuốc là một cách điều trị hở van tim

Bệnh hở van tim có chữa được không bằng thuốc? Hiện nay, chưa có loại thuốc trị hở van tim khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định một vài thuốc cho bạn để điều trị các triệu chứng do hở van tim gây ra hoặc phòng ngừa biến chứng tim mạch nghiêm trọng có thể xảy ra. Những loại thuốc chữa bệnh hở van tim gồm:

  • Thuốc hạ huyết áp hoặc làm giảm nồng độ cholesterol trong máu
  • Thuốc ngăn ngừa rối loạn nhịp tim
  • Thuốc làm loãng máu và ngăn ngừa hình thành cục máu đông (nếu bạn đã phẫu thuật thay van tim)
  • Thuốc điều trị bệnh mạch vành để giảm bớt gánh nặng cho tim, giảm nhẹ các triệu chứng
  • Thuốc điều trị suy tim giúp mở rộng các mạch máu và thải trừ bớt dịch dư thừa trong cơ thể (chẳng hạn như thuốc lợi tiểu)

Cách điều trị bệnh hở van tim can thiệp: Sửa hoặc thay van tim

thay van tim - Bệnh hở van tim có chữa được không
Một số van tim nhân tạo được dùng để thay thế cho van tim bị hư hỏng

Bệnh hở van tim có chữa được không? Trong một số trường hợp hở van tim nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị một cách chữa hở van tim khác là phẫu thuật để sửa hoặc thay van tim mới. Việc này giúp phòng ngừa thiệt hại lâu dài cho tim và giảm nguy cơ đột tử.

Bệnh hở van tim có chữa được không, cũng như quyết định sửa hoặc thay van tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng hở van tim
  • Khi bạn cũng cần phẫu thuật để điều trị một bệnh lý về tim khác (chẳng hạn như bệnh mạch vành)
  • Tuổi tác và sức khỏe tổng thể

Nếu có thể, phương pháp giúp sửa van tim được ưu tiên hơn là thay van nhân tạo bởi vì cơ tim sẽ được cải thiện sức mạnh và phục hồi lại chức năng nhiều nhất có thể. Người bệnh sau khi phẫu thuật sửa van tim cũng ít có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn hơn là thay van tim. Hơn thế nữa, người bệnh cũng không cần uống thuốc làm loãng máu suốt đời.

Tuy vậy thì phẫu thuật sửa chữa khó thực hiện hơn so với thay van tim. Ngoài ra, không phải tất cả các van đều có thể chỉnh sửa được. Van hai lá có khả năng được phẫu thuật chỉnh sửa nhưng van động mạch chủvan động mạch phổi thường phải thay thế hoàn toàn.

Sửa van tim để điều trị hở van tim

Bác sĩ phẫu thuật sẽ chỉnh sửa lại van tim bằng cách:

  • Vá lỗ hở ở van tim
  • Định hình lại các mô ở van tim để chúng đóng chặt hơn
  • Tách dính lá van

Đôi khi, bác sĩ điều chỉnh van tim bằng cách đặt ống thông (cather). Mặc dù thủ thuật đặt ống thông ít xâm lấn hơn phẫu thuật nhưng có thể không mang lại hiệu quả tốt cho một số người bệnh. Hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn và lựa chọn cách thức sửa van tim phù hợp nhất.

Thay van tim – Cách chữa hở van tim được lựa chọn cuối cùng

Bệnh hở van tim có chữa được không? Đôi khi, van tim không thể sửa chữa được mà cần phải phẫu thuật để thay van tim mới. Bác sĩ sẽ loại bỏ van tim và thay thế bằng van nhân tạo hoặc van sinh học.

Van tim sinh học được làm từ heo, bò hoặc mô tim của con người và có thể có những phần nhân tạo khác. Tuy nhiên, khi thay thế bằng van loại này, người bệnh cần sử dụng thuốc chống thải ghép để ngăn ngừa hệ miễn dịch đào thải tác nhân lạ ra khỏi cơ thể (thải ghép).

Van nhân tạo có thể tồn tại trong cơ thể lâu hơn van sinh học và thường không cần phải thay mới. Van sinh học có khi phải được thay mới sau khoảng 10 năm, có khi lâu hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng van nhân tạo thì bạn phải sử dụng thuốc làm loãng máu suốt đời.

Thuốc làm loãng máu sẽ giúp ngăn ngừa cục máu đông hình thành trên van tim nhân tạo. Nếu để huyết khối hình thành tại đây thì cơn đau tim hoặc đột quỵ có thể xảy ra. Hơn thế, van nhân tạo còn có khả năng gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cao hơn dùng van sinh học. Hãy cùng thảo luận với bác sĩ để đưa ra quyết định phù hợp với mong muốn của bản thân nhất.

Các phương pháp khác giúp sửa và thay van tim

Ngày nay, bên cạnh phẫu thuật truyền thống giúp điều trị hở van tim, bác sĩ thường đề nghị một số phương pháp giúp chỉnh sửa và thay van tim ít xâm lấn hơn. Các phương pháp này chỉ tạo ra những vết mổ nhỏ hơn để tiếp cận đến van tim. Thời gian nằm viện cũng được rút ngắn, còn khoảng 3–5 ngày so với phẫu thuật truyền thống cần hơn 5 ngày theo dõi hậu phẫu.

Các phương pháp mới có xu hướng ít gây đau đớn hơn cho người bệnh và giảm bớt nguy cơ nhiễm trùng. Không những thế, thời gian phục hồi cũng nhanh hơn, khoảng 2–4 tuần so với phẫu thuật truyền thống là 6–8 tuần.

Thay đổi lối sống giúp hỗ trợ điều trị hở van tim

Bệnh hở van tim có chữa được không
Thay đổi chế độ ăn, tập luyện thể dục điều độ giúp phòng ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm

Bệnh hở van tim có chữa được không sẽ còn tùy thuộc vào việc bệnh nhân có biết tự chăm sóc sức khỏe bản thân hay không. Để hỗ trợ điều trị các bệnh về tim liên quan đến tình trạng hở van tim, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên thay đổi lối sống để tăng cường sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như:

  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh cho tim
  • Giữ cân nặng tốt cho sức khỏe
  • Kiểm soát các căng thẳng trong cuộc sống
  • Cố gắng hoạt động thể chất thường xuyên
  • Bỏ hút thuốc

Sống khỏe cùng căn bệnh hở van tim

Bệnh hở van tim có chữa được không thì đây vẫn là một bệnh lý mà bạn phải chung sống suốt đời. Cho dù ở mức độ nào, nếu bạn biết bản thân bị hở van tim thì hãy đến gặp bác sĩ thường xuyên để kiểm tra, theo dõi tiến triển của bệnh. Bạn sẽ được siêu âm tim, làm một số xét nghiệm cần thiết khác và có biện pháp điều trị hở van tim kịp thời.

Ngay cả sau khi bạn thực hiện phẫu thuật sửa hay thay van tim mới thì cũng phải phòng ngừa các vấn đề tim mạch có khả năng xảy ra trong tương lai. Nếu nhận thấy các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn hoặc xuất hiện những triệu chứng mới, bạn cần liên lạc ngay với bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng cần hỏi bác sĩ về những cách giúp thay đổi lối sống sao cho trái tim luôn khỏe mạnh.

Một trong những biến chứng nguy hiểm mà bạn cần ngăn ngừa khi bị hở van tim đó là viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Tình trạng nhiễm trùng này có thể phá hủy van tim và dẫn đến tử vong.

Những người có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bao gồm:

  • Đã từng phẫu thuật sửa hoặc thay van tim
  • Từng có một đợt viêm nội tâm mạc trước đó
  • Có các bệnh tim mắc phải (như bệnh thấp tim)
  • Có các loại bệnh van tim khác, ngoại trừ sa van hai lá mà không bị hở/rò rỉ

Bạn cần đến trung tâm y tế ngay khi phát hiện có những triệu chứng của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, như là:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đau cơ
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Khó thở
  • Mệt mỏi, yếu ớt
  • Xuất hiện đốm đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân
  • Sưng bàn chân, cẳng chân và bụng

Cuối cùng, bạn nhớ sử dụng đầy đủ các thuốc trị hở van tim theo chỉ định của bác sĩ. Đừng quá lo lắng, bạn hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với căn bệnh này nhờ những cách điều trị phù hợp.

Hi vọng với những thông tin trên, bạn đã trả lời được thắc mắc bệnh hở van tim có chữa được không cũng như hiểu thêm về những lựa chọn trong điều trị căn bệnh này. Việc thăm khám và điều trị sớm sẽ là “chìa khóa” giúp bạn sống lâu hơn với bệnh.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Heart Valve Disease. https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/heart-valve-disease. Ngày truy cập: 27/10/2019

Heart valve disease. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-valve-disease/diagnosis-treatment/drc-20353732. Ngày truy cập: 27/10/2019

Valve Disease: Living with Valve Disease. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17182-valve-disease-living-with-valve-disease. Ngày truy cập: 27/10/2019

Heart Valve Diseases. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/heart-valve-diseases. Ngày truy cập: 17/07/2023

Valvular Heart Disease. https://www.cdc.gov/heartdisease/valvular_disease.htm. Ngày truy cập: 17/07/2023

Heart valve disease. https://www.bhf.org.uk/informationsupport/conditions/heart-valve-disease. Ngày truy cập: 17/07/2023

Heart Valve Problems and Causes. https://www.heart.org/en/health-topics/heart-valve-problems-and-disease/heart-valve-problems-and-causes. Ngày truy cập: 17/07/2023

Heart Valve Diseases. https://medlineplus.gov/heartvalvediseases.html. Ngày truy cập: 17/07/2023

Phiên bản hiện tại

17/07/2023

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Hở van tim 3 lá 1/4: Chớ tưởng nhẹ mà xem thường!

Thay van tim có nguy hiểm không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 17/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo